Lịch sử 6/Những cuộc khởi nghĩa lớn trong các thế kỉ VII – IX

From Wikiversity

Dưới ách đô hộ của nhà Đường, nước ta có gì thay đổi?[edit]

Năm 618, nhà Đường được thành lập ở Trung Quốc. Nước ta lại chịu sự thống trị của nhà Đường. Năm 679, nhà Đường đổi Giao Châu thành An Nam đô hộ phủ. Các châu, huyện do người Trung Quốc cai trị, dưới huyện là hương và xã vẫn do người Việt tự cai quản.

Ở miền núi, các châu vẫn do các tù trưởng địa phương cai quản. Trụ sở của phủ đô hộ đặt ở Tống Bình (Hà Nội).

Nhà Đường cho sửa sang các đường giao thông thuỷ, bộ từ Trung Quốc sang Tống Bình và từ Tống Bình tới các quận, huyện. Ở Tống Bình và một số quận, huyện quan trọng, nhà Đường cho xây thành, đắp luỹ và tăng thêm số quân đồn trú...

Ngoài thuế ruộng đất, nhà Đường đặt ra nhiều thứ thuế như thuế muối, thuế sắt, thuế đay, gai, tơ lụa,... Hằng năm, nhân dân ta phải cống nạp những sản vật quý hiếm như ngọc trai, ngà voi, sừng tê, đồi mồi, trầm hương, vàng, bạc,...

Khởi nghĩa Mai Thúc Loan (đầu thế kỉ VIII)[edit]

Mai Thúc Loan người làng Mai Phụ (còn có tên là Kề Mồm), một làng chuyên làm muối ở cửa biển Thạch Hà (huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh). Dân cư ở đây phần lớn mang họ Mai. Sau, mẹ ông đưa con sang sống ở Ngọc Trừng (huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An). Ngay từ nhỏ, Mai Thúc Loan đã phải kiếm củi, chăn trâu, cày ruộng cho nhà giàu. Ông rất khôi ngô, tuấn tú.

Khoảng đầu những năm 10 của thế kỉ VIII, nhân phải tham gia đoàn dân phu gánh sản vật cống nộp, Mai Thúc Loan đã kêu gọi những người dân phu bỏ về quê, mộ binh nổi dậy.

Nghĩa quân nhanh chóng chiếm thành Hoan Châu. Nhân dân Ái Châu, Diễn Châu nổi dậy hưởng ứng. Mai Thúc Loan chọn vùng Sa Nam (Nam Đàn) để xây dựng căn cứ. Sau đó ông xưng đế, nhân dân thường gọi là Mai Hắc Đế (Vua Đen), xây dựng thành Vạn An làm quốc đô.

Mai Hắc Đế liên kết với nhân dân khắp Giao Châu và cả nhân dân Lâm Ấp, Chân Lạp,... kéo quân tấn công thành Tông Bình. Viên đô hộ Giao Châu là Quang Sở Khách phải chạy về Trung Quốc. Nền độc lập, tự chủ của dân tộc được duy trì trong gần một thập kỉ (713 – 722).

Năm 722, nhà Đường cử Dương Tư Húc đem 10 vạn quân sang đàn áp. Mai Hắc Đế thua trận. Quân giặc điên cuồng tàn sát nghĩa quân và nhân dân.

Hiện nay, ở trên núi Vệ và trong thung lũng Hùng Sơn vẫn còn đền thờ Mai Hắc Đế.

Khởi nghĩa Phùng Hưng (trong khoảng 776 – 791)[edit]

Đường Lâm (Sơn Tây – Hà Nội) là quê của Phùng Hưng. Họ Phùng nối đời làm thủ lĩnh gọi là quan lang. Năm Phùng Hưng 18 tuổi, cha mẹ qua đời. Ông đã nối nghiệp cha làm quan lang ở Đường Lâm. Là người rất khỏe, có sức vật nổi trâu, đánh được hổ, Phùng Hưng lại giàu lòng thương người, hay giúp đỡ người nghèo khổ. Nhân dân trong vùng ai cũng mến phục.

Khoảng năm 776, Phùng Hưng cùng em là Phùng Hải đã họp quân khởi nghĩa ở Đường Lâm. Nhân dân các vùng xung quanh nổi dậy hưởng ứng và giành được quyền làm chủ vùng đất của mình.

Ít lâu sau, Phùng Hưng kéo quân về bao vây phủ thành Tống Bình. Viên đô hộ là Cao Chính Bình phải rút vào thành cố thủ, rồi sinh bệnh chết. Phùng Hưng chiếm được thành, sắp đặt việc cai trị.

Phùng Hưng mất, con trai là Phùng An nối nghiệp cha. Năm 791, nhà Đường đem đại quân sang đàn áp, Phùng An ra hàng.

Tham khảo[edit]

  • SGK Lịch sử 6, NXB Giáo dục Việt Nam, 2019.