Ấn giáo Thấp-bà

From Wikiversity
Thấp-bà dưới dạng Du-già sư (yogin) đang toạ thiền, Bangalore
Thấp-bà dưới dạng Du-già sư (yogin) đang toạ thiền, Bangalore

Thấp-bà (śiva), dịch ý là "cát tường", "thiện", là một uyển ngữ được dùng để hoãn hoà vị thần hung tợn này. Ông được gọi là Tự tại chủ (zh. 自在主, sa. īśvara), Đại tự tại chủ (zh. 大自在主, sa. maheśvara). Dưới ảnh hưởng của học thuyết Bất nhị phệ-đàn-đa (advaita-vedānta), trường phái Thấp-bà Kashmir được thành lập trong thế kỉ thứ 8, nhấn mạnh vào sự hoà hợp tín ngưỡng (bhakti) và Đát-đặc-la thành một giáo lý nhất nguyên. Thấp-bà giáo vẫn gây ảnh hưởng lớn đến xã hội Ấn Độ và song song với Tì-thấp-nô giáo, nó vẫn là nhánh tôn giáo lớn và quan trọng nhất của tín đồ Ấn Độ giáo.

Quan niệm[edit]

Thấp-bà giáo (śivaism) là một tôn giáo phần lớn theo thể hệ nhất thần, nhưng một vài nhánh thiên về mối quan hệ nhị nguyên Thấp-bà (śiva)-Tính lực (śakti) hoặc thừa nhận tính đa nguyên với nhiều linh hồn vĩnh cửu.

Đồ tượng[edit]

108 Liṅga được khắc trên đá, bờ sông Tungabhadra, Hampi, Ấn Độ

Đồ tượng quan trọng nhất của tín đồ Thấp-bà là Liṅga, được xem là biểu tượng của dương vật.

Thánh điển[edit]

Thánh điển bao gồm các bộ A-hàm (āgama) và Đát-đặc-la (tantra). Với thời gian, Thấp-bà giáo hấp thụ một loạt truyền thống sùng bái độc lập khác, trong đó có truyền thống thờ cúng vị thần chiến tranh Skanda (cũng được gọi là Kārttikeya hay Kumāra) và Gaṇeśa (cả hai đều được xem là con của Thấp-bà), sự sùng bái rắn rồng, một phần của truyền thống tôn thờ mặt trời và nhiều thần thể và nghi thức thờ phụng của các địa phương khác.

Trường phái[edit]

Có nhiều trường phái khác nhau trong Thấp-bà giáo.

Trường phái Tôn thờ Thú chủ (pāśupata) giữ một vị trí quan trọng trong thời gian đầu với phong cách tu tập khổ hạnh, tự tách li ra khỏi xã hội một cách khiêu kích. Từ phái này lại phát triển một số nhánh nhỏ với những quan điểm rất cực đoan, ví dụ như nhánh Kāpālika.
Trường phái Tôn thờ Thấp-bà (śaiva) lại theo các phong tục Bà-la-môn giáo rất sớm.
Trường phái Vīraśaiva (hoặc Liṅgāyat) xuất hiện trong thế kỉ 12, hàm chứa một thành tố cải cách xã hội khá lớn.

Cả hai trường phái đều chú trọng việc luyện tập Du-già và đã góp phần rất nhiều trong việc phát triển phương pháp này. Khống chế du-già (haṭhayoga) hoặc Kuṇḍalinī du-già được nhánh Nātha (nāthasampradāya) tại Đông Bắc Ấn Độ phát triển. Tại Nam Ấn, trào lưu Tín ngưỡng (bhakti) đã dẫn chấn hưng Thấp-bà giáo. Song song với những bộ A-hàm (āgama) và sự tiếp xúc tư tưởng Phệ-đàn-đa (vedānta), những bài tụng niệm sùng tín của nhóm Nāyanār cũng được xem là nguồn gốc của trường phái Thấp-bà tất-đàn-đa (śaivasiddhānta), tự cho là sự hoàn tất tối hậu của Thấp-bà giáo.


Tôn giáo này cũng xuất phát từ mối quan hệ với một vị thần đã được nhắc đến trong thánh điển Phệ-đàLỗ-đặc-la (zh. 嚕特羅, sa. rudra). Lỗ-đặc-la được miêu tả là hung bạo, nguy hiểm. Ông cai quản lĩnh vực bệnh tật và chữa trị; mũi tên của ông là những điều âu lo của các vị thần khác và những cơn bão tố, hiện thân của thần gió (Phong thần 風神, marut, rudra), được xem là những hiện tượng tuỳ tòng ông.

Giáo lý[edit]

Theo giáo lý cao nhất thì Thấp-bà dưới dạng tối cao không mang bất cứ một thuộc tính nào (nirguṇa) và đồng nhất với Phạm thiên (sa. brahman) của hệ thống Phệ-đàn-đa (sa. vedānta). Về khía cạnh nhân cách thì Thấp-bà có thuộc tính (saguṇa), bao hàm hai nguyên lý nam cũng như nữ. Nguyên lý nữ được thể hiện qua tính lực (śakti), tức là nhân tố chủ động trong nhận thức, ý muốn, hành động, tự che đậy và ban ân của Thượng đế. Trong thần thoại, nguyên lý nữ được xem là vợ của thần Thấp-bà, dạng hiền hậu tịch tĩnh là Tuyết sơn thần nữ (zh. 雪山神女, sa. pārvatī), dạng phẫn nộ hoặc tàn phá là Đỗ-nhĩ-ca (zh. 杜爾嘉, sa. durgā).

Chính thần Thấp-bà lại xuất hiện trong thần thoại như một Du-già sư hoặc một vị thần hàng phục yêu quái tàn phá thế giới. Hai hình tượng có liên hệ đến con đường giải thoát của tín đồ Thấp-bà giáo. Con đường xuất phát từ việc tôn xưng thần Thấp-bà, qua thiền quán cho đến sự giải thoát khỏi những trói buộc (sa. pāśa) của tâm linh cá biệt (sa. paśu) mang hình tướng trong thế gian. Sau đó, tâm linh này đạt tâm thức tối thượng của đấng tối cao (sa. pati).

Các trói buộc phát sinh từ sự vướng mắc vào vật chất và qua đó, năng lực tri thức và hoạt động vô biên của tâm thức tối thượng bị những nhân tố như sau hạn chế tối đa: Thời gian (kāla), không gian và quy luật nhân quả (niyati), giới hạn của cảm nhận (rāga), giới hạn của tri thức (vidyā) và khả năng hành động (kalā).

Qua sự vây phủ làm u tối tâm thức (tirobhāva) nên dị biệt và đa dạng của các hiện tượng xuất hiện, thay thế cái đơn nhất trong tâm thức tối cao của tất cả những hiện hữu. Diệt trừ cái thiên hình vạn trạng này - và như thế cũng có nghĩa là diệt trừ thế gian qua ân sủng của thần Thấp-bà - được thực hiện bằng sự bộc phát của tri thức giải thoát, phá huỷ tấm màn vô minh, giải phóng linh hồn của tín đồ ra khỏi vòng sinh tử.