Triết học không chuyên/2/Lịch sử tư tưởng triết học Việt Nam

From Wikiversity

Các điều kiện địa lý, kinh tế, chính trị, xã hội và những đặc điểm hình thành, phát triển của lịch sử tư tưởng triết học Việt Nam[edit]

Các điều kiện địa lý, kinh tế, chính trị, xã hội cho sự hình thành và phát triển của lịch sử tư tưởng triết học Việt Nam[edit]

Xét về vị trí địa lý, Việt Nam là một đất nước nằm ở khu vực đông nam châu Á; phía bắc giáp Trung Quốc, phía đông và đông nam giáp biển Đông, còn phía tây là một giải Trường sơn hùng vĩ tạo nên dải ngăn cách với một số nước phía tây (Lào, Thái Lan, Miến Điện ...)

Với vị trí địa lý đó đã tạo cơ sở tự nhiên cho khả năng giao lưu, thông thương về kinh tế, chính trị, văn hoá giữa Việt Nam với Trung Quốc bằng con đường bộ và với Ấn Độ bằng con đường biển qua nhiều thế kỷ. Đến thế kỷ XIX, qua con đường hằng hải, Việt Nam còn có sự tiếp xúc với một số nước phương tây tư bản.

Chính vì vậy, quá trình diễn tiến lịch sử Việt Nam cũng chính là quá trình mở rộng giao lưu kinh tế, chính trị và văn hoá xã hội với các nước khu vực châu Á và mở rộng dần ra phạm vị quốc tế. Đây là một đặc điểm mà không phải bất cứ quốc gia, dân tộc nào cũng có được.

Xét về mặt kinh tế, lịch sử Việt Nam hàng ngàn năm qua là lịch sử của nền kinh tế nông nghiệp, căn bản dựa trên nông nghiệp thiên về trồng trọt, đặc biệt là nông nghiệp trồng lúa nước. Điều này xuất phát từ đặc điểm địa lý của vùng nhiệt đới gió mùa, quanh năm nắng lắm mưa nhiều, phù hợp với sự phát triển của các giống cây trồng nhiệt đới.

Trải qua hàng ngàn năm, nền nông nghiệp trồng trọt Việt Nam căn bản dựa trên trình độ lao động thủ công và kinh nghiệm truyền đời của người nông dân, hầu như không có một cuộc cách mạng trong lực lượng sản xuất. Chỉ vào cuối thế kỷ XX mới có cuộc cách mạng trong lực lượng sản xuất nông nghiệp nhưng còn hết sức hạn chế

Khác với nền kinh tế nông nghiệp của các cư dân phía tây bắc của lục địa là nền kinh tế nông nghiệp căn bản dựa vào chăn nuôi du mục, nền kinh tế nông nghiệp Việt nam truyền thống chỉ coi chăn nuôi và các nghề thủ công cũng như thương nghiệp là nghề phụ. Vì vậy, về cơ bản, trong suốt chiều dài lịch sử, nền kinh tế công nghiệp và thương nghiệp không có bước phát triển nào. Nền công nghiệp chỉ là một số ngành khai khoáng, còn thương nghiệp chỉ là mạng lưới chợ quê và hình thành nên một số làng nghề truyền thống khép kín với những phường hội cố kết lại với nhau trong buôn bán.

Về chế độ sở hữu các tư liệu sản xuất, căn bản dựa trên sở hữu pháp lý của nhà nước về đất đai và các tài nguyên, có sự phân cấp quyền sở hữu thực tế cho các tổ chức làng xã quản lý và sử dụng.

C.Mác khi nghiên cứu về chế độ sở hữu châu Á mà điển hình là Ấn Độ đã gọi chế độ sở hữu này là "sở hữu chồng" hay "sở hữu kép". Đồng thời, C.Mác cũng nhận định rằng “Chế độ sở hữu châu Á chính là chiếc chìa khoá để phát hiện các bí mật của các xã hội Á châu". Đây là cũng là căn cứ cơ bản để C.Mác đưa ra khái niệm "Phương thức sản xuất châu Á".

Lịch sử Việt Nam từ thời Lý (1010-1225) trở về trước, căn bản thuộc về phương thức sản xuất châu Á và đồng dạng nhiều hơn với đặc điểm kinh tế xã hội của các nước phía nam châu Á.

Chỉ từ cuối thời Lý, trải qua các triều đại Trần, Lê, Nguyễn và cận đại mới có sự phát triển nhất định của chế độ tư hữu về ruộng đất. Chính thực tế đó đã làm xuất hiện giai cấp địa chủ trong xã hội, nhưng cũng rất hạn chế.

Về mặt chính trị, do căn bản dựa trên chế độ công hữu về đất đai dưới hình thức sở hữu pháp lý của nhà nước và sở hữu hiện thực làng xã nên về căn bản trong lịch sử Việt Nam không diễn ra sự phân hoá giai cấp sâu sắc. Chỉ khi thực dân Pháp xâm lược và đặt ách cai trị thuộc địa mới dẫn tới sự phân hoá giai cấp có phần khốc liệt. Vì vậy, về cơ bản lực lượng thống trị trong xã hội Việt Nam truyền thống là đẳng cấp phong kiến cấu kết với lực lượng giai cấp địa chủ trong các cơ sở làng xã nông thôn. Trong những thời kỳ Bắc thuộc và Pháp thuộc, các lực lượng thống trị đó thường trở thành công cụ cai trị của các thế lực ngoại xâm. Một bộ phận cấp tiến và có tinh thần dân tộc tổ chức dân cư đấu tranh, khởi nghĩa chống lại các thế lực thống trị đó để giành độc lập dân tộc.

Với một lịch sử thành văn trên hai ngàn năm đã có hơn một ngàn năm luôn phải đấu tranh dựng nước và giữ nước. Bởi vậy, lịch sử chính trị Việt Nam trước hết thể hiện ra trong hiện thực là lịch sử chống giặc ngoại xâm để xây dựng, bảo vệ và củng cố nền độc lập dân tộc. Đây là đặc điểm có liên quan mật thiết với nội dung các tư tưởng triết học Việt Nam.

Về tổ chức xã hội, cơ cấu xã hội truyền thống Việt Nam là một hệ thống kép mà hệ thống dưới là cơ cấu các làng xã khép kín của các nhóm cư dân nông nghiệp. Mỗi làng xã Việt Nam là một cơ cấu kinh tế - chính trị- văn hoá hoàn chỉnh khép kín và được duy trì gần như bất biến qua nhiều thế kỷ. Đây là cấu trúc xã hội mà C. Mác khi nghiên cứu về châu Á đã gọi là các "Công xã nông thôn". Theo C.Mác, đây là nguyên nhân căn bản của tính chất trì trệ lâu dài của các xã hội châu Á. Hệ thống bên trên các làng xã là một cơ cấu tổ chức của bộ máy nhà nước quan liêu với 4 cấp hành chính thực hiện việc cai trị các dân cư làng xã. C.Mác khi nghiên cứu về tổ chức các nhà nước ở châu Á đã gọi đó là nhà nước quan liêu; là "cục bướu thừa" mọc bên trên các tổ chức công xã.

Tuy nhiên, trong xã hội phong kiến độc lập tự chủ Việt Nam (từ thế kỷ X đến thế kỷ XVIII), nhà nước quan liêu đó luôn có hai nhiệm vụ cơ bản là tổ chức dân cư các làng xã chống giặc ngoại xâm và xây dựng, bảo trì hệ thống thuỷ lợi, tức là thực hiện chức năng kinh tế và an ninh của nhà nước phong kiến Việt Nam, vì vậy nó không hoàn toàn là "cục bướu thừa" bên trên các làng xã.

Cơ cấu xã hội Việt Nam truyền thống đó bắt đầu có những thay đổi nhất định từ khi thực dân Pháp áp đặt nền cai trị theo chế độ thuộc địa (kiểu cũ). Cơ cấu này đã tiếp tục có những thay đổi rất cơ bản trong thời kỳ cách mạng thành công và công cuộc đổi mới hiện nay.

Với cơ sở kinh tế là một nền nông nghiệp lạc hậu tồn tại hàng ngàn năm, lại được bảo tồn bằng một cơ cấu xã hội khép kín của các làng xã đã trở thành cơ sở hiện thực của một "nền văn hoá dân dã" hay "văn hoá làng mạc".

