Điền tử phương
Bi thảm nhất là tinh thần ta chết, thứ nhì mới tới thể xác chết. Mặt trời mọc ở phương Đông, lặn ở phương Tây. Vạn vật đề theo cái hướng đó. Phàm là những động vật có mắt có chân đều hành động theo mặt trời: mặt trời mọc thì làm việc, mặt trời lặn thì nghỉ; hễ tạo hoá đi thì vạn vật thuận ứng mà chết, tạo hoá tới thì thuận ứng mà sinh. Chúng ta đã nhận được hình hài của tạo hoá thì giữ nó tới khi chết, thuận ứng với vạn vật mà vận động cả ngày lẫn đêm, không biết chung cục sẽ ra sao. Tự nhiên ta có được một hình thể mà không biết trước được vận mạng sẽ ra sao, cứ mỗi ngày thay đổi với vạn vật.
1
[edit]Điền Tử Phương khi hầu chuyện Nguỵ Văn Hầu thường khen Khê Công[539]. Văn Hầu hỏi:
– Khê Công có phải là sư phụ của thầy không?
Tử Phương đáp:
– Không. Ông ấy là người đồng hương của thần, vì thấy ông nghị luận hợp đạo lí, nên thần xưng tán.
– Vậy thầy không học ai cả sao?
– Có chứ.
– Ai vậy?
– Đông Quách Thuận Tử.[540]
– Sao không nghe thầy xưng tán ông ấy?
– Sư phụ thần là một bực thuần chạn, diện mạo như người thường mà lòng thì hợp với trời[541], thuận với mọi người mà vẫn giữ được thiên chân [bản tính], thanh khiết mà bao dung mọi người, thấy người nào có lỗi thì [không trách], chỉ sử lại thái độ, dong mạo của chính mình để người đó thấy mà tự nhiên giác ngộ, bỏ ý xấu đi. Thần đâu có xứng đáng để xưng tán một bậc như vậy.
Tử Phương ra rồi, Văn Hầu ngây người ra, suốt ngày không nói, sau cùng gọi quan hầu cận lại, bảo:
– Đức như vậy thực là cao, thật là bậc quân tử toàn đức. Trước kia ta cho những lời thánh trí, những hành vi nhân nghĩa là cực cao rồi, nay nghe nói về sư phụ của Điền Tử Phương, thân thể ta rã rời không muốn cử động nữa, miệng ta như bị khớp lại, không muốn nói nữa; những điều ta học được chỉ như một khối đất[542]. Nước Nguỵ này đối với ta quả là một cái luỵ.
2
[edit][Người nước Sở là] Ôn Bá Tuyết Tử trên đường qua nước Tề, ngừng lại ở nước Lỗ. Có người nước Lỗ xin yết kiến, ông bảo:
– Không được. Ta nghe nói người quân tử ở Trung Quốc[543] chỉ hiểi Lễ nghĩa thôi mà không biết gì về lòng người, cho nên ta không muốn tiếp họ.
Tới Lỗ rồi, khi trở về, lại ngừng ở Lỗ, cũng những người nước Lỗ đó lại xin yết kiến nữa. Ôn Bá Tuyết Tử bảo:
– Lần trước đã xin yết kiến, lần này lại xin nữa, chắc họ có điều gì hữu ích muốn nói với ta chăng?
Tiếp một người khách xong rồi, ông trở vô, thở dài. Hôm sau, tiếp một người khác nữa, trở vô cũng lại thở dài. Người đầy tớ hỏi:
– Lần nào tiếp khách rồi ông cũng thở lài là tại sao?
Ôn Bá Tuyết Tử bảo:
– Ta đã bảo trước: Người quân tử ở Trung Quốc chỉ hiểu lễ nghĩa thôi mà không biết gì về lòng người. Những ông khách đó tiến thoái có qui củ, cử động như rồng như hổ[544], họ can ngăn ta như con đối với cha, dạy dỗ ta như cha đối với con, vì vậy mà ta thở dài.
Trọng Ni cũng lại thăm Ôn Bá Tuyết Tử mà không nói gì cả. Tử Lộ hỏi:
– Từ lâu thầy đã muốn gặp ông Ôn Bá Tuyết Tử mà sao khi gặp mà thầy không nói gì cả?
