Triết học không chuyên/4/Những giai đoạn chủ yếu trong sự hình thành và phát triển của triết học Mác - Lênin

From Wikiversity

Sự hình thành và phát triển của triết học Mác - Lênin được phân chia thành hai giai đoạn cơ bản. Giai đoạn Mác - Ăngghen và giai đoạn Lênin. Hai giai đoạn đó biểu hiện quá trình từng bước hình thành và hoàn chỉnh chủ nghĩa duy vật biện chứng và duy vật lịch sử của C.Mác và Ph.Ăngghen. Từ đó, trong điều kiện lịch sử mới, Lênin bổ sung và phát triển những nguyên lý của triết học Mác.

Quá trình hình thành và phát triển của triết học Mác - Lênin gắn với từng giai đoạn phát triển của lịch sử và thể hiện trong nội dung của các tác phẩm triết học.Vì vậy, thống nhất giữa lịch sử và lôgíc là một yêu cầu có ý nghĩa phương pháp luận trong quá trình nghiên cứu triết học Mác - Lênin. Việc phân tích các thời kỳ của lịch sử triết học Mác - Lênin gắn liền với việc trình bày nội dung các tác phẩm triết học trong từng giai đoạn.

Giai đoạn Mác - Ăng ghen[edit]

Quá trình chuyển biến tư tưởng của C.Mác và Ph.Ăngghen từ chủ nghĩa duy tâm và chủ nghĩa dân chủ cách mạng sang của nghĩa duy vật và chủ nghĩa cộng sản[edit]

Bước đầu hoạt động chính trị - xã hội và khoa học của C.Mác và Ph.Ăngghen[edit]

Các Mác (5/5/1818 - 14/3/1883) ra đời tại thanh phố Tơrivơ, vùng Ranh của nước Đức. Ngay từ khi còn học trung học, C.Mác đã thể hiện là một thanh niên tài năng, yêu quê hương, đất nước và gắn hạnh phúc cá nhân với hạnh phúc chung của mọi người.

Thời gian học tập và nghiên cứu tại Đại học Bon và Đại học Béclin, ông là người rất say mê nghiên cứu triết học, vì theo C.Mác, chỉ có triết học mới đem đến cho con người sự hiểu biết và khả năng cải tạo thế giới, vì hạnh phúc của con người.

Từ năm 1837, C.Mác bắt đầu nghiên cứu triết học Hêghen, tham gia phái Hêghen trẻ. Nét nổi bật mà C.Mác nhận thấy ở Hêghen là phương pháp nhận thức, phương pháp tư duy biểu hiện trong phương pháp biện chứng.

Từ năm 1839, C.Mác bắt đầu nghiên cứu triết học Hy Lạp cổ đại và triết học cận đại. Trong Luận án tiến sỹ "Sự khác nhau giữa triết học tự nhiên của Đêmôcrít và triết học tự nhiên của Êpiquya", bảo vệ năm 1841, C.Mác vẫn đứng trên lập trường triết học duy tâm của Hêghen, coi sự vận động và phát triển của tự ý thức là động lực của sự phát triển xã hội. Tuy nhiên, ông vẫn đánh giá cao vai trò của Êpiquya trong lịch sử triết học, đã làm phong phú và đóng góp vào sự phát triển của học thuyết nguyên tử của Đêmôcrít, chống tư tưởng tôn giáo, ủng hộ chủ nghĩa vô thần. Trong luận án này, C.Mác cũng biểu hiện một tiên đề thế giới quan mới khi phê phán phái Hêghen trẻ, đề cao vai trò của phép biện chứng trong quá trình nhận thức và cải tạo xã hội, phục vụ cho cuộc đấu tranh chính trị, hướng đến hạnh phúc của con người.

Vì vậy, dù vẫn còn chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa duy tâm Hêghen nhưng ngay trong buổi đầu của sự nghiệp khoa học và hoạt động chính trị, C.Mác đã biểu hiện khuynh hướng dân chủ cách mạng và bộc lộ ở những vấn đề cơ bản nhất sự đối lập với Hêghen và phái Hêghen trẻ về vai trò, nhiệm vụ triết học trong cuộc đấu tranh xã hội.

Phriđrích Ăngghen (28/11/1820 - 5/8/1895) sinh ra trong một gia đình chủ xưởng dệt, và mong muốn của gia đình là ông sớm trở thành một nhà kinh doanh, một nghề đối lập với mong muốn của Ăngghen.

Từ năm 1839, vừa làm việc và tự học, ông bắt đầu nghiên cứu triết học Đức, nhất là nghiên cứu triết học Hêghen. Đứng trên lập trường của chủ nghĩa dân chủ cách mạng, đối lập với chủ nghĩa duy tâm, tôn giáo, tháng 3 năm 1839, Ăngghen viết bài báo đầu tiên "Những bức thư từ Vesphali", đả kích bộ mặt thật của bọn chủ xưởng ủng hộ những người lao động. Năm 1841, Ăngghen tới Béclin làm nghĩa vụ quân sự và dự nghe các bài giảng triết học tại đại học Béclin, đồng thời tham gia vào nhóm Hêghen trẻ. Trong thời kỳ này, Ăngghen đã viết một số tác phẩm nhằm mục đích phê phán các quan điểm phản động của nhà triết học Đức Sêlinh. Các tác phẩm "Sêlinh và Hêghen", "Sêlinh - nhà triết học nơi Chúa Kitô", và đặc biệt là tác phẩm "Sêlinh và sự linh báo" ( 1842), đã thể hiện tư tưởng dân chủ cách mạng, thấy được mâu thuẫn giữa mặt tiến bộ và mặt bảo thủ trong triết học Hêghen. Dù vẫn chưa thoát khỏi ảnh hưởng của Chủ nghĩa duy tâm, Ph.Ăngghen vẫn đánh giá cao triết học Phoiơbắc, vì căn bản thế giới quan duy vật của Phoiơbắc triệt để hơn các nguyên lý triết học duy tâm Hêghen.

Cuối năm 1842, Ph.Ăngghen sang Mansestơ ở Anh, làm công trong một xưởng sợi. Ông bắt đầu nghiên cứu kinh tế chính trị học cổ điển Anh và phong trào công nhân. Đây là cơ sở có ý nghĩa để Ph.Ăngghen nhận thức về mối liên hệ giữa lý luận và thực tiễn trong cuộc đấu tranh xã hội, tạo bước chuyển biến về mặt chính trị của ông.

Do đó, trong bước đầu hoạt động khoa học và chính trị, C.Mác và Ph.Ăngghen vẫn đứng trên lập trường của chủ nghĩa duy tâm và chủ nghĩa dân chủ cách mạng xét từ cả hai mặt triết học và chính trị. Song, đó là cơ sở quan trọng từ bước khởi đầu để C.Mác và Ph.Ăngghen thực hiện bước chuyển căn bản về thế giới quan triết học và lập trường chính trị của mình.

Sự chuyển biến từ chủ nghĩa duy tâm sang chủ nghĩa duy vật biện chứng và từ chủ nghĩa dân chủ cách mạng sang chủ nghĩa xã hội khoa học của C.Mác và Ph.Ăngghen[edit]

Giai đoạn này đánh dấu bằng quá trình hoạt động khoa học của C.Mác ở báo Sông Ranh (1842 - 1843). Nội dung cơ bản của những bài báo C.Mác viết là bảo vệ lợi ích của những con người nghèo khổ, những người lao động, đấu tranh vì tự do và dân chủ. C.Mác đã phê phán sâu sắc các tệ nạn bóc lột, áp bức người lao động, về sự bần cùng của nông dân. Chính phủ Phổ đã ra lệnh đóng cửa tờ báo ngày l/4/1843. Tuy nhiên, sự ngăn chặn đó của nhà nước Phổ không làm chùn bước quyết tâm hành động vì ý nghĩa thực tiễn của triết học trong công cuộc cải tạo xã hội để hướng đến chủ nghĩa cộng sản. Chính trong thực tiễn đó mà C.Mác đã nhận thức đầy đủ hơn về những mặt hạn chế của triết học Hêghen, tính chất phản động, bảo thủ của nhà nước Phổ, để từ đó C.Mác chuyển dần từ khuynh hướng chủ nghĩa duy tâm và chủ nghĩa dân chủ cách mạng sang chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa cộng sản.

Tác phẩm "Góp phần phê phán triết học pháp quyền của Hêghen. Lời nói đầu" (1943) của C.Mác, chứa đựng những tư tuởng duy vật sâu sắc. C.Mac đã trình bày vấn đề nhà nước, pháp quyền, triết học, tôn giáo trên nền tảng thế giới quan duy vật; coi triết học là vũ khí để cải tạo thế giới. Ông phủ nhận mệnh đề "tồn tại là hợp lý" của Hêghen, kiên quyết bác bỏ cả hình thức đang tồn tại là ý thức pháp quyền và nhà nước đang tồn tại là nền chính trị nước Đức lúc bấy giờ. C.Mác cũng chỉ ra tính tất yếu của sự phát triển lý luận tiên tiến để trở thành động lực cải tạo lịch sử xã hội: "Vũ khí của sự phê phán cố nhiên không thể thay thế được sự phê phán của vũ khí, lực lượng vật chất chỉ có thể bị đánh đổ bằng lực lượng vật chất; nhưng lý luận cũng sẽ trở thành lực lượng vật chất, một khi nó thâm nhập vào quần chúng".[1]

Trong tác phẩm này, C.Mác đã thể hiện lập trường tính đảng của mình, coi triết học là vũ khí tinh thần, tư tưởng của giai cấp vô sản trong cuộc đấu tranh cải tạo xã hội: "Giống như triết học thấy giai cấp vô sản là vũ khí vật chất của mình, giai cấp vô sản cũng thấy triết học là vũ khí tinh thần của mình".[2] Cũng lần đầu tiên trong lịch sử, khi phê phán triết học Hêghen về nhà nước và pháp quyền, C.Mác đã mở rộng triết học duy vật biện chứng vào trong lĩnh vực xã hội. Phương pháp biện chứng duy vật là phương pháp có ý nghĩa cách mạng để phát hiện các quy luật khách quan của đời sống xã hội, làm cơ sở về mặt thế giới quan và phương pháp luận cải tạo thực tiễn xã hội, khác về bản chất so với phương pháp biện chứng duy tâm trong triết học Hêghen.

C.Mác cũng đặt cơ sở cho những tư tưởng về tôn giáo trong mối quan hệ với đời sống hiện thực và nhu cầu tinh thần, tình cảm của con người. Tôn giáo là kết quả của các quan hệ xã hội trong từng thời kỳ lịch sử. C.Mác viết: "Sự nghèo nàn của tôn giáo vừa là biểu hiện của sự nghèo nàn hiện thực, vừa là sự phản kháng chống sự nghèo nàn hiện thực ấy. Tôn giáo là tiếng thở dài của chúng sinh bị áp bức, là trái tim của thế giới không có trái tim, cũng giống như nó là tinh thần của những trật tự không có tinh thần. Tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân".[3] Đây là luận điểm có ý nghĩa khoa học sâu sắc, làm cơ sở cho việc nhận thức và giải quyết vấn đề tôn giáo trong thực tiễn.

"Niên giám Pháp - Đức", trong thời gian này, đã đăng tải một số tác phẩm của Ph.Ăngghen như: "Tình cảnh nước Anh", "Tômát Cáclây", đặc biệt là tác phẩm "Bản thảo góp phần phê phán kinh tế chính trị học" (1844). Ph.Ăngghen đã phê phán trên tinh thần biện chứng kinh tế chính trị học của A.Smít và Đ.Ricácđô. Ph.Ăngghen khẳng định vai trò sứ mệnh lịch sử thế giới của giai cấp vô sản, xuất phát từ việc phê phán chế độ tư hữu và phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa. Đây là những kết luận thiên tài của Ph.Ăngghen, căn cứ vào mâu thuẫn trong lòng phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa, từ việc chiếm hữu tư nhân tư liệu sản xuất, để hướng đến chủ nghĩa xã hội.

Tháng 8/1844, trên đường từ Anh về Đức, C.Mác và Ph.Ăngghen đã gặp gỡ nhau tại Pari, thủ đô nước Pháp. Hai ông đã có một tình bạn, tình đồng chí vĩ đại và cảm động trong suốt cả cuộc đời để sáng tạo nên chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử, một trong ba bộ phận cấu thành của chủ nghĩa Mác - Lênin.

