Jump to content

Ngụ ngôn

From Wikiversity

Thể loại:Nam Hoa chân kinh Sống là làm việc, chết là khuy tổn. Do đó người ta cho rằng vạn vật chết đi [tức từ hữu hoá ra vô] là có nguyên do, còn vạn vật sinh ra, do khí dương dao động [từ vô hoá hữu] thì không có nguồn gốc. [Cho nên cho chết là buồn, sống là vui]. Trời có khí vận nhất định, đất có chỗ nguy hiểm, có chỗ bằng phẳng, đó là lẽ tự nhiên, tôi làm sao giảng được? [Vũ trụ biến đổi], không ai hiểu được cứu cánh ra sao, làm sao có thể nói được không có vận số? Sinh và tử nối nhau tuần hoàn, không ai biết đâu là đầu mối, như vậy làm sao nói được rằng có vận số? Các vật cảm ứng với nhau, [như có cái gì đó làm chủ tể], như vậy làm sao nói được rằng không có quỉ thần? Nhưng có lúc các vật không có cảm ứng với nhau, như vậy làm sao bảo được rằng có quỉ thần?

1

[edit]

[Trong cuốn này] ngụ ngôn chiến chín phần mười – trọng ngôn lại chiếm bảy phần mười trong chín phần mười đó – một phần mười còn lại là những chi ngôn[704], tuỳ cơ ứng biến, mỗi ngày mỗi khác, nhưng vẫn là hợp với lí tự nhiên [nguyên văn là thiên nghê: coi bài 13 Tề vật luận].

Ngụ ngôn chiếm chín phần mười là mượn việc hay người ngoài để luận[705] [vì tự mình nói ra người ta không tin]. Chẳng hạn cha không đích thân mà nhờ bà mai hỏi vợ cho con, vì cha khen con mình thì người ta không tin bằng người ngoài khen nó. Người cha làm như vậy không có lỗi gì cả, tâm lí mọi người như vậy thì phải theo. Ý kiến nào giống với mình thì mình chấp nhận, không giống thì phản đối, giống thì cho là phải, khác thì chê là là trái. Trọng ngôn chiếm bảy phần mười (của ngụ ngôn) vì muốn ngăn những lời tranh biện của thiên hạ, nên phải dẫn lời của bậc tiền bối. Nhưng nếu chỉ là những người lớn tuổi mà không có học thức cao để cho người sau tin thì cũng không gọi là tiền bối được. Không có học thức để người khác tin thì không phát huy được hết cái đạo làm người, như vậy là hạng người cổ hủ.

Chi ngôn tuỳ cơ ứng biến, mỗi ngày mỗi khác nhưng vẫn hợp với lí tự nhiên, suy diễn ra hoài cho tới suốt đời mình. Không nói tức hoà đồng với Đạo. Sự hoà đồng đó với lời nói, hai cái khác nhau. Lời nói với sự hoà đồng đó, hai cái khác nhau[706]. Cho nên bảo: “Đừng nói gì cả”. Suốt đời nói mà chưa từng là đã nói; suốt đời không nói mà chưa từng là không nói.

Có cái do thiên kiến của mình mà cho là có thể được [khả], có cái cho là không thể được [bất khả]; có cái cho là phải, có cái cho là không phải. Sao nhận cái nọ là có thể được? Nhận nó là có thể được là vì tự mình cho nó là có thể được, [chứ vị tất nó đã có thể được]. Sao bảo cái kia là không thể được? Bảo cái kia là không thể được là vì tự mình cho nó là không thể được. Sao nhận cái nọ là phải? Nhận cái nọ là phải là vì tự mình cho nó là phải. Sao bảo cái kia là trái? Bảo cái kia là trái là vì tự mình cho nó là trái.

Vật nào cũng vốn có cái phải, có cái có thể được của nó; không vật nào không có cái phải, cái có thể được của nó. Nếu chi ngôn không mỗi ngày mỗi xuất hiện tuỳ theo hoàn cảnh, hợp với lí tự nhiên thì làm sao truyền Đạo lâu bền được?

