Lịch sử 6/Những chuyển biến trong đời sống kinh tế

From Wikiversity

Công cụ sản xuất được cải tiến như thế nào?[edit]

Những người nguyên thủy trên đất nước ta tiếp tục mở rộng vùng cư trú. Một số đã dừng lại ở các vùng chân núi, thung lũng ven khe, suối,..., một số khác thì chuyển xuống các vùng đất bãi ven sông, dựng chòi, cuốc đất trồng trọt, làm chuồng nuôi lợn, gà, chó,... Các nhà khảo cổ đã phát hiện được rất nhiều địa điểm chứa đựng những lưỡi rìu đá có vai được mài rộng ra hai mặt, những lưỡi đục, những bàn mài và những mảnh cưa đá. Số công cụ bằng xương, sừng cũng nhiều hơn. Bên cạnh đó, họ còn tìm thấy nhiều loại hình đồ gốm như bình, vò, nồi cùng nhiều hạt chuỗi đá, vỏ ốc,... Người nguyên thủy cũng đã biết làm chì lưới bằng đất nung để đánh cá.

Trong một số di chỉ như Phùng Nguyên (Phú Thọ), Hoa Lộc (Thanh Hóa), Lung Leng (Kon Tum) có niên đại cách đây 4000 – 3500 năm, các nhà khảo cổ đã phát hiện được hàng loạt công cụ: những rìu đá, bôn đá được mài nhẵn toàn bộ có hình dáng cân xứng. Họ còn tìm thấy những đồ trang sức, những loại đồ gốm khác nhau như bình, vò, vại, bát đĩa, cốc có chân cao,... Những mảnh gốm thường in hoa văn hình chữ s nối nhau, đối xứng hoặc in những con dâu nổi, liền nhau với những đường cuộn theo hình tròn hay hình chữ nhật, những đường chấm nhỏ li ti chạy dài trên một nền phẳng.

Thuật luyện kim được phát minh như thế nào?[edit]

Cuộc sống của người nguyên thủy ngày càng ổn định hơn. Dần dần đã xuất hiện những làng bản đông dân ở các vùng ven sông, đặc biệt là ven các con sông lớn như sông Hồng, sông Mã, sông cả, sông Đồng Nai gồm nhiều gia đình thuộc nhiều thị tộc khác nhau. Cuộc sống định cư lâu dài đòi hỏi con người lúc đó phải cải tiến hơn nữa các công cụ sản xuất và đồ dùng hằng ngày.

Nhờ sự phát triển của nghề làm đồ gốm, người Phùng Nguyên, Hoa Lộc đã phát minh ra thuật luyện kim.

Kim loại được dùng đầu tiên là đồng.

Ở Phùng Nguyên, Hoa Lộc và các di chỉ khác cùng thời trên khắp nước ta, người ta đã phát hiện được nhiều cục đồng, xỉ đồng, dây đồng, dùi đồng. Thuật luyện kim đã được phát minh.

Nghề nông trồng lúa nước ra đời ở đâu và trong điều kiện nào?[edit]

Theo các nhà khoa học, nước ta là một trong những quê hương của cây lúa hoang xuất hiện từ cách đây khoảng 10000 năm. Với nghề nông vốn có và với hàng loạt công cụ sản xuất được cải tiến, những người nguyên thủy sống định cư lâu dài ở vùng đồng bằng ven sông, ven biển. Họ đã trồng được nhiều loại cây, củ và đặc biệt là cây lúa. Việc phát hiện hàng loạt lưỡi cuốc đá được mài nhẵn toàn bộ ở các di chỉ Hoa Lộc, Phùng Nguyên... đã chứng tỏ điều đó. Người ta còn tìm thấy ở đây gạo cháy, dấu vết thóc lúa bên cạnh các bình, vò đất nung lớn. Nghề nông trồng lúa đã ra đời. Trên các vùng cư trú rộng lớn ở đồng bằng ven sông, ven biển, cây lúa nước dần dần trở thành cây lương thực chính của con người. Cây lúa cũng được trồng ở vùng thung lũng, ven suối.

Việc trồng các loại rau, đậu, bầu, bí,... và việc chăn nuôi gia súc, đánh cá,... cũng ngày càng phát triển. Cuộc sống của con người được ổn định hơn và vùng đồng bằng màu mỡ của các con sông lớn như sông Hồng, sông Mã, sông Cả, sông Thu Bồn, sông cửu Long,... dần dần trở thành nơi sinh sống lâu dài của con người ở đây.

Tham khảo[edit]

  • SGK Lịch sử 6, NXB Giáo dục Việt Nam, 2019.