Có thể khẳng định rằng, đến thời kỳ này, C.Mác và Ph.Ăngghen đã có bước chuyển hoàn toàn từ thế giới quan duy tâm biện chứng sang thế giới quan duy vật biện chứng, từ lập trường chính trị của chủ nghĩa dân chủ cách mạng sang chủ nghĩa xã hội khoa học. Đó là một quá trình phức tạp, vừa cảt biến phép biện chứng duy tâm của Hêghen trở thành phép biện chứng duy vật, vừa vận dụng phép biện chứng duy vật vào việc nhận thức lịch sử xã hội, C.Mác và Ph.Ăngghen đã đặt nền móng vững chắc cho một cuộc cách mạng trong triết học, để từng bước hoàn chỉnh hệ thống triết học của mình cả về thế giới quan và phương pháp luận.

Thời kỳ C.Mác và Ph.Ăngghen đề xuất nhũng nguyên lý triết học duy vật biện chứng và duy vật lịch sử.[edit]

Từ 1844 đến 1848, C.Mác và Ph.Ăngghen đã cộng tác với nhau để thực hiện một nhiệm vụ có ý nghĩa lịch sử là làm rõ những nguyên lý triết học duy vật biện chúng và duy vật lịch sử, đồng thời khẳng định vai trò của triết học trong đời sống xã hội.

Mở đầu của giai đoạn này là sự ra đời của tác phẩm "Bản thảo kinh tế- triết học (1844)" của C.Mác. Mục đích của tác phẩm là thông qua nghiên cứu kinh tế học để rút ra những kết luận về triết học. Xuất phát từ việc nghiên cứu kinh tế - chính trị học Anh, từ nền sản xuất tư bản chủ nghĩa, C.Mác đã phân tích bản chất của xã hội tư bản từ các phạm trù cụ thể như tiền công, lợi nhuận, tư bản, địa tô, sức lao động. Đó thực chất là sự đối kháng giữa người công nhân và nhà tư bản. "Tư bản là quyền chỉ huy lao động và sản phẩm của lao động. Nhà tư bản có được quyền đó không phải nhờ những phẩm chất cá nhân hay phẩm chất con người của hắn, mà chỉ có được với tư cách là người sở hũu tư bản. Sức mạnh của hắn là sức mua của tư bản của hắn, sức mua mà không có gì có thể chống lại nổi".[4][5]

Như vậy sức lao động của người công nhân là hàng hóa, được đem ra mua bán, trao đổi, nhằm mục đích để duy trì sự tồn tại mang tính động vật của con người.

Vấn đề "lao động bị tha hóa" được C.Mác xem là bản chất của nền sản xuất xã hội trong chủ nghĩa tư bản. Khác với quan niệm của Hêghen coi sự tha hóa chỉ diễn ra trong ý thức, tinh thần; Phoiơbắc chỉ nhấn mạnh sự tha hóa của bản chất con người trong tôn giáo; thì C.Mác đã đi tới tận nguồn gốc của sự tha hóa, đó là sự tha hóa của lao động, của bản chất con người, sự đánh mất bản chất người trong chính quá trình sản xuất vật chất. C.Mác viết: "Sự tha hóa thể hiện ở chỗ tư liệu sinh hoạt của tôi thuộc về người khác, ở chỗ đối tuợng mong muốn của tôi là vật sở hữu của người khác mà tôi không với tới được, cũng như ở chỗ bản thân mỗi vật hóa ra là một cái khác với bản thân nó, ở chỗ hoạt động của tôi hóa ra là một cái khác nào đó và cuối cùng, điều này cũng đúng cả đối với nhà tư bản, lực lượng không phải người nói chung thống trị tất cả".[4][5] Vì vậy, quan hệ tha hóa đối lập ấy được biểu hiện như một sự kết tội bản chất xã hội tư bản chủ nghĩa: "Cái vốn có của súc vật trở thành chức phận của con người, còn cái có tính nguời thì biến thành cái vốn có của súc vật".[6] Kết luận tất yếu cần phải rút ra là muốn giải phướng con người khỏi sự tha hóa thì phải xóa bỏ chế độ chiếm hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa, để trả con người trở về với chính bản chất của nó.

Với tinh thần phê phán, C.Mác cũng đánh giá phép biện chứng trong triết học Hêghen, chủ nghĩa duy vật của Phoiơbắc, làm rõ những đóng góp và hạn chế của họ, từ đó, khẳng định vai trò và tính chất cách mạng của phép biện chứng duy vật. "Bản thảo kinh tế - triết học 1844" là tác phẩm đầu tiên của thời kỳ hình thành và phát triển những nguyên lý triết học mácxít. Với năng lực khái quát cao, tư duy sắc bén, bản lĩnh mạnh mẽ, C.Mác đã đi từ kinh tế học để rút ra những vấn đề có ý nghĩa triết học lớn lao, những vấn đề có ý nghĩa nhân văn sâu sắc.

Năm 1844, Ph.Ăngghen viết tác phẩm: "Tình cảnh giai cấp lao động Anh". Từ việc nghiên cứu phong trào công nhân, Ph.Ăngghen đã chỉ ra nguyên nhân của đời sống cùng khổ của người công nhân, dẫn đến mâu thuẫn giữa lao động và tư bản, đồng thời khẳng định vai trò, sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân là lực lượng thủ tiêu chủ nghĩa tư bản, xây dựng một xã hội mới.

Cho đến cuối năm 1844, C.Mác và Ph.Ăngghen đã đi đến những quan điểm thống nhất với nhau về triết học, đặc biệt là về xã hội như mâu thuẫn giữa công nhân và tư bản, sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân, vấn đề giải phóng con người. Đây là giai đoạn đánh dấu sự chuyển biến hoàn toàn từ chủ nghĩa duy tâm sang chủ nghĩa duy vật và từ chủ nghĩa dân chủ cách mạng sang chủ nghĩa xã hội khoa học của C.Mác và Ph.Ăngghen.

Năm 1845, C.Mác và Ph.ăngghen đã cùng viết tác phẩm: "Gia đình thần thánh hay là phê phán sự phê phán có tính chất phê phán. Chống Brunô Bauơ và đồng bọn". C.Mác và Ph.Ăngghen, thông qua sự phê phán phái Hêghen trẻ, đã phê phán toàn bộ triết học duy tâm của Hêghen. Mặc dù vẫn còn chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa duy vật nhân bản của Phoiơbắc, C.Mác và Ph.Ăngghen đã biểu hiện một lập trường triết học duy vật biện chứng triệt để, nhằm hướng tới một cuộc cách mạng xóa bỏ chế độ tư hữu.

Năm 1845, C.Mác phác thảo: "Luận cương về Phoiơbắc". Ông đã chỉ ra những khuyết điểm cơ bản của chủ nghĩa duy vật trước đây trong việc nhận thức về con người, lịch sử và phương pháp nhận thức. C.Mác cũng nêu lên sự khác nhau căn bản giữa triết học của ông với các học thuyết triết học trong lịch sử.

C.Mác viết: "Khuyết điểm chủ yếu của toàn bộ chủ nghĩa duy vật từ trước đến nay - kể cả chủ nghĩa duy vật của Phoiơbắc - là sự vật, hiện thực, cái cảm giác được, chỉ được nhận thức dưới hình thức khách thể hay hình thức trực quan, chứ không được nhận thức là hoạt động cảm giác của con người, là thực tiễn, không được nhận thức về mặt chủ quan".[7] Thông qua vai trò thực tiễn, C.Mác đã chứng minh tính lịch sử - xã hội quy định bản chất con người: "Phoiơbắc hòa tan bản chất tôn giáo vào bản chất con người. Nhưng bản chất con người không phải là một cái trừu tượng, cố hữu của các cá nhân riêng biệt. Trong tính hiện thực của nó, bản chất con người là tổng hòa những quan hệ xã hội”.[8]

Luận đề trên có ý nghĩa lớn lao trong việc nhận thức con người trong mối quan hệ với lịch sử - xã hội. Nó biểu hiện tính chất duy vật triệt để trong quan niệm của C.Mác về con người và lịch sử, chống lại những tư tưởng đối lập về xã hội và con người trong các hệ thống triết học khác trong lịch sử, nhất là triết học của Phoiơbắc.

Trong thời gian từ năm 1845 - 1846, C.Mác và Ph.Ăngghen đã cộng tác với nhau để hoàn thành một tác phẩm quan trọng: "Hệ tư tưởng Đức".

Xuất phát từ hiện thực lịch sử, C.Mác và Ph.Ăngghen viết: "Tiền đề đầu tiên của mọi sự tồn tại của con người, và do đó là tiền đề của mọi lịch sử, đó là: người ta phải có khả năng sống đã rồi mới có thể làm ra lịch sử".[9] Tuy nhiên, "muốn sống được thì trước hết cần có thúc ăn, thức uống...

Hành vi lịch sử đầu tiên là việc sản xuất ra những tư liệu để thỏa mãn những nhu cầu ấy, việc sản xuất ra bản thân đời sống vật chất".[10] Như vậy, việc sản xuất ra đời sống vật chất là cơ sở quyết định sự tồn tại người, mà yếu tố quan trọng nhất là lực lượng sản xuất, sẽ quyết định mọi trạng thái của lịch sử - xã hội. Quan niệm trên biểu hiện tư tưởng duy vật của C.Mác và Ph.Ăngghen về lịch sử. Từ đó, hai ông đã phê phán những sai lầm của chủ nghĩa duy tâm Hêghen và chủ nghĩa duy vật siêu hình của Phoiơbắc trong việc nhận thức lịch sử - xã hội.

Trong tác phẩm "Hệ tư tưởng Đức", C.Mác và Ph.Ăngghen cũng nêu lên các hình thức sở hữu, biểu hiện sự thay thế của các phương thức sản xuất khác nhau trong lịch sử xã hội loài người. Với các hình thức sở hữu như sở hữu bộ lạc, hình thức cổ đại, hình thức phong kiến hay đẳng cấp, hình thức tư sản, hình thức cộng sản, C.Mác và Ph.Ăngghen đã trình bày quá trình phát triển của lịch sử dưới dạng vắn tắt mà hạt nhân của nó là sở hữu về tư liệu sản xuất. Thực chất, đó là biểu hiện của quy luật về sự phù hợp của quan hệ sản xuất với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất, quy luật có ý nghĩa phổ biến trong sự phát triển của các hình thái kinh tế - xã hội.

Tác phẩm cũng trình bày mối quan hệ biện chứng giữa tồn tại xã hội và ý thức xã hội: "Ý thức không bao giờ có thể là cái gì khác hơn là sự tồn tại được ý thức, và tồn tại của con người là quá trình đời sống hiện thực của con người".[11] Vì thế, "Không phải ý thức quyết định đời sống mà chính đời sống quyết định ý thức".[12] Sự phát triển của toàn bộ lịch sử - xã hội là sự chứng minh vai trò quyết định của tồn tại xã hội, trong đó, phương thức sản xuất có ý nghĩa cơ bản nhất. "Ngay từ đầu, ý thức đã là một sản phẩm xã hội, và vẫn là như vậy chừng nào con nguời tồn tại".[13]

Trong "Hệ tư tưởng Đức", C.Mác và Ph.Ăngghen đã chỉ rõ tính chất nhà nước do chính quan hệ lợi ích vật chất quy định, bởi vì nhà nước của giai cấp thống trị "chẳng phải là cái gì khác mà chỉ là hình thức tổ chức mà những người tư sản buộc phải dùng đến để đảm bảo cho nhau sở hữu và lợi ích của họ, ở ngoài nước cũng như ở trong nước".[14] Từ đó, C.Mác và Ph.Ăngghen cho rằng "trong mọi thời đại, những hệ tư tưởng của giai cấp thống trị là những tư tưởng thống trị, điều đó có nghĩa là giai cấp nào là lực lượng vật chất thống trị trong xã hội thì cũng là lực lượng tinh thần thống trị trong xã hội".[15] Vì vậy, nhiệm vụ của giai cấp vô sản là phải xóa bỏ trạng thái hiện tồn, xóa bỏ sự thống trị của giai cấp tư sản cả trong cơ sở hạ tầng và kiến trúc thượng tầng, để xác lập sự thống trị tất yếu của giai cấp vô sản, giai cấp tiên tiến và cách mạng nhất của thời đại. C.Mác và Ph.Ăngghen viết: "Đối với chúng ta, chủ nghĩa cộng sản không phải là một trạng thái cần phải sáng tạo ra, không phải là một lý tưởng mà hiện thực phải khuôn theo. Chúng ta gọi chủ nghĩa cộng sản là một phong trào hiện thực, nó xóa bỏ trạng thái hiện nay".[16] Mặc dù, phong trào công nhân trong giai đoạn này chưa biểu hiện tính tự giác của nó, tức là chưa ý thức được vai trò, sứ mệnh lịch sử của giai cấp mình một cách hoàn toàn đầy đủ. Song, sự phát triển tất yếu của lịch sử, địa vị khách quan của giai cấp vô sản cho phép họ giành lấy chính quyền về tay mình, bằng một cuộc cách mạng, cuộc cách mạng này một mặt lật đổ thế lực của phương thức sản xuất và cả sự giao tiếp trước đó và của cơ cấu xã hội cũ và mặt khác, phát triển tính phổ biến của giai cấp vô sản và nghị lực mà giai cấp vô sản cần có".[17] Điều đó, có nghĩa rằng, giai cấp vô sản, người đại diện cho lực lượng sản xuất mới trong xã hội phải thực hiện sứ mệnh lịch sử của mình bằng việc phải giành lấy quyền lực chính trị.

