Ngoại giao nhà Hán
Ngoại giao
[edit]Các nước phía nam Đông dương và nước Oa
[edit]Trong phần "Địa lý chí" của Hán thư có ghi chép con đường hàng hải giữa Tây Hán và các nước ở phương nam.
Từ Nhất nam (duyên hải miền trung Việt Nam), Chướng Tái, Từ Văn (tây nam huyện Từ Văn, Quảng Đông), Hợp Phố (Hợp Phố, Bắc Hải, Quảng Tây) đi thuyền 5 tháng thì có thể đến nước Đô Nguyên; lại đi thuyền 4 tháng nữa sẽ gặp nước Ấp Lư Một; lại đi thêm ngoài 20 ngày sẽ đến nước Thầm Ly; nếu đi bộ thì hơn 10 ngày sẽ gặp nước Phù Cam Đô Lư. Từ nước Phù Cam Đô Lư đi thuyền hơn 2 tháng sẽ gặp nước Hoàng Chi; phong tục người dân ở đây cũng giống như người dân ở châu Nhai (đông bắc đảo Hải nam). Từ nước Hoàng Chi đi thêm 8 tháng sẽ tới Bì Tôn, nếu đi 2 tháng nữa sẽ đến Nhất Nam, Tượng Lâm. phía nam của Hoàng Chi có nước Trình Bất. Sứ giả và người thông dịch của nhà Hán đi đến đây thì dừng.
Năm 69, Quốc vương Ai Lao xin nội thuộc vào Đông Hán, nhà Đông Hán lập tại đó 2 huyện đồng thời tách từ Ích Châu 6 huyện lập thành quận Vĩnh Xương. Cương vực nhà Đông Hán mở rộng đến Cao nguyên Vân Quý và phía đông Miến Điện.
Đời Hán Minh Đế, các bộ Bạch Lang, Bàn Mộc phía tây quận Văn Sơn gồm 130 vạn hộ, sáu triệu nhân khẩu, tình nguyện quy thuộc nhà Hán.
Năm 87, vùng Bắc Miến Điện sai sứ đến Đông Hán tiến cống đá quý, chim Trả, bông cây gạo, trâu rừng, ngà voi, minh châu, ngọc sang và mang về tơ lụa. Vào thế kỷ thứ 3, khi kỹ thuật canh tác nông nghiệp Trung Nguyên được Gia Cát Lượng truyền bá cho dân chúng vùng Vân Nam, Quý Châu thì sau đó không lâu những kỹ thuật này cũng được truyền vào Miến Điện. Từ Vân Nam, việc chế tạo rượu, nuôi tằm cũng được truyền sang nước Lào.
Năm 87, nước An Tức triều cống sư tử cho Trung Quốc. Về sau vào niên hiệu Dực Niên, Quốc vương nước An Tức phái sứ giả mang lễ vật triều cống sang Trung Quốc, mở đầu cho sự giao thương giữa hai nước. Năm 101, nước An Tức lại thường mang lễ vật sang triều cống cho triều Đông Hán.
Năm 57, quốc vương nước Na (Nụy Vương) Nhật Bản tiến cống Quang Vũ Đế ở Lạc Dương và nhận ấn thụ Hán Nụy Nô Quốc Vương (Vua nước Na đất Wa thuộc Hán). Cũng theo Hậu Hán thư, năm 180, các tiểu quốc Wa (Oa/Nụy/Uy) thống nhất dưới quyền Nữ hoàng Himiko (Ti Do Hô) của nước Yamataikoku (Tà Mã Đài Quốc) và năm 237, Nữ hoàng gửi sứ tiết sang Trung Quốc.
Các dân tộc ở miền Nam
[edit]Thời Đông Hán có nhiều dân tộc thiểu số ở vùng Hồ Nam, Tứ xuyên, Vân Nam, Quý Châu. Người Diêu ở Quý Châu và tây Hồ Nam dùng các thứ vải gai màu để may quần áo rất đẹp. Người Diêu cũng là một tộc người rất dũng cảm và thiện chiến. Nhà Đông Hán đã bắt họ nộp tô thuế rất nặng, ngoài ra họ còn bị bọn quan lại đánh đập nữa, vì thế họ thường nổi lên chống cự, trong vòng ba năm đã hai lần đánh bại quân triều đình.
