Jump to content

Hoàng đế nội kinh - Âm dương

From Wikiversity

Âm dương

[edit]

Âm dương của vạn vật trong vũ trụ.

[edit]

Âm dương bốn mùa là căn bản của vạn vật . Bốn mùa vận hành, âm dương biến hóa, khí trời đất hòa hợp với nhau mà dinh dưỡng vạn vật, căn bản của vạn vật là ở âm dương. Cho nên âm dương bốn mùa là nguồn gốc của sinh trưởng . lão tử [43] của vạn vật, trái với quy luật thì tai hại đến, thuận theo quy luật ấy thì bệnh tật không thể phát sinh. Như thế gọi là đắc đạo, biết được phép dưỡng sinh.

Dương khí trong nhân thể giống như không trung có mặt trời, không trung nhờ có mặt trời mà có ánh sáng. Cho nên dương khí trong nhân thể nếu mất công năng bình thường là con người sẽ bị giảm thọ. (Người có dương khí như trời có mặt trời, trời mất dương khí thì mất đi sự sáng, người mất dương khí thì tuổi thọ bị giảm). Cho nên sự vận hành của thiên khí chủ yếu phải có ánh sáng mặt trời, vì vậy dương khí của con người cũng cần phải hướng lên, tỏa ra để phát huy tác dụng bảo vệ thân thể. (Cần biết rõ bộ phận vận hành của dương khí để áp dụng đúng vào việc bảo vệ thân thể con người).Công năng của dương khí, phần trong thì sinh hóa ra chất tinh vi để nuôi dưỡng thần, phần ngoài thì sinh hóa ra khí nhu hòa để nuôi dưỡng gân. (Đây là nói cụ thể về sự vận hành và sinh dưỡng của dương khí, ở trong thì biến hóa ra chất tinh vi để nuôi dưỡng thần khí, ở ngoài thì làm ra chất tân dịch để nuôi dưỡng gân). Cho nên dương khí của con người, về ban ngày thì chủ yếu là bảo vệ phần ngoài thân thể. (Ban ngày thì dương khí ở ngoài, đi 25 độ khắp phần ngoài thân thể).

Lúc sáng sớm dương khí mới sinh, đến giữa trưa dương khí rất thịnh, lúc mặt trời lặn dương khí đã suy kém, khí môn khép kín lại. (Khí sinh ra đều từ “Thiếu” đến “Tráng”, tích khí ấm thành khí nóng, nóng quá rồi lại mát đó là quy luật của sự vật. Cho nên lúc sáng sớm thì dương khí sinh, giữa trưa dương khí toàn thịnh, mặt trời lặn thì dương khí giảm sút. Khí môn tức là huyền phủ, chỗ khí của kinh mạch vinh vệ phát tiết).Tối đến dương khí thu liễm, khí môn khép lại, lúc đó không nên nhiễu động đến gân xương, không xông pha ngoài sương tuyết. Nếu làm trái với quy luật ba thời gian ấy thì hình thể sẽ bị suy yếu. (Ở đây nói thuận theo dương khí, dương khí của thiên nhiên phát ra thì dương khí của con người cũng phát ra, dương khí của thiên nhiên bế tàng thì dương khí của con người cũng bế tàng. Chiều tối dương khí suy đi vào âm phận thì con người cũng phải thu liễm lại để chống với hư tà. Nhiễu động tới gân xương thì làm hại tới dương khí, hao tổn tinh. Xông pha ngoài sương tuyết thì hàn, thấp sẽ xâm lấn vào, cho nên thuận theo ba thời gian ấy thì khí thiên chân [44] sẽ bảo tồn được lâu dài).

Âm tàng tinh mà giữ ở trong, dương bảo vệ ở ngoài để gìn giữ cho âm. Âm không thắng dương thì mạch sác, dương thịnh thực thì phát cuồng. (Dương thịnh dồn cả ra tay chân thì phát cuồng, tay chân là gốc của các kinh mạch dương, dương thịnh thì tay chân thực, thịnh quá thì trào lên mà ca hát, mình nóng quá cho nên cởi áo quần mà chạy, như thế là âm không thắng được dương).

Dương không thắng được âm thì khí của ngũ tạng giao tranh với nhau mà chín khiếu không thông. (Chín khiếu bên trong thuộc ngũ tạng, bên ngoài là các khí quan (khiếu). Ngũ tạng bất hòa thì các khiếu sẽ không thông). Bởi vậy thánh nhân theo quy luật âm dương mà làm cho gân mạch điều hòa, xương tủy vững chắc, khí huyết vận hành. Như thế thì trong ngoài điều hòa, tà khí không xâm hại được, tỏ tai sáng mắt, chính khí vững mạnh như thường. (Tà khí không xâm hại cho nên chính khí vững mạnh như thường).