Vì vậy, trong "Hệ tư tưởng Đức" hai ông đã kết hợp hữu cơ chủ nghĩa duy vật và phép biện chứng; vận dụng phép biện chứng duy vật vào nhận thức lịch sử xã hội để tạo nên chủ nghĩa duy vật lịch sử. Có thể nói lần đầu tiên, những quy luật của lịch sử được C.Mác và Ph.Ăngghen xây dựng nên đã đặt cơ sở cho bản chất cách mạng và khoa học của triết học Mác, làm sáng tỏ những quy luật xã hội và khẳng định sứ mệnh lịch sử của giai cấp vô sản. "Hệ tư tưởng Đức" thể hiện ý nghĩa lý luận và thực tiễn hết sức sâu sắc về chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử.

Năm 1847, C.Mác viết tác phẩm "Sự khốn cùng của triết học. Trả lời cuốn triết học về sự khốn cùng của Pruđông".

Trong tác phẩm này, C.Mác đã phân tích trên tinh thần phê phán phương pháp cải lương, thỏa hiệp của Pruđông về đấu tranh giai cấp, mà thực chất là sự vận dụng phương pháp Hêghen đã bị tước bỏ tinh thần biện chứng. Từ đó, gắn với cuộc đấu tranh chống tư tưởng kinh tế phản động của Pruđông, C.Mác đã phát triển thêm những nguyên lý của triết học, kinh tế chính trị học và chủ nghĩa xã hội khoa học. Theo Lênin, đây là tác phẩm đầu tiên biểu hiện sự chín muồi trong nhận thức của C.Mác những tư tuởng về chủ nghĩa xã hội khoa học và sự vận dụng tư tưởng đó vào thực tiễn đấu tranh của giai cấp vô sản vì một xã hội tương lai.

Đặc biệt, vào tháng 2 năm 1848, C.Mác và Ph.Ăngghen viết tác phẩm nổi tiếng "Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản". Đây là tác phẩm nhằm tuyên truyền cho tổ chức "Đồng minh những người cộng sản", là văn kiện cương lĩnh đầu tiên của Đảng Cộng sản về chủ nghĩa xã hội khoa học, thể hiện chủ nghĩa duy vật biện chứng, phép biện chứng duy vật vào lý luận đấu tranh giai cấp và vai trò sứ mệnh lịch sử của giai cấp vô sản, người đào huyệt chôn chủ nghĩa tư bản và xây dựng chủ nghĩa cộng sản. Tác phẩm này đánh dấu sự hoàn thành giai đoạn khởi thảo những nguyên lý cơ bản của triết học duy vật biện chứng và duy vật lịch sử, thể hiện một cách hết sức rõ ràng thế giới quan mới của triết học Mác.

Trong chương 1 ("Tư sản và vô sản"), C.Mác và Ph.Ăngghen đã làm sáng tỏ những quy luật phát triển xã hội là sự thay thế tất yếu của các phương thức sản xuất trong lịch sử. Giai cấp vô sản là người có sứ mệnh lịch sử xóa bỏ chế độ tư bản, xây dựng xã hội mới. Vì vậy, sự sụp đổ của giai cấp tư sản và chế độ tư bản chủ nghĩa và sự thắng lợi của giai cấp vô sản và chủ nghĩa xã hội là tất yếu như nhau. Với tư cách là giai cấp triệt để cách mạng, "cùng với sự phát triển của đại công nghiệp, chính cái nền tảng trên đó giai cấp tư sản đã sản xuất và chiếm hữu sản phẩm của nó, đã bị phá sập dưới chân giai cấp tư sản. Trước hết, giai cấp tư sản sản sinh ra những người đào huyệt chôn chính nó. Sự sụp độ của giai cấp tư sản và thắng lợi của giai cấp vô sản đều là tất yếu như nhau".[18]

Chương 2 ("Những người vô sản và những người cộng sản"), C.Mác và Ph.Ăngghen đã làm sáng tỏ vai trò của Đảng Cộng sản là đội tiên phong của giai cấp vô sản, gắn với cuộc đấu tranh chính trị của giai cấp vô sản.

C.Mác và Ph.Ăngghen chỉ rõ: "Về mặt thực tiễn, nhưng người cộng sản là bộ phận kiên quyết nhất trong các Đảng công nhân ở tất cả các nước, là bộ phận luôn luôn thúc đẩy phong trào tiến lên; về mặt lý luận, họ hơn bộ phận còn lại của giai cấp vô sản ở chỗ là họ hiểu rõ những điều kiện, tiến trình và kết quả chung của phong trào vô sản".[19] "Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản" khẳng định mục tiêu trước mắt là tổ chức cuộc đấu tranh chính trị để lật đổ giai cấp tư sản, giành chính quyền về tay mình, và mục tiêu cuối cùng là xây dựng thành công chủ nghĩa cộng sản. "Thay cho xã hội tư sản cũ, với những giai cấp và đối kháng giai cấp của nó, sẽ xuất hiện một liên hợp, trong đó sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi nguời".[20]

Chương 3 ("Văn học xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa"), C.Mác và Ph.Ăngghen đã phê phán sâu sắc các trào lưu tư tưởng tiểu tư sản và tư sản làm ảnh hưởng đến sự phát triển của phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân như "Chủ nghĩa xã hội phản động", "Chủ nghĩa xã hội bảo thủ hay chủ nghĩa xã hội tư sản", "Chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản không tưởng phê phán". Từ đó, C.Mác và Ph.Ăngghen khẳng định tính tất yếu của chủ nghĩa xã hội khoa học.

Trong chương 4 ("Thái độ của những người cộng sản đối với các đảng đối lập"), C.Mác và Ph.Ăngghen đã trình bày chiến lược, sách lược và phương pháp cách mạng để đi tới mục tiêu cách mạng. "Những người cộng sản... công khai tuyên bố rằng mục đích của họ chỉ có thể đạt được bằng cách dùng bạo lực lật đổ toàn bộ trật tự xã hội hiện hành. Mặc cho các giai cấp thống trị run sợ trước một cuộc cách mạng cộng sản chủ nghĩa! Trong cuộc cách mạng ấy, những nguời vô sản chẳng mất gì hết, ngoài những xiềng xích trói buộc họ. Họ sẽ giành được cả thế giới".[21]

"Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản" là một tác phẩm có ý nghĩa lý luận và thực tiễn vô cùng to lớn. Dù lịch sử đang vận động, biến đổi với nhiều bước ngoặt quanh co, gập ghềnh; dù chủ nghĩa xã hội đang tạm thời thoái trào, song mục tiêu mà tác phẩm đặt ra là một hiện thực tất yếu, cổ vũ loài người đấu tranh vì hạnh phúc của con người. Như vậy từ 1844 đến 1848, là thời kỳ mà C.Mác và Ph.Ăngghen đề xuất những nguyên lý cơ bản của triết học duy vật biện chứng và duy vật lịch sử. Hai ông đã trình bày một cách toàn diện những vấn đề về triết học, kinh tế chính trị học và chủ nghĩa xã hội khoa học trên nền tảng thế giới quan duy vật triệt để, cách mạng, làm rõ những quy luật cơ bản của lịch sử xã hội. Cho nên triết học Mác trở thành thế giới quan và phương pháp luận để nhận thức và cải tạo thực tiễn trong tính triệt để khoa học và cách mạng của một học thuyết vì sự phát triển.

Giai đoạn C.Mác và Ph.Ăngghen bổ sung và phát triển những quan điểm triết học[edit]

Từ năm 1848, phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân và nhân dân lao động ở châu Âu chống áp bức, bóc lột, đòi dân chủ tự do đã phát triển và trở thành một làn sóng mạnh mẽ. Tháng 2/1848, cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân Pari kết liễu chế độ quân chủ và thành lập nền cộng hòa tự do. Ngày 13/3/1848 nhân dân lao động ở Viên (Áo) nổi dậy đấu tranh vì quyền lợi cúa những người lao khổ. Cuộc chiến tranh cách mạng đã nổ ra tại Béclinh vào ngày 18/3/1848 của lực lượng công nhân, thợ thủ công, tiểu tư sản, bắt buộc nhà vua Đức Phriđrích Vinhem IV đã phải cam kết trao quyền chính trị cho giai cấp tự sản, tôn trọng tư tưởng tự do dân chủ, bãi bỏ lệnh kiểm duyệt và bắt giữ những người yêu nước. Tháng 6/1848, giai cấp vô sản Pari đã nổi dậy đấu tranh chống giai cấp tư sản, với khẩu hiệu: "Bánh mì hay là chết", "sống làm việc hay chết trong chiến đấu". Bốn vạn công nhân Pari không thể chống chọi với 150.000 quân của giai cấp tư sản. Kết quả là hàng nghìn người đã hy sinh, 25.000 nguời bị bắt giữ, 3.500 người bị dày đi biệt xứ chốn lao tù. Ph. Ăngghen đã viết rằng: "Cuộc cách mạng của sự tuyệt vọng... công nhân biết rằng họ đang tiến hành một cuộc đấu tranh một còn một mất và thậm chí sự hóm hỉnh vui nhộn của người Pháp cũng phải lặng im trước sự khốc liệt đáng sợ của cuộc chiến đấu này".[22] Sau thất bại này, các cuộc cách mạng ở châu Âu bị bọp nghẹt bởi giai cấp phong kiến phản bội, sự tiếp tay của giai cấp tư sản và tiểu tư sản đứng về phe giai cấp phong kiến. Từ sự thất bại của phong trào đấu tranh của công nhân và nhân dân lao động, C.Mác và Ph.Ăngghen đã rút ra bài học là Đảng Cộng sản phải hành động một cách tự giác và có tổ chức, phải hết sức thống nhất và độc lập để lãnh đạo phong trào đấu tranh vì lợi ích của quần chúng lao khổ.

Từ thực tế trên, năm 1850, C.Mác viết tác phẩm “Đấu tranh giai cấp Pháp”. Ông chỉ ra sự cần thiết của việc giành chính quyền về tay giai cấp công nhân, thiết lập nền chuyên chính của giai cấp vô sản và khẳng định: cách mạng là đầu tàu của lịch sử để hướng đến một xã hội mới.

Sự phát triển lý luận về đấu tranh giai cấp, về chuyên chỉnh vô sản được C.Mác nêu lên trong tác phẩm “Ngày 18 tháng Sương mù của Lui Bônapátơ” (1852). Ông cho rằng, không thể cải tạo xã hội tư bản thành xã hội xã hội chủ nghĩa nếu không đập tan bộ máy thống trị của giai cấp tư sản. Đó là điều kiện tất yếu để đảm bảo cho sự thắng lợi của cách mạng vô sản. Giai cấp vô sản không thể sử dụng bộ máy nhà nước của giai cấp tư sản để thực hiện mục đích của mình, vì nhà nước tư sản, xét về bản chất, là chỉ thích ứng với chế độ chiếm hữu tư nhân tư liệu sản xuất, cơ sở kinh tế của quan hệ người bóc lột người.

Trong thời kỳ này, tác phẩm “Cách mạng và phản cách mạng ở Đức” (1852) của Ph.Ăngghen đã nếu lên những tư tưởng về chủ nghĩa duy vật lịch sử, xuất phát từ sự phân tích phong trào đấu tranh của công nhân và nhân dân lao động Đức. Ph.Ăngghen đã chỉ ra nguyên nhân sâu xa của cách mạng vô sản bắt nguồn từ mâu thuẫn trong sự phát triển kinh tế giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất, giai cấp vô sản là nguời đại diện cho lực lượng sản xuất mới, tât yếu sẽ quyết định xu hướng phát triển của lịch sử. Từ kinh nghiệm của thực tiễn cách mạng và các tác phẩm giai đoạn này, bằng tư duy lý luận sâu sắc C.Mác và Ph.Ăngghen đã cho ra đời những tác phẩm làm cơ sở cho những nguyên lý căn bản của chủ nghĩa duy vật lịch sử.

Tác phẩm "Tư bản” là cuốn sách đồ sộ của C.Mác. Tập 1 được xuất bản năm 1867, tập 2 và 3 được Ph.Ăngghen tập hợp xuất bản năm 1885 và 1894. Chủ đề căn bản nhất của tác phẩm là xuất phát từ sự vận động của quan hệ kinh tế tư bản chủ nghĩa, C.Mác đã trình bày những nguyên lý triết học, kinh tế chính trị học, chủ nhĩa xã hội khoa học trên tinh thần biện chứng của sự phát triển lịch sử – xã hội. Có thể khái quát nội dung "Tư bản" từ hai vấn đề chủ yếu là vấn đề quan niệm duy vật lịch sử và phép biện chứng.