Tri thức là cơ sở trực tiếp cho sự ra đời và phát triển của triết học. Vốn tri thức cơ bản của các cư dân nông nghiệp Việt Nam truyền thống là các tri thức kinh nghiệm được hình thành một cách tự phát nhờ quan sát và tổng kết các hiện tượng của giới tự nhiên có liên quan trực tiếp tới kỹ thuật trồng trọt và đánh bắt. Những tri thức như vậy không đủ để hệ thống hoá thành các khoa học tự nhiên. Một số tri thức về nghề thủ công với tư cách là nghề phụ trong các làng xã không đủ để đạt tới trình độ của công nghệ cao và sản xuất hàng hoá phổ biến. Nó thường được phát hiện ngẫu nhiên và trở thành bí quyết của các làng nghề truyền thống. Các tri thức về xã hội của người Việt Nam truyền thống căn bản bị giới hạn ở các hiểu biết mang tính qui phạm giao tiếp trong tổ chức làng xã. Thêm vào đó là những hiểu biết về truyền thống dân tộc mà chủ yếu là qua truyền khẩu.

Khi có sự giao lưu tri thức với các học thuyết lớn từ Trung Quốc và Ấn Độ, một tầng lớp trí thức không lớn đã có điều kiện tiếp thu theo tinh thần thực tiễn Việt Nam. Tuy nhiên, những tri thức từ các học thuyết này chủ yếu là các tri thức về chính trị - xã hội.

Toàn bộ những điều kiện địa lý, kinh tế, chính trị và văn hoá xã hội được khái quát vắn tắt trên đây đã trở thành cơ sở hiện thực trực tiếp cho quá trình phát sinh và phát triển của lịch sử tư tưởng Việt Nam, trong đó có tư tưởng triết học.

Những đặc điểm chủ yếu của lịch sử tư tưởng triết học Việt Nam[edit]

Đặc điểm của quá trình hình thành và phát triển các tư tưởng triết học Việt Nam[edit]

Sự hình thành và phát triển của triết học bao giờ cũng gắn trực tiếp với các tri thức về thế giới của con người - của nhiều người và nhiều thế hệ. Khởi thủy của các tri thức ấy bao giờ cũng là các tri thức kinh nghiệm. Từ các tri thức kinh nghiệm thông thường nhất được hình thành trong quá trình thực tiễn sản xuất và sinh hoạt, có thể được nâng dần lên thành những khái niệm trừu tượng, có tính chất phổ biến. Nhờ đó hình thành các quan điểm, quan niệm bao quát, chung nhất của con người về thế giới. Những quan điểm đó lại trở thành cơ sở nhận thức để con người lý giải về giới tự nhiên và xã hội.

Theo ý nghĩa đó, con người Việt Nam trong lịch sử dựa trên cơ sở kinh nghiệm tích luỹ nhiều đời của mình đã từng bước đạt tới những khái quát trừu tượng và hình thành một số quan niệm chung nhất về thế giới. Đó là những quan niệm về tính thống nhất phổ biến của các mặt đối lập, về vị trí trung tâm của mặt trời đối với hoạt động của vạn vật, về nguồn gốc của dân tộc, về sức mạnh tất yếu của cộng đồng dân cư v.v...

Tuy nhiên, để các quan niệm đó trở thành một hệ thống các quan điểm chung nhất về tự nhiên và xã hội, tức là trở thành các hệ thống triết học, còn cần những điều kiện khác, mà về căn bản trong điều kiện lịch sử Việt Nam chưa thể tạo ra được. Do vậy, chỉ có thể nói tới lịch sử tư tưởng triết học Việt Nam mà chưa thể đề cập đến lịch sử triết học Việt Nam.

Quá trình phát triển của lịch sử tư tưởng triết học Việt Nam là quá trình phát triển song trùng hợp nhất giữa hai xu hướng là xu hướng tự thân và xu hướng tiếp biến các tư tưởng triết học, các học thuyết triết học được du nhập từ bên ngoài. Cả hai xu hướng này đã bắt đầu diễn ra với một lịch sử khoảng hai ngàn năm, từ đầu công nguyên, đặc biệt là từ thế kỷ X đến nay.

Trong quá trình tiếp biến các hệ tư tưởng triết học được du nhập từ bên ngoài, Nho giáo từ Trung Quốc và Phật giáo từ gốc Ấn Độ đã đóng góp một vai trò đặc biệt quan trọng. Ở thế kỷ XX và hiện nay, triết học Mác-Lê nin và chủ nghĩa Mác-Lênin là các nhân tố chủ đạo.

Rất nhiều quan điểm triết học của các học thuyết nói trên đã trở thành nhân tố hữu cơ của tư duy triết học, quan điểm triết học của người Việt Nam. Nhiều nội dung của các quan điểm đó đã được biến đổi cho phù hợp với các tư tưởng triết học truyền thống của người Việt Nam.

Như vậy, lịch sử hình thành và phát triển của lịch sử tư tưởng triết học Việt Nam có đặc điểm khác biệt khá căn bản với lịch sử hình thành và phát triển triết học của Trung Hoa, Ấn Độ và nhiều quốc gia dân tộc khác.

Đặc điểm về nội dung tư tưởng triết học Việt Nam[edit]

Triết học là hình thái ý thức xã hội, phản ánh các điều kiện hiện thực khách quan của xã hội. Đó là tư duy ở chiều sâu nhằm giải quyết các nhiệm vụ lịch sử đặt ra cho mỗi xã hội, mỗi giai đoạn lịch sử và thời đại lịch sử.

Hằng số lịch sử hiện thực Việt Nam trên hai ngàn năm qua là lịch sử cố kết các dân cư thuộc các cộng đồng làng xã, các dân tộc người trên khu vực địa lý đông nam châu Á để chống giặc ngoại xâm, khẳng định quyền tự chủ độc lập và làm các công trình thuỷ lợi để sản xuất nông nghiệp lúa nước.

Từ hằng số lịch sử này đã làm nảy sinh hai nhu cầu hiện thực lịch sử. Một là, nhu cầu cố kết cộng đồng dân cư làng xã và cộng đồng quốc gia dân tộc. Chính từ đó đã làm xuất hiện xu thế hướng nội mạnh mẽ. Hai là, nhu cầu học tập người nước ngoài để chống lại sự xâm lược nhằm bảo vệ nền độc lập dân tộc.

Cũng chính vì vậy, ý thức về cộng đồng, về độc lập chủ quyền đã nảy sinh từ rất sớm trong lịch sử Việt Nam và thường xuyên được nuôi dưỡng, phát triển trong suốt chiều dài lịch sử. Ý thức đó dần dần được nâng lên thành tư tưởng yêu nước. Có thể gọi tư tưởng ấy là chủ nghĩa yêu nước Việt Nam bởi vì đó là tư tưởng ở chiều sâu của nhận thức và là tư tưởng xuất phát của sự nảy nở và phát triển của cả ý thức hệ lịch sử Việt Nam. Hầu như tất cả những suy tư chiều sâu ở tầm các triết lý Việt Nam đều có ngọn nguồn từ tư tưởng cố kết cộng đồng và độc lập chủ quyền quốc gia dân tộc. Có thể nói, toàn bộ ý thức hệ Việt Nam trong lịch sử đều xoay quanh hai tư tưởng cốt lõi đó.

Do vậy, trong cấu trúc ý thức hệ Việt Nam, chủ nghĩa yêu nước với nội dung cơ bản là tư tưởng về cố kết cộng đồng và độc lập chủ quyền quốc gia đã thường được xác định ở vào vị trí trung tâm của lịch sử tư tưởng và văn hóa.

Đặc điểm về hình thức thể hiện các tư tưởng triết học Việt Nam[edit]

Các tư tưởng triết học ở tầm hệ thống các quan điểm, thường được trình bày dưới hình thức trước tác của các triết gia và theo phương thức lý luận. Xuất phát từ đặc điểm đó, từ lâu đã có một số nhà nghiên cứu quan niệm rằng không thể nói tới lịch sử triết học Việt Nam ngay cả ở phạm vi chỉ là các tư tưởng triết học.

Thực ra, trước tác lý luận của các triết gia chỉ là một hình thức thể hiện của những tư tưởng triết học. Điều này đặc biệt rõ khi nghiên cứu về lịch sử triết học các nước phương tây. Đối với lịch sử triết học phương đông và lịch sử tư tưởng triết học Việt Nam, hình thức thể hiện các tư tưởng triết học không bị giới hạn ở các trước tác, đặc biệt không chỉ theo phương thức lý luận.

