Jump to content

Chữ Nôm

From Wikiversity

Chữ Nôm (字喃), còn gọi là Quốc âm (chữ Hán: 國音), là một hệ chữ ngữ tố từng được dùng để viết tiếng Việt. Nó bao gồm bộ chữ Hán phồn thể để viết các từ Hán-Việt và dựa theo quy tắc ký âm của chữ Hán phồn thể để tạo ra các ký tự mới để viết các từ thuần Việt không có trong bộ chữ Hán phồn thể.

Ban đầu khi mới xuất hiện, chữ Nôm thuần túy mượn dạng chữ Hán y nguyên để ghi âm tiếng Việt cổ (mượn âm Hán để chép tiếng Quốc âm). Phép đó gọi là chữ "giả tá". Dần dần phép ghép hai chữ Hán lại với nhau, một phần gợi âm, một phần gợi ý được dùng ngày càng nhiều và có hệ thống hơn. Phép này gọi là "hài thanh" hoặc "hình thanh" để cấu tạo chữ mới. Kể từ thời Lê về sau số lượng sáng tác bằng chữ Nôm tăng dần trong suốt 500 năm từ thế kỷ 15 đến thế kỷ 19. Dồi dào nhất là các áng thi văn có tính cách cảm hứng, tiêu khiển, và nặng phần tình cảm. Những tác phẩm Nôm này rất đa dạng: từ Hàn luật (thơ Nôm (tiếng Việt) theo luật Đường), đến văn tế, truyện thơ lục bát, song thất lục bát, phú, hát nói, tuồng, chèo. Thi ca chữ Nôm đã diễn tả đầy đủ mọi tình cảm của dân tộc Việt, khi thì hào hùng, khi bi ai; khi thì trang nghiêm, khi bỡn cợt. Song sử liệu, nhất là chính sử cùng các văn bản hành chính của triều đình thì gần như toàn phần đều bằng chữ Hán. Ngoại lệ là những năm tồn tại ngắn ngủi của nhà Hồ (thế kỷ 15) và nhà Tây Sơn (thế kỷ 18).


Những cách tạo chữ Nôm

[edit]
Áng văn Nôm Truyện Kiều bản Chiêm Vân Thị dưới tựa Thúy Kiều Truyện tường chú
Áng văn Nôm Truyện Kiều bản Chiêm Vân Thị dưới tựa Thúy Kiều Truyện tường chú
Ba câu lục bát đầu của Truyện Kiều
Ba câu lục bát đầu của Truyện Kiều

Mượn cả âm và nghĩa của chữ Hán

[edit]

Mượn cả âm đọc (âm Hán Việt) và nghĩa của chữ Hán để ghi lại các từ từ Hán Việt. Âm Hán Việt có ba loại là:

  • Âm Hán Việt tiêu chuẩn: bắt nguồn từ ngữ âm tiếng Hán thời Đường. Ví dụ: "ông" 翁, "bà" 婆, "thuận lợi" 順利, "công thành danh toại" 功成名遂.
  • Âm Hán Việt cổ: bắt nguồn từ ngữ âm tiếng Hán trước thời Đường. Ví dụ: "mùa" 務 (âm Hán Việt tiêu chuẩn là"vụ"), "bay" 飛 (âm Hán Việt tiêu chuẩn là "phi"), "buồng" 房 (âm Hán Việt tiêu chuẩn là "phòng").
  • Âm Hán Việt Việt hoá: là các âm gốc Hán bị biến đổi cách đọc do ảnh hưởng của quy luật ngữ âm tiếng Việt. Ví dụ: "thêm" 添 (âm Hán Việt tiêu chuẩn là "thiêm"), "nhà" 家 (âm Hán Việt tiêu chuẩn là "gia"), "khăn" 巾 (âm Hán Việt tiêu chuẩn là "cân"), "ghế" 几 (âm Hán Việt tiêu chuẩn là "kỉ").

Ba loại âm Hán Việt kể trên đều được dùng trong chữ Nôm.

Mượn âm chữ Hán, không mượn nghĩa

[edit]

Mượn chữ Hán đồng âm hoặc cận âm để ghi âm tiếng Việt. Âm mượn có thể là âm Hán Việt tiêu chuẩn, âm Hán Việt cổ hoặc âm Hán Việt Việt hoá. Khi đọc có thể đọc giống với âm mượn hoặc đọc chệch đi. Ví dụ:

