Tiếng Quốc ngữ
Tiếng Quốc ngữ được xử dụng rộng rảI từ năm 1945 cho đến nay và là chữ tiêu chuẩn của người Việt nam . Chữ Quốc ngữ là chữ ghi âm, chỉ sử dụng 27 ký tự Latin và 6 dấu thanh, đơn giản, tiện lợi và có tính khoa học cao, dễ học, dễ nhớ, thông dụng; thay thế hoàn toàn tiếng Pháp và tiếng Hán vốn khó đọc, khó nhớ, không thông dụng với người Việt.
Trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam, sự phát triển tiếng Việt trong chính thể Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ở miền Bắc và Việt Nam Cộng hòa ở miền Nam diễn ra có chút khác nhau, chủ yếu ở sử dụng từ Hán-Việt và phiên âm tên trong tiếng nước ngoài.
Tại miền Bắc có xu hướng chuyển sang sử dụng từ thuần Việt thay thế từ Hán Việt cùng nghĩa, còn ở miền Nam thì vẫn giữ nguyên việc sử dụng từ Hán Việt như thời trước 1945. Ví dụ như miền Nam vẫn giữ tên "Ngân hàng Quốc gia" trong khi miền Bắc đổi thành "Ngân hàng Nhà nước" (1960), miền Nam lại gọi là "phi trường" thì miền Bắc gọi là "sân bay", miền Nam gọi là "Ngũ Giác Đài" thì miền Bắc gọi là "Lầu Năm Góc", miền Nam gọi là "Đệ nhứt thế chiến" thì miền Bắc kiên quyết gọi là "Chiến tranh thế giới thứ nhất", miền Nam gọi là "hỏa tiễn" thì miền Bắc lại gọi là "tên lửa", miền Nam vẫn gọi là "thủy quân lục chiến" còn miền Bắc lại đổi thành "lính thủy đánh bộ",... Ngược lại ở miền Bắc lại dùng một số danh từ bắt nguồn từ tiếng Hán như "tham quan", "sự cố", "nhất trí", "đăng ký", "đột xuất", "vô tư",... thì miền Nam lại dùng những chữ "thăm viếng", "trở ngại/trục trặc", "đồng lòng", "ghi tên", "bất ngờ", "thoải mái",...
Việc phiên âm tên tiếng nước ngoài thì ở miền Nam vẫn theo cách trước 1945 là dùng tên theo từ Hán Việt, như Băng đảo (Iceland), Úc Đại Lợi (Australia), Hung Gia Lợi (Hungary), Ba Tây (Brazil),... Tại miền Bắc thì chuyển sang phiên âm trực tiếp thành Ai-xơ-len, Ô-xtrây-li-a, Hung-ga-ri,... và trừ ra các tên Hán Việt của đối tượng đã quá phổ biến như "Pháp", "Đức", "Anh", "Nga",... Cá biệt (có thể là duy nhất) một tên tiếng Trung là Zhuang (người Tráng) được "phiên âm trực tiếp" theo giọng Hà Nội thành Choang trong tên gọi chính thức "Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây"[18][note 1]. Tại miền Nam, sự hiện diện của quân đội Hoa Kỳ đã đem một số từ tiếng Anh vào ngôn ngữ giao tiếp hằng ngày[cần dẫn nguồn].
Sau khi Việt Nam thống nhất vào năm 1975, quan hệ Bắc – Nam được kết nối lại. Gần đây, sự phổ biến của các phương tiện truyền thanh và truyền hình trên toàn quốc đã làm tiếng Việt được chuẩn hóa một phần nào. Nhiều từ thuần Việt được sử dụng phổ biến thay cho từ Hán Việt, cũng như với sự tiến triển của internet và toàn cầu hóa, ảnh hưởng của tiếng Anh ngày càng lớn trên báo chí và đội ngũ phóng viên, nhiều từ nước ngoài được đưa vào tiếng Việt có vẻ thiếu chọn lọc cũng như có nhiều ý kiến là có nên viết nguyên bản theo tiếng Anh hoặc ngôn ngữ bản địa nếu cùng gốc Latin...