Jump to content

Hoàng thái hậu

From Wikiversity

Phế truất Trung Tông

[edit]

Tháng 12 năm 683, Thiên Hoàng lâm bệnh nặng ở Lạc Dương, bèn triệu Lý Hiển từ Trường An về Lạc Dương trao di chiếu và giao cho đại thần Bùi Viêm phụ chính. Cao Tông còn dặn Thái tử rằng sau này bất cứ việc lớn nhỏ đều phải hỏi qua ý của Thiên Hậu. Ngày 27, Cao Tông băng hà . Bà liền sai hoạn quan Khâu Thần Tích đến Ba Thục bức Thái tử cũ là Lý Hiền phải uống rượu độc tự tử. Lúc mới lên ngôi, Trung Tông phải chịu tang tiên hoàng, mọi việc trong triều đều do Võ thái hậu quyết đoán.

Tháng 1 năm 684, Trung Tông muốn tạo đối trọng với Võ thái hậu trong triều, nên phong nhạc phụ Vi Huyền Trinh làm Thị trung trông coi Môn hạ tỉnh, Bùi Viêm hết sức can ngăn nhưng Trung Tông không nghe. Bùi Viêm cố cãi lại không được, bèn mật cáo với Thái hậu. Ngày 26 tháng 2, Thái hậu được bọn Bùi Viêm, Lưu Y Chi, Trình Vụ Đĩnh, Trương Kiền Úc...đưa vào triều, tuyên chiếu phế truất Trung Tông làm Lư Lăng vương. Thái hậu đưa Dự Vương Đán lên ngôi, tức là Đường Duệ Tông. Lại đổi tên phế đế là Triết, đày ra Quân Châu rồi Phòng Châu, ở ngôi nhà mà Bộc vương Lý Thái từng ở sau khi bị Thái Tông giáng tước.

Sau khi lập Duệ Tông, bà Lâm triều xưng chế, tự mình chuyên chính. Bà lập tức hạ chiếu nói Vi Huyền Trinh mưu nghịch, tước tất cả chức vị, giáng làm thứ dân và tống vào ngục, sau cũng bị lưu đày.

Nhiếp chính không cần buông rèm

[edit]

Duệ Tông hoàng đế tuy ở ngôi vị, nhưng bị ép phải sống ở cung riêng, không được tham gia chính sự. Việc lớn nhỏ trong triều đều do Võ Thái hậu quyết đoán. Thái hậu ngự ở điện Võ Thành, Duệ Tông suất vương công đến dâng tôn hiệu. Mấy hôm sau, sai Võ Thừa Tự công bố chế sách lập Hoàng đế mới. Từ lúc này, Thái hậu lên triều nghe chính không cần phải buông rèm, cứ ra thẳng ghế rồng mà nghe quần thần tấu sự . Lấy Thái thường khanh, Kiểm giáo Dự vương phủ Vương Đức Chân làm Thị trung, Trung thư Thị lang Lưu Y Chi và Lễ bộ Thượng thư Võ Thừa Tự làm Đồng trung thư Môn hạ Bình chương sự. Lúc này Đông cung Hoàng thái tử bị truất phế trước đây Lý Hiền bị ép phải uống rượu độc mà chết, Thái hậu liền đổ hết trách nhiệm cho Khâu Thần Tích, biếm làm thứ sử Điệp châu (nhưng không lâu sau thì phục chức), rồi truy tặng Lý Hiền là Ung vương.

Tháng 9 cùng năm, Thái hậu cải nguyên là Văn Minh, đổi Đông Đô Lạc Dương thành Thần Đô, cải Thượng thư tỉnh là Văn Xương thai, Tả hữu bộc xạ là Tả hữu tướng; Lục tào thành Lục quan; Trung thư tỉnh đổi là Phụng các; Thị trung là Nạp ngôn; Trung thư lệnh là Nội sử lệnh; Ngự sử đài thành Tả túc chánh đài. Võ Thừa Tự là dâng biểu xin truy phong cho tổ tiên họ Võ, Thái hậu bằng lòng. Bùi Viêm lại dẫn câu chuyện Lữ hậu thời nhà Hán khi trước ra can ngăn, Hoàng thái hậu không nghe. Bèn truy phong tổ sáu đời là Khắc Kỷ làm Lỗ Tĩnh công; tổ năm đời là Cư Thường làm Thái úy, Bắc Bình Cung Túc vương; tằng tổ Kiệm là Thái úy, Kim Thành Nghĩa Khang vương; tổ phụ Hoa là Thái uý, Thái Nguyên An Thành vương; Võ Sĩ Hoạch làm thái sư, Ngụy Định vương.