Những tư tưởng triết học Việt Nam, ngoài các trước tác của các nhà tư tưởng còn được thể hiện qua rất nhiều hình thức phong phú. Ngay cả hoạt động của các phong trào dân tộc cũng là một hình thức và là một phương thức thể hiện tư tưởng ở chiều sâu của tư duy triết học. Vì vậy, nghiên cứu lịch sử tư tưởng Việt Nam cần đến phương pháp của các khoa học liên ngành, mà trước hết là liên ngành các khoa học xã hội và nhân văn. Cho đến nay đã có nhiều công trình theo phương pháp đó và đã đi tới những kết luận về tư tưởng triết học Việt Nam.

Những nội dung cơ bản của lịch sử tư tưởng triết học Việt Nam[edit]

Những tư tưởng triết học chính trị, đạo đức và nhân văn trong lịch sử tư tưởng triết học Việt Nam[edit]

Tư tưởng yêu nước trong lịch sử tư tưởng triết học Việt Nam[edit]

Trong lịch sử tư tưởng Việt Nam, tư tưởng yêu nước không chỉ là một tư tưởng chính trị mà còn là một tư tưởng đạo đức và nhân văn cao cả. Đồng thời, tư tưởng yêu nước của người Việt Nam còn thường được các nhà tư tưởng Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử suy tư ở chiều sâu của những triết lí và trở thành Chủ nghĩa yêu nước Việt Nam. Vì vậy, đây cũng chính là một nội dung của lịch sử tư tưởng triết học Việt Nam.

Chủ nghĩa yêu nước Việt Nam là một hệ thống các quan niệm ở chiều sâu triết học về dân tộc và độc lập dân tộc; về một quốc gia độc lập ngang hàng với phương Bắc và những quan niệm về nguồn gốc, động lực của cuộc chiến tranh cứu nước và giữ nước. Những tư tưởng này trở thành những nội dung cốt lõi của lịch sử tư tưởng triết học Việt Nam.

thức về dân tộc và độc lập dân tộc đã từng nảy sinh rất sớm ở các cư dân người Việt thuộc giai đoạn trước khi giành được quyền độc lập dân tộc để xây dựng một quốc gia có chủ quyền ngang hàng với các triều đại phong kiến phương bắc (từ thế kỷ X). Ý thức về dân tộc và độc lập dân tộc đó dần dần được hình thành, phát triển ở tầm quan điểm và luận lý được nâng cao trong giai đoạn lịch sử mới khi dân tộc đã giành được quyền tự chủ.

Do vậy, quan niệm về dân tộc và độc lập dân tộc của người Việt Nam là một quá trình, ngày càng được định hình và trở thành một nội dung cơ bản của chủ nghĩa yêu nước Việt Nam. Quan niệm đó bắt nguồn từ thực tiễn đấu tranh giành quyền độc lập của dân tộc Việt Nam trong suốt mấy ngàn năm lịch sử.

Trong suốt mấy ngàn năm lịch sử, có một vấn đề đặt ra thường xuyên cho người Việt Nam là phải làm thế nào để chứng minh được cộng đồng ngươì Việt khác với cộng đồng người Hán và ngang hàng với họ. Lúc đầu các nhà tư tưởng nêu lên quan niệm dân Lạc Việt ở về phía sao Dực, sao Chẩn (theo phép tính lịch cổ), khác với Hoa Hạ ở về phía sao Đẩu; tức là thuộc hai phương nam, bắc khác nhau. Tiếp đến người Việt Nam chứng minh rằng tộc Việt ở về phía nam Ngũ Lĩnh là dãy núi ở phía nam Trung Quốc, ngăn cách phía nam và phía bắc Trung Quốc. Còn tộc Hán ở về phía bắc dãy Ngũ Lĩnh. Đó là tư tưởng muốn khẳng định sự độc lập về địa lý của tộc Lạc Việt và tộc Hán.

Như vậy, kết hợp quan niệm thiên văn và địa lý, người Việt Nam đã từng bước khẳng định sự tồn tại độc lập của mình với tộc Hán, không phụ thuộc vào tộc Hán như quan niệm của người Hán từng đưa ra làm tư tưởng cho các cuộc xâm lược xuống phía nam. Tư tưởng độc lập đó, đến thời Lý đã được Lý Thường Kiệt kế thừa và khẳng định "Sông núi nước Nam thì vua nước Nam trị vì". Để thiêng liêng hoá quan điểm đó, Lý Thường Kiệt còn viện đến “Thiên Lý” để làm căn cứ theo cách tư duy truyền thống trong Nho giáo Trung Hoa.

Trên lĩnh vực nhận thức lý luận, sự bức bách của cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm buộc các nhà tư tưởng phải có sự đi sâu hơn, khái quát cao hơn, toàn diện hơn về khối cộng đồng tộc Việt. Nguyễn Trãi là người đã thực hiện được sứ mệnh này. Trong các bức thư gửi quân Minh và nhất là trong tác phẩm “Đại cáo bình Ngô", Nguyễn Trãi đã chứng minh rằng, cộng đồng tộc Việt có đủ các yếu tố địa lý, cương vực, phong tục, lịch sử, nhân tài nên nó đã là một cộng đồng người có bề dày lịch sử ngang hàng với cộng đồng người của phương bắc, không phụ thuộc vào phương bắc. Nhận thức đó của Nguyễn Trãi đã nêu lên được các yếu tố cần thiết làm nên một dân tộc, đã đặt cơ sở lý luận cho sự độc lập dân tộc. Lý luận đó đã đạt tới đỉnh cao của quan niệm về dân tộc độc dưới thời kỳ phong kiến Việt Nam. Nó tạo nên sức mạnh cho cộng đồng người Việt Nam trong cuộc đấu tranh chống quân Minh xâm lược ở đầu thế kỷ XV và cả giai đoạn lịch sử sau này. Nhưng khi thực dân Pháp xâm lược Việt nam, lý luận trên tỏ ra bất lực. Phải hơn nửa thế kỷ sau, vào những năm 20 của thế kỷ XX, Hồ Chí Minh mới tìm ra được lý luận cứu nước mới và Người đã làm cho khái niệm dân tộc và dân tộc độc lập có nội dung và sắc thái ngang tầm thời đại mới trên một cơ sở thế giới quan mới.

Những quan niệm về nhà nước của một quốc gia độc lập ngang hàng với phương Bắc cũng là một nội dung cơ bản của chủ nghĩa yêu nước Việt Nam.

Việt Nam trước và sau khi giành được độc lập dân tộc từ sự thống trị của các tập đoàn phong kiến phương Bắc, phạm trù dân tộc nằm trong hệ tư tưởng của giai cấp phong kiến, gắn với tính chất và địa vị cũng như với chế độ chính trị - xã hội của giai cấp phong kiến. Chế độ chính trị - xã hội đã trở thành hình thức đặc biệt quan trọng để cố kết các yếu tố cấu thành dân tộc và là điều kiện để thực thi quyền dân tộc.

Trước khi người Hán đến, tộc Việt đã có nhà nước Văn Lang và Âu Lạc của mình. Người Hán đến, nhà nước Âu Lạc bị tiêu diệt, lãnh thổ của tộc Việt bị biến thành một bộ phận của tộc Hán. Người Việt đấu tranh chống lại sự thống trị của người Hán cũng có nghĩa là đấu tranh giành quyền tổ chức ra nhà nước riêng của mình, chế độ riêng của mình. Quyền xây dựng nhà nước riêng, chế độ riêng là mục tiêu hàng đầu của các cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc.

Xây dựng nhà nước trong lúc bấy giờ không thể không tính tới các yếu tố quốc hiệu, quốc đô, đế hiệu, niên hiệu,... Cần phải làm sao để các quốc danh, quốc hiệu đó vừa thể hiện được sự độc lập dân tộc, vừa cho thấy sự bền vững, sự phát triển và sự ngang hàng với các triều đại phương Bắc. Để thực hiện điều này, Lý Bí đã từng từ bỏ luôn các tên gọi mà họ đã áp đặt cho nước ta, như "Giao Chỉ", "Giao Châu", "Nam Giao", "Lĩnh Nam",v.v... Đó là những tên gọi gắn liền với sự phụ thuộc vào phong kiến phương Bắc. Lý Bí đã đặt tên nước ta là Vạn Xuân. Sau này nhà Đinh đặt tên nước là Đại Cồ Việt, còn nhà Lý lại đặt quốc hiệu là Đại Việt... “Hiệu” của người đứng đầu quốc gia cũng được chuyển từ Vương hiệu sang Đế hiệu để chứng tỏ sự độc lập ngang hàng với Hoàng Đế phương Bắc. Kinh đô cũng được chuyển từ Cổ Loa đến Hoa Lư, rồi từ Hoa Lư đến Thăng Long để có được nơi "Trung tâm của bờ cõi đất nước... vị trí ở giữa bốn phương, muôn vật phong phú tốt tươi... chỗ tụ họp của bốn phương" (Chiếu dời đô của Lý Công Uẩn), nơi xứng đáng là kinh đô của một nước độc lập và phát triển phồn thịnh.

