Địa lí 9/Vùng Bắc Trung Bộ

From Wikiversity

Vị trí địa lí và giới hạn lãnh thổ[edit]

– Bắc Trung Bộ là vùng lãnh thổ kéo dài trên nhiều vĩ độ, Từ dãy Tam Điệp đến dãy Bạch Mã, diện tích 51513 km², bao gồm 6 tỉnh (Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế).

– Nằm giữa hai vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và miền Trung, phía Tây giáp Lào, phía Đông hướng ra biển Đông. Vị trí của vùng giống như cầu nối giữa Bắc và Nam của đất nước, giữa Lào với biển Đông.

– Nằm trên trục giao thông xuyên Việt (quốc lộ 1A và đường sắt Thống Nhất) có nhiều tuyến đường ngang Đông – Tây từ cảng biển đến nước bạn Lào như đường số 7, số 8, số 9.

→ Vị trí thuận lợi cho việc giao lưu giữa các địa phương trong nước và quốc tế, trước hết là với thủ đô Hà Nội, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và Cộng hòa dân chủ Nhân dân Lào.

Điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên[edit]

a. Địa hình

– Phía Tây là vùng núi và gò đồi thuộc dải Trường Sơn Bắc, tiếp đến là dải đồng bằng nhỏ hẹp ở giữa và cuối cùng dải cát, cồn cát ven biển.

– Lãnh thổ hẹp ngang, địa hình bị chia cắt phức tạp bởi các con sông và dãy núi đâm ngang ra biển.

– Khó khăn: địa hình phức tạp bị chia cắt, hẹp ngang, kéo dài.

– Đại bộ phận lãnh thổ là đồi núi, sườn Đông hướng ra biển có độ dốc lớn.

– Đồng bằng nhỏ hẹp bị chia cắt.

– Sông suối dốc, chảy xiết thường gây lũ lụt.

b. Khí hậu

Khí hậu nhiệt đới gió mùa ẩm nhưng khắc nghiệt nhất so với các vùng trong nước, mùa đông ít lạnh mưa nhiều, mùa hạ khô nóng, lắm thiên tai như bão, lũ lụt, gió phơn Tây Nam, hạn hán.

c. Tài nguyên

Vùng có một số tài nguyên quan trọng: rừng, khoáng sản, biển, du lịch …phân bố khác biệt giữa bắc và nam dãy Hoành Sơn.

– Đất có 3 loại chính:

+ Đất feralit ở miền núi và trung du thuận lợi để trồng cây công nghiệp, cây ăn quả.

+ Đất phù sa bồi tụ ven sông hoặc các đồng bằng ven biển trồng cây lương thực, cây công nghiệp ngắn ngày (lạc).

+ Đất cát ven biển giá trị sản xuất kém.

– Rừng: có trữ lượng khá lớn đặc biệt là các rừng tre, nứa,… do đó nghề rừng khá phát triển.

– Biển: vùng có bờ biển dài gần 700 km với 23 cửa sông trong đó một số cửa sông lớn đã xây dựng cảng, nhiều bãi tắm đẹp, nhiều đầm phá để nuôi trồng thuỷ sản.

Vùng biển có thềm lục địa rộng có nhiều khoáng sản và nhiều đảo.

– Khoáng sản: khá phong phú và đa dạng tập trung chủ yếu ở phía Bắc Hoành Sơn, gồm các loại:đá vôi (Thanh Hoá), sắt (Hà Tĩnh), cát thuỷ tinh (Quảng Bình, Quảng Trị, Huế), titan (Hà Tĩnh), Thiếc (Quỳ Hợp),… → phát triển ngành công nghiệp khai khoáng.

– Du lịch: có nhiều di sản thế giới như Phong Nha – Kẻ Bàng, Cố Đô Huế, nhã nhạc Cung đình Huế.

Khó khăn:

+ Diện tích rừng bị khai thác quá mức, tàn phá nhiều.

+ Tài nguyên biển đang cạn kiệt.

+ Khoáng sản: một số nơi có trữ lượng nhỏ.