Năm 686, Võ thái hậu hạ chiếu giao lại chính quyền do Duệ Tông, nhưng Duệ Tông biết mẫu hậu không thực tâm, nên không dám chấp nhận. Thái hậu tiếp tục lâm triều xưng chế.

Cuộc nổi dậy của Từ Kính Nghiệp và hoàng tộc họ Lý

[edit]
Tượng Phật được đúc dưới thời Võ Chu.
Tượng Phật được đúc dưới thời Võ Chu.

Cuối năm 684, Mi châu thứ sử, Anh quốc công Lý Kính Nghiệp, cháu của Anh công Lý Tích, cùng em là Lý Kính Du, và Đường Chi Kỳ, Lạc Tân Vương, Đỗ Cầu... hợp nhau nổi dậy ở Dương châu, lấy danh nghĩa khôi phục Trung Tông. Bọn họ loan tin trưởng sử Trần Kính Chi mưu phản để Kính Chi bị bắt vào ngục, mấy hôm sau thì Kính Nghiệp tiến hành nổi dậy, xưng niên hiệu cũ là Tự Thánh, xưng Khương phục phủ Thượng tướng, Dương Châu đại đô đốc; sai Lạc Tân Vương viết hịch kể tội Thái hậu gửi đi khắp nơi. Kính Nghiệp lại trá xưng là Thái tử Lý Hiền vẫn còn sống và đang ở chỗ mình. Thái hậu sai Lý Hiếu Dật làm Tương Châu đại tổng quản, dẫn 300.000 quân cùng Lý Tri Sĩ, Mã Kính Thần làm phó, thảo phạt Kính Nghiệp. Khi bà hỏi Bùi Viêm về kế sách đối với quân phản loạn, Viêm nói rằng vua đã lớn tuổi, chỉ cần Thái hậu giao trả quyền chính thì tất vô sự. Thái hậu tức giận, giam Viêm vào ngục, đưa Kiến Vị Đạo, Lý Cảnh Kham lên thay; sau đó khép Bùi Viêm vào tội chết; lại lưu đày những người nói hộ cho Viêm.

Lý Kính Nghiệp đưa quân đánh sang Nhuận châu. Thái hậu tước chức quan của ông ta, bắt trở về họ Từ. Lúc này quân của Lý Hiếu Dật không thu được thành quả nào, Hiếu Dật tỏ ra nao núng. Nhưng có tướng dưới quyền Ngụy Nguyên Trung khích lệ, Hiếu Dật mới quyết tâm hơn, cho quân đánh mạnh vào lực lượng của Từ Kính Nghiệp. Kính Nghiệp sau đó đại bại, phải bỏ trốn. Tướng Vương Na Tướng làm phản giết anh em Kính Nghiệp và Lạc Tân vương rồi ra hàng, cuộc nổi dậy bị dẹp tan.

Từ năm 685, Thái hậu bắt đầu dan díu với tên hòa thượng giả danh Tiết Hoài Nghĩa. Sau đó, Hoài Nghĩa dần được phong các chức vụ cao, cùng với Thái hậu làm nhơ bẩn hậu cung . Hoài Nghĩa là người đất Hộ, nguyên danh là Phùng Tiểu Bảo, một lần được Thiên Kim công chúa tiến cử, Thái hậu rất ưa thích, bèn cho giả làm tăng với tên Hoài Nghĩa, cho theo họ với phò mã Tiết Thiệu. Hoài Nghĩa tự do ra vào cung cấm, thế lực rất lớn; đến cả Võ Thừa Tự, Võ Tam Tư cũng tìm cách lấy lòng. Hoài Nghĩa tụ tập nhiều bọn côn đồ giả làm tăng, hoành hành bá đạo khắp nơi không coi ai ra gì. Có Hữu đài Ngự sử Phùng Tư Úc lên tiếng chỉ trích, liền bị bọn này đánh chết.

