Chính sách kinh tế – xã hội

From Wikiversity


Chính sách kinh tế – xã hội[edit]

Tây Tấn[edit]

Tấn luật[edit]

Dưới thời nhà Tào Ngụy, chính quyền đã áp dụng hình phạt nghiêm khắc, và Vũ Đế đã thay đổi luật lệ theo hướng khoan dung hơn. Năm 264, Đỗ Dự soạn Tấn luật đề nghị với Tư Mã Chiêu bãi bỏ nội dung phàn tạp trong bộ luật trước, lấy nguyên tắc khoan dung để đặt ra Tấn luật, giảm nhẹ hình phạt mua chuộc nhân tâm nêu cao mục đích của việc thay thế nhà Ngụy mà lập nhà Tấn, đến năm 268 hoàn thành.

Đỗ Dự cùng đại thần Giả Sung tham gia định luật lệ và tự mình chú giải và tâu lên Triều đình. Ông nêu bật điều căn bản của pháp luật là: Pháp luật phải "trực" (thẳng) và "giản" (giản đơn), từ ngữ phải rõ ràng để người dân dễ hiểu và biết phải tránh cái gì. Ít người vi phạm thì giảm được hình phạt; pháp luật phải đáp ứng yêu cầu phân cấp bậc, minh bạch. Ý kiến của ông được tiếp nhận và luật được ban bố dùng trong cả nước.

Tấn luật có dựa vào Cửu chương luật của nhà Hán và tham khảo Ngụy luật, tuy nhiều hơn Ngụy luật 2 thiên, tổng cộng có 21 thiên nhưng chỉ có 2306 điều. Lời văn cũng thông tục rõ ràng hơn, giảm một số lớn các điều khoản nặng nề như bỏ hình phạt cấm cố thời hán mạt, có lợi cho việc phòng ngừa và giảm bớt tội phạm. Vì Tấn luật có đóng góp lớn của Đỗ Dự và Trương Bùi nên còn được gọi là Luật Trương Đỗ

Ruộng đất[edit]

Sau khi lên ngôi, Tấn Vũ Đế định lại chế độ ruộng đất, xóa bỏ chế độ quân sự quản lý dân đồn thời Tào Ngụy, ban hành chế độ chiếm ruộng và nộp thuế :

  • Nông dân trong đồn điền được biên chế theo hộ tịch của quận huyện và chia ruộng theo hộ; nếu chủ hộ là đàn ông thì được chia 70 mẫu, chủ hộ là phụ nữ thì được chia 30 mẫu;
  • Chế độ nộp khóa điền: nộp tô ruộng đất cho Triều đình. Người từ 16 đến 60 tuổi, là nam thì phải làm 50 mẫu khóa điền, là nữ thì phải làm 20 mẫu. Người 13–15 tuổi và 60–65 tuổi thì làm bằng nửa số khóa điền tương ứng theo giới tính.
  • Mỗi hộ phải nộp 3 thạch lúa và 3 cân bông 1 năm.

Quan lại nhà Tấn từ nhất phẩm đến cửu phẩm, tùy đẳng cấp được cấp ruộng và tá điền, thấp nhất là 10 khoảng và cao nhất là 50 khoảnh – mỗi cấp hơn nhau 5 khoảnh. Ngoài ra, quan nhất phẩm đến tam phẩm còn được thêm ruộng thái điền (vua ban) từ 6 đến 10 khoảnh. Người có tước vương, cônghầu thì được chiếm ruộng đất không hạn chế tại nước mình được phong, ngoài ra còn được xây 1 tòa nhà tại Kinh đô. Nước lớn được 15 khoảnh ruộng gần Kinh đô, nước vừa 10 khoảnh, nước nhỏ 7 khoảnh.

Phong ấm[edit]

Ngoài chế độ chiếm hữu ruộng đất, nhà Tấn còn đặt ra lệ phong ấm. Người được phong ấm được miễn thuế và sưu dịch. Quan lại, gia đình tôn thất, nhân sĩ danh tiếng đều chiếu theo cấp bậc mà hưởng lệ phong ấm. Người nhiều nhất được hưởng 9 đời, ít nhất cũng được hưởng 3 đời.

