Lịch sử 8/Ôn tập lịch sử thế giới hiện đại (Phần từ năm 1917 đến năm 1945)

From Wikiversity

Câu hỏi[edit]

1. Bảng thống kê những sự kiện lịch sử chính của lịch sử hiện đại từ năm 1917 – 1945 theo mẫu

Niên đại Những sự kiện chính Kết quả
Tháng 2-1917 – Cách mạng dân chủ tư sản Nga thắng lợi. – Lật đổ chế độ Nga Hoàng.

– Hai chính quyền song song tồn tại.

7-11-1917 – Cách mạng xã hội chủ nghĩa tháng 10 Nga thắng lợi. – Lật đổ chính phủ lâm thời tư sản.

– Thành lập nước Cộng hòa Xô Viết và chính phủ Xô Viết, xóa bỏ chế độ người bóc lột người, xây dựng chế độ mới.

1918 – 1921 – Cuộc đấu tranh xây dựng và bảo vệ chính quyến xô Viết. – Xây dựng hệ thống chính trị – nhà nước mới, thực hiện các cải cách xã hội chủ nghĩa, đánh thắng thù trong giặc ngoài.
1921 – 1941 – Liên Xô xây dựng CNXH. – Công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa, tập thể hóa nông nghiệp.

– Liên Xô từ nước nông nghiệp trở thành cường quốc công nghiệp xã hội chủ nghĩa.

1918 – 1923 – Cao trào cách mạng ở Châu Âu, châu Á. – Các đảng cộng sản thành lập.

– Quốc tế cộng sản thành lập và lãnh đạo phong trào.

1924 – 1929 – Thời kỳ ổn định và phát triển của CNTB. – Sản xuất công nghiệp phát triển nhanh, chính trị ổn định.
1929 – 1933 – Khủng hoảng kinh tế ở Mỹ và lan rộng ra toàn thế giới tư bản. – Kinh tế giảm sút nghiêm trọng, thất nghiệp, bất ổn về chính trị.
1933 – 1939 – Các nước tư bản tìm cách thoát khỏi khủng hoảng kinh tế. – Đức – Ý – Nhật phát xít hóa chế độ chính trị, chuẩn bị chiến tranh bành trướng xâm lược.

– Anh – Pháp – Mỹ thực hiện cải cách kinh tế, chính trị, duy trì chế độ dân chủ tư sản.

1939 – 1945 – Chiến tranh thế giới thứ hai. – Thế giới trong tình trạng chiến tranh.

– CNPX Đức – Ý -Nhật thất bại hoàn toàn

– Thắng lợi về Liên Xô, các nước đồng minh và nhân loại tiến bộ trên toàn thế giới.

2. Kể những sự kiện tiêu biểu nhất trong các sự kiện từ năm 1917 – 1945

  • Cách mạng xã hội chủ nghĩa tháng Mười Nga năm 1917.
  • Cao trào cách mạng ở châu Âu năm 1918 – 1923
  • Phong trào độc lập dân tộc ở châu Á.
  • Cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới năm 1929 – 1933.
  • Chiến tranh thế giới thứ hai 1939 – 1945.

3. So với thời cận đại, trong phong trào công nhân ở các nước Âu – Mỹ, thời hiện đại xuất hiện những nhân tố mới nào có ý nghĩa nhất?

  • Cận đại: học thuyết Mác thâm nhập vào phong trào công nhân, ý thức giác ngộ cao – Quốc tế thứ hai.
  • Hiện đại: giai cấp vô sản đã từng bước trưởng thành và tham gia lãnh đạo phong trào cách mạng, các Đảng cộng sản thành lập – Quốc tế thứ III (Quốc tế Cộng sản)

4. So với thời cận đại, trong phong trào đấu tranh dân tộc ở các nước thuộc địa và nửa thuộc địa thời hiện đại đã xuất hiện nhân tố gì mới có ý nghĩa nhất?

Giai cấp công nhân tích cực tham gia đấu tranh và giữ vị trí lãnh đạo, các Đảng Cộng sản được thành lập và giữ vai trò lãnh đạo cách mạng.

5. Chọn một số sự kiện lịch sử tiêu biểu từ 1917 – 1945, giải thích lý do chọn sự kiện đó:

  • Cách mạng tháng Mười Nga năm 1917 thành công, chủ nghĩa xã hội trở thành hiện thực ở một nước đã tác động to lớn đến tình hình thế giới.
  • Phong trào cách mạng ở các nước tư bản Âu – Mỹ 1918 – 1923 lên cao và có bước chuyển biến mới, ở nhiều nước Đảng Cộng sản ra đời, Quốc tế Cộng sản thành lập và lãnh đạo cách mạng đi theo con đường cách mạng tháng Mười.
  • Trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc ở Châu Á, cùng với sự phát triển của phong trào tư sản, giai cấp tư sản bắt đầu trưởng thành và tham gia lãnh đạo cách mạng.
  • Sau vài năm phát triển, các nước tư bản lâm vào cuộc khủng hoảng kinh tế 1929 – 1933 dẫn đến sự thắng lợi và lên cầm quyền của chủ nghĩa phát xít Đức, Ý, Nhật. Trong khi đó để thoát khỏi khủng hoảng kinh tế, Anh – Pháp – Mỹ thực hiện cải cách kinh tế – xã hội.
  • Chiến tranh thế giới thứ hai 1939 – 1945 gây ra những tổn thất khủng khiếp nhất trong lịch sử nhân loại, đã kết thúc một thời kỳ phát triển của lịch sử thế giới hiện đại.

Tham khảo[edit]

  • SGK Lịch sử 8, NXB Giáo dục Việt Nam, 2019.