Nguyễn Dữ

From Wikiversity

Nguyễn Dữ tiên-sinh sống về khoảng đời vua Uy-mục, Tương-dực, Chiêu-tôn, Cung-hoàng, nghĩa là vào hồi suy-loạn của triều Tiền Lê. Bấy giờ quốc-thế ngửa-nghiên, cường-thần lăng-tiếm, kỷ-cương đổ-nát, phong-hóa suy-đồi. Tiên-sinh có lẽ đã biết chừng vận Lê không thể bền lâu, vả nghĩ câu « Nguy bang bất nhập, loạn bang bất cư »[1], nên đã treo ấn từ quan, về cố-hương phụng-dưỡng mẹ già, sống cái đời một kẻ ẩn-sĩ, hàng bao nhiêu năm không đặt chân đến chỗ thành-thị. Trong khi ở nhà, tiên-sinh lấy sách-vở bút-nghiên làm bạn. Nhân bấy giờ văn-hóa nước mình cũng mới mở-mang, người ta còn hay tin những việc thần quái. Bởi hay tin, nên có lắm những chuyện thần-quái sản-sinh và lưu-hành ở trong dân-gian. Nhất là trải qua một hồi loạn-lạc mấy mươi năm ở khoảng cuối Trần đầu Lê, nhân-dân bị khủng-bố về những cái thảm-trạng sông máu núi xương, càng là nguyên-cớ để sản-xuất những chuyện thần-quái. Nguyễn Dữ tiên-sinh ngồi nhàn, nhân nghĩ những câu chuyện lạ kia, có lắm chuyện cũng hay hay, đủ làm những tấm gương giám giới, nhất là nếu lại được chép-ghi bởi cây bút châm-phúng của kẻ thương thời mẫn tục. Cây bút ấy tiên-sinh đã sẵn-sàng có, vả lại là cây bút tài hoa, đương muốn trổ cái tài thêu-dệt lên trên mặt giấy. Vì vậy, tiên-sinh bèn sưu-tập những chuyện truyền-thuyết linh-kỳ từ thủa Lý Trần đến hồi ấy, không chừng tiên-sinh còn bịa thêm ra nữa, dùng một lối văn mỹ-diệu của nhà tiểu-thuyết tài-nghệ, viết nên bộ TRUYỀN-KỲ MẠN-LỤC, có để vào đó cái chủ-ý chống-đỡ cho phong-giáo của thời bấy giờ.