Trước hết, xuất phát từ phương thức sản xuất, tức là từ hai mặt của một quá trình sản xuất vật chất trong đời sống xã hội là lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất, C.Mác đã khẳng định sự phát triển của “hình thái kinh tế - xã hội là một quá trình lịch sử - tự nhiên".[23] Quy luật tất yếu của quá trình sản xuất sẽ dẫn đến sự thay thế nhau của các hình thái kinh tế - xã hội trong lịch sử.

Lao động chính là hành động lịch sử vĩ đại mà con người có được để tạo nên sự khác biệt bản chất giữa con người thế giới lọài vật, là động lực thúc đẩy sự phát triển của xã hội. C.Mác viết: "Lao động tnrớc hết là một quá trình diễn ra giữa con người và tự nhiên, một quá trình trong đó bằng hoạt động của chính mình, con người làm trung gian điều tiết và kiểm tra sự trao đổi chất giữa họ và tự nhiên. Bản thân con người đối diện với thực thể của tự nhiên với tư cách là một lực lượng của tự nhiên...Trong khi tác động vào tự nhiên ở bên ngoài thông qua sự vận động đó, và làm thay đổi tự nhiên, con người cũng đồng thời làm thay đổi bản tính của chính nó"[24]. Rõ ràng, lao động sản xuất ra của cải vật chất lă quá trình biểu hiện mang tính lịch sử của quan hệ biện chứng giũa con nguời với tự nhiên và con người với xã hội. Lực lượng sản xuất, theo quan niệm của C.Mác, chính là sự tổng hợp của hai yếu tố tư liệu sản xuất và người lao động, trong đó, con người lao động đóng vai trò quyết định. Tư liệu sản xuất cũng không phải chỉ là các yếu tố mang tính tự nhiên, mà nó là kết quả của sự tác động sáng tạo của con người. “Về những tư liệu lao động theo đúng nghĩa của nó thì ngay đối với một cặp mắt hời hợt nhất cũng thấy rõ rằng tối đại đa số những tư liệu đó đều mang dấu vết của lao động quá khứ”.[25] “Tư liệu lao động là một vật, hay toàn bộ những vật mà con người đặt ở giữa họ và đối tượng lao động, và đuợc họ dùng làm vật truyền dẫn hoạt động của họ vào đối tượng ấy".[26]

Tư liệu lao động, theo C.Mác, được biểu hiện trong tư liệu lao động cơ khí, tức công cụ lao động, máy động lực, hệ thống bình chứa, phương tiện giao thông vận tải. Đối tượng lao động biểu hiện trong đất đai, trong tài nguyên thiên nhiên. Tuy nhiên, đất đai con được xem là tư liệu lao động, với ý nghĩa là cơ sở để tạo nên những tư liệu lao dộng ban đầu của con người.

Điều kiện vật chất để tiến hành sản xuất là tư liệu lao động và đối tượng lao động, nhưng chỉ phát huy vai trò của nó khi có sức lao động của con người, nhân tố quyết định của lực lượng sản xuất. Con người trở thành yếu tồ quyết định, một nhân tố chủ quan, để tạo nên sự kết hợp hữu cơ các quan hệ vật chất trong lực lượng sản xuất, thống nhất chủ thể và khách thể, hình thành quy luật khách quan của lực lượng sản xuất xã hội. C.Mác viết: "Nhưng điều ngay từ đầu phân biệt nhà kiến trúc tồi nhất với con ong giỏi nhất là trước khi xây dựng những ngăn tổ ong bằng sáp, nhà kiến trúc đã xây dựng chúng ở trong đầu óc của mình rồi. Cuối quá trình lao động, người lao động thu được kết quả mà họ đã hình dung ngay từ đầu quá trình ấy, tức là đã có trong ý niệm rồi. Con người không chỉ làm biến đổi hình thái những cái do tự nhiên cung cấp; trong những cái do tự nhiên cung cấp, con người cũng đồng thời thực hiện cái mục đích tự giác của mình, mục đích ấy quyết định phương thức hành động của họ giống như một quy luật và bắt ý chí của họ phải phục tùng nó".[27]

Quan hệ sản xuất, một yếu tố tạo thành của phương thức sản xuất; theo C.Mác, là biểu hiện mặt xã hội của quá trình sản xuất, trên phương diện mối quan hệ về sở hữu, về tồ chức quản lý sản xuất và phân phối sản phẩm lao động. Nó là đặc trưng của sự phát triển xã hội trong mỗi giai đoạn lịch sử nhất định, là tiêu chuẩn để phân biệt các hình thái kinh tế - xã hội khác nhau. Quan hệ sản xuất mang tính khách quan, vì nó phụ thuộc vào trình độ phát triển của lực lượng sản xuất, mà không phụ thuộc vào ý định có sẵn của con người. Biện chứng của quan hệ sản xuất là một quá trình thống nhất giữa các yếu tố sản xuất, phân phối, trao đổi, tiêu dùng, đồng thời cũng bị chi phối bởi các mối quan hệ khác trong quá trình sản xuất xã hội. C.Mác viết: “Một nền sản xuất nhất định quyết định một chế độ tiêu dùng, một chế độ phân phối, một chế độ trao đổi nhất định, đồng thời cũng quy định các quan hệ nhất định giữa các yếu tố khác nhau đó đối với nhau. Dĩ nhiên là về phía nó, dưới hình thái phiến diện của nó, cả sản xuất cũng do các yếu tố khác quyết định".[28]

Trong tác phẩm, C.Mác cũng làm rõ mối quan hệ biện chứng giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất. Với vai trò là nội dung vật chất của quá trình sản xuất, lực lượng sản xuất là yếu tố quyết định đối với quan hệ sản xuất, tức là hình thức kinh tế của quá trình sản xuất ấy. Quan hệ sản xuất tác động theo hướng thúc đẩy hoặc kìm hãm sự phát triển của lực lượng sản xuất. Điều đó tùy thuộc vào sự phù hợp hay không phù hợp của mối quan hệ biện chứng giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất. Do đó, trong chế độ tư bản chủ nghĩa, tính chất xã hội hóa của quá trình sản xuất ngày càng mâu thuẫn với chế độ chiếm hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa. Đó là cơ sở về kinh tế để dẫn tới cuộc cách mạng xã hội thay thế chủ nghĩa tư bản bằng chủ nghĩa cộng sản. "Sự độc quyền của tư bản trở thành những xiềng xích ràng buộc cái phương thức sản xuất đã thịnh vượng lên cùng với độc quyền đó và dưới độc quyền đó. Sự tập trung tư liệu sản xuất và xã hội hóa lao động đạt đến cái điểm mà chúng không còn thích hợp với cái vỏ tư bản chủ nghĩa của chúng nữa... Phương thức chiếm hữu tư bản chủ nghĩa do phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa đẻ ra, và do đó cả chế độ tư hữu tư bản chủ nghĩa nữa đều là sự phủ định đầu tiên đối với chế độ tư hữu cá nhân dựa trên lao động của bản thân. Nhưng nền sản xuất tư bản chủ nghĩa lại đẻ ra sự phủ định bản thân nó, với tính tất yếu của một quá trình tự nhiên. Đó là sự phủ định cái phủ định".[29]

Biện chứng của quá trình phát triển giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất đã được C. Mác phân tích trong những điều kiện lịch sử - xã hội khác nhau, nhưng nó có ý nghĩa phổ biến cho tiến trình vận động của lịch sử xã hội loài người. Trong lời tựa cho tác phẩm "Góp phần phê phán khoa kinh tế chính trị", C.Mác viết: "Về đại thể, có thể coi các phương thức sản xuất châu Á, cổ đại, phong kiến và tư sản hiện đại là những thời đại tiến triển dần dần của hình thái kinh tế - xã hội. Các quan hệ sản xuất tư sản là hình thức đối kháng cuối cùng của quá trình sản xuất xã hội, đối kháng không phải với ý nghĩa là đối kháng cá nhân, mà với ý nghĩa là đối kháng nảy sinh từ những điều kiện sinh hoạt xã hội của các cá nhân; nhưng những lực lượng sản xuất phát triển trong lòng xã hội tư sản đồng thời cũng tạo ra những điều kiện vật chất để giải quyết đối kháng ấy. Cho nên, với hình thái xã hội tư sản, thời kỳ tiền sử của xã hội loài người đang kết thúc".[30]

Có thể khái quát rằng, toàn bộ quan niệm duy vật lịch sử của C.Mác trong "Tư bản" được biểu hiện ở phạm trù khoa học “hình thái kinh tế - xã hội”. C.Mác viết: "Tôi coi sự phát triển của những hình thái kinh tế - xã hội là một quá trình lịch sử - tự nhiên".[31] Bản chất của phạm trù hình thái kinh tế- xã hội chính là quy luật vận động, phát triển của lịch sử xã hội loài người bị quy định bởi các yếu tố cơ bản: lực lượng sản xuất, quan hệ sản xuất và kiến trúc thượng tầng. Đồng thời, các yếu tố khác trong lịch sử xã hội cũng có vai trò chi phối tác động, nhưng trên cơ sở các yếu tố cơ bản đó. Tính lịch sử - tự nhiên của sự phát triển xã hội được chứng minh bởi sự phát triển và tuần tự vừa nhảy vọt, vừa đa dạng phong phú, phức tạp vừa thể hiện những quy luật phổ biến có ý nghĩa xuyên suốt toàn bộ tiến trình lịch sử xã hội loài người. Trong tác phẩm "Góp phần phê phán khoa kinh tế chính trị”; C.Mác đã khái quát quan điểm duy vật biện chứng về đời sống xã hội và lịch sử nhân loại.

"Trong sự sản xuất xã hội ra đời sống của mình, con người có những quan hệ nhất định, tất yếu, không tùy thuộc vào ý muốn của họ - tức những quan hệ sản xuất, những quan hệ này phù hợp với một trình độ phát triển nhất định của các lực lượng sản xuất vật chất của họ. Toàn bộ những quan hệ sản xuất ấy hợp thành cơ cấu kinh tế của xã hội, tức là cái cơ sở hiện thực trên đó dựng lên một kiến trúc thượng tầng pháp lý và chính trị và những hình thái ý thức xã hội nhất định tương ứng với cơ sở hiện thực đó. Phương thức sản xuất đời sống vật chất quyết định các quá trình sinh hoạt xã hội, chính trị và tinh thần nói chung. Không phải ý thức của con người quyết định tồn tại của họ; trái lại, tồn tại xã hội của họ quyết định ý thức của họ. Tới một giai đoạn phát triển nào đó của chúng, các lực lượng sản xuất vật chất của xã hội mâu thuẫn với những quan hệ sản xuất hiện có...

Khi đó bắt đầu thời đại của một cuộc cách mạng xã hội".[32] Một vấn đề khác có ý nghĩa rất nổi bật trong tác phẩm, đồng thời là kết quả của sự vận động của nội dung tác phẩm, đó là phương pháp biện chứng duy vật.