Trọng Ni đáp:
– Người đó, thầy mới nhìn qua đã biết ngay là đạt đạo rồi, bất tất phải dùng lời nói nữa[545].
3
[edit]Nhan Uyên thưa với Trọng Ni:
– Khi thầy đi một bước, con bước theo, thầy chạy con chạy theo, thầy phi tới con phi theo, nhưng thầy nhảy vù tới thì con chỉ trố mắt ra ngó, không theo kịp được thầy.
Phu tử hỏi:
– Hồi, con muốn nói gì vậy?
Nhan Uyên đáp:
– Thưa, thầy đi bước một, tức là lúc thầy nói, con theo được; thầy chạy, tức lúc thầy biện thuyết, con theo được; thầy phi tới, tức thầy luận về đạo, con theo được; còn thầy nhảy vù tới mà con không theo kịp là lúc thầy không nói gì cả mà làm cho người ta tin, không thân cận với ai mà tính ý san sẻ được khắp, không có chức vị gì mà mọi người qui phục, và không ai hiểu tại sao như vậy.
Trọng Ni bảo:
– Phải xét lại kĩ điều đó. Bi thảm nhất là tinh thần ta chết, thứ nhì mới tới thể xác chết. Mặt trời mọc ở phương Đông, lặn ở phương Tây. Vạn vật đề theo cái hướng đó. Phàm là những động vật có mắt có chân đều hành động theo mặt trời: mặt trời mọc thì làm việc, mặt trời lặn thì nghỉ; hễ tạo hoá đi thì vạn vật thuận ứng mà chết, tạo hoá tới thì thuận ứng mà sinh. Chúng ta đã nhận được hình hài của tạo hoá thì giữ nó tới khi chết, thuận ứng với vạn vật mà vận động cả ngày lẫn đêm, không biết chung cục sẽ ra sao. Tự nhiên ta có được một hình thể mà không biết trước được vận mạng sẽ ra sao, cứ mỗi ngày thay đổi với vạn vật. Thầy với con ở cạnh nhau từ trước tới nay, mà con chưa hiểu được lẽ đó, chẳng đáng buồn ư? Con chỉ thấy những hình tượng bề ngoài của thầy, nhưng khi thấy thì chúng qua rồi, và con không khác gì người tìm [mua] ngựa khi chợ đã tan và vắng. Con không thấy lại được thái độ cũ của thầy, thầy cũng không thấy lại được thái độ cũ của con. Có gì mà buồn? Tuy con quên quá khứ của thầy nhưng vẫn có cái gì ở ta nó còn lại hoài, không quên được.[546]
4
[edit]Khi Khổng Tử lại tham Lão Đam [tức Lão tử] thì Lão Đam mới gội đầu xong, còn đương xoã tóc ra cho khô, mà đứng trơ trơ, không ra một người sống nữa. Khổng Tử bèn lui ra, đứng đợi. Một lát sau, vô nói với Lão Đam:
– Ảo giac chăng hay thực chăng? Lúc nãy thân thể tiên sinh trơ trơ như cây khô, như thể tiên sinh rời bỏ ngoại vật, thoát li nhân gian mà một mình một cõi vậy.
Lão Đam bảo:
– Tôi tiêu dao ở thời vạn vật chưa sinh.
– Như vậy nghĩa là sao?
– Tinh thần tôi bị chặn lại mà không biết được, miệng tôi mở ra mà không nói được. Tôi rán giảng cho thầy hiểu. Cái khí cực âm thì lạnh, cái khí cực dương thì nóng. Khi cái lạnh phát ra ở trên trời thì cái nóng phát ra ở dưới đất, hai cái đó giao hoà với nhau mà sinh ra vạn vật. Như có cái gì chi phối, nhưng không thấy hình của nó. Giảm và tăng, đầy và vơi, tối rồi sáng, biến đổi theo ngày và tháng, mỗi ngày một khác, nhưng không thấy được tác động của nó. Sự sống có manh nha của nó, sự chết có chỗ về của nó. Sống và chết trước sau tương phản nhau mà vẫn nối tiếp nhau hoài, không biết tới đâu là cùng. Nếu không phải cái đó [tức cái Đạo] thì ai là chủ tể sinh ra vạn vật?
