Địa lí 9/Vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ
Vị trí địa lí và giới hạn lãnh thổ
[edit]– Là vùng lãnh thổ phía bắc đất nước, nằm sát chí tuyến bắc. Phía bắc giáp Trung Quốc, tây giáp Lào, đông giáp Đồng bằng sông Hồng và biển, nam giáp Bắc Trung Bộ.
– Chiếm 30,7% diện tích cả nước và gồm 15 tỉnh.
– Trung du và miền núi Bắc bộ nằm liền kề với Đồng bằng sồng Hồng là cái nôi của nền văn hoá Việt Nam, giáp một vùng biển giàu tiềm năng.
– Vị trí vùng có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc giao lưu kinh tế trao đổi hàng hoá với các vùng trong nước, với nước bạn Trung Quốc, Lào (qua các cửa khẩu,…) và các nước trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương và thế giới (qua các cảng,…).
Điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên
[edit]– Vùng có đặc điểm chung là chịu sự chi phối sâu sắc của độ cao địa hình:
+ Miền núi Bắc Bộ: có địa hình núi cao và chia cắt sâu ở phía Tây Bắc, còn phía Đông Bắc là địa hình núi trung bình. Đây là vùng đầu nguồn của hệ thống sông Hồng và sông Thái Bình.
+ Trung du Bắc Bộ: dải đất chuyển tiếp giữa miền núi Bắc bộ và Đồng bằng Sông Hồng đặc trưng là địa hình đồi bát úp xen kẽ những cánh đồng thung lũng bằng phẳng thuận lợi cho việc phát triển các vùng chuyên canh cây công nghiệp và xây dựng các khu công nghiệp, khu đô thị.
– Trung du và miền núi Bắc Bộ phân hoá thành 2 tiểu vùng Đông Bắc và Tây Bắc với những đặc điểm riêng về điều kiện tự nhiên và thế mạnh kinh tế:
+ Đông Bắc: có địa hình núi trung bình và núi thấp với nhiều dãy núi hình cánh cung. Khí hậu nhiệt đới ẩm, mùa đông lạnh và có thế mạnh kinh tế là khai thác khoáng sản; trồng cây công nghiệp, dược liệu, rau quả ôn đới và cận nhiệt đới; du lịch sinh thái và kinh tế biển.
+ Tây Bắc: có địa hình núi cao, hiểm trở. Khí hậu nhiệt đới ẩm có mùa đông ít lạnh hơn và có thế mạnh kinh tế là phát triển thuỷ điện; trồng rừng, cây công nghiệp lâu năm.
– Các tài nguyên :
+ Tài nguyên nước: (gồm nguồn nước và thuỷ năng ) tập trung chủ yếu ở Tây Bắc (sông Đà).
+ Tài nguyên khoáng sản tập trung ở phía Đông Bắc: than, sắt, đồng, chì, kẽm, apatit.
+ Tài nguyên biển: gồm có một vùng biển giàu tiềm năng nằm ở trong vịnh Bắc Bộ.
+ Tài nguyên du lịch: khá phong phú về du lịch tự nhiên lẫn du lịch nhân văn.
+ Tài nguyên rừng: có cả ở Đông Bắc và Tây Bắc nhưng hiện nay đang bị cạn kiệt nhiều do việc chặt phá bừa bãi.
– Khó khăn :
+ Địa hình hiểm trở, chia cắt nhất là ở phía Tây Bắc do đó giao thông đi lại khó khăn.
+ Khí hậu diễn biến thất thường: mưa bão, rét đậm, lũ quét,… ảnh hưởng đến giao thông vận tải, sản xuất và đời sống.
+ Tài nguyên rừng ngày càng cạn kiệt do bị tàn phá nặng nề dẫn đến xói mòn, sạt lở đất, lũ quét, môi trường bị huỷ hoại nghiêm trọng.
+ Phần lớn khoáng sản có trữ lượng nhỏ, khó khai thác.
Đặc điểm dân cư, xã hội
[edit]– Là địa bàn cư trú xen kẽ của nhiều dân tộc ít người nhưng có sự khác nhau giữa Đông Bắc và Tây Bắc.
+ Đông Bắc là địa bàn cư trú của người Tày, Dao, Mông, Nùng,…
+ Tây Bắc là địa bàn cư trú của người Thái, Mường, Dao, Mông,…
– Người Kinh cư trú hầu hết ở các địa phương trong vùng.
– Ngoài ra sự phân bố dân cư và trình độ dân cư còn có sự chênh lệch lớn giữa vùng cao và vùng thấp.
