Jump to content

Lịch sử 6/Những chuyển biến về xã hội

From Wikiversity

Sự phân công lao động đã được hình thành như thế nào?

[edit]

Không phải ai cũng biết được thuật luyện kim và tự mình đúc được một công cụ bằng đồng, sản xuất nông nghiệp lúa nước ngày càng phát triển, đòi hỏi con người phải chuyên tâm lo việc cuốc cày, làm đất, gieo hạt, chăm bón... Số người làm nông nghiệp tăng lên; hơn nữa, để có người làm việc ngoài đồng, phải có người ở nhà lo việc ăn uống. Sự phân công lao động trở thành cần thiết. Phụ nữ, ngoài việc nhà, thường tham gia sản xuất nông nghiệp và làm đồ gốm, dệt vải. Nam giới, một phần làm nông nghiệp, đi săn bắt, đánh cá; một phần chuyên hơn, thì phụ trách việc chế tác công cụ, bao gồm cả việc đúc đồng, làm đồ trang sức, về sau được gọi chung là các nghề thủ công.

Xã hội có gì đổi mới?

[edit]

Sản xuất ngày càng phát triển đã giúp cho cuộc sống của con người ngày càng ổn định. Trên các đồng bằng ven sông lớn ở mạn Bắc cũng như mạn Nam, hình thành hàng loạt làng bản, bây giờ được gọi là chiềng, chạ. Các làng bản ở vùng cao cũng nhiều hơn trước, do con người đã định cư lâu dài. Dần dần hình thành các cụm chiềng, chạ hay làng bản có quan hệ chặt chẽ với nhau, được gọi là bộ lạc.

Vị trí của người đàn ông ngày càng cao hơn trong sản xuất cũng như trong gia đình, làng bàn. Chế độ phụ hệ dần dần thay thế chế độ mẫu hệ.

Những người già, những người có nhiều kinh nghiệm trong sản xuất, có sức khỏe được bầu làm người quản lí làng bản. Mặc dù mọi người đều bình đẳng, nhưng khi có việc cần, người quản lí có quyền chỉ huy, sai bảo và được chia phần thu hoạch lớn hơn. Ngoài ra, khi lương thực, của cải đã dư thừa, các gia đình cũng thu nhập khác nhau, ở các di chỉ thời này, người ta phát hiện nhiều ngôi mộ không có của cải chôn theo, song lại có vài ngôi mộ được chôn theo công cụ, đồ trang sức.

Bước phát triển mới về xã hội được nảy sinh như thế nào?

[edit]

Sự phát triển của nông nghiệp trên các vùng đồng bằng ven sông lớn cùng với sự phân công lao động đã đẩy nhanh sự phát triển xã hội, kinh tế. Từ thế kỉ VIII đến thế kỉ I TCN, trên đất nước ta đã hình thành những nền văn hóa phát triển cao như Óc Eo (An Giang) ở Tây Nam Bộ - cơ sở của nước Phù Nam sau này, Sa Huỳnh (Quảng Ngãi) ở Nam Trung Bộ - cơ sở của nước Cham-pa và tập trung hơn là văn hóa Đông Sơn ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.

Vào thời văn hóa Đông Sơn, công cụ sản xuất, đồ đựng, đồ trang sức đều phát triển hơn trước. Đồ đồng gần như thay thế đồ đá. Các nhà khảo cổ đã tìm thấy hàng loạt công cụ, vũ khí đồng như lưỡi cày, lưỡi rìu, lưỡi giáo, mũi tên ... có hình dáng và trang trí hoa văn giống nhau ở nhiều nơi trên đất Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, nhất là ở vùng đồng bằng sông Hồng, sông Mã, sông Cả.

Sử cũ gọi chung cư dân thuộc văn hóa Đông Sơn là người Lạc Việt. Cuộc sống của con người đã có phần ổn định.

Tham khảo

[edit]
  • SGK Lịch sử 6, NXB Giáo dục, 2019