  • Đọc giống như âm Hán Việt tiêu chuẩn: chữ "một" 沒 có nghĩa là "chìm" được mượn dùng để ghi từ "một" trong "một mình", chữ "tốt" 卒 có nghĩa là "binh lính" được mượn dùng để ghi từ "tốt" trong "tốt xấu", chữ "xương" 昌 có nghĩa là "hưng thịnh" được mượn dùng để ghi từ "xương" trong "xương thịt", chữ "qua" 戈 là tên gọi của một loại binh khí được mượn dùng để ghi từ "qua" trong "hôm qua".
  • Đọc chệch âm Hán Việt tiêu chuẩn: "gió" 這 (mượn âm "giá"), "cửa" 舉 (mượn âm "cử"), "đêm" 店 (mượn âm "điếm"), "chạy" 豸 (mượn âm "trãi").
  • Đọc giống như âm Hán Việt cổ: chữ "keo" 膠 ("keo" trong "keo dán", âm Hán Việt tiêu chuẩn là "giao") được dùng để ghi lại từ "keo" trong "keo kiệt", chữ "búa" 斧 ("búa" trong "cái búa", âm Hán Việt tiêu chuẩn là "phủ") được dùng để ghi lại từ "búa" trong "chợ búa" ("búa" trong "chợ búa" là âm Hán Việt cổ của chữ "phố" 鋪).

Mượn nghĩa chữ Hán, không mượn âm

[edit]

Mượn chữ Hán đồng nghĩa hoặc cận nghĩa để ghi lại âm tiếng Việt. Ví dụ: chữ "dịch" 腋 có nghĩa nghĩa là "nách" được dùng để ghi lại từ "nách" trong "hôi nách", chữ "năng" 能 có nghĩa là "có tài, có năng lực" được dùng để ghi lại từ "hay" trong "văn hay chữ tốt".

Tạo chữ ghép

[edit]

Chữ ghép, còn gọi chữ là chữ hợp thể, là chữ được tạo ra bằng cách ghép hai hoặc nhiều hơn chữ khác thành một chữ. Các chữ cấu thành nên chữ ghép có thể đóng vai trò là thanh phù (bộ phận biểu thị âm đọc của chữ ghép) hoặc nghĩa phù (bộ phận biểu thị ý nghĩa của chữ ghép) hoặc vừa là thanh phù vừa là nghĩa phù hoặc dùng làm phù hiệu chỉnh âm chỉ báo cho người đọc biết chữ này cần phải đọc chệch đi. Chúng có thể được viết nguyên dạng hoặc bị viết tỉnh lược mất một phần hoặc thay bằng chữ giản hóa. Thanh phù luôn có âm đọc giống hoặc gần giống với âm đọc của chữ ghép. Phù hiệu chỉnh âm được dùng trong chữ Nôm là bộ "khẩu" 口 (đặt ở bên trái chữ ghép), dấu "cá" 亇 (bắt nguồn từ chữ "cá" 个 viết theo thể thảo thư, đặt ở bên phải chữ ghép), dấu nháy "𡿨" (đặt ở bên phải chữ ghép), bộ "tư" 厶 (đặt ở bên trên hoặc bên phải chữ ghép), dấu "冫" (đặt bên trái chữ ghép, chỉ thấy dùng trong các bản văn bản Nôm ở vùng Nam Bộ Việt Nam).

Một số ví dụ về chữ ghép:

  • "chân" 蹎 ("chân" trong "chân tay"): chữ này được cấu thành từ chữ "túc" 足 và chữ "chân" 真. "Túc" 足 có nghĩa là "chân" được dùng làm "nghĩa phù" biểu thị ý nghĩa của chữ ghép. Trong chữ ghép chữ "túc" 足 khi đứng ở bên trái phải viết dưới dạng biến thể gọi là "bàng chữ túc" ⻊. Chữ "chân" 真 ("chân" trong "chân thành") đồng âm với "chân" trong "chân tay" được dùng làm thanh phù biểu thị âm đọc của chữ ghép.
  • "gạch" 𥗳 ("gạch" trong "gạch ngói"): chữ này được cấu thành từ chữ "thạch" 石 và chữ "ngạch" 額. "Thạch" 石 có nghĩa là "đá" được dùng làm nghĩa phù, ý là gạch thì được làm bằng đất đá. "Ngạch" 額 dùng làm thanh phù.
  • "khói" 𤌋: chữ này được cấu thành từ chữ "hỏa" 火 và chữ "khối" 塊 bị tỉnh lược một phần (tỉnh lược bộ "thổ" 土 ở bên trái chữ "khối" 塊). "Hỏa" 火 có nghĩa là lửa, gợi ý nghĩa của chữ ghép (lửa cháy tạo ra khói), "khối" 塊 gợi âm đọc của chữ ghép.
  • "ra" 𦋦: chữ này được cấu thành từ chữ "la" 羅 giản hóa và chữ "xuất" 出. "Xuất" 出 có nghĩa là "ra" biểu thị ý nghĩa của chữ ghép.
  • "trời" 𡗶: chữ này được cấu thành từ chữ "thiên" 天 có nghĩa là "trời" và chữ "thượng" 上 có nghĩa là "trên", ý là "trời" thì nằm ở trên cao.
  • "lử" 𠢬 ("lử" trong "mệt lử") gồm chữ "vô" 無 có nghĩa là "không có" và chữ "lực" 力 có nghĩa là "sức, sức lực", ý là "lử" là không còn sức lực gì nữa.