Khổng Tử hỏi:
– Xin tiên sinh giảng cho tôi biết tiêu dao ở thời vạn vật chưa sinh thì thấy ra sao?
– Thì đạt được cái cực đẹp, cực vui; ai đạt được cái cực đẹp, tiêu dao ở cái cực vui, thì là bậc chí nhân [hoàn toàn].
– Có cách nào đạt được?
– Những loài thú ăn cỏ không sợ đổi đồng cỏ, những loài ở dưới nước cũng không sợ đổi sông hồ; đổi chỗ như vậy chỉ là biến đổi nhỏ, mà không làm mất cái bất biến. [Hiểu được lẽ đó thì] mừng giận, vui buồn không xâm nhập lòng ta được. Vũ trụ là “mộ” đối với vạn vật. Hoà đồng với cái “một” đó rồi thì coi chân tay, thân thể[547] như bụi rác; sống với chết, khởi thuỷ và chung cục nối tiếp nhau như ngày với đêm, đâu có thể làm rối loạn lòng mình được; huống hồ là sự được mất, hoạ phúc [ở ngoài cái thân của ta], ta đâu còn quan tâm tới nữa. Liệng những cái nô lệ đó đi như liệng bùn, vì biết thân mình quí hơn những cái đó; quí cái thân mình mà coi thường những cái thay đổi thất thường ấy [tức sự được và mất, hoạ và phúc]. Vả lại vạn vật biến hoá tới vô cùng thì có cái gì đâu mà khiến cho ta buồn?
Chỉ bậc đạt đạo mới hiểu được lẽ ấy.
Khổng Tử hỏi:
– Tiên sinh đức ngang với trời đất mà còn dùng những lời cực thâm thuý để tu tâm, bậc quân tử thời xưa có ai khỏi phải dùng cách đó không?
– Không phải. Nước kia vọt ra mà thành giếng[548], tự nhiên mà vậy. Đức của người chí nhân cũng thế, không phải tu tâm gì cả, mà vạn vật đều qui phụ, như trời tự nó cao, đất tự nó dày, mặt trời mặt trăng tự nó sáng, có phải “tu” gì đâu.
Khổng Tử ra về, kể lại cho Nhan Hồi nghe và bảo:
– Thầy biết về Đạo cũng như con ruồi trong vò dấm. Nếu phu tử (tức Lão tử) không mở nắp vò cho thì làm sao thầy biết được toàn thể vũ trụ vĩ đại.
5
[edit]Trang tử lại yết kiến Lỗ Ai Công[549]. Ai Công bảo: – Nước Lỗ có nhiều nho sĩ, nhưng ít ai bằng được tiên sinh. Trang tử bảo:
– Nước Lỗ ít nho sĩ.
– Khắp nước Lỗ đâu cũng có những người bận áo nhà nho, sao tiên sinh lại bảo là ít?
– Chu [tên Trang tử] tôi nghe nói nhà nho nào đội cái mũ tròn là biết được thiên thời, đi giày vuông là biết được địa hình[550], đeo ngọc bằng chỉ ngũ sắc là biết quyết đoán khi hữu sự. Thực ra người quân tử có những tài đó không nhất thiết ăn bận như vậy mà những kẻ ăn bận như vậy vị tất đã có những tài đó. Nhà vua không tin thì cứ ra lệnh ở trong nước Lỗ: kẻ nào không có đủ tài mà ăn bận như vậy sẽ bị tử hình.
Ai Công làm y lời. Năm ngày sau, nước Lỗ không còn ai dám bận y phục nhà nho nữa. Chỉ có mỗi một ông già dám mặc đồ đó mà đứng trước cửa cung của Ai Công: Ai Công dời vô hỏi việc nước, người đó thiên biến vạn hoá, ứng đối thao thao bất tuyệt.
Trang tử bảo:
– Vậy cả nước Lỗ chỉ có một nhà nho, làm sao gọi là nhiều được?
6
[edit]Bách Lý Hề[551] không quan tâm tới tước lộc, nên nuôi bò mà bò mập, nên Tần Mục Công quên địa vị thấp hèn của ông mà giao việc nước cho. Vua Thuấn không quan tâm tới sống chết cho nên làm cảm động được lòng người[552].
