Jump to content

Lịch Trung quốc

From Wikiversity

Truyền thuyết về sự khởi đầu của lịch Trung Quốc cho rằng lịch này có từ trước thiên niên kỷ 1 TCN. Truyền thuyết cho rằng lịch Trung Quốc do Hoàng Đế phát minh. Ông là người cai trị Trung Quốc khoảng năm 2698-2599 trước Công nguyên. Vị hoàng đế huyền sử thứ tư là Đường Nghiêu đã thêm vào các tháng nhuận.

Chu kỳ 60 năm, Can-Chi (干支 gānzhī), được thêm vào cho các năm từ thế kỷ 1 TCN. Cho là Hoàng Đế lên ngôi khi đã lớn, năm đầu tiên của chu kỳ đầu tiên là năm 2637 TCN theo như Herbert A. Giles, trong quyển A Chinese-English Dictionary (1912), cũng như tất cả các tác giả phương Tây khác trong thời kỳ cuối của nhà Thanh. Vì thế cho đến năm 1984 thì chu kỳ hiện tại là 78. Tuy nhiên, một số tác giả hiện đại cho rằng năm đầu tiên của chu kỳ đầu tiên là 2697 TCN khi mà Hoàng Đế còn nhỏ, và nói là hiện nay chúng ta đang ở chu kỳ 79. Hai cách tính kỷ nguyên này đã tạo ra hai cách tính toán năm liên tục, tạo ra "năm Trung Quốc" là 4642 hay 4702 cho đến đầu năm 2005.Tuy nhiên, các chu kỳ sáu mươi được đánh số liên tục và các năm dựa trên chúng là phát kiến của các nhà niên đại học phương Tây—người Trung Hoa không sử dụng chúng. Họ sử dụng các chu kỳ không đánh số, mặc dù nó có vai trò có lợi đối với năm niên hiệu, được công bố bởi các hoàng đế Trung Hoa.

Lịch sử sơ kỳ

[edit]

Các chứng cứ khảo cổ học sớm nhất của lịch Trung Quốc xuất hiện trên các tấm xương bói toán vào thời kỳ cuối của thiên niên kỷ 2 TCN thời nhà Thương. Các tấm xương này chỉ ra năm âm dương lịch có 12 tháng và thỉnh thoảng có tháng thứ 13, cũng như thậm chí có tháng thứ 14.

Bởi vì ngày tháng Trung Quốc là có cơ sở vững chắc bắt đầu từ năm 841 TCN, lịch của thời kỳ đầu nhà Chu được biết đến như là lịch với tháng nhuận được thêm vào một cách tùy tiện. Tháng đầu tiên của năm khi đó rất gần với đông chí và tháng nhuận của nó là sau tháng thứ 12.

Lịch tứ phân (四分 sìfēn) bắt đầu khoảng năm 484 TCN, là lịch đầu tiên được tính toán ở Trung Quốc. Nó được đặt tên như thế vì nó sử dụng năm Mặt Trời với 365¼ ngày, cùng với quy tắc chu kỳ 19 năm = 235 tháng, được biết đến ở phương tây là chu kỳ Meton. Đông chí khi đó nằm trong tháng đầu tiên và tháng nhuận của nó được chèn thêm vào sau tháng thứ mười hai.

Bắt đầu từ năm 256 TCN của vương quốc Tần, sau này là nhà Tần, tháng nhuận là tháng phụ thứ chín vào cuối năm mà bây giờ bắt đầu bằng tháng thứ mười, và đông chí nằm trong tháng thứ mười một. Cách tính năm như thế được sử dụng cho đến nửa thời kỳ đầu của nhà Tây Hán.

Quy tắc "Trung khí"

[edit]

Vua Hán Vũ đế của nhà Hán đã đề ra các quy tắc cơ bản mà lịch Trung Quốc áp dụng từ đó đến nay. Lịch Thái sơ (太初, Tàichū - sự khởi đầu vĩ đại, niên hiệu của Hán Vũ đế) của ông năm 104 TCN là năm với đông chí nằm trong tháng thứ mười một và được thiết kế để tháng nhuận có thể là bất kỳ tháng nào (tháng 29 hay 30 ngày) mà trong tháng đó Mặt Trời không đi qua các điểm Trung khí (tức là Mặt Trời chỉ nằm trong một cung hoàng đạo). Vì chuyển động trung bình của Mặt Trời (biểu kiến) được sử dụng để tính toán tiết khí cho đến tận năm 1645, tháng nhuận như thế có thể xuất hiện sau bất kỳ tháng nào của năm với cùng một xác suất. Tuy nhiên, sự giao hội của Mặt Trời và Mặt Trăng (hay sóc) sử dụng chuyển động trung bình của cả hai thiên thể này chỉ cho đến năm 619, năm thứ hai của nhà Đường, khi cả hai chuyển động bắt đầu được sử dụng mô hình chuyển động thật với hai parabôn quan trắc ngược nhau (với những thành phần nhỏ tuyến tính và lập phương). Tuy nhiên, các parabôn không phù hợp với chuyển động trung bình, mà phù hợp với những điểm gián đoạn hay bước nhảy.

