Nỗ lực trung hưng của Thục Hán
Khi triều đại nhà Hán suy yếu, Lưu Bị, một người thuộc dòng dõi hoàng tộc nhà Hán, đã tập hợp được lực lượng và nhiều tướng tài, đặc biệt là Gia Cát Lượng. Sau trận Xích Bích năm 208, ông đã chiếm được Kinh Châu, sau đó là Ích Châu, Ba Thục và Hán Trung. Với những vùng đất này, Lưu Bị đã có vị thế khá vững chắc ở Trung Quốc lúc bấy giờ. Năm 220, sau khi Tào Phi truất ngôi Hán Hiến Đế, Lưu Bị chính thức xưng đế và lập nên nước Thục-Hán và tuyên bố triều đình của ông là sự kế tục chính thống của nhà Hán, do Lưu Bị cũng có dòng máu Hoàng gia. Lưu Bị mất năm 223, và con là Lưu Thiện nối ngôi tức Thục Hán hậu chủ.
Sau các cuộc chiến tranh với Tào Ngụy, tài nguyên và nhân lực của Thục Hán bị suy yếu, cùng với sự yếu kém của chính quyền trung ương khiến cho sức mạnh của Thục Hán ngày càng đi xuống.
Vào năm 263, Tư Mã Chiêu cho 3 đạo quân tấn công vào nước Thục. Với chiến thuật phối hợp của Đặng Ngải và Chung Hội, quân đội nước Nguỵ nhanh chóng chiếm được Hán Trung và thẳng tiến đến Thành Đô. Hậu chủ Lưu Thiện lập tức đầu hàng, đánh dấu kết thúc cho sự kháng cự cuối cùng của hoàng tộc nhà Hán. Năm 265, đến lượt nhà Tào Ngụy bị Tư Mã Chiêu truất ngôi, nhà Tấn thành lập. Đến năm 280 Tấn đánh Ngô, thống nhất được toàn bộ Trung Hoa.
Hậu chủ Lưu Thiện được đưa đến thủ đô của nước Nguỵ là Lạc Dương và được phong làm An Lạc công, sống cuộc đời còn lại một cách thanh bình.