7
[edit]Tống Nguyên Quân muốn vẽ một tấm bản đồ, nhiều thợ vẽ tới, rồi nhận lệnh, vái rồi đứng đó, mút ngọn bút và mài mực; họ đông quá, một nửa phải đứng ở ngoài. Một người thợ vẽ tới sau, ung dung, không hề vội vàng, nhận lệnh, vái rồi, không đứng đó mà về nhà. Tống Nguyên Quân sai người đi theo coi thì thấy người đó [về tới nhà] cởi áo ra, ngồi xếp bằng tròn, ở trần. Ông bảo: “Được đấy, người đó thực là hoạ sĩ”.
8
[edit]Vua [Chu] Văn vương đi tuần thú đất Tạng [ở gần sông Vị], thấy một ông lão ngồi câu mà cần câu không có lưỡi câu. Ông lão câu không phải để được cá, đó là cách câu cao minh nhất[553]. Vua Văn vương muốn đề cử ông, giao cho ông việc nước, nhưng sợ các đại thần và hoàng tộc không an tâm. Đã định bỏ ý đó, rồi lại ái náy rằng quốc dân mất sự che chở của trời[554]. Sáng hôm sau nhà vua vời các đại phu lại bảo:
– Đêm qua, quả nhân nằm mộng thấy có một vị có vẻ hiền lương, nước da sậm, có râu quai nón, cưỡi một con ngựa đốm, chân có một cái móng đỏ. Vị đó ra lệnh cho quả nhân: “Giao quyền bính cho ông lão đất Tạng đi thì dân chúng sẽ được cứu vớt”.
Các đại phu kính sợ tâu:
– Vị đó là tiên quân đấy.
– Vậy thì bói bằng mu rùa xem.
– Đã là lệnh của tiên quân, đại vương còn phải nghi ngờ gì nữa mà bói?
Vua Văn Vương bèn đón ông lão đất Tạng, giao cho quyền bính. Ông lão không thay đổi điển pháp, không ban một lệnh nào riêng. Sau ba năm, nhà vua đi tuần thú trong nước thì các đảng đã giải tán hết[555], các quan lớn không khoe công mình, các đồ đo lường ở nước ngoài không dám đem dùng trong nước nữa[556], các chư hầu không còn hai lòng nữa. Thế rồi vua Văn Vương phong ông lão làm thái sư, quay mặt về phương Bắc[557] và hỏi:
– Chính sách ấy có thể áp dụng cho khắp thiên hạ được không?
Ông lão làm vẻ ngớ ngẩn không đáp, thản nhiên từ chối, rồi đêm đó trốn đi, suốt đời không nghe nói tới ông nữa[558].
Nhan Uyên hỏi Trọng Ni:
– Đức của vua Văn vương chưa được hoàn toàn sao?
Trọng Ni bảo:
– Im, đừng nói nữa. Hành động của Văn vương rất phải rồi, sao còn chê bai? Ông ấy biết tuỳ thời mà thuận nhân tình.
9
[edit]Liệt Ngự Khấu (tức Liệt tử) bắn cung cho Bá Hôn Vô Nhân coi, giương hết sức cây cung, mà tay thật cứng, không nhúc nhích, giá có đặt một chén nước đầy lên khuỷ tay trái thì nước cũng không sóng sánh khi phát mũi tên; ông lại bắn mau tới nỗi mũi tên đầu vừa phát thì mũi tên thứ nhì đã đặt vào chỗ, rồi tới mũi tên thứ ba. Lúc đó, ông như pho tượng. Bá Hôn Vô Nhân bảo:
– Như vậy còn là hữu tâm mà bắn, chứ không phải là vô tâm mà bắn. Tôi muốn thử cùng với ông lên núi cao, tới một mỏm đá nguy hiểm ở bờ một vực thẳm một trăm nhẫn (mỗi nhẫn là tám thước), xem ở đó ông còn bắn được nữa không.