Vật gì cũng có cái “chủng” sinh ra,[707] rồi biến đổi hình trạng mà thành một loài khác, trước sau nối nhau như một vòng tròn, không biết đâu là đầu mối. Như vậy gọi là “vòng trời” (thiên quân)[708]. Cái Đạo “vòng trời” đó là cái lí tự nhiên (thiên nghê).

2

[edit]

Trang tử bảo Huệ Thi:

– Khổng Tử sống lâu sáu chục tuổi mà sáu chục lần thay đổi ý kiến, điều mới đầu cho là phải thì sau cho là trái, không biết điều hiện nay ông ấy cho là phải thì năm mươi chín năm trước có cho là trái không?[709]

Huệ tử đáp:

– Khổng Tử là người gắng sức trau giồi trí tuệ.

Trang tử bảo:

– Khổng Tử đã bỏ việc trau giồi trí tuệ rồi. Khổng Tử đã chẳng nói như vầy đấy ư? Ông ấy nói: “Người ta được trời phó cho tài năng tự nhiên, tiềm tàng linh khí khi mới sanh. Thanh âm hợp với âm luật, ngôn ngữ hợp với phép tắc; giảng rõ lợi hại và nghĩa lí, biện biệt được cái đáng thích cái đáng ghét, điều phải điều trái như vậy chẳng qua chỉ khuất phục được cái miệng người ta thôi. Khiến cho người ta tâm phục mình, không dám chống đối mình, như vậy mới lập được định lí cho thiên hạ”. Thôi đừng nói nữa, tôi không bằng Khổng Tử đâu.

3

[edit]

Tăng tử[710] hai lần làm quan mà tâm sự hai lần khác nhau. Ông bảo: “Lần thứ nhất, lộc của tôi được ba hũ lúa nhưng song thân của tôi còn hưởng được lộc của tôi nên tôi vui. Lần sau tôi nhận được ba nghìn chung[711] lúa nhưng song thân tôi đã mất, tôi không được phụng dưỡng nữa, nên tôi buồn”. Các môn đệ của Khổng Tử hỏi thầy như vậy có thể bảo rằng Tăng Sâm không bị hệ luỵ vào vì bổng lộc không. Khổng Tử đáp:

– Vẫn còn bị hệ luỵ, nếu không thì sao còn buồn? Người không bị hệ luỵ vì bổng lộc thì coi ba hũ lúa cũng như ba ngàn chung lúa, như con muỗi[712] bay qua trước mắt mà thôi.

4

[edit]

Nhan Thành Tử Du thưa với thầy là Đông Quách Tử Kì:

– Từ khi con nghe đạo của thầy, được một năm thì con hoá ra chất phác; được hai năm thì con thuận với thói đời; được ba năm con thông đạt, không câu nệ nữa; được bốn năm con hoà hợp với vạn vật; được năm năm mọi người qui phục con; được sáu năm con cảm thông với thần linh; được bảy năm con hoà hợp với tự nhiên; được tám năm, con không phân biệt sinh tử nữa; được chín năm, con đạt được cái huyền diệu của Đạo[713].

Sống là làm việc, chết là khuy tổn. Do đó người ta cho rằng vạn vật chết đi [tức từ hữu hoá ra vô] là có nguyên do, còn vạn vật sinh ra, do khí dương dao động [từ vô hoá hữu] thì không có nguồn gốc. [Cho nên cho chết là buồn, sống là vui]. Ông có nghĩ như vậy không? Có nghĩ rằng sống là vui, chết là không vui không? Trời có khí vận nhất định, đất có chỗ nguy hiểm, có chỗ bằng phẳng, đó là lẽ tự nhiên, tôi làm sao giảng được? [Vũ trụ biến đổi], không ai hiểu được cứu cánh ra sao, làm sao có thể nói được không có vận số? Sinh và tử nối nhau tuần hoàn, không ai biết đâu là đầu mối, như vậy làm sao nói được rằng có vận số? Các vật cảm ứng với nhau, [như có cái gì đó làm chủ tể], như vậy làm sao nói được rằng không có quỉ thần? Nhưng có lúc các vật không có cảm ứng với nhau, như vậy làm sao bảo được rằng có quỉ thần?[714] 6[715]

