Địa lí 9/Vùng Đồng bằng sông Hồng

From Wikiversity

Vị trí địa lí và giới hạn lãnh thổ[edit]

– Đồng bằng sông Hồng bao gồm 11 tỉnh và thành phố: Bắc Ninh, Hà Nam, Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng, Hưng Yên, Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình và Vĩnh Phúc với diện tích 14 860 km² và 19,5 triệu người (2013).

– Vị trí tiếp giáp:

+ Phía bắc và tây bắc giáp Trung du và miền núi Bắc Bộ.

+ Phía tây và tây nam giáp Bắc Trung Bộ.

+ Phía đông giáp Vịnh Bắc Bộ.

– Vùng đồng bằng sông Hồng bao gồm đồng bằng châu thổ màu mỡ, dải đất rìa trung du với một số tài nguyên khoáng sản, tài nguyên du lịch và vịnh Bắc Bộ giàu tiềm năng.

– Nhờ có thủ đô Hà Nội nên đồng bằng sông Hồng giữ vị trí trung tâm kinh tế, khoa học kĩ thuật và văn hoá của cả nước. Sân bay Nội Bài, cảng Hải Phòng là cửa ngõ mở ra khu vực và thế giới. Vì thế đồng bằng sông Hồng có vị trí đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.

Điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên[edit]

– Tài nguyên quan trọng nhất của vùng là đất phù sa sông Hồng.

– Tài nguyên nước dồi dào với mạng lưới sông ngòi dày đặc phục vụ cho sản xuất và đời sống.

Khó khăn: lũ lụt về mùa mưa, thiếu nước về mùa khô do thuỷ chế sông thất thường do đó phải có hệ thống đê, thuỷ nông chủ động tưới tiêu.

– Tài nguyên khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa nhưng có một mùa đông lạnh (từ tháng 11 năm trước đến tháng 4 năm sau) đó là điều kiện thuận lợi để phát triển sản xuất vụ đông đặc biệt là các loại rau.

Khó khăn: có những đợt rét đậm, rét hại, sương muối, lũ lụt, hạn hán, bão.

– Tài nguyên khoáng sản ở đồng bằng sông Hồng không nhiều về chủng loại, trữ lượng vừa và nhỏ. Quan trọng nhất là than nâu (trữ lượng ước tích hàng năm triệu tấn nhưng chưa có điều kiện khai thác), ngoài ra còn có tiềm năng về khí tự nhiên (Thái Bình).

– Tài nguyên biển: đang được khai thác nhờ việc phát triển nuôi trồng đánh bắt thuỷ sản và phát triển du lịch.

– Tài nguyên du lịch: có các vườn quốc gia, hang động bãi tắm và du lịch nhân văn.

Khó khăn chung:

– Thời tiết diễn biến phức tạp.

– Lũ úng mùa mưa, hạn hán mùa khô.

– Ô nhiễm môi trường.

– Diện tích đất mặn phèn khá nhiều.

Đặc điểm dân cư xã hội[edit]

– Đồng bằng sông Hồng là vùng có dân cư đông đúc nhất cả nước và cũng là vùng có mật độ dân số rất cao trung bình 1304 người/km<sup>2</sup> (2013).

  • Thuận lợi: thị trường tiêu thụ lớn, nguồn lao động dồi dào
  • Khó khăn: Bình quân đất nông nghiệp rất thấp

– Thành phần dân tộc chủ yếu là người Kinh với truyền thống và kinh nghiệm thâm canh lúa nước cao và rất giỏi nghề thủ công mỹ nghệ, các dân tộc ít người ở vùng này có tỉ lệ thấp nhất cả nước.

– Cư dân đồng bằng sông Hồng có học vấn và trình độ dân trí cao hơn so với các vùng khác, phần lớn tỉ lệ lao động đã qua đào tạo, đội ngũ tri thức kĩ thuật và công nhân lành nghề đông.

– Tỉ lệ gia tăng dân số ở đồng bằng sông Hồng thấp và giảm nhanh nhưng mật độ vẫn còn cao

Bảng một số tiêu chí phát triển dân cư, xã hội Đồng bằng sông Hồng và cả nước

Tiêu chí Đơn vị Năm Đồng bằng sông Hồng Cả nước
Tỉ lệ gia tăng dân số tự nhiên % 2014 1,09 1,03
Tỉ lệ thất nghiệp ở đô thị % 2014 3,4
–ĐBSH (không kể Hà Nội) % 2014 3,3
–Hà Nội % 2014 6,6
Tỉ lệ thiếu việc làm ở nông thôn % 2014 3,12 2,9
Thu nhập bình quân đầu người/tháng Nghìn đồng 2012 2337,1 199,8
Tỉ lệ người lớn biết chữ % 2009 97,1 94,0
Tuổi thọ trung bình Năm 2009 74,2 72,8
Tỉ lệ dân số thành thị % 2014 32,5 33,1

– Trên nhiều chỉ tiêu về cơ sở hạ tầng nông thôn và phát triển dân cư xã hội thì đồng bằng sông Hồng ở trình độ phát triển cao so với cả nước: hệ thống đê điều dài trên 3000km đã trở thành yếu tố văn hoá phi vật thể trong nển văn hoá sông Hồng. Ở đây còn một số đô thị hình thành tử lâu đời tiêu biểu là Hà Nội.