Thế rồi Vô Nhân lên núi cao, tới một mỏm đá nguy hiểm ở bờ một vực thẳm trăm nhẫn, quay lưng lại mà đi lùi, khi hai phần ba bàn chân ở ngoài bờ vực rồi, mới cúi xuống mời Liệt Ngự Khấu lại. Liệt Ngự Khấu sợ quá, nằm rạp xuống đất, mồ hôi chảy xuống tận gót chân.
Bá Hôn Vô Nhân bảo:
– Bậc chí nhân trên thì đo trời xanh, dưới thì đạt tới suối vàng, vùng vẫy ở chỗ bát cực (tám góc xa nhất của vũ trụ) mà thần khí bất biến. Mới có vậy mà ông đã run sợ, mờ mắt, không làm chủ cái tâm của ông được, nguy rồi, làm sao mà bắn được?[559]
10
[edit]Kiên Ngô hỏi Tôn Thúc Ngao[560]:
– Ông ba lần làm lệnh doãn nước Sở mà không lấy vậy làm vinh, ba lần mất chức đó mà không lo buồn; mới đầu tôi không tin nhưng bây giờ tôi thấy hơi thở ở mũi ông thật thư thái. Ông trị nội tâm cách nào mà được như vậy?
Tôn Thúc Ngao đáp:
– Tôi có gì hơn người đâu? Chức lệnh doãn tới, tôi không từ chối nó; nó đi, tôi không ngăn cản nó. Tôi cho sự được hay mất không tuỳ thuộc tôi, cho nên tôi không lo buồn, thế thôi. Tôi có hơn gì người đâu? Với lại tôi không biết nó là của người hay của tôi?[561] Nếu nó là của người thì không liên quan gì tới tôi; nếu nó là của tôi thì nó không liên quan gì tới người. Khi còn trù trừ nghi ngờ như vậy, tôi nhìn khắp chung quanh (để tìm hiểu) thì còn thì giờ đâu mà nghĩ đến vấn đề sang và hèn của người đời nữa?
Trọng Ni nghe được lời đó, bảo:
– Ông ấy là bậc chân nhân thời cổ. Trí tuệ không thuyết phục được ông ấy, sắc đẹp không dụ dỗ ông ấy được, đạo tặc không cướp của ông ấy được. Hoàng Đế và Phục Hi có muốn làm bạn với ông ấy cũng không được. Sống chết là việc lớn mà không làm đổi lòng ông ấy được, huống hồ tước lộc! Một người như vậy, nhờ tinh thần, vượt núi Thái Sơn mà không bị trở ngại, xuống vực sâu mà không bị ướt, ở địa vị thấp hèn mà không khốn khổ, tinh thần tràn ngập khắp trời đất, càng cho người thì mình càng có nhiều thêm.
Vua Sở ngồi nói chuyện với vua Phàm[562]. Được một lát, kẻ tả hữu của vua Sở bảo rằng nước Phàm có ba lần mất (tức mất hẳn rồi). Vua Phàm nói với vua Sở:
– Nước Phàm mất, cái đó không ảnh hưởng gì tới sự tồn tại của tôi. Nếu nước Phàm mất không ảnh hưởng gì đến sự tồn tại của tôi thì nước Sở còn cũng không đủ để bảo rằng vua Sở còn tồn tại hay không[563]. Xét như vậy thì nước Phàm vị tất đã mất mà nước Sở vị tất đã còn.
NHẬN ĐỊNH
[edit]Chương này nội dung phức tạp và do nhiều người viết.
So sánh đoạn đầu bài 4, từ: “Lão Đam mới gội đầu xong, còn đương xoã tóc cho khô mà đứng trơ trơ, không ra một người sống nữa…” tới: “Lão Đam đáp: Tôi tiêu dao ở thời vạn vật chưa sanh”.
Với đoạn đầu Tề vật luận 1, từ: “Nam Quách Tử Kì ngồi tựa bàn con, ngước mắt lên nhìn trời thở dài như người mất hồn…” tới: “Anh Yển, anh hỏi như vậy là phải, thầy đã tự quên thầy”. Chúng ta thấy từ ý đến lời đều giống nhau.
