Địa lí 9/Vùng Tây Nguyên

From Wikiversity

Vị trí địa lí và giới hạn lãnh thổ[edit]

– Diện tích 54 475 km², gồm 5 tỉnh, nằm trên cao nguyên của Trường Sơn Nam, không giáp biển nhưng có mối quan hệ bền chặt với Duyên hải Nam Trung Bộ và Đông Nam Bộ, là ngã ba biên giới giữa Việt Nam, LàoCampuchia.

– Thuận lợi giao lưu kinh tế – xã hội với các vùng trong nước và các nước tiểu vùng sông Mê Kông.

– Rất quan trọng về an ninh quốc phòng.

Điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên[edit]

a. Địa hình

– Cao, được ví như mái nhà của bán đảo Đông Dương bao gồm cáo cao nguyên xếp tầng có độ cao trung bình từ 600 – 800 m so với mực nước biển

– Tây Nguyên nằm về phía Tây của dãy Trường Sơn Nam, bề mặt địa hình dốc thoải dần từ Đông sang Tây, là nơi bắt nguồn của nhiều dòng sông chảy về các vùng lân cận, do đó dọc theo dòng chảy ta thấy tầm quan trọng của việc bảo vệ rừng đầu nguồn.

b. Khí hậu

Khí hậu cận xích đạo có hai mùa mưa và khô rõ rệt.

Do chịu ảnh hưởng chủ yếu của gió mùa Tây Nam nên Tây nguyên có mùa hè, thu mưa khá đều đặn, thời tiết dễ chịu; mùa đông, xuân hầu như không có mưa, mùa khô hạn gay gắt do chịu ảnh hưởng gió mùa Đông Bắc ở Đông Trường Sơn.

Tây Nguyên có nền nhiệt độ trung bình khoảng 200C sự chênh lệch nhiệt độ ngày và đêm khá lớn, những nơi có địa hình cao thời tiết mát m.

c. Các nguồn tài nguyên

– Đất badan : chiếm 2/3 diện tích đất badan của cả nước, rất thích hợp cho việc trồng các cây công nghiệp dài ngày và một số loại cây ăn quả tập trung chủ yếu ở các cao nguyên Đăk Lăk, M'Nông, Pleiku, Di Linh.

– Rừng: diện tích và trữ lượng đứng đầu cả nước (gần 3 triệu ha, chiếm 29,3% diện tích rừng cả nước).

– Khoáng sản: bôxít khoảng hơn 3 tỉ tấn có trữ lượng đứng đầu cả nước tập trung chủ yếu ở các tỉnh Đắc Nông, Đăk Lăk, Gia Lai, Kom Tum.

– Thuỷ năng sông suối khá dồi dào chỉ đứng sau vùng Tây Bắc,chiếm khoảng 21% trữ năng thuỷ điện của cả nước.

– Du lịch là thế mạnh của vùng đặc biệt là du lịch sinh thái với nhiều cảnh đẹp, sự đa dạng sinh học, khí hậu mát mẻ.

Khó khăn

– Mùa khô kéo dài khốc liệt, rừng thiếu nước nghiêm trọng.

– Mất rừng do làm rẫy trồng cà phê, cháy rừng, săn bắn bừa bãi động vật hoang dã. Làm cho diện tích đồi trọc ngày càng nhiều, đất bị thoái hoá nghiêm trọng, nhiều loại thú quý hiếm và các lâm sản đặc hữu bị giảm sút hoặc tuyệt chủng.

Đặc diểm dân cư xã hội[edit]

– Đây là vùng có dân số ít, mật độ thấp và phân bố không đều.

– Dân tộc ít người chiếm khoảng 30% tạo ra bức tranh văn hóa dân tộc phong phú và có nhiều nét đặc thù.

– Người dân có truyền thống đoàn kết, đấu tranh Cách mạng kiên cường.

– Trên nhiều chỉ tiêu phát triển dân cư xã hội, Tây Nguyên vẫn còn là vùng khó khăn của đất nước

Tiêu chí Đơn vị Năm Tây Nguyên Cả nước
Mật độ dân số Người/km2 2014 101 274
Tỉ lệ gia tăng dân số tự nhiên % 2014 1,28 1,03
Tỉ lệ hộ nghèo % 2014 10,22 5,97
Thu nhập bình quân đầu nguời/tháng Nghìn đồng 2012 1643,3 1999,8
Tỉ lệ nguời lớn biết chữ % 2009 88,7 94,0
Tuổi thọ trung bình Năm 2009 69,9 72,8
Tỉ lệ dân số thành thị % 2014 29 33,1

Hiện nay Đảng và nhà nước đã làm nhiều việc để phát triển Tây Nguyên tương xứng với tầm quan trọng về chiến lược và tài nguyên phong phú của vùng như: Xây dựng Thuỷ điện Yaly, nâng cấp và xây dựng tuyến đường Hồ Chí Minh, áp dụng các phương thức sản xuất mới: thâm canh, định canh, định cư, tiếp nhận nền văn hoá mới và bảo tồn nền văn hoá cũ của Tây Nguyên.

Nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của Tây Nguyên hiện nay là đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng cường đầu tư đẩy mạnh công tác xoá đói giảm nghèo từng bước cải thiện đời sống nhân dân, ngăn chặn nạn phá rừng, bảo vệ động vật hoang dã.

Tình phát triển kinh tế[edit]

Nông nghiệp[edit]

– Trồng cây công nghiệp lâu năm là một trong nhiều thế mạnh của Tây Nguyên. Vùng này thích hợp với các loại cây như cà phê, cao su, chè, hồ tiêu,…

+ Cây cà phê là loại cây trồng nhiều nhất tập trung ở tỉnh Đăk Lăk, ngoài ra còn có ở Gia Lai. Đây là loại cây hàng hoá chủ lực của Tây Nguyên và cả nước diện tích và sản lượng ngày càng tăng. Năm 2014, diện tích cà phê chiếm 89,4 %, sản lượng cà phê chiếm 93,0 % so với cả nước.

+ Cây chè: diện tích và sản lượng đứng thứ hai cả nước tập trung chủ yếu ở Lâm Đồng và một ít ở Gia Lai.

– Ngoài ra cây lương thực, cây công nghiệp ngắn ngày, hoa, rau quả ôn đới và chăn nuôi gia súc lớn cũng được phát triển ở nhiều địa phương.

– Lâm nghiệp là một trong những ngành phát triển mạnh ở Tây Nguyên tập trung ở các tỉnh  Đắc Lắk, Lâm Đồng, Gia Lai.

Tây Nguyên dẫn đầu cả nước về độ che phủ rừng, chiếm 54,8% năm 2003. Lâm nghiệp phát triển theo hướng khai thác rừng tự nhiên kết hợp với trồng mới khoanh nuôi, giao khoáng bảo vệ và gắn khai thác với chế biến.

Công nghiệp[edit]

– Giá trị sản suất công nghiệp ở Tây Nguyên tăng khá nhanh qua các năm nhưng chiếm tỉ trọng thấp so với cả nước.

Bảng số liệu về giá trị sản xuất công nghiệp của vùng Tây Nguyên và cả nước qua các năm (Đơn vị: nghìn tỉ đồng)

Vùng 2005 2010 2011 2012 2013
Cả nước 988,5 2963,5 3695,1 4506,8 5469,1
Tây Nguyên 7,2 22,7 28,8 31,1 36,8

– Các ngành công nghiệp trọng điểm gồm chế biến nông, lâm tập trung ở các thành phố: Buôn MaThuột, Đà Lạt, Plây–ku.

– Thủy điện: Yaly trên sông Sê San, Dray H'linh và một số nhà thuỷ điện đang được xây dựng.

– Việc phát triển thuỷ điện có ý nghĩa rất quan trọng :

+ Khai thác thế mạnh thuỷ năng của vùng

+ Cung cấp năng lượng cho vùng và hoà chung lưới điện quốc gia.

+ Cung cấp nguồn nước tưới phục vụ cho sản xuất nông nghiệp đặc biệt là cây công nghiệp, cây lương thực và sinh hoạt, điều này rất quan trọng cho Tây Nguyên – một vùng rất thiếu nước do mùa khô kéo dài.

+ Phát triển thuỷ điện ở Tây Nguyên đồng nghĩa với việc thúc đẩy phát triển và bảo vệ rừng góp phần ổn định nguồn sinh thuỷ các dòng sông chảy về các vùng lân cận, đảm bảo nguồn nước cho các nhà máy thuỷ điện: Trị An, Thác Mơ, Vĩnh Sơn, Sông Hinh, Đa Nhim. Đồng thời đảm bảo nước tưới sinh hoạt cho nhân dân các vùng.

– Việc xây dựng thuỷ điện mở đầu cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng của Tây Nguyên.

Dịch vụ[edit]

– Phát triển nhất là xuất khẩu nông lâm sản: Tây Nguyên đứng sau Đồng bằng sông Cửu Long về xuất khẩu nông sản nhưng đứng đầu cả nước về xuất khẩu cà phê và gỗ.

– Du lịch, đặc biệt là du lịch sinh thái và du lịch văn hoá. Trung tâm du lịch là Đà Lạt.

Các trung tâm kinh tế[edit]

– Thành phố Buôn Ma Thuột: Trung tâm công nghiệp, đào tạo và nghiên cứu khoa học của Tây Nguyên.

– Thành phố Đà Lạt: Trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, nghiên cứu khoa học đào tạo, sản xuất hoa quả.

– Thành phố Pleiku: Phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm sản, đồng thời là trung tâm thương mại, du lịch.

Tham khảo[edit]

  • SGK Địa lí 9 – Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam (tái bản lần thứ mười lăm – 2020).