– Các chỉ tiêu về phát triển dân cư – xã hội của Trung du và miền núi Bắc Bộ đang ở mức thấp hơn so với cả nước thể hiện ở các chỉ tiêu: tỉ lệ hộ nghèo, GDP đầu người, tuổi thọ trung bình, tỉ lệ người lớn biết chữ và tỉ lệ dân thành thị. Đặc biệt Tây Bắc là vùng khó khăn nhất nước.
Tình hình phát triển kinh tế
[edit]Ngành công nghiệp
[edit]Có hai ngành công nghiệp phát triển khá mạnh là thuỷ điện và khai khoáng
– Thuỷ điện: Gồm thuỷ điện Hoà Bình trên sông Đà công suất 1920 MW, thuỷ điện Thác Bà 110 MW và thuỷ điện Sơn La cùng với nhiều thuỷ điện địa phương giữ vai trò quan trọng trong việc điều tiết nguồn nước, cung cấp điện năng và phát triển kinh tế .
– Công nghiệp khai khoáng đặc biệt là khai thác than, sắt, kim loại màu, phi kim,… là cơ sở nguyên liệu cho công nghiệp năng lượng (nhiệt điện Uông Bí, Phả Lại và một số dự án nhiệt điện đang được triển khai ), công nghiệp luyện kim đen, luyện kim màu (Thái Nguyên), hoá chất (Việt Trì, Bắc Giang )
Ngoài ra công nghiệp nhẹ và công nghiệp chế biến thực phẩm dựa vào nguồn nguyên liệu của địa phương cũng đang phát triển.
– Ý nghĩa của thuỷ điện Hoà Bình:
Khởi công ngày 6/11/1978 sau 15 năm đi vào khai thác 12/1994, công suất là 1920 MW hàng năm sản suất 8,16 tỉ kWh; trữ lượng của hồ là 9,5 tỉ m²; sản xuất điện năng; điều tiết lũ cung cấp nước tưới cho mùa ít mưa ở đồng bằng sông Hồng; có thể khai thác du lịch; điều hoà khí hậu địa phương.
Nông nghiệp
[edit]– Cây lương thực sản xuất tập trung ở các cánh đồng ở núi, lúa và ngô là hai loại chính
– Nhờ khí hậu nhiệt đới và cận nhiệt cộng với đất đai là điều kiện quan trọng để phát triển cây công nghiệp lâu năm, đặc biệt là chè, hồi, một số cây ăn quả. Diện tích sản lượng của cây chè ở Trung du miền núi Bắc giữ vị trí hàng đầu của cả nước (68,8% diện tích và 61,1% sản lượng ) nổi tiếng như chè Mộc Châu, Tân Cương …
– Chăn nuôi: Đàn trâu nuôi ở trung du và miền núi Bắc Bộ chiếm tỉ trọng lớn nhất cả nước (57,3%), lợn nuôi ở trung du chiếm 22% đàn lợn cả nước (2002)
– Nghề rừng phát triển mạnh theo hướng nông – lâm kết hợp góp phần nâng cao đời sống các dân tộc và bảo vệ môi trường sinh thái.
– Ngoài ra nuôi trồng thuỷ sản cũng đem lại hiệu quả kinh tế rõ rệt.
- Khó khăn: Thiếu quy hoạch, thời tiết diễn biến thất thường, chưa chủ động được thị trường…
Dịch vụ
[edit]– Giao thông vận tải khá phát triển bằng các hệ thống đường sắt, ô tô, cảng ven biển nối các thành phố thị xã của vùng với thủ đô Hà Nội và các tỉnh Đồng bằng sông Hồng.
– Thương mại: vùng có quan hệ trao đổi mua bán lâu đời với các vùng trong nước đặc biệt là Đồng bằng sông Hồng ,với các nước láng giềng (Lào, Trung Quốc) qua các cửa khẩu biên giới.
– Du lịch cũng là một thế mạnh của vùng, đặc biệt là du lịch hướng về cội nguồn (Pác Bó, Đền Hùng, Tân Trào,…), du lịch sinh thái và văn hoá (vịnh Hạ Long, Sa Pa, Ba Bể, Tam Đảo,…)
Các trung tâm kinh tế
[edit]– Thái Nguyên: trung tâm công nghiệp cơ khí, luyện kim.
– Việt Trì: trung tâm công nghiệp hoá chất.
– Hạ Long: là thành phố du lịch và là trung tâm công nghiệp khai thác than.
Các cửa khẩu quốc tế quan trọng nhất là Móng Cái, Hữu Nghị và Lào Cai.
Tham khảo
[edit]- SGK Địa lí 9 – Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam (tái bản lần thứ mười lăm – 2020).