Rồi đoạn này trong bài 3:
“Trời mọc ở phương Đông, lặn ở phương Tây. Phàm là những động vật có mắt có chân đều hành động theo mặt trời: mặt trời mọc thì làm việc, mặt trời lặn thì nghỉ; hễ tạo hoá đi thì vạn vật thuận ứng mà chết, tạo hoá tới thì thuận ứng mà sinh. Chúng ta đã nhận được hình hài của tạo hoá thì giữ nó tới khi chết, thuận ứng với vạn vật mà vận động cả ngày lẫn đêm, không biết chung cục sẽ ra sao”.
Cũng giống với câu: “Ngày đêm nối tiếp nhau, ai biết được từ đâu mà có? Hỡi ơi, hỡi ơi; bao giờ chúng ta mới hiểu được lẽ sinh hoá trong vũ trụ?… Khi ta đã nhận được cái hình hài của ta rồi thì ta giữ nó cho tới khi chết. Nó với những vật khác đâm nhau, mài cọ vào nhau, cùng bôn tẩu như những con ngựa, mà không có gì làm cho ngừng được. Buồn thay!”.
Trong bài 2 Tề vật luận.
Lại có đoạn giống với Đức sung phù.
Như lời Trọng Ni trong bài 10: “Sống chết là việc lớn mà không làm đổi lòng ông ấy được, huống hồ tước lộc! Một người như vậy, nhờ tinh thần, vượt núi Thái Sơn mà không bị trở ngại, xuống vực sâu mà không bị ướt”.
Gần giống hệt lời cũng của Trọng Ni trong bài 1 Đức sung phù: “Sống và chết mà ông ấy coi thường, trời đất có sập, ông ấy cũng không bị huỷ diệt”. Ngoài ra, bài 5 diễn đúng ý “y phục không đủ làm thành một nhà nho” và bài 7 diễn ý “nghệ sĩ có chân tài thì ung dung, tự nhiên”, càng làm cho nội dung chương càng thêm phức tạp.
Vì những lẽ đó chúng ta có thể kết luận rằng chương này do nhiều người viết, một số thuộc môn phái Trang phụ diễn lại ý của Trang chứ không phát minh thêm được gì; một số có thể là theo đạo Nho và chịu ảnh hưởng lớn của Trang, cho nên tuy gọi Khổng Tử là phu tử mà ý và lời thì của Trang, như tác giả bài 3.
Xét chung, giá trị chương này tầm thường.
Chú thích
[edit][539] Điền Tử Phương, tên là Vô Trạch (Tử Phương là tên tự), là một người hiền nước Nguỵ, được Văn Hầu coi như thầy. Khuê Công cũng là người hiền nước Nguỵ.
[540] Là thầy dạy Tử Phương, vì ở lớp thành ngoài phía Đông nên gọi là Đông Quách.
[541] Nguyên văn: nhân mạo như thiên hư. Theo Hoài Nam tử thì chữ hư đây có nghĩa là tâm (lòng).
[542] Có thể hiểu là vô sinh khí, hoặc dễ rã rời (như đất gặp nước).
[543] Trung Quốc ở đây trỏ những nước ở lưu vực sông Hoàng Hà, như Lỗ, Tề, Nguỵ, Chu. Miền đó văn minh sớm nhất. Các nước ở chung quanh như Sở, Tần… kém văn minh.
[544] Có thể hiểu là trịnh trọng lắm.
[545] Nguyên văn: vô khí. L.K.h. dịch là: không phục vụ ai.
[546] Bài này thật khó hiểu, mỗi sách giải thích một khác. L.K.h. tóm tắt đại ý như sau: Mặt trời trong bài này gợi cho ta cái ý vũ trụ biến chuyển hoài không một lúc nào ngừng, và vạn vật phải theo nó. Người nào không biến đổi hoài để thích ứng với hoàn cảnh thì là chết về tinh thần rồi (tuy thể xác còn sống). Kẻ đó thật đáng thương, vì cho cái cũ là cái mới, lầm những lời nói đã “ngưng kết” rồi với cái tinh thần linh động biến chuyển hoài.
[547] Nguyên văn là bách thể, có sách dịch là: trăm cái xương, đại ý cũng là thân thể.
[548] Giếng: theo bác Vvn, chữ Hán là thác 汋. Trong sách in sai chữ “giếng” thành chữ “tiếng”.