Đặc điểm dân cư xã hội[edit]

– Bắc Trung Bộ là địa bàn cư trú của 25 dân tộc, người Kinh sống chủ yếu ở đồng bằng ven biển, còn vùng núi gò đồi phía Tây là địa bàn cư trú của các dân tộc ít người chủ yếu là Thái, Mường, Tày, Mông, Bru – Vân Kiều,…

Bảng số liệu một số tiêu chí về dân cư, xã hội của vùng Bắc Trung Bộ
Tiêu chí Đơn vị Năm Bắc Trung Bộ Cả nước
Mật độ dân số Người/km2 2014 202 274
Tỉ lệ gia tăng dân số tự nhiên % 2014 1,10 1,03
Tỉ lệ hộ nghèo % 2014 9,26 5,97
Thu nhập bình quân đầu nguời/tháng Nghìn đồng 2012 1344,8 1999,8
Tỉ lệ nguời lớn biết chữ % 2009 95,2 94,0
Tuổi thọ trung bình Năm 2009 71,6 72,8
Tỉ lệ dân số thành thị % 2014 19,8 33,1

– Đời sống dân cư nhất là vùng cao, biên giới, hải đảo còn nhiều khó khăn, trên một số chỉ tiêu phát triển dân cư xã hội, Bắc Trung Bộ vẫn là vùng khó khăn của cả nước. Tuy nhiên đây lại là vùng dân cư có trình độ học vấn tương đối khá, người dân có truyền thống cần cù, dũng cảm giàu nghị lực đấu tranh với thiên nhiên và giặc ngoại xâm.

– Bắc Trung Bộ là địa bàn có nhiều khu di tích lịch sử, văn hoá và di sản thế giới (cố đô Huế, quê Bác, Phong Nha – Kẻ Bàng).

Tình hình phát triển kinh tế[edit]

a. Nông nghiệp

– Cây lương thực: Năng suất lúa và bình quân lương thực đầu người thấp vì gặp nhiều khó khăn: diện tích đất canh tác ít, đất xấu, thiên tai, cơ sở hạ tầng chậm phát triển, dân số tăng nhanh …Tuy nhiên nhờ việc đẩy mạnh đầu tư thâm canh tăng năng suất mà bình quân lương thực đầu người ở đây đã tăng lên khá nhanh, sản xuất tập trung ở đồng bằng ven biển (Thanh – Nghệ – Tĩnh). Năm 2014, sản lượng lương thực có hạt bình quân đầu người ở Bắc Trung Bộ là 419,9 kg/người

– Vùng có thế mạnh phát triển chăn  nuôi trâu bò, nuôi trồng khai thác thuỷ sản, trồng cây công nghiệp ngắn ngày (lạc, cói, mía), phát triển nghề rừng theo hướng nông lâm kết hợp để giảm thiểu thiên tai.

b. Công nghiệp

– Nhờ có nguồn khoáng sản, đặc biệt là đá vôi, Bắc Trung Bộ phát triển công nghiệp khai khoáng và sản xuất vật liệu xây dựng. Đây là những ngành công nghiệp quan trọng hàng đầu của vùng.

Năm 2013, giá trị sản xuất công nghiệp (giá hiện hành) của Bắc Trung Bộ là 144,9 nghìn tỉ đồng.

– Cơ cấu ngành đa dạng, tuy nhiên thế mạnh thuộc về khai khoáng và sản xuất vật liệu xây dựng:

+ Khai thác khoáng sản: sắt (Thạch Khê), crom (Thanh Hoá), titan (Hà Tĩnh), thiếc: Quỳ Hợp (Nghệ An), đá vôi (Thanh Hoá, Nghệ An),…

+ Sản xuất vật liệu xây dựng: đáng kể nhất là xi măng và gạch ngói, tập trung chủ yếu ở Thanh Hoá, Nghệ An.

– Phân bố công nghiệp chủ yếu tập trung ở một số thành phố và các địa phương có mỏ khoáng sản như: Vinh, Thanh Hoá,…

c. Dịch vụ

– Giao thông vận tải: nhờ vị trí cầu nối giữa hai miền đất nước, là cửa ngõ của các nước tiểu vùng sông Mê Công ra Biển Đông và ngược lại vì vậy vùng trở thành địa bàn trung chuyển hàng hoá, hành khách khá lớn trên các tuyến đường bộ, đường sắt, đường biển .

– Du lịch đang bắt đầu phát triển với số lượng du khách ngày càng tăng đem lại nguồn lợi đáng kể, nhất là du lịch hướng về cội nguồn (Cố đô Huế), thắng cảnh (Phong Nha – Kẻ Bàng, các bãi tắm đẹp)

Các trung tâm kinh tế[edit]

– Thanh Hoá, Vinh, Huế là các trung tâm kinh tế quan trọng của vùng Bắc Trung Bộ.

– Thành phố Thanh Hoá là trung tâm công nghiệp lớn ở phía bắc của Bắc Trung Bộ.

– Thành phố Vinh là hạt nhân để hình thành trung tâm công nghiệp và dịch vụ của cả vùng Bắc Trung Bộ.

– Thành phố Huế là trung tâm du lịch lớn ở miền Trung và cả nước.

Tham khảo[edit]

  • SGK Địa lí 9 – Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam (tái bản lần thứ mười lăm – 2020).