Quả báo
Theo Luật Nhân Quả, khi chúng ta tạo Nhân nào thì sẽ nhận Quả (báo) tương ứng, nghĩa là "Nhân nào quả nấy" theo nhu Ở ác gặp ác, ở lành gặp lành . Học thuyết "Luật Nhân Quả hay Nghiệp Quả Báo Ứng" rất cần thiết cho chúng ta là những con người đang sống trên thế gian này, đang chịu sự vay trả, trả vay của Nghiệp do chúng ta gây ra . Hiểu biết Luật Nhân Quả giúp cho chúng ta tự nhận biết được Quả tốt hay xấu chúng ta đang lãnh chịu ở đời này do Nghiệp chúng ta đã tạo ra. Những gì chúng ta đã làm dù tốt hay xấu, dù vô tình hay cố ý đều sẽ hoàn trả lại cho chúng ta một cách sòng phẳng không thiếu sót khi hội đủ nhân duyên
Mỗi tác động (Nhân hay Nghiệp) dưới một điều kiện nhất định sẽ sinh ra một Quả Báo. Một khi Quả đó chín, nó sẽ "hồi đáp" trở lại người đã tạo ra nó. Thời gian để một Quả chín muồi có thể kéo dài rất lâu cũng có khi rất mau. Nghiệp đã gieo thì trăm, ngàn kiếp vẫn không mất. Khi đủ nhân duyên nó sẽ xuất hiện. Ai gây Quả ác thì sẽ nhận Quả ác, ai tạo Quả lành sẽ nhận Quả lành một cách công bằng, không thiên vị. Tạo Nghiệp tốt có thể mang lại kết quả tốt trong đời hiện tại hay trong đời tái sinh. Nhưng chúng ta cần nhớ là dù tạo Nghiệp tốt hay xấu đều phải chịu luân hồi sinh tử. Trong minh thứ ba là Lậu Tận Minh, Đức Phật đã xác nhận nguyên nhân của luân hồi sinh tử là Lậu hoặc. Ở đây, Nghiệp chính là Lậu hoặc. Bên trong Lậu hoặc chứa sẵn mầm tham sân si. Chính tham sân si thúc đẩy người ta có hành vi tạo Nghiệp nên Lậu hoặc hay Nghiệp là nguyên tố của luân hồi sinh tử. Nó theo chúng ta nhiều đời từ quá khứ, hiện tại và tương lai.
Tu nghiep
[edit]Như vậy nhờ vào việc tu tập giữ gìn giới đức và hành thiện mà chúng ta có thể hoá giải bớt những nghiệp xấu mà chúng ta đã lỡ gây ra. Trong kinh A-Hàm Đức Phật dạy: "Người gây nhân bất thiện, biết tu thân, tu giới, tu tâm thì quả sẽ đổi thay". Như vậy chúng ta thấy rõ muốn thoát Nghiệp phải tu tập tích lũy công đức, càng nhiều công đức thì chúng ta mới có thể hoà tan dần dần để đi đến xoá bớt Nghiệp mà chúng ta đã tạo, nên mới nói "Tu là chuyển Nghiệp" hay "Tu là giải Nghiệp".
Tu là sửa đổi, trước kia hay làm những việc xấu bây giờ sửa đổi không làm việc xấu ác nữa mà thực hành những điều thiện lành. Chuyển Nghiệp là chuyển hoá khổ đau thành an vui hạnh phúc. Tuỳ theo khả năng tu nhiều hay ít mà quả khổ sẽ thay đổi chứ không cố định "nhân nào quả đó" như khi chưa biết tu, tức chưa biết sửa đổi.
Đức Phật dạy muốn chuyển Nghiệp chúng ta cần phải "tịnh hoá tam nghiệp" nghĩa là tu sửa, thanh lọc Thân, Khẩu, Ý từ những lầm lỗi bất thiện dần dần trở nên thiện lành.
- Về Thân
- 1) Không sát sanh, hãm hại, giết người, cũng không xúi giục người khác giết người hại vật.
- 2) Không trộm cắp của không cho, dù chỉ là một cây kim cuộn chỉ.
- 3) Vợ hoặc chồng phải thuỷ chung, không gian dâm tà hạnh với người khác.
- Về Khẩu
- 1) Không vọng ngữ, nói dối.
- 2) Không nói lời hung dữ, độc ác.
- 3) Không dùng lời thêu dệt đặt điều nói xấu kẻ khác.
- 4) Không nói lời đâm thọc, hai chiều khiến cho người này hận ghét người kia.
- Về Ý
- Không uống rượu say. Không xử dụng ma tuý cần sa, những thứ này là nguyên nhân của bệnh thân và tâm. Nó khiến cho tâm trí ngày càng mê mờ si muội.
Ngoài ra, Đức Phật cũng khuyên chúng ta nên hành thiện không bỏ qua bất cứ việc thiện nhỏ nhặt nào và xa lìa những hành động xấu ác làm tổn thương người khác đồng thời hãy tu tập giữ tâm thanh tịnh không gợn ý xấu tốt về bất cứ chuyện gì qua bài kệ: "Chư ác mạc tác, chúng thiện phụng hành, tự tịnh kỳ ý. Thị chư Phật Giáo", đại ý là: "Những việc ác không nên làm, Vâng làm những việc lành. Khéo giữ tâm thanh tịnh. Đó là lời Phật dạy"
Nhìn chung, ngoài Đức Phật và các vị A-La-Hán đã hoàn toàn sạch Nghiệp, các Ngài "Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, việc cần làm đã làm xong, sau đời hiện tại không có đời khác nữa", còn bất cứ một chúng sanh nào còn luân hồi trong sáu cõi (Trời, Người, A-tu-La, Súc sanh, Ngạ quỷ, Địa ngục) đều mang Nghiệp. Vì có Nghiệp mới có tái sinh để trả nghiệp. Tuỳ Nghiệp nặng hay nhẹ mà khổ nhiều hay khổ ít. Đức Phật dạy chúng ta phải tu để chuyển đổi quả báo do Nghiệp gây ra bằng cách giữ giới tức tu Giới, tu Thân và tu Ý. Mà tu Ý tức tu Tâm là quan trọng hơn hết.