Xuất phát từ việc nghiên cứu hàng hóa với tư cách là tế bào kinh tế của chủ nghĩa tư bản, C.Mác đã từng bước thể hiện bản chất của chủ nghĩa tư bản thông qua phương pháp thống nhất giữa lịch sử và lôgíc, giữa trừu tượng và cụ thể. Quá trình vận động và phát triển của nền sản xuất tư bản chủ nghĩa biểu hiện lịch sử của nó với tính đa dạng, tính phong phú, tính phức tạp của một hệ thống sản xuất, một phương thức sản xuất. Cho nên, lịch sử là bản thân quá trình sản xuất; lô gíc là bản chất của nền sản xuất tư bản chủ nghĩa; là bóc lột giá trị thặng dư. C.Mác viết: "Phương pháp của chúng ta... phải bao gồm việc xem xét đối tượng về mặt lịch sử, nghĩa là những mục trong đó khoa kinh tế tư sản - khoa này chỉ là hình thức lịch sử của quá trình sản xuất - có nhũng chỉ dẫn, vượt ra khỏi phạm vi của khoa kinh tế tư sản, về những phương thức sản xuất lịch sử đã tồn tại sớm hơn. Vì thế, muốn vạch rõ những quy luật của khoa kinh tế tư sản thì không cần thiết phải viết lịch sử thực sự về quan hệ sản xuất".[33]

C.Mác cũng phân tích rõ mối quan hệ biện chứng giữa cái trừu tượng và cái cụ thể. Cái trừu tượng chỉ là sự phản ánh một mặt, một yếu tố của quá trình nhận thức đối tượng. Cái cụ thể, về bản chất, là sự phản ánh khái quát các thuộc tính của đối tượng trong tư duy. Bởi vậy, nền sản xuất xã hội biểu hiện tư sản xuất, phân phối, trao đổi, tiêu dùng đến bản chất của nền kinh tế tư bản chủ nghĩa cũng chỉnh là con đường đi từ trừu tuợng đến cụ thể trong tư duy. C.Mác viết rằng: "Cái cụ thể sở dĩ là cụ thể vì nó là sự tổng hợp của nhiều tính quy định,do đó, nó là sự thống nhất của cái đa dạng, cho nên trong tư duy, nó biểu hiện ra là một quá trình tổng hợp, là kết quả, chứ không phải là điểm xuất phát, mặc dù nó là điểm xuất phát thực sự và do đó cũng là điểm xuất phát của trực quan và của biểu tượng".[34]

Các quy luật của phương pháp biện chúng như quy luật lượng chất, quy luật phủ định của phủ định, quy luật mâu thuẫn đều được C.Mác vận dụng vàọ quá trình phân tích bản chất của chế độ tư bản chủ nghĩa. Phương pháp biện chứng của C.Mác là một biểu hiện thống nhất giữa nội dung và phương pháp, là phương pháp nhận thức thông qua sự vận động của nội dung. V.I. Lênin đã nhận xét: "C.Mác không để lại cho chúng ta "lôgíc học" (với chữ L viết hoa), nhưng đã để lại cho chúng ta lôgíc của "Tư bản”. Trong "Tư bản", C.Mác áp dụng lôgíc, phép biện chứng và lý luận nhận thức... của chủ nghĩa duy vật vào một khoa học duy nhất".[35] Nhận xét này chứng tỏ rằng, phương pháp biện chứng của C.Mác là hạt nhân xuyên suốt toàn bộ nội dung của "Tư bản". C.Mác đã tự đánh giá: "Phương pháp biện chứng của tôi không những khác với phương pháp của Hêghen về cơ bản, mà còn đối lập hẳn với phương pháp ấy nữa. Đối với Hêghen, quá trình tư duy - mà ông ta thậm chí còn biến thành một chủ thể độc lập dưới cái tên gọi ý niệm - chính là vị thần sáng tạo ra hiện thực, và hiện thực này chẳng qua chỉ là biểu hiện bên ngoài của tư duy mà thôi. Đối với tôi thì trái lại, ý niệm chẳng qua là vật chất được đem chuyển vào trong đầu óc con người và được cải biến đi ở trong đó".[36]

Tác phẩm “Tư bản” là một cống hiện vĩ đại của C.Mác. Bằng phương pháp triết học, phương pháp biện chứng duy vật, C.Mác đã làm rõ quy luật vận động phát triển của lịch sử xã hội loài người thông qua việc phân tích nền kinh tế tư bản chủ nghĩa. Mặc dù, hiện nay, có những quan điểm tiếp cận lịch sử xã hội khác nhau, nhưng phương pháp tiệp cận từ giác độ hình thái kinh tế - xã hội của C.Mác vẫn là một mẫu mực của việc nhận thức các quy luật xã hội. Vì vậy, tác phẩm "Tư bản" đóng vai trò là nền tảng về mặt thế giới quan và phương pháp luận của triết học duy vật biện chứng và duy vật lịch sử.

Năm 1875, C.Mác viết tác phẩm “Phê phán, cương lĩnh Gôta". Đây là một trong những tác phẩm có ý nghĩa rất quan trọng của triết học mácxít. Nội dung cơ bản của tác phẩm chính là phát triển một cách toàn diện học thuyết duy vật về lịch sử. Những vấn đề được C.Mác quan tâm và trình bày trên cơ sở phương pháp biện chứng duy vật như lý luận về hình thái kinh tế- xã hội, về cách mạng vô sản và Nhà nước chuyên chính vô sản. Đặc biệt, tư tưởng về thời kỳ quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội là con đường tất yếu của lịch sử xã hội loài người. Bởi vì giữa xã hội tư bản chủ nghĩa và xã hội cộng sản chủ nghĩa, phải có một thời kỳ quá độ. Thời kỳ quá độ đó chính là chuyên chính cách mạng của giai cấp vô sản. Lịch sử xã hội loài người sẽ hướng đến sự phát triển của hai giai đoạn, mỗi giai đoạn có những đặc trưng riêng biệt của nó, đó là giai đoạn thấp - chủ nghĩa xã hội, và giai đoạn cao - chủ nghĩa cộng sản. C.Mác viết: "Giữa xã hội tư bản chủ ngltĩa và xã hội cộng sản chủ nghĩa là một thời kỳ cải biến cách mạng từ xã hội nọ sang xã hội kia. Thích ứng với thời kỳ ấy là một thời kỳ quá độ chính trị và nhà nước của thời kỳ ấy không thể là cái gì khác hơn là nền chuyên chính cách mạng của giai cấp vô sản".[37]

Trong giai đoạn đầu của xã hội mới, C.Mác cho rằng "thoát thai từ chính xã hội tư bản chủ nghĩa, và do đó về mọi phương diện, kinh tế, đạo đức tinh thần - còn mang dấu vết của xã hội cũ mà nó đã lọt lòng ra”[38]. Đồng thời, trong chủ nghĩa xã hội, nguyên tắc giữa cống hiến và hưởng thụ là "làm theo năng lực, hưởng theo số lượng và chất lượng lao động". Trong chủ nghĩa cộng sản, mối quan hệ đó là"làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu".

Có thể nói, "Phê phán cương lĩnh Gôta" đặt cơ sở khoa học cho lý luận cách mạng của giai cấp vô sản để hướng đến xã hội tương lai.

Từ năm 1876 đến 1878, Ph.Ăngghen hoàn thanh một tác phẩm có ý nghĩa cơ bản của triết học Mác, tác phẩm “Chống Đuy rinh”. Cuốn sách nhằm bảo vệ triết học Mác, chống lại những quan điểm đối lập của nhà tư tuởng tiểu tư sản Đuy rinh, một giáo sư cơ học tại đại học Béclin. Đánh giá về cuốn sách, Lênin cho rằng "đó là một cuốn sách có nội dung đặc biệt phong phú và bổ ích"[39] vì đã “phân tích những vấn đề quan trọng nhất của triết học, của khoa học tự nhiên và khoa học xã hội". Nội dung cơ bản của tác phẩm có thể khái quát trong một số chủ đề sau đây:

Thứ nhất, vấn đề thế giới quan duy vật. Khẳng định lập trường của chủ nghĩa duy vật biện chứng, Ph.Ăngghen đã phê phán Đuyrinh: "Ông Đuyrinh nói lên những nguyên lý rút ra từ tư duy, chứ không phải từ thế giới bên ngoài, đến những nguyên lý hình thức phải được ứng dụng vào giới tự nhiên và loài người, do đó, giới tự nhiên và loài người phải phù hợp với chúng".[40]

Phê phán quan điểm duy tâm của Đuy rinh vê vấn đề cơ bản của triết học trong mối quan hệ giữa tồn tại và tư duy, Ph.Ăngghen viết: "Không phải giới tự nhiên và loài người phải phù hợp với các nguyên lý, mà trái lại các nguyên lý chỉ đúng trong chừng mực chúng phù hợp với giới tự nhiên và lịch sử. Đó là quan điểm duy vật duy nhất đối với sự vật còn quan điểm của ông Đuy rinh chống lại quan điểm ấy là quan điểm duy tâm, là quan điểm hoàn toàn đặt lộn ngược mối quan hệ hiện thực và cấu tạo thế giới hiện thực từ tư duy, từ những đồ thức, từ những phương án hay những phạm trù tồn tại vĩnh cửu ở đâu đó trước khi có thế giới, hoàn toàn theo kiểu của... một Hêghen nào đó".[41] Từ đó, Ph.Ăngghen khẳng định rằng nhận thức của con người vê vũ trụ không phải được rút ra từ bộ óc mà từ thế giới hiện thực.

Nói về phạm trù tồn tại, Đuy rinh cho rằng: "Khi chúng ta nói đến tồn tại và chỉ nói đến tồn tại thôi thì tính thống nhất chỉ có thể bao hàm ở chỗ tất cả những đối tượng mà chúng ta nói đến, đều có, đều tồn tại. Chúng được tư duy tập hợp lại trong thể thống nhất của tồn tại ấy, chứ không phải trong thể thống nhất nào khác"[42]. Phê phán quan điểm duy tâm trên của Đuyrinh, Ph.Ăngghen khẳng định rằng: "Tính thống nhất của thế giới không phải ở sự tồn tại của nó, mặc dù tồn tại là tiền đề của tính thống nhất của nó, vì trước khi thế giới có thể là một thể thống nhất thì trước hết thế giới phải tồn tại đã... Tính thống nhất thực sự của thế giới là ở tính vật chất của nó, và tính vật chất này được chứng minh không phải bằng vài ba lời lẽ khéo léo của kẻ làm trò ảo thuật, mà bằng một sự phát triển lâu dài và khó khăn của triết học và khoa học tự nhiên"[43].

Trong tác phẩm, Ph.Ăngghen cũng đề cập đến sự vận động của vật chất. Vận động của vật chất bao hàm mọi quá trình, mọi thay đổi diễn ra trong vũ trụ, là sự vận động và biến đổi nói chung. Không có vật chất không vận động, cũng như không có sự vận động nào mà lại không phải là sự vận động của vật chất. Ph.Ăngghen cũng khái quát các hình thức vận động trợng thế giới: Vận động cơ học, vận động vật lý, vận động hóa học, vận động sinh học và vận động xã hội. Tất cả các hình thức vận động đó không phải tách rời, mà liên hệ, chuyển hóa lẫn nhau, trong không gian và thời gian. "Vận động trong không gian vũ trụ, vận động cơ học của những khối nhỏ hơn trên mỗi thiên thể, dao động phân tử dưới hình thức nhiệt, hay dưới hình thức dòng điện hoặc dòng từ, phân giải hóa học và hóa hợp hóa học, đời sống hữu cơ - đó là những hình thức vận động mà mỗi một nguyên tử vật chất riêng biệt trong vũ trụ trong mỗi lúc nhất định, đêu nằm dưới một hình thức vận động hay dưới nhiều hình thức vận động cùng một lúc"[44]. Vì vậy, nguyên lý mà chúng ta rút ra biểu hiện thế giới quan duy vật triệt để là: Thế giới không có gì ngoài vật chất đang vận động, và vật chất đang vận động trong không gian và thời gian.

Thứ hai, tư tưởng về phép biện chứng duy vật là một nội dung nổi bật trong tác phẩm. Phép biện chứng, trong quan niệm của Ph.Ăngghen, chính là công cụ để nhận thức giới tự nhiên và lịch sử. Từ trong giới tự nhiên và lịch sử, mà tư duy biện chứng hình thành và phát triển. "Giới tự nhiên là hòn đá thử vàng đối với phép biện chúng, và cần phải nói rằng khoa học tự nhiên hiện đại đã cung cấp cho sự thử nghiệm ấy những vật hết sức phong phú và mỗi ngày một tăng thêm, và do đó đã chứng minh rằng trọng tự nhiên, rút cục lại, mọi cái đều diễn ra một cách biện chứng chứ không phải siêu hình”.[45]

Bản chất của tư duy biện chứng là sự đối lập với tư duy siêu hình. “Phép biện chứng chẳng qua chỉ là môn khoa học về những quy luật phổ biến của sự vận động và phát triển của tự nhiên, của xã hội loài người và của tư duy”.[46] Với định nghĩa đó, phương pháp biện chứng là hình thức cao nhất của tư duy khoa học theo quan niệm của Ph.Ăngghen. Phương pháp đó đối lập với phương pháp siêu hình, vì "đối với nhà siêu hình học thì những sự vật và phản ánh của chúng trong tư duy, tức là những khái niệm, đều là những đối tượng nghiên cứu riêng biệt, cố định, cứng đờ, vĩnh viễn, phải được xem xét cái này sau cái kia, cái này độc lập với cái kia".[47] Như vậy, phép biện chứng là khoa học của phương pháp nhận thức, phương pháp tư duy, xem xét sự vật hiện tượng trong mối liên hệ phổ biến và sự phát triển, trong tính hệ thống, trong quá trình vận động theo khuynh hướng tiến lên. Đó là bản chất của phương pháp biện chứng. Đồng thời, Ph.Ăngghen cũng khẳng định sự khác biệt giữa phương pháp biện chứng trong triết học Mác với phương pháp biện chứng trong triết học cổ điển Đức. Ph.Ăngghen viết: "Có thể nói rằng hầu như chỉ có Mác và tôi là những người đã cứu phép biện chứng tự giác thoát khỏi triết học duy tâm Đức và đưa nó vào trong quan niệm duy vật về tự nhiên và về lịch sử".[48] Điều đó có nghĩa rằng, phép biện chứng không phải được rút ra từ tư duy chủ quan của con người mà không có mối liên hệ nào với thực tại khách quan, mà ngược lại, là sự phản ánh của giới tự nhiên và lịch sử vào tư duy. Ph.Ăngghen viết: "Không thể là đưa những quy luật biện chứng từ bên ngoài vào giới tự nhiên, mà là phát hiện ra chúng trong giới tự nhiên và rút chúng ra từ giới tự nhiên"[49].