Như vậy là từ đầu thời kỳ độc lập, Việt Nam là một quốc gia dân tộc phong kiến. Xét về phương diện chính thể, từ quốc hiệu đến đế hiệu, niên hiệu, kinh đô v.v... đều được nhận thức đầy đủ, và ở đó mỗi tên gọi là một tư thế thể hiện quan điểm của một dân tộc độc lập, tự chủ, tự cường. Đây cũng là một nội dung đặc biệt quan trọng của chủ nghĩa yêu nước Việt Nam.

Lý luận về dân tộc độc lập và quốc gia có chủ quyền là một vũ khí quan trọng trong tay các lực lượng kháng chiến, song bản thân nó không đủ để làm nên chiến thắng. Muốn chiến thắng được kẻ thù đông đảo và hùng mạnh hơn mình gấp nhiều lần thì vấn đề đặt ra là phải làm thế nào để động viên được sức mạnh của toàn dân, để chuyển sức mạnh của người Việt Nam từ yếu thành mạnh. Đây là những vấn đề thuộc khoa học quân sự và thuộc tầm chiến lược của cuộc kháng chiến chống giặc. Do vậy, những suy tư ở chiều sâu triết học về nguồn gốc và động lực của cuộc chiến tranh cứu nước và giữ nước cũng đã trở thành một nội dung quan trọng và cơ bản của chủ nghĩa yêu nước Việt Nam.

Các nhà chỉ đạo cuộc chiến tranh giữ nước trong lịch sử dân tộc đều thấy sự cần thiết phải có một lý luận được khái quát nên từ thực tế chiến đấu. Họ tìm những nguyên nhân của những thành công và thất bại để đúc kết kinh nghiệm và khái quát thành lý luận; họ đem hiểu biết của một người truyền bá cho nhiều người. Thông thường, sau mỗi thắng lợi giành được độc lập dân tộc, người Việt Nam đều tiến hành tổng kết kinh nghiệm để truyền lại cho đời sau.

Phải coi trọng sức mạnh của cộng đồng là điều đầu tiên rút ra được của các nhà tư tưởng. Cộng đồng người Việt là một thực thể xã hội hình thành trong lịch sử và được củng cố bởi những thành viên của nó. Những con người trong cộng đồng đó ý thức được rằng họ cùng một giống nòi, cùng một lãnh thổ, cùng một sinh hoạt và cùng một vận mệnh. Cộng đồng đó sẽ yếu nếu những thành viên đó không có gì để gắn bó với nhau và ngược lại nó sẽ trở thành một sức mạnh nếu nó được cố kết lại với nhau và có điều kiện để cố kết. Các nhà chỉ đạo cuộc chiến tranh lúc bấy giờ hiểu được điều đó. Họ thấy con người ta có quyền lợi thì mới có trách nhiệm, có phần của mình trong tập thể thì mới gắn bó với tập thể, có quan hệ tốt thì mới đồng lòng. Họ nhấn mạnh yếu tố đó để phát huy sức mạnh của cộng đồng. Trần Quốc Tuấn từng yêu cầu: "Trên dưới một lòng, lòng dân không chia", vì "Vua tôi đồng lòng, anh em hoà mục, cả nước góp sức, giặc tự bị bắt", "có thu phục được quân lính một lòng như cha con thì mới dùng được". Nguyễn Trãi nói "Thết quân rượu hoà nước, dưới trên đều một dạ cha con". Tư tưởng này đến thời cận đại, được các nhà tư tưởng nêu lên là, có hợp sức, hợp quần thì mới có sức mạnh. Đến thời đại Hồ Chí Minh, Người đã tổng kết và nêu lên nguyên lý "Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết; Thành công, thành công, đại thành công".

Đề cao sức mạnh của cộng đồng, các nhà tư tưởng đã làm một việc phù hợp với yêu cầu giải quyết mâu thuẫn chủ yếu lúc bấy giờ là biến địch từ mạnh thành yếu và sức ta từ yếu trở nên hùng mạnh.

“Coi trọng dân, coi dân là gốc của quốc gia” là những nội dung quan trọng trong lịch sử giữ nước và cứu nước. Tư tưởng đó đã có từ thời Mạnh tử bên Trung Hoa cổ đại. Những tư tưởng này đều được các nhà tư tưởng Việt Nam coi trọng và kế thừa.

Trong lịch sử tư tưởng dân tộc phải tính tới các quan điểm tích cực đối với dân. Lý Công Uẩn từng nhấn mạnh "Trên vâng mệnh trời, dưới theo ý dân, thấy thuận tiện thì thay đổi". Lý Phật Mã nói: "Nếu trăm họ mà no đủ thì ta lo gì thiếu thốn". Trần Nhân Tông thì nói: "Ngày thường có thị vệ hai bên, đến khi nước nhà hoạn nạn thì chỉ có bọn gia nô đi theo thôi". Nguyễn Trãi nói: "Chở thuyền là dân mà lật thuyền cũng là dân". Lý Thường Kiệt nói “Đạo làm chủ dân cốt ở nuôi dân".v.v... Đến thời đại Hồ Chí Minh, quan niệm về dân đã được phát triển đến một trình độ cao hơn và có cơ sở lý luận của chủ nghĩa Mác - Lê nin.

Tư tưởng trọng dân đã là cơ sở cho đường lối đề cao Nhân, Nghĩa và cho đối sách nhân hậu, cho những biện pháp nhằm hạn chế mâu thuẫn giai cấp trong xã hội.

Thấy được vai trò của dân và nêu lên được một số yêu cầu dân chủ của dân đối với các nhà tư tưởng thời phong kiến không phải là dễ dàng. Do lập trường phong kiến và đặc điểm cuộc sống đã hạn chế nhãn quan của họ. Nhưng là những nhà yêu nước lớn, đứng ở đỉnh cao của phong trào yêu nước đương thời, họ thấy được yêu cầu phải cố kết cộng đồng, phát huy sức mạnh của dân tộc nên đã vượt qua được những hạn chế giai cấp vốn có của mình.

Qua những phân tích trên có thể thấy tư tưởng yêu nước Việt Nam có những nét khác biệt nhất định với tư tưởng yêu nước của các dân tộc khác và là một bộ phận đặc biệt quan trọng của lịch sử tư tưởng Việt Nam nói chung, lịch sử tư tưởng triết học Việt Nam nói riêng.

Quan niệm về đạo làm người trong lịch sử tư tưởng triết học Việt Nam[edit]

Một trong những vấn đề được các nhà tư tưởng Việt Nam trong lịch sử đặc biệt quan tâm là vấn đề về đạo làm người, bởi lẽ đây là vấn đề có liên quan mật thiết với việc xác định cơ sở tư tưởng của hành động chính trị, đạo đức và nhân sinh.

Quá trình suy tư về đạo làm người đã dẫn các nhà tư tưởng Việt Nam trong lịch sử tiếp thu tinh hoa của cả ba đạo Nho, Phật và Lão – Trang và kết hợp chúng trong một hệ tư tưởng thống nhất cho phù hợp với điều kiện lịch sử chính trị, đạo đức và cuộc sống của con người Việt Nam. Có thể nhận thấy hầu như trong các trước tác và trong lối sống của các nhà tư tưởng lớn Việt Nam thời phong kiến đều có sự thấm nhuần những tinh túy của cả ba đạo Nho, Phật và Lão – Trang. Tùy theo các điều kiện lịch sử cụ thể mà có thể nhận thấy vai trò trội hơn của mỗi đạo trong mỗi nhà tư tưởng cũng như trong mỗi tình huống cụ thể. Trong giai đoạn lịch sử Lí – Trần, đạo Phật và đạo Lão – Trang có xu hướng phát triển và ảnh hưởng trội hơn đạo Nho. Ngược lại, trong giai đoạn lịch sử thời Lê – Nguyễn, đạo Nho lại có xu hướng được tôn vinh. Mỗi nhà tư tưởng, khi nhập thế vào đời phò vua, giúp nước thường chịu nhiều ảnh hưởng của những tư tưởng đạo Nho. Ngược lại, khi lui về ở ẩn hoặc trong thời kì thanh bình của đất nước lại có xu hướng tôn vinh những tư tưởng của đạo Phật và đạo Lão – Trang.