Tiếng Việt hiện đại không có phụ âm kép nhưng trong tiếng Việt từ giai đoạn trung đại trở về trước thì lại có phụ âm kép. Trong chữ Nôm hợp thể để biểu thị các phụ âm kép người ta dùng một hoặc hai chữ làm thanh phù. Nếu dùng hai chữ làm thanh phù thì một chữ sẽ dùng để biểu thị phụ âm thứ nhất của phụ âm kép, chữ còn lại biểu thị phụ âm thứ hai của phụ âm kép. Ví dụ:

  • "blăng" 𣎞: "Blăng" hiện nay đã biến đổi thành "trăng, giăng". Chữ "blăng" 𣎞 được cấu thành từ chữ "ba" 巴, chữ "lăng" 夌 và chữ "nguyệt" 月. "Ba" 巴 biểu thị phụ âm thứ nhất "b" của phụ âm kép "bl", "lăng" 夌 biểu thị phụ âm thứ hai "l" và phần vần của từ "blăng", "nguyệt" 月 có nghĩa là "mặt trăng" biểu thị ý nghĩa của chữ ghép này.
  • "mlời" 𠅜: "Mlời" hiện nay đã biến đổi thành "lời, nhời" ("lời" trong "lời nói"). Chữ "mlời" 𠅜 được cấu thành từ chữ "ma" 麻 (bị tỉnh lược thành "亠") và chữ "lệ" 例. "Ma" 麻 biểu thị phụ âm thứ nhất "m" của phụ âm kép "ml", "lệ" 例 biểu thị phụ âm thứ hai "l" và phần vần cửa từ "mlời".
  • "tlòn" 𧷺: "Tlòn" hiện nay đã biến đổi thành "tròn". Chữ này được cấu thành từ chữ "viên" 圓 (bị tỉnh lược bộ "vi" 囗 ở phía ngoài thành "員") và chữ "lôn" 侖. "Viên" 圓 có nghĩa là "tròn" được dùng làm nghĩa phù. "Lôn" 侖 là thanh phù, biểu thị phụ âm thứ hai "l" của phụ âm kép "tl" và phần vần của từ "tlòn".
  • "krông" 滝: "Krông" hiện nay đã biến đổi thành "sông". Chữ này được cấu thành từ bộ "thủy" 水 và chữ "long" 竜. "Thủy" có nghĩa là "sông" biểu thị ý nghĩa của chữ ghép. "Long" 竜 biểu thị phụ âm thứ hai "r" của phụ âm kép "kr" và phần vần của từ "krông".
  • "sláu" 𦒹: "sláu" hiện nay đã biến đổi thành "sáu". Chữ này được cấu thành từ chữ "lão" và chữ "lục". "Lục" 六 là nghĩa phù, có nghĩa là "sáu". "Lão" 老 là thanh phù, biểu thị phụ âm thứ hai "l" của phụ âm kép "sl" và phần vần của từ "sláu".

Template:Fact

Lược bớt nét của chữ Hán để biểu thị phải đọc chệch đi

[edit]

Lược bớt ít nhất là một nét của một chữ Hán nào đó để gợi ý cho người đọc biết rằng chữ này phải đọc chệch đi. Ví dụ:

  • chữ "ấy" 𧘇: lược nét chấm "丶" trên đầu chữ "ý" 衣. Việc lược bớt nét bút này gợi ý cho người đọc biết rằng chữ này không đọc là "y" hay "ý" (chữ 衣 có hai âm đọc là "y" và "ý") mà cần đọc chệch đi.
  • "khệnh khạng" 𠀗𠀖: chữ "khệnh 𠀗 là chữ "cộng" 共 bị lược bớt nét phẩy "㇒", chữ "khạng" 𠀖 là chữ "cộng" 共 bị lược bớt nét mác "㇔".
  • "khề khà" 𠀫𠀪: chữ "khề" 𠀫 là chữ "kỳ" bị lược bớt nét phẩy "㇒", chữ "khà" 𠀪 là chữ "kỳ" bị lược bớt nét mác "㇔".

Mượn âm của chữ Nôm có sẵn

[edit]

Dùng chữ Nôm có sẵn để ghi lại từ tiếng Việt đồng âm hoặc cận âm nhưng khác nghĩa hoặc đồng nghĩa nhưng khác âm với chữ được mượn. Khi đọc có thể đọc giống với âm đọc của chữ được mượn hoặc đọc chệch đi. Ví dụ:

  • Đọc giống với âm đọc của chữ được mượn: chữ "chín" 𠃩 ("chín" trong "chín người mười ý") được dùng để ghi từ "chín" trong "nấu chín".
  • Đọc chệch âm: chữ "đá" 𥒥 ("đá" trong "hòn đá") được dùng để ghi từ "đứa" trong "đứa bé".