Khi có người được phong ấm thì bà con thân thích và cả đầy tớ, tá điền cũng được hưởng lộc ấm. Quan nhất nhị phẩm được 50 hộ tá điền và 3 đầy tớ, thấp nhất là cửu phẩm được 1 hộ tá điền và 1 đầy tớ. Các bậc từ công khanh trở xuống có một số nhất định trâu bò và người cày. Những người bị tù tội, khi được tha không có ruộng đất phải đi làm nông nô (điền khách) cho nhà quyền quý. Những nhà có thế lực có hàng ngàn hộ điền khách.

Chính sách ưu đãi đó đã tạo ra cuộc sống xa hoa của người quyền quý trong giai cấp thống trị, điển hình cho sự giàu có, xa xỉ là Thạch Sùng và Vương Khải nổi tiếng trong lịch sử.

Đông Tấn[edit]

Chính sách với người di cư từ phương Bắc[edit]

Trải qua một thời gian loạn lạc và bị người Hung Nô tấn công làm chính quyền Tây Tấn sụp đổ, một số lượng lớn người miền Bắc di tản xuống miền Nam. Khoảng 6–7 phần 10 các địa chủ và quý tộc miền Bắc dời bỏ đất đai cùng toàn bộ người nhà, tôi tớ, quân lính xuống Giang Nam . Có tới hàng triệu người miền Bắc đã tản cư xuống miền Nam, góp phần làm tăng thêm dân số cho nhà Đông Tấn.

Người miền Bắc được gọi là kiều nhân, sau gọi là bạch hộ, được định cư tại các khu vực riêng gọi là kiều châu, kiều quận, kiều huyện thuộc Giang Tô, Triết Giang để khai phá vùng đất miền tây trở nên giàu có. Họ được tổ chức và quản lý dưới quyền các quý tộc và địa chủ người miền Bắc như Nam Từ Châu, xung quanh Kiến Khang hoặc những quận riêng như Nam Lan Lăng ở Kinh Châu. Dân lao động dời xuống miền Nam và Trung Hồ Bắc đã mở mang vùng này thành vùng giàu có thứ 2 Giang Nam.

Sau khi Triều đình Đông Tấn được thành lập để đề phòng nạn nhân chiến loạn từ phía bắc tràn xuống Giang Nam gây ra nhiều vấn đề xã hội đã quy định những nhóm lưu dân có vũ trang không được vượt qua sông Trường Giang, đồng thời Triều đình cũng đề cử một số quan chức cho những đầu mục của các nhóm lưu dân, sắp xếp cho họ đóng tại khu vực nằm giữa Trường Giang và sông Hoài làm bức bình phong cho Triều đình Đông Tấn.

Nhà Đông Tấn quy định hộ khẩu của kiều dân (bạch hộ) không được liệt vào sổ sách hộ tịch sở tại, được miễn thuế và lao dịch để đảm bảo đặc quyền phong kiến của sĩ tộc miền Bắc. Còn dân miền Nam thì gọi là hoàng hộ. Từ giữa triều Đông Tấn về sau, chính quyền nhiều lần thực thi thổ đoán, giảm dần kiều châu, kiều quận, kiều huyện. Các kiều châu, kiều quận không có biên giới nhất định, không thu được thuế cho Nhà nước. Các sĩ tộc lợi dụng thế lực của mình để thôn tính đất đai, gom các nông dân phá sản vào điền trang của mình để làm nhân khẩu phụ thuộc gọi là ẩn khách gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến thu nhập tài chính của Nhà nước.

