Lễ hội Do Thái giáo

From Wikiversity

Đạo Do Thái Giáo có nhiều ngày lễ và những ngày lễ Do Thái được tính theo lịch Hebrew hay còn gọi là lịch Do Thái. Các ngày lễ của Do Thái giáo nhằm tôn vinh mối quan hệ giữa Thiên Chúa và thế giới, như là Sáng thế, Mạc khải, và Cứu thế.

Lễ trọng[edit]

Lễ trọng (Yamim Noraim) là các lễ về sự phán xét và tha thứ.

  • Tết Do Thái, (Tiếng Anh: Rosh Hashanah) (còn gọi là Yom Ha-Zikkaron ("Ngày tưởng niệm,") và Yom Teruah ("Ngày tiếng kèn Shofar"). Tết Do Thái là lễ Năm mới của Do Thái giáo, mặc dù nó là ngày thứ nhất của tháng thứ 7 Tishri, theo lịch Do Thái. Tết Do Thái đánh dấu bắt đầu thời gian 10 ngày để đền bù tội lỗi chuẩn bị cho Lễ Đền Tội, trong thời gian này, người Do Thái sửa soạn tâm hồn, sám hối và làm việc đền bù tội lỗi đã phạm một cách vô tình hay cố ý trong suốt năm qua. Trong ngày lễ này, người ta thổi kèn shofar (kèn sừng cừu), trong đền thờ, người ta ăn táo và uống mật ong, đọc các lời chúc lành trên thực phẩm tượng trưng như quả lựu chẳng hạn.
  • Lễ Đền Tội, (Tiếng Anh: Yom Kippur) (Hebrew: יוֹם כִּפּוּר) là một trong những lễ trọng của Do Thái giáo. Đó là ngày cộng đoàn tụ họp lại và cầu nguyện xin tha thứ tội lỗi đã phạm. Các tín hữu cầu nguyện suốt ngày trong đền thờ, đọc kinh từ sách Mahzor, thỉnh thoảng có nghỉ một tí vào buổi chiều. Vào đêm lễ Lễ Đền Tội, trước khi thắp nến, người ta ăn nhẹ (suhoor). Nghi thức trong các đền thờ vào đêm Lễ Đền Tội bắt đầu với lời kinh Kol Nidre. Vào dịp lễ này có thể mặc quần áo trắng nhưng không được mang giày da. Ngày tiếp theo, người ta cầu nguyện từ sáng đến tối. Khi buổi cầu nguyện kết thúc ("Ne'ilah,") người ta thổi một hồi dài kèn shofar.

Ba lễ hành hương[edit]

Cộng đồng người Do Thái ăn mừng lễ lều tạm

Các ngày lễ thánh (haggim), để kỷ niệm các mốc trong lịch sử Do Thái giáo, như việc thoát khỏi đất Ai Cập, sự mạc khải của Thiên Chúa trong sách Torah, hoặc đôi khi đánh dấu sự chuyển mùa hoặc lúc giao mùa giữa các chu kỳ trồng trọt. Có ba lễ chính, đó là Lễ Vượt qua, Lễ Ngũ Tuần và Lễ Lều tạm. Trong ba dịp lễ này, các tín hữu thường hành hương về Jerusalem để dâng sự hy sinh trong Đền Thánh.