Dương khí mạnh quá không giữ kín đáo được thì âm khí sẽ tuyệt. (Dương khí càng thịnh không đóng kín được, âm khí tiết ra mà tinh khí tuyệt). Âm khí bình hòa, dương khí kín đáo thì tinh thần sẽ bình thường. (âm khí bình hòa, dương khí kín đáo thì tinh thần ngày càng vững mạnh). Âm dương tách rời nhau thì tinh khí sẽ tuyệt. (âm khí không bình hòa, dương khí không kín đáo, nếu dùng bừa phép tả để làm hao tổn đến thiên chân thì tinh khí không hóa được mà sẽ tuyệt đường lưu thông).

Sáng sớm đến giữa trưa là dương trong một ngày, là dương ở trong dương. Giữa trưa đến chập tối là dương trong một ngày, là âm ở trong dương. (Giữa trưa dương khí thịnh nên gọi là dương ở trong dương, chập tối âm khí thịnh nên gọi là âm ở trong dương. Dương khí chủ về ban ngày cho nên sáng sớm đến chập tối thuộc về dương trong một ngày, nhưng thời gian đó lại có chia ra âm dương).

Chập tối đến gà gáy là âm trong một ngày, là âm ở trong âm. Gà gáy đến sáng là âm trong một ngày, là dương ở trong âm. (Gà gáy dương khí chưa có nên gọi là phần âm trong một ngày, sáng sớm dương khí đã có nên gọi là dương trong âm).Cho nên con người cũng phải thuận theo như vậy.

Âm dương của con người

[edit]

Nói về âm dương của con người thì phần ngoài là dương, phần trong là âm. Nói về âm dương trong nhân thể thì lưng là dương mà bụng là âm.

Nói về âm dương tạng phủ thì tạng là âm, phủ là dương. (Tạng là nói 5 thần tạng, phủ là hóa 6 phủ). Năm tạng can, tâm, tỳ, phế, thận đều thuộc âm. Sáu phủ đởm, vị, tiểu tràng, đại tràng, bàng quang, tam tiêu đều thuộc dương.

Cho nên lưng là dương mà tâm là dương trong dương. (Tâm là tạng dương, bộ vị ở thượng tiêu, tạng dương ở bộ vị dương cho nên nói dương trong dương. Sách Linh khu nói: “Tâm tạng thuộc giống đực, đực là dương”). Lưng là dương, mà phế là âm trong dương. (Phế là âm tạng ở bộ vị thượng tiêu, tạng âm ở bộ vị dương cho nên nói âm trong dương. Sách Linh khu nói: “Phế là tạng thuộc giống cái, cái là âm”).

Bụng là âm mà thận là âm ở trong âm. (Tạng thận là tạng âm, ở bộ vị hạ tiêu, tạng âm ở bộ vị âm cho nên nói âm trong âm. Sách Linh khu nói: “Thận tạng thuộc giống cái, cái là âm”). Bụng là âm mà can là dương ở trong âm. (Can là tạng dương, bộ vị ở trung tiêu, tạng dương ở bộ vị âm cho nên nói dương trong âm. Sách Linh khu nói: “Can tạng thuộc giống đực, đực thuộc dương”). Bụng là âm mà tỳ là chí âm ở trong âm. (Tỳ là thái âm thổ, bộ vị ở trung tiêu. Thái âm ở bộ vị âm cho nên nói chí âm ở trong âm. Sách Linh khu nói: “Tỳ tạng thuộc giống cái, cái là âm”).

Bấy nhiêu điều nói trên là sự hỗ trợ liên hệ giữa âm dương, biểu lý, trong ngoài, trống mái tương tự với sự biến hóa âm dương của vạn vật trong vũ trụ. Âm dương là một thứ quy luật tự nhiên trong trời đất (quy luật biến hóa sinh thành) là cương lĩnh phân loại của tất cả mọi sự vật. (Tác dụng dương là chính khí để phát sinh, âm là chủ trì để xây dựng, cho nên nói cương lĩnh phân loại mọi sự vật).