Năm 341, Triều đình ra lệnh kiều dân từ vương công cho đến thứ dân định hộ tịch theo thực tế cư trú, đem hộ khẩu của họ liệt vào sổ hộ tịch sở tại, gọi là "Hàm Khang thổ đoán". Đến năm 350 Hoàn Ôn chủ trì ban hành luật thổ đoán gọi là Canh tuất thổ đoán. Năm 413, Lưu Dụ lại ra lệnh cho thực hiện thổ đoán lần nữa, gọi là Nghĩa Hy thổ đoán, phần lớn kiều trí quận huyện đã bị dẹp đi, gia tăng thu nhập tài chính cho chính quyền trung ương.

Tô thuế và sưu dịch[edit]

Những năm đầu, nhà Đông Tấn duy trì chế độ thu thuế từng nhà thời Tây Tấn. Từ đời Tấn Thành Đế (326–343) áp dụng chế độ tô tức chế để tăng thu cho Triều đình, bình quân mỗi mẫu lấy 1/10 sản lượng là 3 thăng gạo. Vì chế độ đó bất lợi cho giai cấp địa chủ, bị phản đối nên sang thời Ai Đế giảm xuống 2 thăng và tới đời Hiếu Vũ Đế giảm xuống chỉ còn 1 thăng.

Vương công cũng không được miễn sưu dịch; mỗi đinh nam từ 16 tuổi trở lên phải nộp thuế toàn đinh 3 hộc, 13–16 tuổi là nửa đinh. Để giảm sự phản đối của người lao động, Triều đình miễn thuế cho người đi làm lao công. Tuy nhiên chế độ này duy trì được 6 năm lại tăng thuế đinh từ 3 hộc lên 5 hộc và người lao công cũng không được miễn thuế. Ngoài ra, mỗi đinh nam còn phải nộp 2 trượng vải, 2 trượng lụa, 3 lạng tơ và 8 lạng bông – người nghèo và vương công, địa chủ không phân biệt mức nộp.

Ngoài ra, Triều đình còn định ra các thứ thuế:

  • Xi thuế: là thuế đánh vào tài sản
  • Hưu thuế: thuế đánh vào việc mua bán hàng, dù lớn hay nhỏ phải nộp 4%. Loại hàng giá cao như nhà cửa, nô tỳ thì người bán nộp 3%, người mua nộp 1%.
  • Thuế chợ, thuế bến tàu, bến xe, mọi hàng hóa đều đánh thuế 1%.

Ngoài thuế, người dân còn phải đi lao dịch rất nặng nề, cả phụ nữ cũng không được miễn. Phàm Ninh đương thời nói:

Đời xưa bắt dân đi làm không quá 3 lần 1 năm; bây giờ bắt dân đi làm cơ hồ 1 năm không được 3 ngày nghỉ.

Sĩ tộc[edit]

Chế độ sĩ tộc có từ thời Ngụy Văn Đế (Tào Phi) và được nhà Tấn duy trì. Hàng quý tộc: Vương – Công – Hầu – Bá là nhất phẩm tới tứ phẩm và các bậc ngũ phẩm đến cửu phẩm, chủ yếu là các quan văn võ, gọi là sĩ tộc. Dân thường gọi là hạ phẩm. Các gia đình sĩ tộc có nhiều quyền lợi và được truyền nối nhau làm quan nhiều đời. Những người không xuất thân từ sĩ tộc, dù có vươn lên chức vụ to trong triều cũng bị sĩ tộc coi thường là hèn kém.

Thời Đông Tấn quy định lại số lượng điền khách cho các sĩ tộc. Từ nhất phẩm, nhị phẩm được sở hữu 40 hộ (cửu phẩm thời Tây Tấn có 50 hộ), mỗi bậc sau giảm 5 hộ, đến cửu phẩm cũng có 5 hộ (cửu phẩm thời Tây Tấn chỉ có 1 hộ). Dù triều đình ban hành số lượng hạn định về ruộng đất và tá điền nhưng trên thực tế có nhiều sĩ tộc chiếm số lượng vượt quy định.

Nhà Đông Tấn quy định chặt chẽ về môn đăng hộ đối trong hôn nhân, nếu làm trái là phạm tội nặng.