Suy yếu của nhà Chu
Sau khi kinh đô (Cảo) bị các bộ tộc rợ phía tây cướp bóc, Chu Bình Vương (Cơ Nghi Cữu) chạy sang phía Đông. Trong khi rút chạy từ thủ đô phía tây về phía đông, vị vua Chu nhờ các vị vương hầu ở gần đó là Tần (秦), Trịnh (鄭) và Tấn (晉) bảo vệ khỏi các rợ và các vị vương hầu phản loạn. Ông dời đô thành của Chu từ Cảo Kinh (nay thuộc Thiểm Tây) đến Lạc Ấp (nay thuộc Lạc Dương) ở châu thổ sông Hoàng Hà.
Vị vua trốn chạy nhà Chu không có được vị trí chắc chắn trên vùng lãnh thổ phía đông; thậm chí cả lễ lên ngôi của thế tử cũng phải nhờ sự trợ giúp của các vị vương hầu trên mới diễn ra được. Với sự sút giảm lớn về đất đai, chỉ còn giới hạn ở Lạc Dương và các vùng xung quanh, triều đình Chu không còn có thể duy trì sáu đội quân thường trực (lục quân). Các vị vua nhà Chu tiếp sau cần sự trợ giúp của các chư hầu hùng mạnh xung quanh để bảo vệ họ khỏi các cuộc cướp bóc và để giải quyết các cuộc tranh giành quyền lực bên trong. Triều đình nhà Chu không bao giờ còn lấy lại được quyền lực trước đó của họ; họ chỉ còn đơn thuần là một triều đình bù nhìn của các chư hầu phong kiến. Mặc dù nhà Chu trên danh nghĩa vẫn đang nắm Thiên Mệnh, danh hiệu không hề có quyền lực.