Chuyển động thực của Mặt Trời và Mặt Trăng

[edit]

Sau khi thiên văn học của châu Âu được giới thiệu vào Trung Hoa bởi các giáo sĩ dòng Tên, chuyển động của cả Mặt Trời và Mặt Trăng bắt đầu được tính toán bằng các hàm lượng giác trong lịch Thời Hiến (時憲 Shíxiàn) năm 1645 của nhà Thanh, lịch này được lập bởi giáo sĩ Adam Schall, tên Trung Hoa là Thang Nhược Vọng.

Chuyển động thật của Mặt Trời (biểu kiến) bấy giờ được sử dụng để tính tiết khí. Tháng nhuận thông thường hay xảy ra sau tháng thứ hai cho đến tháng thứ chín và ít khi xảy ra sau tháng thứ mười nếu tính từ tháng đầu tiên. Rất ít thời gian trong mùa thu-đông có một hay hai tháng mà Mặt Trời đi qua hai cung hoàng đạo, lẫn với hai hay ba tháng mà Mặt Trời chỉ nằm trong một cung hoàng đạo.

Cải cách lịch Gregory và thay đổi thời gian năm 1929

[edit]

Lịch Gregory được công nhận bởi Trung Hoa Dân Quốc, lúc đó mới ra đời, có hiệu lực từ ngày 1 tháng 1 năm 1912 cho các hoạt động chính thức, nhưng dân chúng vẫn tiếp tục sử dụng lịch truyền thống của nhà Thanh. Tình trạng của lịch Gregory trong khoảng 1916 đến 1921, khi Trung Quốc bị kiểm soát bởi các đốc quân, không được rõ. Từ khoảng 1921 đến 1928 các đốc quân vẫn tiếp tục kiểm soát phía bắc Trung Quốc, nhưng Quốc dân đảng đã kiểm soát miền nam Trung Quốc và có lẽ họ đã sử dụng lịch Gregory. Sau khi Quốc dân đảng công bố cải tổ lại Trung Hoa Dân Quốc 10 tháng 10 năm 1928, họ ra sắc lệnh bắt buộc sử dụng lịch Gregory có hiệu lực từ ngày 1 tháng 1 năm 1929. Họ cũng ra sắc lệnh có hiệu lực từ ngày này mọi người dân phải sử dụng múi thời gian bờ biển đã được dùng trong tất cả các cảng hiệp ước, cho các cảng dọc theo bờ biển phía đông Trung Quốc, ký với châu Âu (theo Hiệp ước Nam Kinh 1842) từ năm 1904. Điều này đã thay đổi thời điểm bắt đầu mỗi ngày đối với cả lịch truyền thống và lịch Gregory một lượng +14,3 phút từ nửa đêm Bắc Kinh tới nửa đêm tại kinh độ 120° đông tính từ Greenwich.

Điều này đã sinh ra một số sai biệt, chẳng hạn như đối với Tết Trung Thu năm 1978. Điểm sóc khi đó là ngày 3 tháng 9 năm 1978, hồi 00:07, Giờ chuẩn Trung Quốc

Quốc dân đảng có thể đã bắt đầu đánh số năm của nền cộng hòa của họ vào năm 1929, bắt đầu từ năm 1912 như là năm 1. Khi những người cộng sản giành được quyền kiểm soát đối với Trung Hoa đại lục 1 tháng 10 năm 1949, họ chỉ đơn giản là tiếp tục sử dụng lịch Gregory, nhưng bắt đầu từ đây đánh số năm theo kiểu phương tây, bắt đầu với 1949. Ở cả Trung Hoa đại lục và Đài Loan, các tháng của lịch Gregory được đánh số từ 1 đến 12 giống như các tháng của lịch truyền thống.