Trong tác phẩm, Ph.Ăngghen đã trình bày tư tưởng biện chứng của thế giới tự nhiên thông qua sự phát triển của khoa học tự nhiên, của lịch sử xã hội và kinh tế chính trị. Sự phát triển của tư duy phản ánh thế giới khách quan được Ph.Ăngghen trình bày trong hệ thống các quy luật cơ bản của phép biện chứng duy vật. Nói về quy luật thống nhất và đấu tranh của các mặt đối lập, Ph.Ăngghen đã chứng minh tính khách quan và tính phổ biến của mâu thuẫn với ý nghĩa là quy luật tồn tại trong bản thân sự vật, hiện tượng, trong mọi lĩnh vực tự nhiên, xã hội và tư duy, trong mọi quá trình phát triển của mọi sự vật, hiện tượng Ph.Ăngghen cho rằng: "... Sự di động một cách máy móc và đơn giản sở dĩ có thể thực hiện được, cũng chỉ là vì một vật trong cùng một lúc vừa ở nơi này vừa ở nơi khác, vừa ở cùng một chỗ lại vừa không ở chỗ đó".[50] “Sự sống cũng là một mâu thuẫn tồn tại trong bản thân các sự vật và các quá trình một mâu thuẫn thương xuyên nảy sinh và tự giải quyết, và khi mâu thuẫn chấm dứt thì sự sống cũng không còn nữa và cái chết xảy đến".[51] Ph.Ăngghen nhấn mạnh rằng với tư duy biện chứng thì việc nhận thức và giải quyết mâu thuẫn là nguồn gốc, động lực của sự phát triển.

Quy luật từ những thay đồi về luợng dẫn đến những thay đổi về chất và ngược lại đã được Ph.Ăngghen chứng minh thông qua sự phát triển của khoa học và trong đời sống xã hội. Bản chất của quy luật chính là biểu hiện mối quan hệ biện chứng giữa chất và lượng trong thế giới khách quan. Lượng biến đổi để dẫn tới chuyển hóa về chất, đồng thời, chất tác động đến lượng để tạo nên sự chuyển hóa về lượng. Quá trình liên tục diễn ra, tạo thành cách thức của sự phát triển vừa tuần tự vừa nhảy vọt, hình thành quy luật phổ biến của thế giới khách quan. Ph.Ăngghen đã khẳng định: "Vô số trường hợp thay đổi về lượng làm cho chất của sự vật biến đổi, cũng như sự thay đổi về chất làm cho lượng của sự vật biến đổi... Chúng ta có thể kể ra một việc này chẳng hạn sự hợp tác của nhiều cá nhân, sự dung hợp của nhiều sức thành một hợp sức, sẽ tạo ra, nói theo lối nói của Mác, một sức mới nào đó, căn bản khác với tổng số những sức cá biệt hợp thành nó".[52]

Quy luật phủ định của phủ định mang tính khách quan và phổ biến. Ph.Ăngghen viết: "Vậy, phủ định cái phủ định là gì? Là một quy luật vô cùng phổ biến và chính vì vậy mà có một tầm quan trọng và có tác dụng vô cùng to lớn về sự phát triển của tự nhiên, của lịch sử và của tư duy; một quy luật, như ta đã thấy, biểu hiện trong giới động vật và thực vật, trong địa chất học, toán học, lịch sử, triết học".[53] Như vậy, đây không phải là quy luật đặc thù, mà nó tồn tại và phát triển trong mọi lĩnh vực của thế giới khách quan và tư duy con nguời. Bản chất của quy luật phủ định của phủ định chính là biểu hiện khuynh hướng chung của sự phát triển, thể hiện tính kế thừa và tiến lên, hình thành một quá trình liên tục của sự vận động của sự vật, hiện tượng từ thấp đến cao. Phát triển cũng không phải là một quá trình giản đơn, theo đường thẳng, mà là một quá trình phức tạp, lặp lại cái cũ nhưng không phải trùng khớp mà ở một trình độ mới cao hơn, thể hiện tính xoáy ốc của sự phát triển. Với bản chất như vậy, cái mới, theo quy luật, bao giờ cũng cao hơn và tiến bộ hơn so với cái cũ. Ph.Ăngghen cũng đòi hỏi cần phải có sự phân biệt giữa phủ định biện chứng và phủ định siêu hình: "Phủ định, trong phép biện chứng, không phải chỉ có ý nghĩa giản đơn là nói: không, hoặc giả là tuyên bố rằng một sự vật không tồn tại, hay phá hủy sự vật ấy theo một cách nào đó",[54] mà nó là sự tự nhiên phủ định để hướng tới sự phát triển.

Có thể khái quát rằng, Ph.Ăngghen đã trình bày khá toàn diện, đặc biệt là ba quy luật cơ bản của phép biện chứng duy vật. Ph.ăngghen nói: "Nhung phép biện chứng chẳng qua chỉ là môn khoa học về những quy luật phổ biến của sự vận động và sự phát triển của tự nhiên, của xã hội loài người và của tư duy".[55]

Thứ ba, một số vấn đề nhận thức luận trong tác phẩm.

Trong tác phẩm này, Ph.Ăngghen đã làm sáng tỏ theo quan điểm duy vật biện chứng vấn đề về bản chất của tư duy, về khả năng nhận thức chân lý, tính cụ thể của chân lý v.v... Theo Ph.Ăngghen, tư duy con người không phải là sự nhận thức chân lý tuyệt đối nh quan niệm của Đuyrinh, mà là sự phản ánh của thế giới khách quan vào bộ não con người, là hình ảnh chủ quan của thế giới khách quan. Tư duy của con người là một quá trình vừa tương đối, vừa tuyệt đối Ph.Ăngghen viết: "... Tư duy của con người vừa là tối cao vừa là không tối cao, và khả năng nhận thức của con người vừa là vô hạn, vừa là có hạn. Tối cao và vô hạn xét theo bản tính, sứ mệnh khả năng và mục đích lịch sử cuối cùng; không tối cao và có hạn là xét theo sự thực hiện riêng biệt và thực tế trong mỗi một thời điểm nhất định”[56].

Nhận thức chân lý, theo Ph.Ăngghen, là một quá trình lịch sử. Vì vậy không thể có chân lý bất biến, tuyệt đích cuối cùng theo quan niệm của Đuyrinh. Ph.Ăngghen viết: "... Kẻ nào đem vận dụng tiêu chuẩn của một chân lý thật sự, bất biến, tuyệt đỉnh cuối cùng, vào những tri thức do chính bản chất của chúng mà hoặc vẫn phải mang tính chất tương đối với một chuỗi dài những thế hệ và phải được họàn thiện đến từng mảnh một, hoặc thiện chí – như trong thiên thể học, địa chất học, lịch sử nhân loại - phải mãi mãi là không đầy đủ và không họàn thiện chỉ vì một lý do là thiếu tài liệu lịch sử, thì kẻ đó chỉ chứng tỏ sự ngu dốt và thiếu hiểu biết của bản thân, ngay cả khi như trường hợp ở đây, cái tham vọng cho mình là không thể sai lầm không phải là ngyên nhân thầm kín thật sự của tất cả những điều đó. Chân lý và sai lầm, cũng giống như tất cả những phạm trù lôgíc học vận động trong những cực đối lập, chỉ có giá trị tuyệt đối trong một phạm vi cực kỳ hạn chế".[57]

Rõ ràng, chân lý không phải là bất biến, vĩnh viễn mà nó là một quá trình nhận thức từ thấp đến cao, phụ thuộc vào nhiều mối quan hệ giữa chủ thể và khách thể nhận thức. Tuyệt đối hóa tính tuyệt đối, tính vĩnh cửu của chân lý như Đuyrinh thì chỉ dẫn đến chủ nghĩa duy tâm và siêu hình về nhận thức.

Tính lịch sử của chân lý, theo Ph.Ăngghen, cũng giống như quan hệ đạo đức: "Từ dân tộc này sang dân tộc khác, từ thời đại này sang thời đại khác, những quan niệm về thiện và ác đã biến đổi nhiều đến mức chúng thường trái ngược hẳn nhau".[58]

Như vậy, Ph.Ăngghen đă khẳng định những nguyên lý cơ bản của quá trình nhận thức trên lập trường duy vật biện chứng, đối lập với chủ nghĩa duy tâm và phương pháp siêu hình của Đuyrinh.

Thứ tư, tư tưởng duy vật lịch sử.

Đây là một nội dung đã được Ph.Ăngghen quan tâm giải quyết trong tác phẩm. Bác bỏ quan điểm của Đuyrinh xem bạo lực và chiến tranh là cơ sở để hình thành các giai cấp trong xã hội, Ph.Ăngghen cho ràng, điều kiện kinh tế xã hội, sự phát triển của lực lượng sản xuất, chế độ sở hữu là cơ sở có ý nghĩa quyết định trong việc hình thành các giai cấp khác nhau. "...Những cuộc xung đột không chỉ giữa những giai cấp do đại công nghiệp sinh ra, mà còn giữa lực lượng sản xuất và những phương thức trao đổi do nó tạo ra nữa - và mặt khác, đại công nghiệp ấy, thông qua sự phát triển lớn lao của chính lực lượng sản xuất ấy, cũng cung cấp những phương tiện để giải quyết những sự xung đột đó"[59]. "Tương ứng với một trang thái chưa trưởng thành của nền sản xuất tư bản chủ nghĩa, với những quan hệ giai cấp chưa trưởng thành là những lý luận chưa trưởng thành".[60]

Ph.Ăngghen phê phán chủ nghĩa xã hội không tưởng của Xanh ximông, Phuriê, mạc dù tốt đẹp, nhưng không dựa trên những tiền đề tất yếu của điều kiện kinh tế - xã hội. Ý thức về xã hội, lịch sử và pháp quyền chỉ có thể có được trên cơ sở tồn tại xã hội. Bởi vậy, Ph. Ăngghen bác bỏ quan niệm của Đuyrinh về chân lý đạo đức và pháp quyền vĩnh cửu vuợt qua mọi giai đoạn lịch sử của mỗi dân tộc và thời đại khác nhau. Ngược lại, tư tưởng về đạo đức và pháp quyền chỉ có thể dựa trên những quan hệ về kinh tế, xã hội và giai cấp nhất định trong mỗi giai đoạn lịch sử.

Để nhận thức và vận dụng quy luật vào đời sống xã hội, Ph. Ăngghen đã nêu lên quan niệm về tất yếu và tự do: "Tự do không phải là ở sự độc lập tưởng tương đối với các quy luật của tự nhiên, mà là ở sự nhận thức được những quy luật đó và ở cái khả năng - có được nhờ sự nhận thức này - buộc những quy luật đó tác động một cách có kế họạch nhằm những mục đích nhất định... Như vậy, tự do có ý chí không phải là cái gì khác hơn là cái năng lực quyết định một cách hiểu biết cộng việc. Do đó, sự phán đoán của một người về một vấn đề nhất định, càng tự do bao nhiêu thì nội dung của sự phán đoán đó sẽ được quyết định với một tính tất yếu càng lớn bấy nhiêu".[61]

Ph.Ăngghen cũng đánh giá sự phát triển của triết học trong lịch sử, từ triết học cổ đại tới chủ nghĩa duy vật hiện đại. Đó cũng là quá trình biểu hiện sự liên hệ thống nhất giữa triết học và khoa học: "Nói chung, đây không còn là một triết học nữa, mà là một thế giới quan, nó không cần phải được chứng thực và biểu hiện thành một khoa học đặc biệt nào đó của các khoa học, mà được chứng thực và biểu hiện trong các khoa học hiện thực".[62]

Tóm lại, “Chống Đuyrinh” là một tác phẩm thể hiện thế giới quan duy vật biện chứng về triết học, kinh tế chính trị học và chủ nghĩa xã hội khoa học. Với phương pháp biện chứng duy vật trên cơ sở nền tảng thế giới quan đó, Ph.Ăngghen đã tổng kết toàn diện chủ nghĩa Mác, đấu tranh chống lại các quan điểm đối lập, và tác phẩm trở thanh vũ khí lý luận sắc bén trong phong trào cách mạng của giai cấp vô sản thế giới.

