Danh ngôn sách Trung dung

From Wikiversity
  • Ở đời cái gì thung dung thì còn, cấp bách quá thì mất.
Việc mà thung dung thì có ý vị . Người mà thung dung thì sống lâu. - Lả khôn
  • Làm điều gì thành thật, thì bụng an ổn, mỗi ngày mỗi hay
Làm điều gì gian dối, bụng băn khoăn, mỗi ngày mỗi dở
  • Mệnh mà trời ban riêng cho từng người thì gọi là tính. Thuận theo tính mà đối nhân xử thế, làm mọi việc thì gọi là đạo. Tu dưỡng theo nguyên tắc của đạo để đối nhân xử thế, làm mọi việc thì gọi là giáo. Đạo là điều mà con người không được xa rời dù chỉ trong giây phút; nếu có thể xa rời được thì không phải là đạo. Vì vậy người quân tử phải hết sức răn mình cẩn thận về những điều không ai nhìn thấy. Không có cái gì dễ hiện ra bằng điều giấu giếm, không có cái gì dễ lộ ra bằng điều nhỏ nhặt. Cho nên người quân tử khi xử thế một mình, từ lời ăn tiếng nói đến việc làm cụ thể càng phải cẩn thận, chu đáo hơn bao giờ hết
  • Khi tình cảm như vui mừng, hờn giận, đau thương, khoái lạc chưa biểu hiện ra thì gọi là trung; biểu hiện ra rồi nhưng phù hợp, đúng mức thì gọi là hòa. Trung là điều cơ bản lớn nhất trong thiên hạ. Hòa là chuẩn tắc phổ biến nhất trong thiên hạ. Trung hòa mà đạt đến tột cùng thì mọi cái trong trời đất đều ở vị trí thỏa đáng, vạn vật sẽ sinh sôi nảy nở.
  • Lời nói và việc làm của người quân tử thì phù hợp với chuẩn tắc trung dung, còn kẻ tiểu nhân thì phản lại trung dung. Người quân tử luôn giữ trạng thái trung hòa, không thái quá hay bất cập. Kẻ tiểu nhân thì không hề lo sợ, nể nang hay e dè , nên cách nói năng của và hành động của kẻ tiểu nhân không thái quá thì cũng bất cập. Người quân tử phải giữ trọn đạo Trung dung trong bất cứ hoàn cảnh nào .
  • Người quân tử nên dựa vào địa vị hiện tại của mình mà làm việc, không nên ham những cái ngoài bổn phận của mình... Người quân tử ở bất kỳ hoàn cảnh nào đều có thể điềm nhiên tự tại, bình tĩnh tự đắc, không kêu ca phàn nàn. Mỗi người đều có vị trí riêng trong hệ thống phân công lao động xã hội.
  • Người quân tử vừa ra sức coi trọng đạo đức vốn có của mình, vừa ra sức chăm lo học tập; vừa phấn đấu đạt đến tầm rộng lớn của đạo, vừa nắm hết chỗ tinh vi tận cùng của đạo. Muốn có được đạo đức cao minh, phải thông hiểu đạo lý trung dung, ôn tập những kiến thức đã nắm chắc, từ đó mà thu hoạch thêm những kiến thức mới; trung hậu, chất phác, giản dị lại ham chuộng lễ nghi nghiêm túc. Khi ở ngôi cao thì không kiêu ngạo, khi làm kẻ dưới thì chẳng dám gây điều trái nghịch, bất chấp lễ nghĩa. Khi nước có đạo, người quân tử có thể ra giúp nước, nghĩ mưu kế để khiến nước nhà hưng thịnh. Khi nước không có đạo, người quân tử có thể dựa vào trí sáng suốt của mình, tránh cho mình khỏi bị tai ương họa hại
  • Chỉ có bậc chí thánh trong thiên hạ mới có đủ: Tài trí thông minh, nhìn xa thấy rộng, đủ sức để cai trị thiên hạ. Có lòng khoan dung độ lượng đủ để bao dung dân chúng và vạn vật. Tính tình cương nghị quyết đoán đủ để cầm nắm việc chính sự. Thái độ đoan chính ngay thẳng để mọi người kính nể. Văn chương điển lý tinh tế, xét đoán minh bạch đủ để phân biệt phải trái. Đạo đức của bậc chí thánh rộng lớn, sâu xa vô bờ bến, bao la rộng lớn như trời cao, sâu như vực thẳm... Chỉ có bậc thánh nhân có đức thật cao cả mới có thể soạn ra được cương lĩnh, biện pháp lớn để quản lý thiên hạ, xây dựng bồi đắp cái gốc lớn cho thiên hạ, thông hiểu hết đạo lý trời đất nuôi dưỡng vạn vật
  • Chín nguyên tắc lớn trong đạo trị quốc từ sách Trung Dung
  1. Tu dưỡng bản thân thì đạo đức được xác lập.
  2. Tôn trọng hiền tài thì không bị mê hoặc, ngu tối.
  3. Yêu quý thân tộc thì chú bác, anh em không oán hận.
  4. Kính trọng đại thần thì công việc ít phạm sai lầm.
  5. Săn sóc quần thần thì kẻ sĩ tận lực báo đáp.
  6. Quan tâm đến dân thì dân chúng thực hiện tốt mọi điều bề trên đề ra.
  7. Khuyến khích bách nghệ phát triển thì vật dụng, hàng hóa buôn bán đủ đầy, sung túc.
  8. Trọng đãi người nước ngoài đến nước mình làm ăn sinh sống thì bốn phương quy thuận.
  9. Vỗ về chư hầu thì khắp thiên hạ sẽ kính phục.