Jump to content

Lịch sử hình thành và phát triển Do Thái giáo

From Wikiversity

Nguồn gốc

[edit]

Chiều dài lịch sử của Do Thái Giáo đã trải qua hơn 3000 năm. Đạo Do Thái Giáo có nguồn gốc từ Trung Đông trong khoảng Thời đại đồ đồng. Do Thái Giáo được xem là một trong những tôn giáo độc thần cổ đại nhất thế giới.Đạo Do Thái giáo trong quan điểm của những người Do Thái sùng đạo thì tôn giáo này là mối quan hệ giao ước giữa Người Israel (cổ đại) (và sau này, người Do Thái) với Thiên Chúa, cho nên, nhiều người xem đây là tôn giáo độc thần đầu tiên. Do Thái giáo là một trong những tôn giáo cổ xưa nhất mà vẫn còn được thực hành cho đến ngày nay, sách thánh và rất nhiều truyền thống của Do Thái giáo tiếp tục được coi trọng trong các tôn giáo truyền thống Abraham nói chung. Vì thế, lịch sử và những luân lý đạo đức của Do Thái giáo có ảnh hưởng ít nhiều đến các tôn giáo khác, bao gồm cả Kitô giáo, Hồi giáo, và Bahá'í giáo.

Abraham tổ phụ

[edit]

Abraham (phiên âm Áp-ra-ham; Hê-brơ: אַבְרָהָם, Tiêu chuẩn Avraham Ashkenazi Avrohom hay Avruhom Tibrơ ʾAḇrāhām; Ảrập: ابراهيم, Ibrāhīm; Ge'ez: አብርሃም, ʾAbrəham), theo Do Thái giáo, Cơ Đốc giáo và Hồi giáo, là tổ phụ của người Do Thái và người Ả Rập. Abraham được Thiên Chúa kêu gọi rời bỏ quê hương ở thành Ur để đến vùng đất mới Canaan. Hành động này được xem là sự chấp nhận một giao ước với Thiên Chúa: tôn thờ Yahweh là Thiên Chúa duy nhất của vũ trụ, và nhận lãnh phước hạnh dư dật của Thiên Chúa cho đến đời đời. Cuộc đời của Abraham được ký thuật trong chương 11 – 15 của sách Sáng thế ký trong Cựu Ước.

Tên ban đầu của ông là Abram (Hê-brơ: אַבְרָם, Tiêu chuẩn: Avram Tibrơ ʾAḇrām) nghĩa là "cha cao quý" hoặc "người cha được tôn kính". Về sau ông được Chúa đổi tên thành Abraham, nghĩa là "cha của nhiều dân tộc".[2] Do vị trí đặc biệt của Abraham trong lịch sử, niềm tin và sách thánh của Do Thái giáo, Cơ Đốc giáo và Hồi giáo mà ba tôn giáo này thường được gọi chung là "các tôn giáo khởi nguồn từ Abraham". Trong kinh Torah và kinh Qur’an, Abraham được miêu tả là vị tổ phụ được Thiên Chúa chúc phúc.[3] Tín hữu Do Thái giáo gọi ông là Avraham Avinu, nghĩa là "Abraham, Cha chúng ta". Thiên Chúa dành cho Abraham một lời hứa đặc biệt, ấy là bởi ông mà các dân tộc trong thế gian được hưởng phước;[4] theo đức tin Cơ Đốc, lời hứa này được ứng nghiệm trong Chúa Cơ Đốc. Đối với người Do Thái giáo, Cơ Đốc giáo và Hồi giáo, Abraham là tổ phụ của dân Israel qua Isaac, con trai ông. Riêng đối với người Hồi giáo, Abraham là một tiên tri của Hồi giáo và là tổ phụ của Muhammad qua Ishmael, một người con trai khác của Abraham.

Abraham có vai trò đặc biệt trong Tân Ước, ở đây ông được tôn vinh là anh hùng đức tin. Sứ đồ Phao-lô xem ông là hình mẫu cho giáo lý cứu rỗi bởi đức tin, là tổ phụ của Chúa Cơ Đốc (tức là Đấng Messiah), và khẳng định rằng mọi người có đức tin đều là hậu duệ của Abraham. Abraham, hoặc Ibrahim trong tiếng Ả Rập, có vị trí rất quan trọng đối với Hồi giáo như là một nhà tiên tri . Người Hồi giáo tôn kính Abraham như là một trong những tiên tri quan trọng nhất của Hồi giáo, thường gọi ông là Khalil Ullah, "Bạn của Thiên Chúa". Abraham được xem là một Hanif, nghĩa là người khám phá độc thần giáo.

Abraham có 2 người con là IshamelIsaac. Người Hồi giáo xem Ishmael, con trai đầu lòng của Abraham, là tổ phụ của người Ả Rập . và Isaac là tổ phụ của người Do Thái.

Người Hồi giáo tin rằng sinh thời Abraham đã xây cất Kaaba, đền thánh tại Mecca, Kaaba được xây dựng theo sự chỉ dẫn của Thiên Chúa. Họ cũng tin rằng dấu chân của Abraham vẫn còn lưu lại trên một tảng đá trong ngôi đền. Những cuộc hành hương (hajj) được tổ chức hằng năm, một trong những trụ cột của niềm tin Hồi giáo, thu hút hàng triệu người Hồi giáo đi theo bước chân Abraham, Hagar và Ishmael trong cuộc hành trình đến thánh địa Kaaba.