Năm 1884, Ph.Ăngghen viết tác phẩm “Nguồn gốc của gia đình, của chế độ tư hữu và của nhà nước”. Cuốn sách trình bày những nội dung về chủ nghĩa duy vật lịch sử. Xuất phát từ diều kiện kinh tế để dẫn đến các hình thức hôn nhân gia đình và phân chia giai cấp trong xã hội, Ph.Ăngghen đã đi đến kết luận rằng, chế độ tư hữu, giai cấp và nhà nước là kết quả của quá trình phát triển sản xuất trong xã hội; nhà nước là công cụ để bảo vệ lợi ích cho giai cấp thống trị và áp đặt sự thống trị đối với các giai cấp khác. Với sự phát triển của lịch sử, trong xã hội tuơng lai, tất yếu dẫn tới sự tiêu vong của quan hệ giai cấp và nhà nước.

Tác phẩm “Biện chứng của tự nhiên” được Ph.Ăngghen viết từ l873 đến 1886, xuất bản lần đầu tiên vào năm 1925 ở Liên Xô. Tác phẩm giải quyết nhiều vấn đề về thế giới quan và phương pháp luận của triết học duy vật biện chứng. Vì vậy, đây là một trong những tác phẩm quan trọng nhát của Ph.Ăngghen.

Thứ nhất, vấn đề vật chất và vận động.

Trước hết, Ph.Ăngghen chỉ ra tính thống nhất vật chất trong sự đa dạng và khác biệt về chất và về lượng. Tính thống nhất vật chất của thế giới biểu hiện trong sự liên hệ, chuyển hóa, luôn luôn vận động và phát triển theo một quá trình ngày càng đi lên, với sự phong phú và đa dạng trong tính hệ thống, tính chỉnh thể. Ph.Ăngghen viết: "Tất cả những sự khác nhau về chất trong giới tự nhiên đều dựa hoặc là trên thành phần hóa học khác nhau, hoặc là trên những số lượng hay hình thức vận động (năng lượng) khác nhau, hoặc như trong hầu hết mọi trường hợp đều dựa trên cả hai cái đó".[63] “Tất cả thế giới tự nhiên mà chúng ta có thể nghiên cứu được là một hệ thống, một tập hợp các vật thể khăng khít với nhau".[64] “Vật chất, với tính cách là vật chất, là một sáng tạo thuần túy của tư duy và là một sự trừu tượng. Chúng ta bỏ qua những sự khác nhau về chất của những sự vật, khi chúng ta gộp chúng, với tư cách là những vật tồn tại hữu hình, vào khái niệm vật chất".[65] Quan niệm về tính thống nhất vật chất của thế giới là kết quả của quá trình phát triển lâu dài của triết học duy vật, dựa trên những thành tựu của khoa học tự nhiên, là sự khái quát hết sức có ý nghĩa của Ph.Ăngghen bằng phương pháp tư duy biện chứng.

Trong tác phẩm, Ph.Ăngghen đã trình bày một cách có hệ thống tư tưởng về sự vận động của vật chất. Vận động là gì? Ph.Ăngghen viết: "Vận động, hiểu theo nghĩa chung nhất, tức là đuợc hiểu là một phương thức tồn tại của vật chất, là một thuộc tính cố hữu của vật chất, thì bao gồm tất cả mọi sự thay đổi và mọi quá trình diễn ra trong vũ trụ, kể từ sự thay đội vị trí đơn giản cho đến tư duy".[66]

Như vậy, vận động là sự biến đổi nói chung, bao hàm tất cả mọi tính chất và mọi khuynh hướng, với ý nghĩa bản chất là phương thức tồn tại, là thuộc tính hữu cơ của vật chất.

Ph.Ăngghen cũng chỉ ra các hình thức vận động cơ bản của vật chất như vận động cơ giới của các khối lượng, vận động vật lý của các phân tử, vận động hóa học của các nguyên tử, và tiên đoán về sự vận động của trường điện tử.

"Đương nhiên, nghiên cứu bản chất của sự vận động phải bắt đầu từ những hình thức thống nhất, đơn giản nhất của sự vận động ấy và phải học tập để hiểu được những hình thức ấy, rồi mới có thể đạt tới một kết quả nào đấy trong việc giải thích những hình thức cao và phức tạp hơn. Như vậy, chúng ta thấy rằng trong sự phát triển lịch sử của khoa học tự nhiên, lý luận về sự thay đổi vị trí đơn giản, cơ học của các thiên thể, và các khối luợng trên địa cầu đã được nghiên cứu trước tiên; sau đó là lý luận về sự vận động của các phân tử, tức vật lý học, và ngay sau đó, gần như song song với vật lý học và có khi đi trước nó, là khoa học về sự vận động của các nguyên tử, tức hóa học. Chỉ khi nào các ngành tri thức khác nhau ấy về những hình thái vận động thống trị trong thế giới vô sinh đã phát triển tới một mức cao, thì người ta mới có thể giải thích một cách có hiệu quả những hiện tượng của vận động biểu hiện quá trình sự sống".[67]

Giữa các hình thức vận động luôn có sự liên hệ, chuyển hóa lẫn nhau. Ph.Ăngghen cho rằng: "Trong những điều kiện nhất định, chúng có thể chuyển hóa từ một hình thái này sang một hình thái khác. Vận động cơ giới của các khối lượng chuyển hóa thành nhiệt, thành điện, thành từ, nhiệt và điện chuyển hóa thành phân giải hóa học; và ngược lại quá trình hóa hợp hóa học lại sinh ra nhiệt và điện và thông qua điện mà sinh ra từ, cuối cùng nhiệt và điện lại sinh ra vận động cơ giới của các khối lượng. Và sự chuyển hóa đó diễn ra như sau: một số lượng nhất định của một hình thái vận động bao giờ cũng tuơng ứng với một lượng chính xác nhất định của một hình thái vận động khác".[68]

Quan niệm về vận động của Ph.Ăngghen đối lập với tư tưởng duy tâm, cơ giới máy móc, siêu hình về vận động, dù nó đã chứa đựng những tiền đề của khoa học tự nhiên: "Tư tưởng khái quát cao nhất mà khoa học tự nhiên ấy đã đạt đến là tư tưởng cho rằng mọi trật tự được xác định trong giới tự nhiên là có mục đích, đó là mục đích luận tầm thường củaVôn phơ, thẹo mục đích luận này thì mèo sinh ra là để ăn chuột, chuột sinh ra là để bị mèo ăn và toàn bộ giới tự nhiên được sáng tạo ra để chứng minh trí tuệ của đấng tạo hóa".[69] Ph.Ăngghen cũng phê phán thuyết "chết nhiệt" của Claudiuxơ khi cho rằng sự vận động sẽ dẫn tới khuếch tán năng lượng và vũ trụ sẽ ngày một nguội lạnh, dẫn tới việc không tồn tại sự sống trên trái đất. Tuy nhiên, Ph.Ăngghen khẳng định tính bất diệt của vận động, cũng như của sự sống: "Khoa học tự nhiên hiện đại đã phải vay mượn của triết học luận điểm về tính không thể tiêu diệt được của vận động, không có luận điểm này thì khoa học tự nhiên không thể tồn tại được".[70]

Trên cơ sở những thành tựu của khoa học tự nhiên, Ph.Ăngghen đã nêu lên tính chỉnh thể, tính đa dạng của quá trình vận động, chuyển hóa của thế giới vật chất vô tận và vĩnh viễn.

Thứ hai, tư tưởng về phép biện chứng.

Phép biện chứng trong tác phẩm trước hết biểu hiện ở quan niệm của Ph.Ăngghen về vai trò của tư duy lý luận: "... Cũng như bất kỳ khoa học nào khác, khoa học về tư duy là một khoa học lịch sử, là khoa học về sự phát triển của lịch sử tư duy con người... Còn về phép biện chứng thì cho tới nay mới có hai nhà tư tưởng là Arixtốt và Hêghen đã nghiên cứu tương đối chính xác. Nhưng phép biện chứng là một hình thức tư duy quan trọng nhất đối với khoa học tự nhiên hiện đại, bởi chỉ vì có nó mới có thể đem lại sự tương đồng và do đó đem lại phương pháp giải thích những quá trình phát triển diễn ra trong giới tự nhiên, giải thích những mối liên hệ phổ biến, những bước quá độ từ một lĩnh vực nghiên cứu này sang một lĩnh vực nghiên cứu khác"[71].

Bàn về phép biện chứng trong lịch sử, Ph.Ăngghen đề cập đến phép biện chứng của triết học Arixtốt, Đêcáctơ, Cantơ và Hêghen. Trên tinh thần phê phán, Ph.Ăngghen đã nhấn mạnh hạt nhân hợp lý trong phép biện chứng duy tâm của Hêghen. Theo quan niệm của C.Mác: "Tính chất thần bí mà phép biện chứng đã mắc phải ở trong tay Hêghen tuyệt nhiên không ngăn cản Hêghen trở thành người đầu tiên trình bày một cách bao quát và có ý thức những hình thái vận động chung của phép biện chứng. Ở Hêghen, phép biện chứng bị lộn ngược đầu xuống đất. Chỉ cần dựng nó lại là sẽ phát hiện được cái hạt nhân hợp lý của nó ở đằng sau cái vỏ thần bí của nó".[72] Tư tưởng đó đã khẳng định rằng, biện chứng khách quan của thế giới tự nhiên đóng vai trò quyết định đối với biện chứng chủ quan trong tư duy con người. Những quy luật cơ bản của phép biện chứng như "quy luật về sự chuyển hóa từ số lượng thành chất lượng và ngược lại, quy luật về sự xâm nhập lẫn nhau của các đối lập, quy luật về sự phủ định của phủ định"[73] là sự phản ánh những mối liên hệ cơ bản và phổ biến trong giới tự nhiên và lịch sử. "Vậy là từ trong lịch sử của giới tự nhiên và lịch sử của xã hội loài người mà người ta đã rút ra được các quy luật của phép biện chứng...

Những quy luật biện chứng là những quy luật thật sự của sự phát triển của giới tự nhiên...".[74] Ph.Ăngghen kết luận trên tinh thần của triết học duy vật biện chứng: "Biện chứng gọi là khách quan thì chi phối trong toàn bộ giới tự nhiên, còn biện chứng gọi là chủ quan, tức là tư duy biện chứng, thì chỉ là sự phản ánh sự chi phối, trong toàn bộ giới tự nhiên, của sự vận động thông qua những mặt đối lập, tức là những mặt, thông qua sự đấu tranh thường xuyên của chúng và sự chuyển hóa cuối cùng của chúng từ mặt đối lập này thành mặt đối lập kia"[75].

Với những tư tưởng biện chứng về tính hệ thống, sự chuyển hóa của các quá trình thống nhất và đa dạng trong thế giới vật chất, Ph.Ăngghen viết: "Quan niệm mới về giới tự nhiên đã được hoàn thành trên những nét cơ bản: tất cả cái gì cứng nhắc đều bị tan ra, tất cả cái gì là cố định đều biến thành mây khói, và tất cả những gì đặc biệt mà người ta cho là tồn tại vĩnh cửu thì đã trở thành nhất thời; và người ta đã chứng minh rằng toàn bộ giới tự nhiên đều vận động theo một dòng và một tuần hoàn vĩnh cửu".[76] Bản chất của quá trình biện chứng đó chính là sự bất diệt và vĩnh viễn của vật chất vận động: "Vật chất vận động theo một chu trình bất diệt... một chu trình mà trong đó mỗi hình thức tồn tại hữu hạn của vật chất, dù đó là mặt trời hay là tinh vân, một con vật riêng lẻ hay là một loài động vật, sự hóa hợp hay là sự phân giải hóa học, cũng đều có tính chất tạm thời như nhau; chu trình mà trong đó không có gì là vĩnh cửu, trừ cái vật chất đang vĩnh viễn biến đổi, vĩnh viễn vận động, và các quy luật theo đó vật chất vận động và biến đổi... Chúng ta cũng tin chắc rằng qua tất cả mọi sự chuyển hóa của nó, vật chất vẫn cứ vĩnh viễn như thế, rằng không bao giờ một thuộc tính của nó lại có thể mất đi và vì thế nếu như một ngày kia nó phải hủy diệt mất đóa hoa rực rỡ nhất của nó ở trên trái đất tức là cái tinh thần đang tư duy, thì nó lại phải - cùng với một tính tất yếu sắt thép như thế - tái sinh cái tinh thần ấy ở một nơi nào khác và trong một thời gian nào khác"[77].