Một số tư tưởng triết học Phật giáo trong lịch sử tư tưởng triết học Việt Nam[edit]

Nhìn bao quát lịch sử, giai đoạn thời Lý – Trần, từ thế kỷ X đến thế kỷ XIV Phật giáo đã từng giữ vai trò trung tâm trong hoạt động tư tưởng và đồng thời Nho giáo từng bước thâm nhập vào giới trí thức. Giai đoạn thời Lê – Nguyễn, từ thế kỷ XV đến thế kỷ XIX, ý thức hệ Nho giáo giữ địa vị độc tôn trong sinh hoạt tư tưởng quan phương và Phật giáo vẫn phát huy vai trò nhất định trong giới học thuật. Bởi vậy, các nhà tư tưởng Việt Nam thời kỳ này đều là những trí thức Nho học và Phật học.

Những tư tưởng triết học của Nho giáo và Phật giáo thường được sử dụng như các công cụ cần thiết để luận giải về thế giới và nhân sinh theo tinh thần các giá trị tư tưởng triết học của dân tộc. Vì vậy, khi nghiên cứu tư tưởng triết học Việt nam thời phong kiến không thể bỏ qua vị trí của tư tưởng triết học Phật giáo và Nho giáo, với tư cách là những bộ phận cấu thành nội dung tư tưởng triết học Việt Nam, nhưng đó là những tư tưởng Phật giáo và Nho giáo ít nhiều đã được Việt Nam hoá theo yêu cầu của từng giai đoạn lịch sử của đất nước.

Phật giáo có gốc từ Ấn Độ cổ đại được truyền bá vào Việt Nam với cả hai tư cách triết học và tôn giáo. Trong những thế kỷ đầu công nguyên, Phật giáo được truyền bá vào Việt Nam trực tiếp từ Ấn Độ và chủ yếu với tư cách là một tín ngưỡng và một tôn giáo. Từ thế kỷ VI đến thế kỷ IX, Phật giáo được truyền bá vào Việt Nam căn bản từ Trung Hoa và chủ yếu với tư cách là hệ tư tưởng triết học.

Có ba tông phái Phật giáo Đại thừa đã phát triển ở Việt Nam thời phong kiến là Thiền tông, Tịnh Độ tông và Mật tông, trong đó Thiền tông bao hàm những tư tưởng triết học sâu sắc nhất về phương diện siêu hình học. Ảnh hưởng lớn nhất của Tịnh Độ tông là những tư tưởng đạo đức nhân sinh.

Trên cơ sở những tông phái Phật giáo Đại thừa đó, người Việt Nam còn sáng lập hai tông phái Phật giáo Việt Nam là phái Thảo Đường (thời Lý) và phái Trúc Lâm (thời Trần).

Trong lĩnh vực tư tưởng triết học thời Lý - Trần, Thiền tông đã giữ vai trò là bộ phận tư tưởng trọng yếu trong giới trí thức. Tất cả những trước tác thời Lý - Trần đều bao hàm các nội dung triết học Thiền tông. Những tư tưởng triết học nhân sinh của Phật giáo đã có ảnh hưởng sâu sắc tới nội dung tư tưởng triết học của các nhà tư tưởng tiến bộ trong giai đoạn lịch sử thời Lê - Nguyễn như Nguyễn Trãi, Ngô Thời Nhậm, Nguyễn Du v.v...

Có thể khái quát tư tưởng triết học Phật giáo Việt Nam ở hai bộ phận cấu thành là Siêu hình họcNhân sinh quan. Những triết lý trong bộ phận siêu hình học là lớp tư tưởng triết học ở chiều sâu, trở thành nội dung căn bản trong tư tưởng triết học của các trí thức thời Lý - Trần. Đây là những tư tưởng triết học Ấn Độ đã được Trung Hoa hoá và truyền bá vào Việt Nam, được giới trí thức đương thời đặc biệt coi trọng.

Phạm trù triết học trung tâm của Thiền tông là "Bản Thể Chân Như" hay “Thực Tướng” các pháp hoặc bản thể "Như Lai".

Theo luận giải của Thiền tông, Bản Thể Chân Như chính là nguyên lý thống nhất của thế giới. Thế giới các hiện tượng (Pháp hữu vi) luôn biến đổi không ngừng. Tất cả các hiện tượng đó chỉ là biểu hiện của Bản Thể Chân Như. Do vậy, về lý luận nhận thức, theo triết học Thiền tông cần phải vượt qua thế giới các hiện tượng để đạt tới Bản Thể Chân Như, khi đó sẽ đạt tới sự giác ngộ cứu cánh. Nhưng sự giác ngộ này không phải đạt được bằng con đường đi từ trực quan sinh động (tức là từ nhận thức các hiện tượng) đến bản chất trừu tượng mà là bằng con đường siêu việt qua các hiện tượng. Vì vậy, phạm trù "Vô trụ" trở thành phạm trù căn bản trong lý luận nhận thức của Thiền tông. Đây thực chất là phép biện chứng của Thiền học. Theo tinh thần của phép biện chứng này, thế giới được biểu hiện ra trong tính đa dạng của những khác biệt và mâu thuẫn, nhưng xét theo bản chất chúng thống nhất với nhau.

Phạm trù trung tâm trong triết học nhân sinh Phật giáo Việt Nam là phạm trù "Từ bi". Đây là phạm trù cơ bản trong triết học Phật giáo Đại thừa. Nội dung cơ bản của phạm trù này là tinh thần bao dung giữa con người với nhau cũng như với muôn loài vô tình và hữu tình. Bản chất triết học sâu xa của phạm trù này là phạm trù "Vô ngã” trong triết học Phật giáo cổ đại Ấn Độ. Đây cũng chính là tư tưởng triết học nhân văn của Phật giáo. Tinh thần cứu độ chúng sinh là một tinh thần thực tiễn. Tinh thần đó là hệ quả tất yếu từ sự giác ngộ từ bi.

Như vậy, với tư tưởng từ bi, triết học Phật giáo Việt Nam đã bổ sung cơ sở lý luận cho tư tưởng nhân ái Việt Nam; tư tưởng nhân ái này vốn đã có cơ sở hiện thực từ lịch sử cố kết cộng đồng dân tộc.

Tóm lại, những tư tưởng triết học Phật giáo Việt Nam là một bộ phận cấu thành lịch sử tư tưởng triết học Việt Nam thời phong kiến. Nhờ những tư tưởng triết học này mà lịch sử phát triển tư tưởng triết học Việt Nam đã được bổ sung bằng các phạm trù triết học mới, tạo ra chiều sâu của tư duy triết học về tự nhiên, xã hội và nhân sinh.

Một số tư tưởng triết học Nho giáo trong lịch sử tư tưởng triết học Việt Nam[edit]

Nho giáo là học thuyết triết học ra đời từ thời cổ đại Trung Hoa. Cội nguồn tư tưởng của Nho giáo có từ thời Văn Vương, Chu Công đã được Khổng tử hệ thống hoá thành học thuyết lớn thời Xuân Thu. Học thuyết đó đã được Tuân tử và đặc biệt là Mạnh tử thời Chiến quốc tiếp tục phát triển tạo thành Nho giáo thời cổ đại. Nho giáo thời phong kiến Trung hoa đã được các nhà tư tưởng qua các triều đại Hán, Đường, Tống, Nguyên, Minh, Thanh tiếp tục phát triển hơn nữa theo mục tiêu xác lập cơ sở ý thức hệ thống trị xã hội.

Nho giáo được du nhập vào xã hội Việt Nam ngay từ những thế kỷ đầu công nguyên và trong suốt thời kỳ bắc thuộc gần một ngàn năm nhưng chủ yếu trong một bộ phận rất hạn chế của tầng lớp trên của xã hội.

