Nguồn gốc và mục tiêu của Khổng giáo

From Wikiversity

Nguồn gốc[edit]

Cơ sở của Nho giáo được hình thành từ thời Tây Chu, đặc biệt với sự đóng góp của Chu Công Đán, còn gọi là Chu Công. Đến thời Xuân Thu, xã hội loạn lạc, Khổng Tử (sinh năm 551 trước Công nguyên) phát triển tư tưởng của Chu Công, hệ thống hóa và tích cực truyền bá các tư tưởng đó. Chính vì thế mà người đời sau coi Khổng Tử là người sáng lập ra Khổng giáo.

Tại Trung Quốc, Khổng giáo thịnh hành ở thời Hán Vũ Đế, trở thành hệ tư tưởng chính thống cả về chính trị và đạo đức của Trung Hoa trong hơn 2.000 năm. Từ thế kỷ thứ IV, Nho giáo lan rộng và cũng rất phát triển ở các nước châu Á khác như Nhật Bản, Triều Tiên và Việt Nam.

Mục tiêu[edit]

Mục tiêu của Nho giáo nguyên thủy theo sách Sách Đại học là:

Đạo học lớn (Đại Học) cốt để phát huy đức sáng, đức tốt đẹp của con người, đổi mới khiến lòng dân bỏ cũ theo mới, bỏ ác theo thiện, khiến mọi người đạt đến mức độ đạo đức hoàn thiện nhất. Có hiểu được phải đạt đến mức độ đạo đức hoàn thiện nhất thì mới kiên định chí hướng. Chí hướng kiên định rồi, tâm mới yên tĩnh. Tâm yên tĩnh rồi, lòng mới ổn định. Lòng ổn định rồi, suy nghĩ sự việc mới có thể chu toàn. Suy nghĩ sự việc chu toàn rồi, mới có thể xử lý, giải quyết công việc được thỏa đáng. Vạn vật đều có đầu có đuôi, có gốc có ngọn. Vạn sự đều có bắt đầu và kết thúc. Biết làm cái gì trước cái gì sau, tức là đã tiếp cận nguyên tắc của đạo rồi

Tu thân

Người quân tử vừa ra sức coi trọng đạo đức vốn có của mình, vừa ra sức chăm lo học tập , vừa phấn đấu đạt đến tầm rộng lớn của đạo, vừa nắm hết chỗ tinh vi tận cùng của đạo. Muốn có được đạo đức cao minh, phải thông hiểu đạo lý , ôn tập những kiến thức đã biết, thu hoạch thêm những kiến thức mới . Khi ở ngôi cao không kiêu ngạo, khi làm kẻ dưới chẳng dám gây điều trái nghịch bất chấp lễ nghĩa. Khi nước có đạo, người quân tử có thể ra giúp nước, nghĩ mưu kế để khiến nước nhà hưng thịnh. Khi nước không có đạo, người quân tử có thể dựa vào trí sáng suốt của mình, tránh cho mình khỏi bị tai ương họa hại .


9 nguyên tắc lớn cuả ngườI lảnh đạo

Tu dưỡng bản thân thì đạo đức được xác lập.
Tôn trọng hiền tài thì không bị mê hoặc, ngu tối.
Yêu quý thân tộc thì chú bác, anh em không oán hận.
Kính trọng đại thần thì công việc ít phạm sai lầm.
Săn sóc quần thần thì kẻ sĩ tận lực báo đáp.
Quan tâm đến dân thì dân chúng thực hiện tốt mọi điều bề trên đề ra.
Khuyến khích bách nghệ phát triển thì vật dụng, hàng hóa buôn bán đủ đầy, sung túc.
Trọng đãi người nước ngoài đến nước mình làm ăn sinh sống thì bốn phương quy thuận.
Vỗ về chư hầu thì khắp thiên hạ sẽ kính phục.