[549] Bài này chỉ là một ngụ ngôn. Lỗ Ai Công mất năm -468, trước khi Trang tử sinh khoảng 100 năm.
[550] Vì thời đó người ta cho rằng trời tròn đất vuông.
[551] Bách Lý Hề là tên tự, họ là Mạnh. Ông là một hiền nhân, vốn ở nước Ngu, từ khi Ngu mất nước, ông qua Tần.
[552] Ám chỉ cha ông sai ông lợp lại lẫm và đào giếng, tính hảm hại ông vì ghét ông mà thương một người em khác mẹ của ông; ông có hiếu, biết vậy mà vẫn vâng lời cha, sau thoát nạn. Coi bài Tượng tử kí của Vương Thủ Nhân, Cổ văn Trung Quốc – Tao Đàn, 1966.
[553] Nguyên văn: nhi kì điếu mạc điếu, phi trì kì điếu hữu điếu giả dã, thường điếu dã. H.C.H. theo chú thích của Vương Niệm Tôn, bảo hai chữ điếu in nghiêng là chữ câu (lưỡi câu), và dịch như vậy. L.K.h. dịch là: ông lão câu mà không câu, nghĩa là không phải làm nghề đánh cá, mà bỏ thì giờ ra để câu, và giảng rằng: người câu cá không dùng mồi để câu cá, cũng như người trị nước không hứa cho dân chúng được hưởng những lợi vật chất này nọ. Người câu cá thật sự là người tìm sự an ổn tâm hồn trong việc câu cá; nhà cai trị giỏi là người chỉ tìm sự an ổn và thái bình cho thiên hạ. [Theo bác Vvn: cụ NHL có lẽ do ảnh hưởng truyện Lã Vọng câu cá trong Phong Thần nên đã dịch như trên; nguyên văn cả đoạn: 見一丈夫釣, 而其釣莫釣, 非持其釣, 有釣者也, 常釣也 kiến nhất trượng phu điếu, nhi kì điếu mạc điếu, phi trì kì điếu, hữu điếu giả dã, thường điếu dã, nghĩa là: “… gặp một người câu cá, như câu mà không phải câu, không có ý câu giống như những kẻ câu cá thường câu”.
[554] Ý nói trời sai hiền nhân đó xuống che chở cho dân.
[555] Nghĩa là không còn trộm cướp.
[556] Nghĩa là không còn gian tướng.
[557] Làm vua thì ngồi quay mặt về phương Nam. Văn vương quay mặt về Bắc là tỏ ý tôn trọng ông lão đó lắm.
[558] Có lẽ đây là truyện Khương Tử Nha (Lã Vọng) mà tác giả đã sửa đổi cho thành ngụ ngôn. Khương Tử Nha giúp nhà Chu diệt vua Trụ, được phong đất ở Tề, không hề nửa đêm trốn đi.
[559] Bài này có trong Liệt tử II.5 – bản Lá Bối không dịch. Đại ý là làm chủ được cánh tay, bắp thịt chưa đủ, phải làm chủ được cái tâm mới là đạt Đạo. Bá Hôn Vô Nhân có chỗ gọi là Bá Hôn Mâu Nhân.
[560] Kiên Ngô là một ẩn sĩ. Tôn Thúc Ngao là một hiền sĩ nước Sở.
[561] Nguyên văn: bất tri kì tại bỉ hồ, kì tại ngã hồ? H.C.H. dịch là: tôi không biết cái đáng quí đó là ở chức lệnh doãn hay là ở tôi?
[562] Phàm là một nước mà vua thuộc dòng dõi Chu Công. Kinh đô nước đó nay thuộc tỉnh Hà Nam.
[563] Chúng tôi dịch sát nguyên văn. L.K.h. đề nghị đổi một chút: “Nước Phàm mất (bị nước khác chiếm), cái đó không ảnh hưởng gì sự tồn tại của nó (nghĩa là non sông của Phàm vẫn còn đó). Nếu nước Phàm mất mà không ảnh hưởng gì đến sự tồn tại của nó thì nước Sở còn cũng không đủ để bảo tồn nó”. Đổi như vậy thì nghĩa gắn với câu sau hơn.