Từ khi nhà nước phong kiến độc lập tự chủ được xác lập, các triều đại phong kiến Việt Nam đã chủ động du nhập và chấn hưng Nho giáo theo hướng xác lập nền tảng ý thức hệ chính trị của mình. Khởi đầu là triều Lý đã xây dựng Văn Miếu (Quốc Tử Giám) để thờ Chu Công, Khổng tử. Sau đó, trải qua các triều đại phong kiến, nơi đây trở thành khu quốc học lớn nhất trong cả nước.

Quá trình phát triển Nho giáo ở Việt Nam đã tạo ra một nền quốc học phong kiến, lấy nội dung Nho học làm căn bản. Mở rộng ra, nền giáo dục thời phong kiến Việt Nam ngày càng coi trọng nội dung Nho học.

Từ nền giáo dục này đã làm xuất hiện một tầng lớp nho sĩ ngày càng giữ vai trò quan trọng không chỉ trong hệ thống cai trị quốc gia mà còn đặc biệt quan trọng trong lĩnh vực đời sống tư tưởng và học thuật.

Tầng lớp nho sĩ Việt Nam có hai khuynh hướng tư tưởng. Khuynh hướng thứ nhất là tuyệt đối hoá các giá trị tư tưởng Nho học Trung Hoa, nhất là đối với Nho học thời Tống. Khuynh hướng thứ hai là nghiên cứu Nho học theo tinh thần sáng tạo Việt Nam, vận dụng phù hợp vào hoàn cảnh cụ thể của đất nước, đặc biệt là vào các giai đoạn, các thời điểm lịch sử mà nhiệm vụ giải phóng dân tộc đang đặt ra cấp bách.

Chính khuynh hướng thứ hai đã có vai trò đặc biệt quan trọng trong lịch sử phát triển tư tưởng triết học Việt Nam thời phong kiến. Theo khuynh hướng này, nhiều giá trị Nho học, đặc biệt là vào các giai đoạn, các thời điểm lịch sử mà nhiệm vụ giải phóng dân tộc đang đặt ra cấp bách, đã được các nhà tư tưởng Việt Nam phát huy.

Chính khuynh hướng thứ hai đã có vai trò đặc biệt quan trọng trong lịch sử phát triển tư tưởng triết học Việt Nam thời phong kiến. Theo khuynh hướng này, nhiều giá trị Nho học, đặc biệt Nho học thời cổ đại Trung hoa đã được kế thừa và phát triển.

Triết học Nho giáo bao gồm hai bộ phận cấu thành là "Hình nhi thượng học" và "Hình nhi hạ học". Bộ phận thứ nhất có khuynh hướng đi sâu vào triết lý ở tầm siêu hình học, gắn liền với sách Trung Dung (trong Tứ thư) và những chú giải của các nhà Nho học Trung Hoa đối với bộ Chu Dịch (trong Ngũ Kinh).

Những tư tưởng triết học này có vai trò đặc biệt quan trọng đối với các nhà tư tưởng lỗi lạc trong lịch sử Việt Nam như Nguyễn Bỉnh Khiêm, Ngô Thời Nhậm và nhiều nhà tư tưởng khác.

Bộ phận thứ hai của Nho giáo có xu hướng đi sâu vào những luận điểm triết học về chính trị và đạo đức, nhằm xác lập ý thức hệ cai trị phong kiến theo mô hình chế độ tập quyền cao độ.

Nhiều tư tưởng tiến bộ trong các quan điểm về chính trị đạo đức của Nho giáo đã được các nhà tư tưởng Việt Nam kế thừa theo tinh thần thực tiễn của dân tộc. Đó là tư tưởng thân dân, trọng dân, coi dân là gốc của quốc gia; đó là tư tưởng nhân, nghĩa trong đời sống chính trị - xã hội; đó là mối quan hệ biện chứng song trùng giữa vua - tôi, cha – con, chồng - vợ; đó là các phạm trù đạo đức trung, hiếu, tiết, nghĩa.v.v...

Trong khi kế thừa và sử dụng các tư tưởng tiến bộ đó, các nhà tư tưởng Việt Nam đã bổ sung và làm thay đổi các nội hàm một số khái niệm vốn có của Nho giáo Trung Hoa.

Tư tưởng trọng dân của Nho giáo Trung Hoa thường bị giới hạn bởi các quan hệ tông tộc, đẳng cấp, giai cấp; còn đối với các nhà tư tưởng Việt Nam có một ý nghĩa mới là toàn dân tộc. Đối với Nho giáo Trung Hoa phạm trù nhân, nghĩa thường mang giá trị cá nhân; còn đối với các nhà tư tưởng Việt Nam lại có một nội hàm cộng đồng nhân dân lao động; đối với Nho giáo Trung Hoa, các phạm trù trung, hiếu thường chỉ có ý nghĩa trung với vua và hiếu với cha mẹ, còn đối với các nhà tư tưởng Việt Nam hai phạm trù này không bị giới hạn ở đó mà còn được mở rộng thành trung với quốc gia dân tộc và hiếu với nhân dân v.v...

Cũng chính vì vậy, trong lịch sử tư tưởng Việt Nam, không chỉ có “nhân”, “nghĩa” mà còn có “đại nhân”, “đại nghĩa”; không chỉ có “trung quân” mà còn có “ái quốc”; không chỉ nói “trọng dân” mà còn luôn nhấn mạnh "dân vi bản" v.v...

Sự đối lập giữa thế giới quan duy vật và duy tâm, triết học và tôn giáo trong lịch sử tư tưởng triết học Việt Nam[edit]

Sự phát triển của lịch sử tư tưởng Việt Nam luôn luôn diễn ra trong mối quan hệ song trùng, giao thoa và tổng hợp nhưng trong sự thống nhất đó vẫn có những biểu hiện của sự đối lập và đấu tranh giữa các loại thế giới quan duy vật và duy tâm, triết học và tôn giáo. Điều này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, nhưng có một nguyên nhân cơ bản là do sự phát triển của nó luôn luôn có sự giao lưu, tiếp biến với các hệ tư tưởng được du nhập từ bên ngoài, nhưng vẫn nằm trong hệ qui chiếu của tư tưởng triết học phương đông vùng châu Á. Vì vậy, cuộc đấu tranh giữa thế giới quan duy vật với thế giới quan duy tâm cũng như cuộc đấu tranh giữa thế giới quan triết học với thế giới quan tôn giáo và tín ngưỡng thường xuyên diễn ra dưới các hình thái biểu hiện rất đặc biệt. Cuộc đấu tranh đó không có điểm kết thúc trong suốt chiều dài lịch sử thời phong kiến cho đến khi bắt đầu có sự thâm nhập của các hệ tư tưởng triết học phương tây thời cận đại và đặc biệt là từ khi có hệ tư tưởng triết học Mác-Lênin được truyền bá vào Việt Nam.

Có thể nhận thấy cuộc đấu tranh giữa các quan điểm triết học theo lập trường duy vật và duy tâm không được phân định rõ ràng giữa các trường phái và giữa các nhà tư tưởng; cũng không phải chỉ với việc giải quyết một vấn đề cụ thể mà trải rộng trên nhiều vấn đề nhưng có thể khẳng định những tư tưởng triết học duy tâm kết hợp với các tư tưởng tôn giáo là thế giới quan bao trùm, còn thế giới quan duy vật và chủ nghĩa vô thần chỉ thể hiện mờ nhạt và chỉ trong phạm vi giải quyết một số vấn đề cụ thể trong một hoàn cảnh cụ thể.

Trong khi chủ nghĩa duy tâm và tôn giáo có một chiều sâu lý luận và có tính hệ thống cao thì các quan điểm duy vật và vô thần chỉ là những yếu tố nhận thức còn mang nặng tính chất kinh nghiệm ngẫu nhiên.

Về mặt hình thái biểu hiện, cuộc đấu tranh giữa các quan điểm duy vật và duy tâm trong lịch sử tư tưởng triết học Việt Nam được biểu hiện trong việc giải quyết mối quan hệ giữa các phạm trù "Tâm" - "Vật"; "Linh hồn" - "Thể xác"; "Lý" - "Khí"; v.v...

Cuộc đấu tranh giữa các quan điểm đó còn được thể hiện trong việc kiến giải về nguyên nhân và nguồn gốc của các sự kiện trong đời sống chính trị của đất nước và số mệnh của con người trong xã hội. Đó là những vấn đề như nguồn gốc của sự an, nguy; hưng, vong đối với các triều đại; vấn đề về bản tính và số mệnh của mỗi con người; vấn đề “Đạo Trời” và “Đạo Người” v.v...

