Lịch sử Nho giáo

From Wikiversity

Tại Trung Quốc, Nho giáo hay Khổng giáo thịnh hành ở thời Hán Vũ Đế, trở thành hệ tư tưởng chính thống cả về chính trị và đạo đức của Trung Hoa trong hơn 2.000 năm. Từ thế kỷ thứ IV, Nho giáo lan rộng và cũng rất phát triển ở các nước châu Á khác như Nhật Bản, Triều Tiên và Việt Nam. Cơ sở của Nho giáo được hình thành từ thời Tây Chu, đặc biệt với sự đóng góp của Chu Công Đán, còn gọi là Chu Công. Đến thời Xuân Thu, xã hội loạn lạc, Khổng Tử (sinh năm 551 trước Công nguyên) phát triển tư tưởng của Chu Công, hệ thống hóa và tích cực truyền bá các tư tưởng đó. Chính vì thế mà người đời sau coi Khổng Tử là người sáng lập ra Nho giáo.


Mục tiêu của Nho giáo nguyên thủy theo sách Đại học là:

Đạo học lớn cốt để phát huy đức sáng, đức tốt đẹp của con người, đổi mới khiến lòng dân bỏ cũ theo mới, bỏ ác theo thiện, khiến mọi người đạt đến mức độ đạo đức hoàn thiện nhất. Có hiểu được phải đạt đến mức độ đạo đức hoàn thiện nhất thì mới kiên định chí hướng. Chí hướng kiên định rồi, tâm mới yên tĩnh. Tâm yên tĩnh rồi, lòng mới ổn định. Lòng ổn định rồi, suy nghĩ sự việc mới có thể chu toàn. Suy nghĩ sự việc chu toàn rồi, mới có thể xử lý, giải quyết công việc được thỏa đáng. Vạn vật đều có đầu có đuôi, có gốc có ngọn. Vạn sự đều có bắt đầu và kết thúc. Biết làm cái gì trước cái gì sau, tức là đã tiếp cận nguyên tắc của đạo rồi


Đến thời Tống, Nho giáo có sự phát triển đáng kể. Các nhà triết học thời kỳ này như Thiệu Ung, Chu Đôn Di, Trương Tải, Trình Hạo, Chu Hy, Lục Cửu Uyên, Trần Lượng... đã đưa những khái niệm và triết lý mới vào Nho giáo tạo nên một trường phái Nho giáo có nhiều điểm khác biệt so với Nho giáo nguyên thủy của Khổng Tử và các học trò của ông.