Thái hậu có ý soán ngôi, nên tìm cách loại trừ một số tôn thất nhà Đường, như Hàn vương Lý Nguyên Gia, Hoắc vương Lý Nguyên Quỹ, Lỗ vương Lý Linh Quỳ, Việt vương Lý Trinh, Giang Đô vương Lý Tự, Phạm Dương vương Lý Ái, Đông Hoàn công Lý Dung, Lang Nha vương Lý Xung (con Việt vương)... Bọn Trinh cũng biết ý đó, tỏ ra bất an và muốn nổi dậy. Mùa thu năm 688, Thái hậu triệu kiến tông thất, chư vương bàn với nhau về những việc làm xấu xa của bà ta, rồi giả thư của Duệ Tông ở trong cung yêu cầu các thân vương về cứu giá. Tháng 8 ÂL, Lý Xung triệu tập quân các nơi cùng đánh vào Thần Đô Lạc Dương. Thái hậu sai Khâu Thần Tích dẫn quân thảo phạt. Lý Trinh khởi binh từ Dự Châu , tuy nhiên các lộ chư hầu khác vẫn chưa kịp khởi binh, do đó lực lượng của ông bị đè bẹp nhanh chóng. Cuối cùng Lý Xung bị tên giữ thành Bác châu giết chết, hơn 1000 quan lại cũng bị liên can và bị Khâu Thần Tích giết chết. Lý Trinh cũng bị đánh bại liên tục và phải tự tử trong thành. Thái hậu hạ chiếu đổi họ của cha con Việt vương thành họ Hủy. Thái hậu nhân đó bắt tội Hàn vương, Lỗ vương, công chúa Thường Lạc, Hoàng công Lý Soạn, bắt họ tự sát rồi đổi tất cả sang họ Hủy . Phò mã Tiết Thiệu cùng hai anh là Tiết Nghĩ, Tiết Tự cũng bị liên can, Nghĩ và Tự và giết, Thiệu bị đánh 100 trượng rồi cũng chết trong ngục.

Khống chế đại thần

[edit]

Sau vụ của Từ Kính Nghiệp, Thái hậu sợ rằng các đại thần và tông thất oán mình chuyên quyền, nên tìm cách trừ khử bớt đi. Vào năm 686, Thái hậu sai chế ra một cái hộp bằng đồng đặt trước triều đường, để cho những người hiến kế hay hoặc dự báo được tinh tượng, hoặc muốn tố cáo gian ác, hoặc muốn tiến cử nhân tài... mà ngại không dám nói thì cho bỏ thư vào đó. Ý của Thái hậu là để cho người ta bỏ thư tố cáo bí mật của người khác, nhất là các đại thần đang bị Thái hậu nghi ngờ để bà có cớ xử tội họ. Thường thì những người bị tố cáo, Thái hậu xử tội mà không cần tra xét gì cả. Có người Hồ là Sách Nguyên Lễ đoán biết ý, nên dùng chuyện cáo mật mà được phong làm Du kích tướng quân. Nguyễn Lễ tính tình tàn nhẫn, thích dùng ngục hình, thường thì một người bị tố cáo thì lôi ra cái mà hắn gọi là "đồng đảng" hơn 10 người, dùng hình rất nặng khiến ai ai cũng bất an. Lại có bọn ngục lại là Chu Hưng, Lai Tuấn Thần cũng thừa cơ mượn gió bẻ măng; Hưng được phong Thu quan thượng thư còn Tuấn Thần làm tới Ngự sử trung thừa. Bọn này hè nhau mượn việc cáo mật mà vu oan, hãm hại người khác, làm triều chính mấy phen điên đảo; lại còn chế ra nhiều cực hình tàn khốc để hành hạ phạm nhân: định bách mạch, đột địa hống, tử trư sầu, cầu phá gia, phụng hoàng sái sí, lư câu bạt quyệt, ngọc nữ đăng thê. Mỗi lần có đại xá, Tuấn Thần lại ra giết hết người phạm tội nặng rồi mới ban lệnh xá, thế mà Thái hậu vẫn cho là trung thành và càng tín nhiệm.

Lưu Y Chi lúc này được phong làm tể tướng. Vào năm 687, ông ta dâng biểu đề nghị Thái hậu giao trả chính quyền. Thái hậu rất tức giận. Lúc đó lại có tin đồn là Y Chi tư thông với thiếp của Hứa Kính Tông. Thái hậu sai người bắt ông ta vào ngục. Duệ Tông nghe vậy muốn cứu tể tướng, Y Chi cho rằng hành động của Duệ Tông sẽ càng làm mình chết chóng. Quả nhiên ông ta liền bị Thái hậu xử tử. Tháng 2 năm 689, tôn Ngụy Trung Hiếu vương thành Chu Trung Hiếu Thái hoàng, vợ là Thái hậu; Lỗ công là Thái Nguyên Tĩnh vương; Bắc Bình vương là Triệu Cung Túc vương, Kim Thành Nghĩa Khang vương là Ngụy Nghĩa Khang vương; Thái Nguyên vương là Chu An Thành vương.