Địa lí 9/Phân bố dân cư và các loại hình quần cư
Dân cư Việt Nam tập trung đông đúc ở đồng bằng và đô thị, thưa thớt ở miền núi. Ở từng nơi, người dân lựa chọn loại hình quần cư phù hợp với điều kiện sống và hoạt động sản xuất của mình, tạo nên sự đa dạng về hình thức quần cư ở nước ta.
Mật độ dân số và phân bố dân cư
[edit]Việt Nam nằm trong số các nước có mật độ cao trên thế giới.
Cùng với sự tăng dân số, mật độ dân số nước ta cũng ngày một tăng. Năm 1989, mật độ dân số nước 195 người/km2. Đến năm 2003, mật độ dân số đã làm 246 người/km2 (mật độ dân số thế giới là 47 người/km2)
Do có nhiều thuận lợi về điều kiện sống nên vùng đồng bằng, ven biển và các đô thị có mật độ dân số rất cao. Năm 2003, mật độ dân số ở Đồng bằng sông Hồng là 1192 người/km2, Thành phố Hồ Chí Minh là 2664 người/km2, Hà Nội là 2830 người/km2.
Phân bố dân cư cũng có sự chênh lệch giữa thành thị và nông thôn. Khoảng 74% dân số sinh sống ở nông thôn, 26% dân số sống ở thành thị (năm 2003).
Các loại hình quần cư
[edit]Quần cư nông thôn
[edit]Người dân ở nông thôn thường sống tập trung thành các điểm dân cư với quy mô dân số khác nhau. Các điểm dân cư có tên gọi khác nhau tùy theo dân tộc và địa bàn cư trú như làng, ấp [1], bản [2], buôn, plây [3], phum, sóc [4]. Do hoạt động kinh tế chủ yếu là nông nghiệp, phụ thuộc vào đất đai mà các điểm dân cư nông thôn thường được phân bố trải rộng theo lãnh thổ,
Cùng với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp ở nông thôn, diện mạo làng quê đang có nhiều thay đổi. Tỉ lệ người không làm nông nghiệp ở nông thôn ngày càng tăng.
Quần cư thành thị
[edit]Các đô thị, nhất là các đô thị lớn ở Việt Nam có mật độ dân số rất cao. Ở nhiều đô thị, kiểu "nhà ống" san sát nhau khá phổ biến. Ở các thành phố lớn, những chung cư cao tầng đang được xây dựng ngày càng nhiều. Ngoài ra còn có kiểu nhà biệt thự, nhà vườn,...
Nhìn chung, các đô thị của nước ta đều có nhiều chức năng. Các thành phố là những trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa, khoa học kĩ thuật quan trọng.
Đô thị hoá
[edit]1985 | 1990 | 1995 | 2000 | 2003 | |
---|---|---|---|---|---|
Số dân thành thị (triệu người) | 11,36 | 12,88 | 14,94 | 18,77 | 20,87 |
Tỉ lệ dân thành thị (%) | 18,97 | 19,51 | 20,75 | 24,18 | 25,80 |
Quá trình đô thị hóa thể hiện ở việc mở rộng quy mô các thành phố và sự lan tỏa lối sống thành thị về các vùng nông thôn. So với nhiều nước trên thế giới, nước ta còn ở trình độ đô thị hóa thấp. Phần lớn các đô thị nước ta thuộc loại vừa và nhỏ.
Tham khảo
[edit]- SGK Địa lí 9 – Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam (tái bản lần thứ mười lăm – 2020).
- Số liệu, quan điểm và thông tin đã cũ, cách đây hơn 15 năm.