Tóm lại, Đồng bằng sông Hồng là cái nôi của nền văn minh lúa nước, là vùng dân cư trù mật nhất cả nước, trình độ dân trí khá cao. Đây là vùng tiêu biểu cho truyền thống văn hoá, yêu nước cần cù lao động của dân cư Việt Nam.

Tình hình phát triển kinh tế[edit]

Công nghiệp[edit]

– Đồng bằng sông Hồng là vùng có ngành công nghiệp phát triển vào loại sớm nhất nước ta. Trong vùng tập trung nhiều xí nghiệp công nghiệp hàng đầu cả nước về cơ khí chế tạo, sản xuất hàng tiêu dùng và chế biến thực phẩm

– Sản phẩm công nghiệp của vùng không những đủ cho nhu cầu trong vùng mà còn đủ cho các tỉnh phía Bắc và một số vùng trong nước: máy công cụ, động cơ điện, phương tiện giao thông, thiết bị điện tử và nhiều mặt hàng tiêu dùng.

– Đồng bằng sông Hồng hiện nay đã hình thành một số khu, cụm công nghiệp: tập trung chủ yếu ở Hải Phòng, Hải Dương, Vĩnh Phúc, Hà Nội.

Nông nghiệp[edit]

– Nền nông nghiệp của đồng bằng sông Hồng là nền nông nghiệp lúa nước thâm canh ở trình độ khá cao, là một trong 2 vựa lúa của Việt Nam

Đồng bằng sông Hồng đứng sau đồng bằng sông Cửu Long về sản lượng và diện tích nhưng đứng đầu cả nước về năng suất lúa.

Bảng số liệu về năng suất lúa của vùng Đồng bằng sông Hồng, Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước qua các năm

Vùng 1995 2000 2010 2013
Cả nước 36.9 42.4 53.4 57.6
Đồng bằng sông Hồng 44.4 55.2 59.7 60.6
Đồng bằng sông Cửu Long 40.2 42.3 54.7 59.4

– Trong cơ cấu sản xuất vụ đông với tập đoàn cây trồng ưa lạnh đem lại hiệu quả kinh tế cao đang trở thành vụ sản xuất chính ở đồng bằng sông Hồng

– Chăn nuôi chủ yếu là lợn đứng đầu cả nước, ngoài ra còn nuôi bò sữa, nuôi gia cầm

– Nuôi trồng và đánh bắt thuỷ sản đang phát triển tại các vùng nước mặn, nước lợ cửa sông ven biển

Dịch vụ[edit]

Đồng bằng sông Hồng là một trung tâm dịch vụ lớn cho cả nước: các hoạt động từ tài chính, ngân hàng, xuất nhập khẩu, du lịch, bưu chính viễn thông, giao thông vận tải đều phát triển rất mạnh. Nhờ kinh tế phát triển, dân cư đông đúc, lại có mạng lưới giao thông dày đặc mà dịch vụ vận tải của vùng trở nên sôi động với hai đầu mối chính là Hà Nội và Hải Phòng.

– Nhờ có nhiều địa danh du lịch hướng về cội nguồn, du lịch văn hoá, du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng mà du lịch ở đây có điều kiện phát triển mạnh.

– Bưu chính viễn thông là ngành phát triển rất mạnh, Hà Nội là trung tâm thông tin tư vấn chuyển giao công nghệ đồng thời là một trong hai trung tâm tài chính ngân hàng lớn nhất cả nước.

Các trung tâm kinh tế và vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ[edit]

– Hà Nội, Hải Phòng là những trung tâm kinh tế lớn nhất của đồng bằng sông Hồng. Hai thành phố này cùng với thành phố Hạ Long của Quảng Ninh tạo thành tam giác kinh tế mạnh cho vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.

– Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ đang và sẽ tác động mạnh mẽ đến sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá của cả hai vùng đồng bằng sông Hồng và trung du miền núi Bắc Bộ.

Tham khảo[edit]

  • SGK Địa lí 9 – Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam (tái bản lần thứ mười lăm – 2020).