Lịch sử 9/Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 và sự thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa

From Wikiversity

Lệnh tổng khởi nghĩa được ban bố[edit]

Hoàn cảnh lịch sử[edit]

Điều kiện bùng nổ: Một cuộc tổng khởi nghĩa chỉ có thể thắng lợi khi có đủ những điều kiện chủ quan, khách quan và nổ ra đúng thời cơ.

- Về chủ quan:

+ Đảng đã có sự chuẩn bị đầy đủ về đường lối và phương pháp cách mạng, thể hiện tập trung cao độ ở Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (5/1941)…

+ Lực lượng cách mạng cũng được chuẩn bị chu đáo trong 15 năm kể từ khi Đảng ra đời, được rèn luyện qua nhiều phong trào cách mạng. Đến tháng 8/1945, toàn Đảng, toàn dân đã sẵn sàng, chủ động, kiên quyết hy sinh phấn đấu giành độc lập tự do.

+ Tầng lớp trung gian: khi Nhật đảo chính Pháp mới chỉ hoang mang dao động, nhưng đến lúc này đã thấy rõ bản chất xâm lược của Nhật, chán ngán những chính sách của Nhật, nên đã ngả hẳn về phía cách mạng.

- Về khách quan:

+ Ngày 15/8/1945, Nhật hoàng tuyên bố đầu hàng Đồng minh không điều kiện. Quân Nhật ở Đông Dương rệu rã, Chính phủ Trần Trọng Kim hoang mang, lo sợ đến cực điểm. Điều kiện khách quan thuận lợi cho Tổng khởi nghĩa đã đến. Thời cơ cách mạng xuất hiện.

+ Tuy nhiên, một nguy cơ mới đang dần đến. Quân đội các nước đế quốc với danh nghĩa quân Đồng Minh chuẩn bị vào Đông Dương để giải giáp quân đội Nhật. Những thế lực phản động trong nước cũng đang tìm cách thay thầy đổi chủ. Chính vì thế, vấn đề giành chính quyền được đặt ra như một cuộc chạy đua nước rút với quân Đồng minh mà nhân dân Việt Nam không thể chậm trễ.

Diễn biến[edit]

- Đảng kịp thời phát động khởi nghĩa:

+ Ngày 13/8/1945, Trung ương Đảng và Tổng bộ Việt Minh thành lập Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc. 23 giờ cùng ngày, Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc ban bố Quân Lệnh số 1, chính thức phát lệnh Tổng khởi nghĩa trong toàn quốc.

+ Từ ngày 14 đến ngày 15/8/1945, Hội nghị toàn quốc của Đảng họp tại Tân Trào, thông qua kế hoạch lãnh đạo toàn dân Tổng khởi nghĩa.

+ Tiếp đó, từ ngày 16 đến ngày 17/8/1945, Đại hội Quốc dân ở Tân Trào tán thành chủ trương Tổng khởi nghĩa của Đảng, thông qua 10 chính sách của Việt Minh, cử ra Ủy ban Dân tộc giải phóng Việt Nam do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch.

Giành chính quyền ở Hà Nội[edit]

- Từ sau khi Nhật đảo chính Pháp, không khí cách mạng ngày càng sôi sục.

- Ngày 15-8-1945, mệnh lệnh khởi nghĩa về tới Hà Nội, phong trào chuẩn bị khởi nghĩa rất khẩn trương với nhiều hình thức: diễn thuyết công khai, truyền đơn, biểu ngữ.

- Ngày 19-8-1945, một cuộc biểu tình lớn ở Quảng Trường Nhà hát thành phố do Mặt trận Việt Minh tổ chức, kêu gọi nhân dân đứng lên giành chính quyền – Bài Tiến Quân ca lần đầu tiên vang lên, không khí cách mạng sục sôi hơn bao giờ hết.

- Sau đó là cuộc biểu tình đánh chiếm các công sở của địch, cuộc khởi nghĩa ở thủ đô Hà Nội đã thắng lợi.

* Ý nghĩa : cổ vũ cả nước, làm kẻ thù hoang mang, dao động.

Giành chính quyền trong cả nước[edit]

+ Tính đến 18-8 đã có 4 tỉnh giành được chính quyền : Bắc Giang, Hải Dương, Hà Tĩnh, Quảng Nam

+ Ngày 23-8-1945, giành chính quyền ở Huế

+ Ở Sài Gòn ngày 25-8-1945, chính quyền về tay nhân dân.


+ Thắng lợi của khởi nghĩa ở Hà nội – Huế – Sài Gòn đã cổ vũ cho các tỉnh, huyện vùng lên khởi nghĩa giành chính quyền. Đến cuối tháng 8-1945, chính quyền cách mạng đã được thành lập trong cả nước. Bộ máy nhà nước đế quốc phong kiến tan rã, nhanh chóng đầu hàng cách mạng, vua Bảo Đại thoái vị (30-8) và nộp ấn kiếm cho chính quyền cách mạng.

- Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Mặt trận Việt Minh tổ chức buổi lễ ra mắt Chính phủ lâm thời. Chủ tịch Hồ Chí Minh trịnh trọng đọc bản tuyên ngôn độc lập, tuyên bố trước quốc dân và thế giới rằng nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra đời.

=> Như vậy là Cách mạng tháng Tám đã thành công trong toàn quốc tương đối nhanh chóng và ít đổ máu.

Ý nghĩa lịch sử và nguyên nhân thành công của cuộc cách mạng tháng 8[edit]

Ý nghĩa[edit]

- Đối với Việt Nam:

+ Mở ra bước ngoặt lớn trong lịch sử dân tộc, phá tan xiềng xích nô lệ của thực dân Pháp hơn 80 năm và của phát xít Nhật gần 5 năm, chấm dứt chế độ phong kiến, lập nên Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

+ Mở đầu kỷ nguyên mới của dân tộc: kỷ nguyên độc lập, tự do, kỷ nguyên nhân dân lao động nắm chính quyền, làm chủ đất nước.

+ Đảng Cộng sản Đông Dương từ chỗ phải hoạt động bí mật, bất hợp pháp, trở thành một Đảng cầm quyền và hoạt động công khai. Nhân dân Việt Nam từ địa vị nô lệ, bước lên địa vị người làm chủ đất nước.

- Đối với thế giới:

+ Góp phần vào thắng lợi của cuộc chiến tranh chống chủ nghĩa phát xít; chọc thủng khâu yếu nhất trong hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc.

+ Cổ vũ các dân tộc thuộc địa trong cuộc đấu tranh tự giải phóng; có ảnh hưởng trực tiếp đến cách mạng Lào và Cam-pu-chia.

Nguyên nhân thành công[edit]

- Nguyên nhân khách quan: Chiến thắng của quân Đồng minh trong cuộc chiến tranh chống phát xít đã tạo cơ hội thuận lợi cho nhân dân Việt Nam đứng lên Tổng khởi nghĩa.

- Nguyên nhân chủ quan:

+ Dân tộc Việt Nam vốn có truyền thống yêu nước nồng nàn, từng trải qua những cuộc đấu tranh kiên cường, bất khuất cho độc lập, tự do. Vì vậy, khi Đảng Cộng sản Đông Dương và Mặt trận Việt Minh phất cao ngọn cờ cứu nước thì toàn thể nhân dân nhất tề đứng lên cứu nước cứu nhà.

+ Có sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã đề ra đường lối cách mạng đúng đắn, sáng tạo. Đảng đã có quá trình chuẩn bị lâu dài, chu đáo, rút kinh nghiệm qua thực tiễn đấu tranh, đặc biệt là lãnh đạo chuẩn bị lực lượng chính trị, lực lượng vũ trang và căn cứ địa cách mạng trong giai đoạn vận động giải phóng dân tộc 1939-1945. Các cấp bộ Đảng và Việt Minh từ trung ương đến địa phương linh hoạt, sáng tạo chỉ đạo khởi nghĩa, chớp thời cơ phát động quần chúng nổi dậy giành chính quyền.

3. Bài học kinh nghiệm

- Về chỉ đạo chiến lược: Đảng vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác Lênin vào thực tiễn cách mạng Việt Nam, nắm bắt diễn biến tình hình thế giới và trong nước để thay đổi chủ trương cho phù hợp; giải quyết đúng mối quan hệ giữa hai nhiệm vụ độc lập dân tộc và cách mạng ruộng đất, đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu.

- Về xây dựng lực lượng: Tập hợp, tổ chức đoàn kết lực lượng cách mạng trong một mặt trận dân tộc thống nhất rộng rãi, tạo nên sức mạnh toàn dân, phân hóa và cô lập cao độ kẻ thù đế quốc tay sai để đánh đổ chúng.

- Về phương pháp cách mạng: Sử dụng bạo lực cách mạng của quần chúng, kết hợp với lực lượng chính trị với lực lượng vũ trang, kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang, đi từ khởi nghĩa từng phần và chiến tranh du kích cục bộ ở nông thôn, tiến lên chớp đúng thời cơ Tổng khởi nghĩa ở cả nông thôn và thành thị, đập tan bộ máy chính quyền của đế quốc và tay sai, thiết lập chính quyền cách mạng.

- Về xây dựng Đảng: Luôn kết hợp giữa tổ chức và đấu tranh, làm cho Đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, đủ năng lực và uy tính lãnh đạo cách mạng thành công.

Tham khảo[edit]

  • SGK Lịch sử 9 (trang 92, 93, 94, 95) - NXB Giáo dục Việt Nam ; Tái bản lần thứ mười lăm.