Ấn giáo vệ-đà

From Wikiversity

Lịch sử hình thành và phát triển[edit]

Vệ-Đà giáo (Vedism) là một tôn giáo tối cổ của Ấn Độ . Tôn giáo này xây dựng giáo thuyết trên Kinh Vệ-Đà. (Véda: Phiên âm Vệ-Đà hay Phệ-Đà, nghĩa là Thông hiểu). Vệ-Đà giáo thờ cúng thiên nhiên, gồm nhiều tín ngưỡng, có nghi lễ, có bùa chú, do các truyền thuyết của thổ dân da đen Dravidian ở bán đảo Ấn Độ, phối hợp với các tín ngưỡng của dân tộc da trắng từ phương Tây Bắc đến xâm lăng, nhất là dân da trắng Aryan tràn vào phía bắc Ấn Độ, khoảng 1550 năm trước Tây lịch.

Kinh Thánh[edit]

Bộ Kinh Vệ-Đà viết bằng tiếng Phạn, của người Aryan, gồm 4 tập, trong đó có các bài hát ca tụng Thần linh, những lời cầu nguyện, nghi thức tế tự và các câu phù chú bí mật, kể ra như sau :

Rig Véda
Khen ngợi (tán tụng), hình thành vào thế kỷ thứ 20 TTL (trước Tây lịch), gồm 10 quyển, tập hợp các bài ca ngợi Thần linh, được 1028 bài.
Sama Véda
Ca vịnh, hình thành vào thế kỷ thứ 10 TTL, gồm các bài dùng để hát xướng khi cúng tế, tổng cộng 1549 bài.
Yayur Véda
Tế tự cầu đảo, trong ấy bao gồm các bài cầu nguyện trong nghi thức tế lễ.

Ba loại Kinh Véda trên được sử dụng trong thời gian tế lễ, đều do hàng Tăng lữ tùy nghi chủ xướng, phúng tụng.

Atharva Véda
Sưu tập các chú thuật, không quan hệ đến việc cúng tế, hình thành vào thế kỷ thứ 10 TTL, tổng cộng có 20 quyển. Tuy chủ yếu chép các phép thuật và bùa chú, nhưng xen kẽ vào đó có các bài khoa học làm mầm móng cho Thiên văn học và Y học sau này.

Bốn bộ kinh Véda trên, sau này đều có những sách viết bằng tiếng Phạn giải thích riêng cho mỗi bộ.

Giáo lý[edit]

Giáo lý cơ bản của Vệ-Đà giáo cho rằng, con người thường xuyên có mối quan hệ với Thần linh và có sự hòa đồng với vũ trụ. Do đó, chỉ có cúng tế, cầu đảo thì con người mới được Thần linh phù hộ trong mọi công việc. Song hành với các buổi cầu nguyện là những cuộc hiến tế lớn. Những đồ hiến tế như: Thịt, bơ, sữa, rượu, được dâng lên Thần linh bằng cách đốt trên giàn hỏa. Việc cúng tế Thần linh rất quan trọng, nên dần dần đội ngũ các thầy cúng tế trở nên quan trọng, có uy tín và quyền lực nhất trong xã hội Ấn Độ, hình thành đẳng cấp Tăng lữ Bà-La-Môn sau này.