Người Điền: Vào thời kỳ đồ đá mới, ở đây đã có sự định cư của con người trong khu vực hồ Điền Trì. Những người nguyên thủy này sử dụng các công cụ bằng đá và đã xây dựng được các công trình đơn giản bằng gỗ.
Vào khoảng thế kỷ 3 TCN, khu vực trung tâm của Vân Nam, xung quanh Côn Minh ngày nay đã được biết đến như là Điền. Một viên tướng nước Sở là Trang Giao hay Trang Kiệu đã từ thượng nguồn Trường Giang tiến vào khu vực này, lập ra nước Điền và tự xưng là "vua nước Điền". Ông và những người kế nghiệp ông đã mang tới Vân Nam ảnh hưởng của người Hán, sự khởi đầu của một lịch sử lâu đời các cuộc di cư và sự mở rộng ảnh hưởng văn hóa. Năm 221 TCN, Tần Thủy Hoàng thống nhất Trung Quốc và mở rộng quyền lực của mình xuống phía nam. Các châu và huyện đã được thiết lập tại đông bắc Vân Nam. Đường giao thông đang có tại Tứ Xuyên đã được mở rộng về phía nam tới gần Khúc Tĩnh ngày nay, ở miền đông Vân Nam - được gọi là "Ngũ xích đạo" (đường 5 thước). Năm 109 TCN, Hán Vũ Đế giao quyền cho tướng Quách Xương đến Vân Nam để thiết lập quận Ích Châu với 24 huyện trực thuộc. Nơi đặt trụ sở của quận này là huyện Điền Trì (ngày nay là Tấn Ninh). Một huyện khác được gọi là "Vân Nam", có lẽ là lần sử dụng đầu tiên của tên gọi này. Để mở rộng quan hệ thương mại mới hình thành với Miến Điện và Ấn Độ, Hán Vũ Đế còn giao cho Đường Mông nhiệm vụ bảo trì và mở rộng Ngũ xích đạo, đổi tên nó thành "Tây nam Di đạo". Vào thời gian đó, kỹ thuật canh tác trong nông nghiệp ở Vân Nam đã được cải thiện rõ rệt. Người dân địa phương sử dụng các công cụ và cày bừa bằng đồng thau cũng như chăn thả nhiều loại gia súc, như trâu, bò, ngựa, cừu, dê, lợn và chó.
Người Điền ở xung quanh hồ Điền đã khai thông ao hồ để tưới tiêu. Người Ai lao ở giữa vùng sông Nộ và sông Lan thương biết dệt một thứ vải bằng gai mịn như gấm. Ở đó họ đá sản xuất đồng, sắt, chì, thiếc và thủy tinh. Nhà Đông Hán đã đặt quận huyện tại khu vực này. Người Hán cũng thường quan hệ giao lưu với người Điền và người Ai Lao. Giữa thế kỷ thứ hai, Doãn Trân người vùng Tang Ca (Quý Châu) có đến Lạc dương học kinh sách rồi trở về quê dạy học có ảnh hưởng lớn đối với văn hóa trong vùng.
Nổi dậy ở Tượng Lâm
[edit]Trong thế kỷ 2 tình hình chính trị ở phía nam huyện Tượng Lâm, luôn dao động.
Mùa hè năm 100, hơn 2.000 dân Tượng Lâm nổi lên phá đồn, đốt thành, giết một số quan quân cai trị. Chính quyền đô hộ Hán phải huy động quân của các quận huyện khác đến dẹp, giết được chủ tướng, cuộc nổi loạn mới tạm yên. Từ đó chính quyền nhà Hán không dám ức hiếp một cách thô bạo dân cư tại đây nhưng đặt vùng đất này dưới quyền cai trị trực tiếp, do một binh trưởng sứ cầm đầu, đề phòng những cuộc nổi loạn sau này. Để lấy lòng dân cư địa phương, quan quân nhà Hán tổ chức phát chẩn cho dân nghèo, miễn thuế hai năm v.v.