Thế giới quan duy tâm trong lịch sử tư tưởng Việt Nam thường gắn liền và biểu hiện dưới hình thức tôn giáo, tín ngưỡng. Điều này có nguồn gốc từ sự giao thoa và có xu hướng hợp nhất của ba đạo Nho, Phật và Lão - Trang với tín ngưỡng dân gian cổ truyền của người Việt.

Có thể thấy mỗi khái niệm được sử dụng trong lịch sử tư tưởng triết học Việt Nam đều bao hàm trong nó sự đan xen, giao thoa của bốn chiều tư tưởng là Nho - Phật – Đạo - Tín ngưỡng dân gian mà tiêu biểu là các khái niệm Mệnh Trời, Nghiệp, Kiếp, Linh hồn, Thể xác, v.v...

Cũng chính vì vậy, cùng một thuật ngữ ở cùng một nhà tư tưởng nhất định nhưng trong nội hàm khái niệm có thể bao hàm những tư tưởng trái ngược nhau, vốn thuộc về các thế giới quan khác nhau.

Trong quá trình phát triển, các quan điểm duy tâm và tôn giáo đã tự bộc lộ những hạn chế của nó trong việc cần giải thích một cách hợp lý và phù hợp với thực tiễn các sự kiện chính trị - xã hội, đó là thời cơ cho sự bộc lộ tự phát của các quan điểm theo lập trường duy vật và vô thần.

chiều sâu của tư tưởng triết học, một số nhà tư tưởng tiến bộ Việt Nam đã tìm cách giải thích các sự kiện chính trị - xã hội và nhân sinh theo xu hướng duy vật và vô thần một cách duy lý. Các nhà tư tưởng đó thường sử dụng các thuật ngữ vốn có của triết học đạo Nho, đạo Phật hay đạo Lão-Trang nhưng giải thích theo hướng duy vật và vô thần.

Thuật ngữ “Thiên Mệnh” vốn là thuật ngữ của Nho giáo nhưng được giải thích theo quan điểm duy vật và vô thần, coi “Thiên Mệnh” chính là các lực lượng tất yếu khách quan của giới tự nhiên mà không phải là lực lượng thần bí và nhân cách hoá. Vận dụng lý lẽ về sự biến đổi tất yếu khách quan được viết trong Kinh Dịch, một số nhà tư tưởng Việt Nam đã giải thích khái niệm "Thời -Thế" theo nguyên tắc duy vật và có tính biện chứng sâu sắc.

Những tư tưởng duy vật và vô thần đó thường được bộc lộ trong những giai đoạn khi nhu cầu giải phóng dân tộc và chấn hưng đất nước đang đặt ra một cách cấp bách, đòi hỏi đời sống tư tưởng và học thuật phải có những chuyển biến căn bản. Những tư tưởng đó đã trở thành lý luận của tầng lớp tiến bộ trong giới trí thức, trong giới cai trị và quần chúng nhân dân nhằm cải biến vận mệnh của đất nước. Những tư tưởng đó cũng phù hợp với những triết lý của nhân dân. Những triết lý đó được hình thành tất yếu từ thực tiễn lao động và bảo vệ chủ quyền quốc gia dân tộc, xây dựng quốc gia độc lập tự chủ trước các thế lực ngoại xâm.

Tóm lại, lịch sử tư tưởng triết học Việt Nam là sự phản ánh lịch sử trên hai ngàn năm cố kết cộng đồng dân tộc để dựng nước và giữ nước. Đó cũng là lịch sử phát sinh và phát triển của tư tưởng triết học trong quá trình thường xuyên có sự giao lưu, tiếp biến đổi với ác hệ tư tưởng triết học lớn được du nhập từ bên ngoài mà trước hết là với các học thuyết lớn của Trung Hoa và ấn Độ. Nho giáo và Phật giáo - với tư cách là các học thuyết lớn đã có vai trò đặc biệt quan trọng trong quá trình phát triển của lịch sử tư tưởng triết học Việt Nam. Nhiều quan niệm triết học của Nho giáo và Phật giáo đã trở thành những nội dung cơ bản của lịch sử tư tưởng triết học Việt Nam thời phong kiến độc lập tự chủ. Nhiều tư tưởng triết học khác đã được các nhà tư tưởng Việt Nam tiếp thu có chọn lọc, có bổ sung với những nội hàm khái niệm mới vốn không có trong các học thuyết đó. Đây cũng là những sáng tạo tư tưởng theo tinh thần thực tiễn Việt Nam, góp phần làm sâu sắc và phong phú đời sống tinh thần và học thuật của dân tộc.

Xét theo cấu trúc tư tưởng, có thể nhận thấy chủ nghĩa yêu nước Việt Nam là nội dung trung tâm của lịch sử tư tưởng Việt Nam. Nội dung căn bản của chủ nghĩa yêu nước Việt Nam là quan niệm về dân tộc và dân tộc độc lập; là quan điểm về một nhà nước chủ quyền độc lập ngang hàng với các quốc gia phương bắc; là nhận thức về nguồn gốc, động lực của cuộc chiến tranh cứu nước và giữ nước. Những tư tưởng đó đã được nâng lên ở tầm cao mới trong thời đại Hồ Chí Minh với sự du nhập chủ nghĩa Mác-Lênin và trên cơ sở thực tiễn của thời đại mới từ những thập kỷ đầu thế kỷ XX đến nay.

Vai trò của Hồ Chí Minh đối với sự phát triển của lịch sử triết học Việt Nam[edit]

Từ khi thực dân Pháp xâm lược và đặt ách cai trị thực dân ở Việt Nam đã làm xuất hiện hai nhu cầu lớn của lịch sử là giải thích sự thất bại của triều đại phong kiến nhà Nguyễn và tìm con đường cứu nước, giải phóng dân tộc.

Để giải quyết hai nhu cầu đó của lịch sử, các nhà tư tưởng Việt Nam thời kỳ này đã trở về với các hệ tư tưởng đã có trong lịch sử. Họ dùng các lý luận của Nho giáo và Phật giáo để giải thích các sự kiện lịch sử và cố tìm kiếm con đường giải phóng dân tộc theo thế giới quan và phương pháp luận của Nho giáo, Phật giáo. Tiêu biểu nhất là phong trào chấn hưng phật giáo

Nam kỳ cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Tuy nhiên, mọi cố gắng của các nhà tư tưởng Việt nam thời kỳ này đều thất bại. Bởi lẽ, về mặt thực tế, sự thất bại của triều đại phong kiến nhà Nguyễn là sự thất bại của một phương thức sản xuất ở trình độ thấp hơn phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa. Ở phương tây, phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa đã chứng minh sức mạnh của nó bằng việc tiêu diệt không thương tiếc phương thức sản xuất phong kiến và tiếp tục bành trướng sức mạnh của nó trên phạm vi toàn cầu.

Về mặt ý thức hệ, tư tưởng tư bản ở trình độ phát triển cao hơn ý thức hệ phong kiến, bởi lẽ ý thức hệ chính trị tư sản dựa trên một thế giới quan duy vật thời cận đại, gắn liền với những tri thức khoa học tự nhiên ở thế kỷ XVII – XVIII.

Trong khi đó, ý thức hệ phong kiến Việt Nam trong lịch sử gần một ngàn năm thời kỳ độc lập tự chủ (từ thế kỷ X) là ý thức hệ xác lập trên nền tảng căn bản là thế giới quan duy tâm, gắn với những quan niệm tôn giáo và tín ngưỡng - đó là thế giới quan và phương pháp luận của Nho giáo và Phật giáo.

Thế giới quan Nho giáo, dù là nho giáo ở Trung Quốc hay ở Việt Nam, về căn bản đều là thế giới quan và phương pháp luận duy tâm về lịch sử. Một số nhà tư tưởng triết học Trung Quốc thời phong kiến đã cố gắng tạo lập nền tảng biện chứng của thế giới quan Nho giáo bằng việc lý giải các nguyên lý cai trị từ các nguyên lý biến dịch luận trong Chu Dịch. Tuy nhiên, biến dịch luận trong Chu Dịch về căn bản chỉ là các nguyên lý biến đổi tuần hoàn của vạn vật, không phải là học thuyết biện chứng về sự phát triển. Do vậy, các nguyên lý xã hội học của Nho giáo, về căn bản chỉ thích hợp với việc cai trị xã hội thời bình, ổn định trên cơ sở của nền văn minh nông nghiệp, nó xa lạ với thực trạng biến đổi và phát triển của xã hội công nghiệp-thị trường.