  • Lễ Lều Tạm (Sukkot) tưởng nhớ Con cái Israel phải mất 40 năm đi qua sa mạc để trở về miền Đất Hứa. Lễ này kỷ niệm việc dựng các lều tạm (sukkot) khi dân Israel lưu đày trên đất Ai Cập. Lễ này trùng với mùa thu hoạch hoa quả và đánh dấu sự kết thúc một chu kỳ trồng cấy. Người Do Thái từ tất cả các nơi trên đất nước sẽ hành hương tới đất thánh Jerusalem. Lễ Lều tạm kết thúc bằng lễ Shemini Atzeret (tiếng Hebrew: שמיני עצרת), (lễ người Do Thái cầu mưa) và Lễ Ăn Mừng Kinh Thánh Torah (Tiếng Anh: Simchat Torah) (tiếng Hebrew: שמחת תורה), là lễ đánh dấu sự kết thúc của sách Torah và bắt đầu một chu kỳ sách mới.
  • Lễ Vượt qua là ngày lễ nghỉ kéo dài một tuần, bắt đầu vào chiều tối ngày thứ 14 của Nisan (tháng thứ nhất theo lịch Do Thái), để tưởng nhớ ngày thoát khỏi Ai Cập. Các nước khác ngoài Israel, Lễ Vượt qua được mừng trong tám ngày. Thời xưa, lễ này trùng vào mùa gặt lúa mạch. Đây là lễ duy nhất tập trung cho các nghi thức được thực hiện ngay tại nhà, đó là "Bữa tối lễ Vượt qua". Thực phẩm có men (chametz) được mang ra khỏi nhà trước ngày lễ và suốt tuần sẽ không dùng thực phẩm có men. Nhà cửa được dọn dẹp sạch sẽ để bảo đảm không còn bánh mì trong nhà và vào buổi sáng của ngày lễ, người ta sẽ đốt tượng trưng chiếc bánh có men cuối cùng trong nhà. Bánh không men (Matzo) sẽ được dùng thay cho bánh mì.
  • Lễ Tuần (Shavuot) kỷ niệm sự mạc khải của sách Torah cho Con cái Israel trên núi Sinai. Đây còn được gọi là Lễ Bikurim (Lễ hội của hoa quả đầu mùa), lễ này trùng với mùa thu hoạch lúa mì. Trong ngày lễ Shavuot, người ta tổ chức học suốt đêm (Tikkun Leil Shavuot), ăn thực phẩm làm từ sữa (bánh phô-mai và bánh kếp mỏng được đặc biệt yêu thích), đọc Sách Ruth (tiếng Hebrew: מגילת רות), trang trí nhà cửa và đền thờ thành màu xanh lá cây, mặc quần áo trắng, tượng trung cho sự thanh khiết.

Tết Phú Rim[edit]

Tết Purim ở Tel Aviv gia đình người Do Thái hóa trang đi chơi dạo phố

Tết Phú Rim (tiếng Anh:Purim) (tiếng Hebrew: פורים Pûrîm) là lễ mừng, tưởng nhớ việc giải thoát dân Do Thái gốc Iran (Persian Jews) khỏi bị truy sát của Haman, người đã tìm để tiêu diệt họ, theo như Sách Esther đã ghi chép. Trong ngày lễ này, người ta đọc Sách Esther ở nơi công cộng, trao tặng nhau thực phẩm và thức uống, làm việc từ thiện cho người nghèo, và ăn mừng (Esther 9:22). Các tập tục khác bao gồm uống rượu, ăn bánh "hamantash", mang mặt nạ, tổ chức diễu hành (carnival) và tiệc mừng.

Tết Phú Rim được kỷ niệm hàng năm vào ngày thứ 14 của tháng Adar theo lịch Do Thái, tương đương với tháng hai hoặc tháng ba của Dương lịch

Hanukkah[edit]

Hanukkah, (tiếng Hebrew: חנוכה), còn gọi là Lễ hội Ánh sáng, là lễ kéo dài tám ngày bắt đầu từ ngày thứ 25 của tháng Kislev theo lịch Do Thái. Trong dịp lễ này, người Do Thái sẽ thắp thêm một ngọn đèn theo số tăng dần của mỗi đêm lễ, đêm thứ nhất thắp một ngọn đèn, đêm thứ hai thắp hai ngọn đèn...cho đến đêm cuối cùng là tám ngọn đèn.

Lễ Hanukkah có nghĩa là "dâng hiến" vì nó đánh dấu việc tái dâng hiến Đền thờ sau khi đền thờ bị vua Antiochus IV Epiphanes báng bổ. Trong đức tin, Hanukkah nhằm tưởng nhớ "Dầu kỳ diệu". Theo sách Talmud, khi tái dâng hiến Đền thờ Jerusalem sau chiến thắng của phong trào Macabê đối với Đế chế Seleucid, chỉ còn đủ dầu thánh để đốt lửa vĩnh cửu trong Đền thờ trong một ngày. Kỳ diệu thay, lửa đã cháy trong tám ngày - đó là thời gian đủ để ép, chuẩn bị và thánh hoá dầu mới.

Hanukkah không được đề cập đến trong Kinh thánh và cũng chưa bao giờ được xem là lễ chính của Do Thái giáo nhưng lễ này đã được mừng rộng rãi ở nhiều nơi, chủ yếu là do lễ cũng trùng vào dịp Lễ Giáng sinh.