Mục đích của chính sách cai trị trực tiếp này là thu thuế và nhận phẩm vật triều cống (vàng, bạc, sừng tê giác, ngà voi, móng chim ưng, hương liệu, vải lụa) càng nhiều càng tốt. Thuế và phẩm vật triều cống do những lãnh chúa địa phương thay mặt nhà Hán thu của dân. Như vậy nhà Hán vừa có thu nhập vừa không hao tốn ngân quỹ, lại duy trì được ảnh hưởng trên vùng đất đó, bù lại lãnh chúa địa phương được sắc phong và được bảo vệ khi bị tấn công.
Theo sử liệu cổ của Trung Hoa (Hậu Hán thư, Lưu Long truyện, Mã Viện truyện) ghi lại thì người huyện Tượng Lâm luôn chống đối lại chính sách cai trị của nhà Hán và thường tranh chấp lẫn nhau về quyền cai trị tại vùng đất này. Tượng Lâm ở quá xa chính quốc nên sự cai trị trực tiếp của những quan đô hộ và binh lực nhà Hán làm hao tốn công quỹ mà lợi ích chính trị và kinh tế không cao, do đó đã rất lơ là.
Năm 136, khoảng 1.000 dân Tượng Lâm nổi lên chống lại sự cai trị của nhà Hán và đánh chiếm huyện Tượng Lâm, họ đốt thành và giết trưởng lại (huyện trưởng). Năm sau thứ sử Giao Chỉ là Phàn Diễn phải điều hơn 10.000 binh sĩ từ hai quận Giao Chỉ và Cửu Chân xuống đàn áp nhưng thất bại. Thay vì đi dẹp loạn, đoàn quân này lại phối hợp với dân quân Tượng Lâm chống lại và chiếm đóng một số thành quách khác trong quận, quan quân Đông Hán phải rút lui khỏi huyện Tượng Lâm.
Năm 138, Giả Xương, quan thị ngự sử nhà Hán đi sứ phía nam, đã cùng với các quan thái thú trong quận Nhật Nam gom quân dẹp những cuộc nổi loạn ở huyện Tượng Lâm. Sau gần một năm, tất cả đều thất bại, và họ còn bị quân địa phương bao vây hơn cả năm trời. Từ đó nhà Hán mất tin tưởng ở đám quan quân địa phương và chỉ tin dùng quan quân từ Trung Hoa đưa xuống. Năm sau Hán Thuận Đế sai tướng Cổ Xương huy động 40.000 quân ở các châu Kinh, châu Dương, châu Duyên, châu Dự xuống đàn áp cuộc nổi dậy. Cổ Xương bị quân nổi loạn đánh bại, nhà Hán sai một tướng khác là Lý Cố mang viện binh tiếp trợ nhưng Lý Cố viện các lý do để hoãn binh. Cuộc tiến quân bị dừng lại.
Những kế sách của Lý Cố là:
- Ly gián nội bộ những người nổi loạn bằng cách mua chuộc những lãnh chúa địa phương nhằm làm suy yếu tiềm lực của dân quân Tượng Lâm.
- Tránh can thiệp bằng quân sự vào những tranh chấp cục bộ của người địa phương.
- Chỉ để lại một quan lại người địa phương thay mặt thiên triều cai trị.
- Vấn đề lãnh đạo địa phương để cho người địa phương chọn lấy, người thắng cuộc được thiên triều tấn phong.
- Quan cai trị địa phương phải là một lãnh chúa thần phục thiên triều.
- Tước Vương hầu (dành cho người Hán) và Liệt Thổ (dành cho người địa phương).
Để thực hiện mưu kế này, nhà Hán phong Trương Kiều làm thứ sử Giao Chỉ và Chúc Lương làm thái thú Cửu Chân; cả hai có nhiệm vụ thu thuế và nhận phẩm vật từ những quan lại được nhà Hán tấn phong. Trương Kiều đã thu phục được hàng chục ngàn dân thường của Nhật Nam và Tượng Lâm quy thuận Hán triều.
