Đế chế Tần thuỷ hoàng
Dưới sự lãnh đạo của Tần Thủy Hoàng và thừa tướng Lý Tư, Tần Thuỷ Hoàng đã tạo ra một triều đình được coi là kiểu mẫu cho các triều đại sau của Trung Quốc. Để tránh họa chư hầu cát cứ đời nhà Chu, hoàng đế loại bỏ phong đất đặt chư hầu mà triệt để thi hành chế độ quận huyện, chia cả nước thành 36 quận (郡) (sau đó tăng lên 40 quận); quận thú, huyện lệnh do triều đình bổ nhiệm, có thể điều động bất cứ lúc nào. Nhằm suy giảm quyền lực của tầng lớp quý tộc, ông tịch thu đất đai của họ và phân chia chúng cho nông dân. Nhằm tạo thuận lợi cho việc thu thuế, triều đình thu thuế trực tiếp từ nông dân mà không cần qua tay tầng lớp quý tộc.
Tần Thủy Hoàng cũng bắt tay vào các chiến dịch đầy tham vọng nhằm tiêu chuẩn hoá hệ thống tiền tệ, đi lại, đo lường, và văn tự. Ông cùng Lý Tư đưa những trường phái Pháp gia khắc nghiệt nhất vào thực thi. Các luật lệ của nhà Tần rất chặt chẽ và khắc nghiệt, đặc biệt đối với người trong triều đình. Hình phạt cho tham nhũng dành cho mọi thành viên triều đình là tử hình. Hoàng đế và những cận thần theo trường phái pháp gia thời đó tin vào việc tập trung hoá về tư tưởng, lo ngại bất kỳ một tư tưởng nào khác ngoài Pháp gia có thể dẫn tới việc nổi loạn. Vì thế, mọi trường phái tư tưởng khác bị đàn áp, đặc biệt là Nho giáo, chấm dứt thời kỳ tự do tư tưởng. Nhà Tần cũng mạnh tay đối với thương mại, cấm chủ nghĩa trọng thương, đánh thuế nặng đối với thương nhân, và hành quyết các thương nhân vì những lỗi nhỏ nhất.
Trong những năm cầm quyền của mình, Tần Thủy Hoàng và thừa tướng Lý Tư đã thống nhất đơn vị đo lường và tiền tệ trên toàn Trung Hoa. Hoàng đế cũng cho thống nhất chiều dài trục bánh xe để tiện việc vận chuyển đường bộ, xây dựng thêm nhiều hệ thống đường sá, kênh mương kết nối các vùng miền với nhau để người dân được thuận tiện hơn trong việc đi lại.
Thời Chiến Quốc, văn tự ở mỗi nước ít nhiều có những sự khác nhau. Quan lại Tần đi cai trị đất đai chư hầu cũ nhiều khi không hiểu được văn tự tại địa phương, khó làm tốt việc. Vì vậy, Tần Thủy Hoàng ra lệnh mọi văn bản trên toàn quốc đều sử dụng một loại văn tự được chuẩn hóa bởi Lý Tư, nhờ đó mà thống nhất được chữ viết trên toàn quốc.
Ở phía Bắc, tộc người Hung Nô thường xuyên quấy nhiễu biên giới. Để chống người Hung Nô xâm lấn, Tần Thủy Hoàng đã ra lệnh xây dựng một bức tường phòng thủ rộng lớn, huy động hàng triệu người đã xây được một hệ thống tường thành khổng lồ, là tiền thân của Vạn Lý Trường Thành hiện tại. Trường Thành được xây kết nối nhiều khúc tường thành đã được xây dựng bởi các nước Tần, Triệu, Yên, trải dài hơn 5000km từ Lâm Thao (nay thuộc tỉnh Cam Túc) ở phía tây đến Liêu Đông (nay ở tây bắc Liêu Dương, tỉnh Liêu Ninh) ở phía đông, tạo nên một mạng lưới tường thành nối các tuyến phòng thủ ở sông tới những vách đá không thể vượt qua. Uớc tính có đến hàng trăm ngàn người, thậm chí có thể lên tới một triệu người đã chết khi xây trường thành thời nhà Tần.
Sau khi thống nhất đất nước, Tần Thủy Hoàng di chuyển ra khỏi cung điện Hàm Dương và bắt đầu xây dựng Cung A Phòng khổng lồ về phía nam của sông Vị, dựa trên tên người thiếp yêu nhất của Tần Thủy Hoàng. Để xây dựng công trình này, triều đình phải dùng tới 70 vạn tù nhân để cất, chở đá từ các núi phương bắc xuống, chở gỗ từ các rừng phương nam lên. Ngay từ khi xây dựng, cung A Phòng đã là một công trình gây tranh cãi, làm hao tiền, tốn của, kiệt quệ sức dân và mang tới cho vị hoàng đế không ít lửa hận thù từ muôn dân trăm họ. Không chỉ vậy, trong một khoảng mà bán kính dài trên trăm cây số chung quanh kinh đô, còn xây thêm khoảng 270 cung điện. Bao nhiêu châu báu, nhạc công và vũ nữ của lục quốc, ông gom cả về đó để làm vui tai vui mắt. Tương truyền cuối đời Tần, kinh đô bị chiếm và cung điện bị đốt cháy, ba tháng sau ngọn lửa mới tắt.
Nhìn chung, mặc dù đạt được những thành tựu lớn, Tần Thủy Hoàng thời đó bị nhiều người căm hận. Những quý tộc bị tước hết quyền lợi, đối xử cay đắng căm hận ông. Những trí thức chống đối tư tưởng của ông căm ghét ông. Ông còn bị căm hận vì là một kẻ chinh phục và đánh thuế nặng nề, đặt ra nhiều luật lệ hà khắc, ép nhiều dân thường lao động đến chết để xây dựng những đại dự án của ông.
Năm 214 TCN, Tần Thủy Hoàng để lại 10 vạn quân ở phía bắc và đưa hơn 50 vạn quân xuống phía nam để chinh phục lãnh thổ của các bộ lạc phía nam. Quân Tần không quen thuộc với địa hình rừng rậm, bị đánh bại bởi chiến thuật đánh du kích của các bộ lạc phía nam, mất hơn 10 vạn quân. Tuy thua trận ở những chiến dịch đầu tiên, quân Tần đã thành công trong việc xây dựng hệ thống kênh đào, giúp vận chuyển rất nhiều quân lương để củng cố đội quân trong cuộc tấn công thứ hai vào miền nam. Sau đó, quân Tần chinh phục thành công các vùng đất thuộc các tỉnh Chiết Giang, Quảng Đông, Quảng Tây, Vân Nam ngày nay, và một phần vùng đất hiện nay thuộc miền bắc Việt Nam. Sau những chiến thắng ở miền Nam, Tần Thủy Hoàng đã cho di chuyển hơn 10 vạn tù nhân và những người bị đi đày đến các khu vực mới này nhằm thuộc địa hóa chúng