Cái bóng của cái bóng hỏi cái bóng:

– Lúc nãy anh cuối đầu, bây giờ anh ngửng đầu; lúc nãy tóc anh búi lại, bây giờ nó xoã ra; lúc nãy anh ngồi, bây giờ anh đứng; lúc nãy anh đi, bây giờ anh ngừng, tại sao vậy?

Cái bóng đáp:

– Đó là những chuyện nhỏ, anh hỏi tôi làm gì? Tôi như vậy đó, không hiểu tại sao. Tôi như cái xác từ đó con ve sầu hoặc con rắn thoát ra. Các xác đó giống con ve sầu hoặc con rắn mà không phải con ve sầu hoặc con rắn. Khi có ámh lửa hoặc ánh nắng thì tôi xuất hiện; trong chỗ tối hoặc đêm tối thì tôi biến mất. Tôi có tuỳ thuộc hình thể không? Mà chính hình thể có tuỳ thuộc cái gì khác không? Hình thể qua lại, vận động, thì tôi cũng qua lại, vận động. Những qua lại, vận động đó đều do thiên cơ [do tự nhiên], có gì mà phải hỏi?

7

[edit]

Bài này gần giống hệt bài II.5 trong Liệt tử, chúng tôi đã dịch rồi – bản của Lá Bối trang 255-56. Đại ý là Lão tử khuyên Dương tử từ bỏ vẻ tự đắc, khinh người.

NHẬN ĐỊNH

[edit]

Chương này là một trong những chương ngắn nhất của toàn bộ. Nội dung cũng hỗn tạp. Tác giả phải là nhiều người.

Vương Phu Chi cho bài đầu là bài Tựa của Nội thiên và do Trang tử viết, vì lời văn già giặn mà tóm tắc được đại ý mấy điểm chính trong học thuyết của Trang: đừng tranh biện vô ích, cái gì cũng có phải có trái, vũ trụ biến đổi hoài như vòng tròn, không biết đâu là khới đầu, đâu là kết thúc; và chúng ta tuỳ theo hoàn cảnh mà thay đổi thì mới hợp thiên lí.

Ý kiến của Vương có thể đúng, nhưng cũng có thể do một nhà trong môn phái Trang viết để tóm tắt học thuyết của Trang. Tôi theo thuyết sau vì thời Tiên Tần tôi không thấy triết gia nào viết Tựa cho tác phẩm của mình. Mãi đến đời Hán Vũ Đế mới có Tư Mã Thiên viết bài “Tự tự” cho bộ sử của ông. Bài 6, từ lời đến ý rất giống bài 14 trong Tề vật luận.

Tề vật luận: “Cái bóng của cái bóng hỏi cái bóng: “Lúc nãy anh đi, bây giờ anh ngừng. Lúc nãy anh ngồi, bây giờ anh đứng. Tại sao anh không có thái độ độc lập vậy? Cái bóng đáp: “ Tôi sở dĩ như vậy là vì tuỳ thuộc một cái gì. Cái gì đó lại tuỳ thuộc một cái gì khác. Tôi tuỳ thuộc một cái gì thì cũng như con rắn tuỳ thuộc vẩy[716] của nó, con ve tuỳ thuộc cánh của nó…”

Ngụ ngôn: “Cái bóng của cái bóng hỏi cái bóng: “Lúc nãy anh cuối đầu, bây giờ anh ngửng đầu; lúc nãy tóc anh búi lại, bây giờ nó xoã ra; lúc nãy anh ngồi, bây giờ anh đứng; lúc nãy anh đi, bây giờ anh ngừng, tại sao vậy?”