Thế giới quan Phật giáo cổ đại có nhiều yếu tố duy vật với những tư tưởng biện chứng sâu sắc. Tuy nhiên, Phật giáo du nhập vào Việt Nam về cơ bản là những tư tưởng Phật giáo đã ít nhiều Trung Hoa hoá. Xét về tổng thể và cơ bản, đó vẫn là thế giới quan duy tâm.

Hơn nữa, trọng tâm của Phật giáo không phải hướng vào việc giải quyết các vấn đề thực tiễn chính trị mà là hướng vào mục tiêu nhân sinh.

Vì vậy, sự nỗ lực của các nhà tư tưởng Việt Nam thời cận đại tìm kiếm lời giải đáp những nguyên nhân thất bại của triều đại nhà Nguyễn cũng như con đường giải phóng dân tộc đều thất bại.

Để tạo ra tầng lớp trí thức phục vụ cho mục tiêu khai thác thuộc địa, thực dân Pháp đã tiến hành tạo dựng một hệ thống giáo dục - đào tạo Tây học với nội dung cơ bản là các kiến thức khoa học kỹ thuật. Tuy nhiên quá trình đó đã tạo cơ hội cho sự du nhập những tư tưởng triết học phương Tây vào Việt Nam.

Những tư tưởng triết học phương Tây được du nhập vào Việt Nam qua tầng lớp trí thức tây học căn bản là những tư tưởng triết học các nước Tây Âu thời cận đại. Đó là thế giới quan duy vật siêu hình và không triệt để. Các nhà triết học Tây Âu thời cận đại chỉ duy vật trong quan niệm về thế giới tự nhiên, còn trong lĩnh vực các quan điểm xã hội, họ vẫn đứng trên lập trường duy tâm. Với thế giới quan đó nó không thể giải thích các nguyên nhân thực sự của các sự kiện lịch sử từ cơ sở kinh tế của xã hội. Nó cũng không thể giải thích quá trình lịch sử-tự nhiên của xã hội loài người. Bởi vậy, dù một số nhà tư tưởng Tây học có lòng yêu nước nhiệt thành nhưng với thế giới quan triết học duy vật siêu hình và duy tâm về xã hội đã không thể giải đáp được những nhu cầu lớn lao của lịch sử Việt Nam.

Trước sự thất bại của tất cả các thế giới quan và phương pháp luận truyền thống Nho học, Phật học cũng như Tây học, Hồ Chí Minh đã ra đi tìm con đường cứu nước, giải phóng dân tộc.

Điểm xuất phát để Hồ Chí Minh đi ra nước ngoài tìm con đường cứu nước không phải trực tiếp là nhu cầu đi tìm một thế giới quan và một phương pháp luận triết học mới, không phải là một lý luận triết học trừu tượng, mà là những lý luận, những biện pháp có khả năng thực tế nhất để dẫn dắt, lãnh đạo phong trào yêu nước đi đến thành công trong thực tiễn chính trị là giải phóng dân tộc – cứu dân, cứu nước; là làm sao để dân tộc Việt Nam được độc lập, đồng bào Việt Nam ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành. Cũng tức là độc lập cho dân tộc và tự do, hạnh phúc cho mỗi người dân lao động. Suốt ba mươi năm tìm đường cứu nước, như một tất yếu lịch sử đã dẫn Hồ Chí Minh tới chủ nghĩa Mác-Lênin.

Học thuyết Mác-Lênin là hệ tư tưởng cách mạng và khoa học nhất của giai cấp công nhân và nhân dân lao động. Học thuyết đó là khối thống nhất vững chắc của cả ba bộ phận lý luận cấu thành là Triết học, Kinh tế chính trị học và Chủ nghĩa xã hội khoa học, trong đó Triết học đóng vai trò là thế giới quan và phương pháp luận chung.

Triết học Mác-Lênin chính là thế giới quan và phương pháp luận khoa học và cách mạng nhất; là thành quả vĩ đại của lịch sử triết học thế giới. Linh hồn của nó, sức sống mãnh liệt nhất của nó là phép biện chứng duy vật ở trình độ lý luận cao nhất, khoa học nhất, vượt qua không những phép siêu hình của triết học duy vật cận đại Tây Âu mà còn vượt qua phép biện chứng duy tâm cổ điển Đức.

Thế giới quan duy vật của triết học Mác-Lênin đã khắc phục được hạn chế của thế giới quan duy vật cận đại Tây Âu chính ở chỗ nó đã đem lại một quan niệm duy vật và biện chứng về quá trình phát triển của lịch sử xã hội loài người, lịch sử phát triển của nhân loại. Trung tâm của những quan điểm duy vật về lịch sử chính là học thuyết về hình thái kinh tế xã hội.

Chỉ có thế giới quan duy vật biện chứng và phép biện chứng duy vật của triết học Mác – Lênin mới có khả năng lý giải được một cách đúng đắn khoa học đối với các sự kiện lịch sử, dù là các sự kiện lịch sử ở phương Tây hay phương Đông châu á.

Không phải ngẫu nhiên mà khi nhận xét về giá trị của các học thuyết đã có trong lịch sử, Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh rằng cái hay của chủ nghĩa Mác là phương pháp làm việc biện chứng. Ở đây, Hồ Chí Minh đã khẳng định không phải chỉ là cái hay của phương pháp tư duy biện chứng mà quan trọng hơn là phương pháp biện chứng duy vật trong tổ chức hoạt động thực tiễn.

Hồ Chí Minh đã vận dụng thế giới quan duy vật biện chứng và phép biện chứng duy vật để lý giải một cách đúng đắn khoa học những câu hỏi đặt ra của lịch sử Việt Nam thời cận đại mà không một nhà tư tưởng tiến bộ nào có thể làm được và đỉnh cao của sự vận dụng đó là tìm ra lý luận và phương pháp giải quyết đúng đắn khoa học con đường giải phóng dân tộc đồng thời xác định hướng phát triển của xã hội Việt Nam lên hình thái kinh tế – xã hội mới sau khi giành được độc lập - đó là con đường định hướng phát triển xã hội – xã hội chủ nghĩa.

Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng Cộng Sản Việt Nam đã khẳng định “Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống các quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, là kết quả của sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người, về độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội…”

Trong hệ thống tư tưởng Hồ Chí Minh, tư tưởng triết học Hồ Chí Minh đóng vai trò là thế giới quan và phương pháp luận khoa học, cách mạng của những tư tưởng về độc lập dân tộc, về chủ nghĩa xã hội, về văn hoá, về đạo đức, nhân văn… Thế giới quan và phương pháp luận Hồ Chí Minh là một hệ thống toàn vẹn, thống nhất của những quan điểm duy vật biện chứng và duy vật lịch sử. Hạt nhân của thế giới quan đó là triết học Mác-Lênin; sự phong phú của thế giới quan đó là những tổng kết kinh nghiệm cách mạng Việt Nam và cách mạng thế giới; vẻ đẹp của thế giới quan đó được tạo ra bởi sự kết hợp lôgíc giữa tính khoa học của thế giới quan Mác-Lênin với các giá trị triết học truyền thống Việt Nam, cũng như các giá trị của lịch sử triết học phương Đông và phương Tây.

Chính vì vậy, có thể tìm thấy trong mỗi lời nói, việc làm, bài viết của Hồ Chí Minh sự vững chắc của các nguyên lý triết học Mác-Lênin, sự tinh tế của các triết lý trong nền triết học phương Đông, phương Tây và một chiều sâu thẳm của các giá trị tư tưởng triết học Việt Nam về độc lập dân tộc, về nhân dân, về đạo sống, đạo làm người của dân tộc Việt Nam. Với Hồ Chí Minh, lịch sử triết học Việt Nam đã chuyển sang một thời kỳ phát triển mới, hiện đại.

Thời kỳ hiện đại của lịch sử tư tưởng triết học Việt Nam là thời kỳ phát triển tư tưởng triết học với nội dung cơ bản của nó là nghiên cứu, vận dụng và phát triển các nguyên lý của triết học Mác-Lênin vào thực tiễn cách mạng Việt Nam. Đó cũng là quá trình vượt qua những hạn chế và kế thừa có chọn lọc các giá trị trong lịch sử triết học Việt Nam cũng như lịch sử triết học phương Đông và phương Tây theo mục tiêu giải quyết các nhiệm vụ của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.