Nhân trị
Muốn tu thân phải tuân theo đạo lý. Muốn tuân theo đạo lý, phải thực hiện nhân. Nhân tức là tính người, là kính yêu người trong thân tộc, yêu nhân dân của mình. Đó là điều lớn nhất trong chữ nhân.
Thành thật
[edit]Nho giáo đề cao sự thành thật. Khổng Tử nói
- Con người ta sống được là nhờ ngay thẳng. Kẻ không ngay thẳng cũng sống được chẳng qua nhờ may mắn nên tránh được tai họa đó thôi.
Theo sách Trung Dung
- Muốn bản thân thành thật cũng có cách của nó: nếu không hiểu rõ thế nào là đức thiện, tính thiện thì cũng không thể bồi dưỡng cho mình có lòng thành thật với bản thân.
Cũng theo Nho giáo, có một số người vốn dĩ tự nhiên đã thành thật, một số khác phải rèn luyện bản thân để trở nên thành thật bằng cách kiên trì làm điều thiện, học tập sâu rộng, hỏi han kỹ lưỡng, suy nghĩ thận trọng, phân biệt cho sáng tỏ, thực hành cho thấu đáo . Việc nịnh hót người khác, giả bộ hiền lành, cung kính thái quá, đem oán hận giấu kín trong lòng nhưng bề ngoài vẫn giả bộ hữu hảo bị Nho giáo đánh giá là hành vi xấu.
Khổng Tử nói:
- Dùng những lời lẽ hay ho để nịnh hót, làm vừa lòng người và tỏ vẻ hiền lành, như vậy không phải là người có lòng nhân.
Nhân nghĩa
[edit]Người trị quốc không nên xem tài sản là vốn quý, mà nên xem nhân nghĩa là vốn quý.
Về việc cai trị bằng nhân nghĩa, sách Đại học viết:
- Người nhân dùng của cải của mình để hoàn thiện phẩm đức. Kẻ bất nhân dùng sinh mệnh của mình để vơ vét thêm của cải. Chưa từng có bậc vua nào yêu điều nhân mà dân chúng lại không yêu điều nghĩa. Chưa từng có người nào hiểu điều nghĩa mà lại làm việc không hết lòng...
Nho giáo có quan niệm cai trị bằng nhân nghĩa, bằng cách giáo dục quần chúng. Khổng Tử nói
- Dùng mệnh lệnh pháp luật để hướng dẫn chỉ đạo dân, dùng hình phạt để quản lý dân, làm như vậy có thể giảm được phạm pháp, nhưng người phạm pháp không biết xấu hổ, sỉ nhục. Dùng đạo đức để hướng dẫn, dùng lễ nghĩa để giáo hóa dân thì dân sẽ hiểu được thế nào là nhục nhã khi phạm tội, sẽ cam tâm tình nguyện sửa chữa sai lầm của mình tận gốc từ tư tưởng.
Người lãnh đạo ra lệnh cho dân chúng thực hành nhân ái nhưng mình lại tàn bạo, thì dân nhất định chẳng nghe theo . Nếu bậc thiện nhân lãnh đạo quốc gia, sau một trăm năm có thể cảm hóa kẻ tàn bạo thành lương thiện, không cần gì đến hình phạt nữa . Không nên gào thét và nghiêm sắc mặt để giáo hóa dân chúng vì có thể cướp cờ, đoạt tướng giữa ba quân, nhưng không thể cướp đoạt được chí khí của một người dân bình thường