Rồi cái bóng cũng ví mình với xác con rắn, con ve.

Như vậy bài 6 đó rõ ràng là môn đệ của Trang bắt chước Trang mà viết.

Xét chung, ta có thể tin rằng chương Ngụ ngôn này của môn phái Trang, trừ bài 2 quá đề cao Khổng Tử. Bài này có một đoạn giống chương Tắc Dương, chắc do người sau thêm vào.

Chú thích

[edit]

[704] Chữ ngụ ngôn ở đây nghĩa rộng hơn nghĩa ngày nay. Ngụ là ở, là gởi. Chẳng những đặt ra một truyện để gởi vào đó một ý, là ngụ ngôn; mà mượn lời người khác nói thay cho mình (như cha mẹ nhờ bà mối hỏi vợ cho con: coi đoạn sau trong bài) cũng là ngụ ngôn. Trọng ngôn là những lời mà thiên hạ cho là đáng tin, đáng trọng như khi dẫn lời của Khổng Tử, Lão tử, Hoàng Đế, Nhan Hồi… thì những lời đó là trọng ngôn. Chi ngôn – Chi là một thứ chén hễ đầy nước thì nó lật đổ, không có nước thì đứng lại ngay. Những lời thích hợp với những hoàn cảnh thay đổi mỗi ngày thì gọi là chi ngôn. Câu đầu chương này có hai cách dịch. Một cách của Quách Tượng (?), L.K.h. theo, dịch là: ngụ ngôn chứa chín phần mười chân lí (nghĩa là 10 lần thì đáng tin tới 9); trọng ngôn chức bảy phần mười chân lí. Một cách nữa của V.P.C., Diêu Nại, được D.N.L., H.C.H. theo mà dịch như trên. V.P.C. giảng như vậy có lẽ vì ông cho rằng bài 1 chương Ngụ ngôn này do Trang tử viết để làm bài tựa cho cả cuốn. chúng tôi dịch theo Vương, nhưng thấy cả hai cách đều chưa ổn.

[705] Hiểu theo V.P.C. thì mấy chữ “chiếm chín phần mười” (cửu thập) ở câu này có vẻ dư. Mà hiểu theo Quách Tượng (?) thì tại sao ngụ ngôn chứa nhiều chân lí hơn trong ngôn?

[706] Nguyên văn: tề dữ ngôn bất tề, ngôn dữ tề bất tề. Mỗi sách hiểu một khác. Chúng tôi dịch sát mà thú thực không hiểu tác giả nói gì. [Trong sách, câu “Lời nói với sự hoà đồng đó, hai cái khác nhau” in đến hai lần

[707] Coi bài Chí lạc 7.

[708] H.C.H. cho thiên quân là đạo quân bình tự nhiên.

[709] Bài này chỉ là một ngụ ngôn vì Khổng Tử sáu chục tuổi thì Trang tử chưa sinh. Và câu này gần y hệt câu đầu bài 10 chương Tắc Dương.

[710] Một học trò của Khổng Tử, tên là Sâm, rất có hiếu.

[711] Một hũ là ba đấu bốn thăng, một chung là sáu mươi bốn đấu nghĩa là 10 hũ.

[712] Có bản dịch là như con hạc và con muỗi bay qua trước mắt.

[713] Nên so sánh bài này với bài II.3, IV.6 trong Liệt tử.

[714] Đoạn đầu có hai lối chấm câu mà ý nghĩa hoá ra khác nhau. Tôi theo lối của Tiền Mục và của H.C.H. L.K.h. cùng chấm câu một lối với D.N.L.

[715] Trong sách không có số 5 (bài 5). Chắc cụ Nguyễn Hiến Lê đánh số nhầm. Thay vì số 5 (bài 5) ở đây, cụ lại ghi số 6 (?).

[716] Những vẩy ở dưới bụng để cho rắn bò được.