Là nguồn gốc biến hóa của vạn vật. (âm dương biến hóa tác dụng vào các loại khác nhau như thế nào? Chim cắt hóa thành chim Tu hú, Chuột đồng hóa thành chim Cút, cỏ mục hóa thành Đom đóm, Chim sẻ xuống nước hóa thành Sò huyết, chim Trĩ xuống nước hóa thành Vẹm. Đấy là loài khác nhau do biến hóa mà thành loài vật khác).Là nguồn gốc của sinh trưởng và hủy diệt. (Ứng dụng vào sự ấm lạnh thì vạn vật nhờ có dương khí ấm để sinh trưởng, vì âm khí lạnh mà hủy diệt, cho nên nguồn gốc của sự sinh trưởng và hủy diệt là do sự vận hành của âm dương mà ra). Là nơi phát nguyên của thần minh. (ý nói có sự sinh sát, biến hóa phức tạp).

Cho nên tích dương ở trên là trời, tích âm ở dưới là đất, âm yên tĩnh, dương chuyển động . Dương làm cho phát sinh, âm làm cho trưởng thành . Dương thu bớt đi, âm bế tàng lại. (Đây nói rõ thêm về tác dụng sinh, sát khác nhau của thiên địa âm dương. Thần Nông nói: “Thiên có âm dương, dương để phát sinh, âm để trưởng thành. Địa có âm dương, dương để thu bớt đi, âm để bế tàng lại”.

Quẻ Khôn là âm, bộ vị ở phía Tây Nam, thời tiết ứng vào khoảng tháng sáu tháng bảy là mùa vạn vật thịnh vượng trưởng thành. Quẻ Càn là dương ở vào địa phận Tuất Hợi, thời tiết vào khoảng tháng chín tháng mười là mùa vạn vật thu tàng. Vậy sao bảo dương không có lẽ thu sát. Xem đó thì đủ rõ được lý luận âm trưởng thành dương thu sát).

Dương hóa khí, âm thành hình. (Phần thanh dương hóa khí, phần trọc âm thì tạo thành hình). Dương thịnh quá thì tự nhiên sinh âm. (Tất nhiên sẽ biến sinh âm chứng). Âm thịnh quá tất nhiên sinh dương. (Tất nhiên sẽ biến sinh ra dương chứng, nói về thương hàn và thương thử cũng đều như vậy).

Trời đất che chở cho vạn vật. (Xét sự che chở trên dưới của vạn vật thì đủ rõ). Âm với dương cũng như khí với huyết, nam với nữ. (Dương chủ khí, âm chủ huyết, âm sinh ra nữ, dương sinh ra nam). Tả hữu là đường lối vận hành của âm dương. (âm dương xen kẽ nhau thay đổi nhau mà tuần hoàn, cho nên nói tả hữu là đường lối của âm dương, âm khí đi bên hữu, dương khí đi bên tả). Thủy hỏa là tượng trưng của âm dương. (Xem khí của thủy hỏa thì biết được tượng trưng của âm dương).

Âm dương là nguồn gốc của sự sinh thành biến hóa ra muôn vật. Cho nên nói âm ở trong để gìn giữ cho dương, dương ở ngoài để giúp đỡ cho âm. (âm tĩnh cho nên gìn giữ cho dương, dương động cho nên giúp đỡ cho âm).Âm khí ít mà dương khí nhiều hơn cho nên nhiệt đầy mà tức. (Nói về bệnh nhiệt mà đầy tức là âm khí kém mà dương khí trội hơn).Dương khí kém mà âm khí trội hơn cho nên mình lạnh như ở nước ra. (Nói về bệnh hàn mà tự ở trong ra tức là dương khí ít mà âm khí nhiều).

Thiên có âm dương, dương để phát sinh, âm để trưởng thành. Địa có âm dương, dương để thu sát, âm để bế tàng. (Sinh trưởng thuộc về thiên, bế tàng thuộc về địa. Trời thuộc dương chủ sinh cho nên có dương sinh âm trưởng. Đất thuộc âm chủ sát cho nên có dương sát âm tàng. Trời đất tuy có cao thấp khác nhau, nhưng đều có sự vận dụng của âm dương).Trời có âm dương, đất cũng có âm dương. (Trời có âm khí cho nên giáng xuống được, đất có dương khí cho nên bốc lên được, như thế là trời đất đều có âm dương, âm dương hòa hợp với nhau nên sinh ra sự biến hóa).

Ngũ hành

[edit]

Ngũ hành Mộc, Hỏa, Thổ, Kim, Thủy là âm dương của trời đất vận chuyển theo quy luật sinh trưởng hóa thụ tàng . Cho nên trong dương có âm, trong âm có dương. (Khí âm khí dương hễ đến cực độ thì lấn lên, cho nên trong dương kiêm có âm, trong âm kiêm có dương, các quẻ trong Kinh dịch như quẻ Ly rỗng giữa, quẻ Khảm đầy ở giữa là tượng trưng của lẽ âm dương).