Năm 144, dân quận Nhật Nam và huyện Tượng Lâm lại nổi lên chống lại ách cai trị của nhà Hán, nhưng bị thứ sử Hạ Phương đánh bại. Năm 157, Chu Đạt cùng với dân chúng Cửu Chân nổi lên giết huyện lệnh Cự Phong và thái thú Nghê Thức chiếm quyền lãnh đạo. Sự kết hợp tự nhiên giữa dân chúng hai quận Cửu Chân và Nhật Nam gây nhiều bối rối cho các quan quân cai trị. Dưới sự chỉ huy của đô úy quận Cửu Chân là Ngụy Lãng, quân Hán phản công quyết liệt, giết hơn 2.000 dân Cửu Chân, phe nổi loạn phải chạy xuống phía nam chiếm quận Nhật Nam và chống trả lại. Trong ba năm, từ 157 đến 160, quân Tượng Lâm (khoảng 20.000 người) tiến lên đánh quân Hán và chiếm nhiều huyện khác của Nhật Nam. Vài năm sau, năm 178, Lương Long cầm đầu cuộc khởi nghĩa chống lại quân Hán, chiếm được nhiều vùng đất từ Giao Chỉ đến Hợp Phố và từ Cửu Chân đến Nhật Nam; năm 181 Hán vương cử Lã Đại mang quân sang đánh dẹp.
Đến đời Hán Sơ Bình (190-193), nhân nội tình Trung Hoa rối loạn, dân Tượng Lâm, phối hợp với dân 2 quận Cửu Chân và Nhật Nam, nổi lên đánh đuổi quân Hán và giành thắng lợi. Năm 192, tiểu vương quốc Chăm pa đầu tiên phía bắc ra đời, dưới tên gọi Lâm Ấp dưới sự lãnh đạo của Khu Liên. Tiểu vương quốc này mở đầu cuộc đấu tranh giành độc lập của người Kinh ở phía bắc và phong trào thống nhất vương quốc Chiêm Thành ở phía nam.
Người Khương nổi dậy
[edit]Người Khương ở Lương Châu (vùng Cam Túc, Thanh Hải) sinh sống bằng nghề chăn nuôi là một dân tộc thiện chiến, họ xem việc chết trận là một vinh dự. Thời Tây Hán đã có nhiều người Hán đến định cư cùng với người Khương, ở Thanh Hải, Cam Túc, Thiểm Tây, người Khương ở cùng với người Hán.
Năm 106, người Khương sống ở phía tây Ngọc Môn Quan (phía tây bắc Đôn Hoàng, Cam Túc) nổi loạn, xuất quân xâm phạm quận Vũ Đô. Năm 107 nhà Đông Hán bắt người Khương đi đánh Tây Vực, người Khương không muốn xa lìa quê hương nên khi mới ra đi họ đã rủ nhau trốn về. Quan lại Triều đình liền bắt bớ và đốt phá nhà cửa của họ. Năm 110, người Khương phẫn nộ và vùng lên nổi dậy, lấy gậy gộc làm vũ khí, lấy ván làm khiên chống lại Quân đội Đông Hán, giết chết nhiều quan lại và địa chủ Hán. Triều đình và quan lại các châu huyện đều sợ người Khương và bắt buộc dân Hán phải dời vào nội địa nhưng người Hán cũng không chịu đi, sợ khi vào nội địa đời sống không được đảm bảo. Quân đội Đông Hán liền dỡ nhà cửa và đốt lương thực của dân Hán. Bất đắc dĩ, người Hán phải liên hiệp với người Khương chống lại hành động áp bức của Triều đình. Năm 121, người Khương và người Tiên Ti lại nổi dậy, cuộc nổi dậy tiếp diễn trong suốt những năm cuối triều An Đế.
Chiến tranh giữa người Khương với nhà Đông Hán kéo dài hơn 60 năm, cuối cùng nhà Đông Hán cũng dập tắt được cuộc nổi dậy nhưng hao tổn nhiều nhân lực, quân phí lên đến ba bốn chục tỷ lạng, ngân sách bị thâm hụt.