Ph.Ăngghen cũng khẳng định rằng, tư duy biện chứng là chìa khóa, là con đường để dẫn tới sự phát triển của khoa học, để khoa học làm tròn sứ mệnh cao cả của nó: "... Một dân tộc muốn đứng vững trên đỉnh cao của khoa học thì không thể không có tư duy lý luận... Chỉ có phép biện chứng mới có thể giúp cho khoa học tự nhiên vuợt khỏi những khó khăn về lý luận...Trên thực tế, ở đây, ngày nay không còn một lối thoát, không còn một khả năng nào để có thể nhìn thấy ánh sáng nếu không từ bỏ tư duy siêu hình mà quay trở lại với tư duy biện chứng, bằng cách này hay cách khác".[78] Bởi vậy, "Trong thực tế, khinh miệt phép biện chứng thì không thể không bị trừng phạt... sự khinh thường phép biện chứng theo kiểu kinh nghiệm chủ nghĩa sẽ bị trừng phạt như sau: nó đưa một số người thực nghiệm chủ nghĩa tỉnh táo nhất sa vào chỗ dị đoan ngu xuẩn nhất, sa vào thần linh học cận đại".[79]

Chính vai trò của phép biện chứng đã dẫn tới mối liên hệ thống nhất giữa triết học và khoa học tự nhiên. Khoa học tự nhiên đặt cơ sở cho những khái quát phổ biến của triết học, còn những khái quát triết học lại trở thành phương pháp luận cho khoa học tự nhiên đi sâu vào nghiên cứu thế giới khách quan. Ph.Ăngghen viết: "Những nhà khoa học tự nhiên tưởng rằng họ thoát khỏi triết học bằng cách không để ý đến nó hoặc phỉ báng nó. Nhưng vì không có tư duy thì họ không thể tiến lên đuợc một bước nào...

Những ai phỉ báng triết học nhiều nhất lại chính là những kẻ nô lệ của những tàn tính thông tục hóa, tồi tệ nhất của những học thuyết triết học tồi tệ nhất. Dù những nhà khoa học tự nhiên có làm gì đi nữa thì họ cũng vẫn bị triết học chi phối. Vấn đề chỉ ở chỗ họ muốn bị chi phối bởi một thứ triết học tồi tệ hợp mốt hay họ muốn được hướng dẫn bởi một hình thức tư duy lý luận dựa trên sự hiểu biết về lịch sử tư tưởng và những thành tựu của nó".[80]

Mối liên hệ biện chứng giữa vật chất vận động với khoa học đã được Ph.Ăngghen chỉ ra trong sự thống nhất: các hình thức vận động của thế giới vật chất là cơ sở để hình thành các lĩnh vực khoa học khác nhau. Đồng thời, sự liên hệ và chuyển hóa giữa các hình thức vận động đã hình thành nên các khoa học liên ngành. Biện chứng khách quan quyết định biện chứng của quả trình nhận thức, tư duy, trong hình thức hóa các khoa học. "Như thế là ở điểm tiếp xúc giữa khoa học phân tử và khoa học nguyên tử, cả hai ngành đều tuyên bố rằng mình không có thẩm quyền, nhưng chính đó là nơi người ta phải chờ đợi những thành quả to lớn nhất".[81]

Thứ ba, tư tưởng của Ph.Ăngghen về sự sống và nguồn gốc con người.

Quá trình phát triển của thế giới tự nhiên là nguồn gốc của sự sống, nguồn gồc của sự hình thành con người và lịch sử xã hội. Dựa trên những thành tựu khoa học tự nhiên vĩ đại của thời kỳ này, Ph.Ăngghen đã chỉ ra quá trình phát triển biện chứng của thế giới tự nhiên: "Có lẽ phải trải qua hàng nghìn năm mới có được những điều kiện trong đó có thể thực hiện được bước tiến tiếp theo và từ chất anbumin không có hình thù nhất định ấy đã có thể xuất hiện tế bào đầu tiên nhờ hình thành nên một cái nhân và một cái màng bọc ở bên ngoài. Nhưng với cái tế bào đầu tiên ấy thì cơ sở cho sự cấu thành hình thức của thế giới hữu cơ cũng đã có... Dựa theo các tài liệu cổ sinh học, thì phát triển trước hết là vô số các loài sinh vật nguyên thủy không tế bào và có tế bào, trong đó chỉ có loại Eozoon canadens là còn sót lại tới ngày nay, và trong đó một vài loài đã dần dần phân hóa để hình thành những cây cỏ đầu tiên, một số loài thì hình thành những động vật đầu tiên. Từ những động vật đầu tiên đã phát triển - chủ yếu là do sự tiếp tục phân hóa vô số những lớp, bộ, họ, giống và loài động vật để rồi sau cùng đi đến cái hình thái mà trong đó hệ thống thần kinh đạt tới trình dộ phát triển đầy đủ nhất, tức là hình thức các loài có xương sống, và cuối cùng trong các loài có xương sống mà trong đó giới tự nhiên đạt tới trình độ tự nhận thức được mình: đó là con người".[82]

Quá trình phát triển của thế giới tự nhiên đạt đến mức cao nhất ở sự hình thành con người và xã hội loài người. Con người trở thành chủ thể của tự nhiên - xã hội, cải biến thế giới tự nhiên và xã hội phục vụ cho mục đích của mình. "Chỉ có con người mới đạt được đến chỗ in cái dấu của mình lên giới tự nhiên, không chỉ bằng cách di chuyển các loài thực vật và động vật từ chỗ này sang chỗ khác, mà còn làm biến đổi cả cây cỏ và các thú vật tới một mức độ mà kết quả của hoạt động của họ chỉ có thể biến mất, khi nào toàn bộ trái đất tiêu vong".[83]

Ph.Ăngghen cũng chứng minh nguồn gốc của sự sống xuất phát từ những điều kiện tất yếu của các quá trình hóa học, sinh học, phủ định vai trò sáng tạo của Thượng đế hoặc du nhập sự sống từ không gian vũ trụ. Từ đó, Ph.Ăngghen chỉ ra vai trò của lao động và ngôn ngữ trong việc hình thành con người. "Các nhà kinh tế chính trị khẳng định rằng lao động là nguồn gốc của mọi của cải. Lao động đúng là như vậy, khi đi đôi với tự nhiên là cái cung cấp những vật liệu cho lao động biến thành của cải. Nhưng lao động còn là một cái gì vô cùng lớn lao hơn thế nữa. Lao động là điều kiện cơ bản đầu tiên của toàn bộ đời sống loài người, và như thế đến một mức mà trên một ý nghĩa nào đó, chúng ta phải nói: lao động đã sáng tạo ra bản thân con người".[84]

Ph.Ăngghen đã trình bày quan niệm về vai trò quyết định của lao động trong quá trình chuyển biến từ vượn thành người. Do lao động mà bàn tay con người ngày càng biến đổi để phù hợp với tính chất phức tạp của quá trình lao động. Lao động tạo nên vật phẩm dồi dào, để từ đó con người ngày càng có điều kiện phát triển về thể lực và trí lực. Lao động cũng là điều kiện tất yếu để hình thành ngôn ngũ và tư duy. "Dần dần với sự phát triển của bàn tay và với quá trình lao động, con người bắt đầu thống trị tự nhiên và cứ mỗi lần sự thống trị đó tiến lên một bước, là mỗi lần nó mở rộng thêm tầm mắt của con người".[85] "Đem so sánh con người với các loài vật, người ta sẽ thấy rõ rằng ngôn ngữ bắt nguồn từ lao động và cùng phát triển với lao động, đó là cách giải thích duy nhất đúng về nguồn gốc của ngôn ngữ".[86]

Từ đó, Ph.Ăngghen kết luận: "Trước hết là lao động; sau lao động và đồng thời với lao động là ngôn ngữ, đó là hai sự kích thích chủ yếu đã ảnh hưởng đến bộ óc của con vượn, làm cho bộ óc nó dần dần biến chuyển thành bộ óc của con người".[87] Đồng thời, thông qua quá trình phát triển của lao động và ngôn ngữ mà các giác quan của con người ngày càng hoàn thiện, các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội ra đời và phát triển. Ph.Ăngghen cho rằng: "Từ thế hệ này sang thế hệ khác, chính ngay lao động cũng ngày càng nhiều vẻ hơn, hoàn thiện hơn, có nhiều mặt hơn. Thêm vào nghề săn bắn và chăn nuôi thi còn có nông nghiệp, và tiếp theo đó, lại có thêm nghề kéo chỉ, dệt vải, nghề làm kim khí, nghề làm đồ gốm và nghề hàng hải. Cuối cùng, nghệ thuật và khoahọc ra đời bên cạnh thương nghiệp và công nghiệp; các bộ lạc biến thành những dân tộc và quốc gia, pháp luật và chính trị phát triển, và song song với những cái đó, cũng phát triển sự phản ánh một cách ảo tưởng tồn tại của con người vào trong đầu óc của con người: tôn giáo".[88]

Rõ ràng, lao động là cơ sở đầu tiên để hình thành con người và lịch sử xã hội một cách tự giác. Phương pháp biện chứng duy vật áp dụng vào nghiên cứu các vấn đề xã hội đã vạch rõ bản chất, nguồn gốc, động lực của quá trình lịch sử chính là lao động, đó là phát hiện cực kỳ to lớn của Ph.Ăngghen.

Tóm lại, "Biện chứng của tự nhiên" là một tác phẩm mẫu mực trong kho tàng kinh điển của triết học C.Mác và Ph.Ăngghen. Vận dụng phương pháp biện chứng duy vật vào việc giải quyết những vấn đề của tự nhiên và lịch sử, Ph.Ăngghen đã trình bày một cách khoa học về tính biện chứng khách quan của giới tự nhiên, về sự phát triển của khoa học tự nhiên trong mối quan hệ với triết học, về vật chất vận động, về nguồn gốc loài người và lịch sử xã hội. Tác phẩm đã thể hiện quan điểm duy vật biện chứng và duy vật lịch sử một cách thuyết phục.

Năm 1886, Ph.Ăngghen viết tác phẩm "Lútvích Phoiơbắc và sự cáo chung của triết học cổ điển Đức", hoàn thành và được xuất bản năm 1888.

Nội dung của tác phẩm đề cập đến nhiều vấn đề như vấn đề cơ bản của triết học, đánh giá về lịch sử triết học cổ điển Đức, phương pháp luận triết học duy vật biện chứng, thực chất của cuộc cách mạng trong lịch sử triết học của C.Mác và Ph.Ăngghen. Sau đây là một số nội dung nội bật.

Vấn đề cơ bản của triết học[edit]

Ph.Ăngghen đã xác lập tiêu chuẩn để phân chia các hệ thống triết học, và cũng là cơ sở để xác định đối tượng và phương pháp nghiên cứu triết học trong lịch sử. Ph.Ăngghen nêu lên định nghĩa về vấn đề cơ bản của triết học: "Vấn đề cơ bản lớn của mọi triết học, đặc biệt là của triết học hiện đại, là vấn đề quan hệ giữa tư duy và tồn tại".[89] Bởi vì, Ph.Ăngghen giải thích rằng "ngay từ thời hết sức xa xưa, khi con người hoàn toàn chưa biết gì về cấu tạo thân thể của họ và chưa biết giải thích những điều thấy trong giấc mơ, họ đã đi đến chỗ quan niệm rằng tư duy và cảm giác của họ không phải là hoạt động của chính thân thể họ, mà là hoạt động của một linh hồn đặc biệt nào đó cư trú trong thân thể và rời bỏ thân thể khi họ chết, ngay từ thuở đó, họ đã phải suy nghĩ về quan hệ giữa linh hồn ấy với thế giới bên ngoài".[90]

Ph.Ăngghen khẳng định hai mặt của vấn đề cơ bản của triết học. Mặt thứ nhất: "Vấn đề quan hệ giữa tư duy với tồn tại, giữa tinh thần với tự nhiên, một vấn đề tối cao của toàn bộ triết học... xem cái nào có trước, tinh thần hay tự nhiên? Vấn đề đó bất chấp giáo hội, lại mang một hình thức gay gắt: thế giới là do Chúa trời sáng tạo ra, hay nó vẫn tồn tại từ trước đến nay? ".[91] Xuất phát từ việc giải quyết mối quan hệ ấy mà phân chia các hệ thống triết học. Ph.Ăngghen nói: "Cách giải đáp vấn đề ấy đã chia các nhà triết học thành hai phe lớn. Những người quả quyết rằng tinh thần có trước tự nhiên... thuộc phe chủ nghĩa duy tâm. Còn những người cho rằng tự nhiên là cái có trước thì thuộc các học phái khác nhau của chủ nghĩa duy vật".[92] Mặt thứ hai của vấn đề cơ bản của triết học, đó là "tư duy của chúng ta có thể nhận thức được thế giới hiện thực không? Trong các quan niệm và các khái niệm của chúng ta về thế giới hiện thực, chúng ta có thể phản ánh được một hình ảnh đúng đắn của hiện thực không?".[93] Ph.Ăngghen cho rằng phần lớn các nhà triết học thừa nhận con người có thể nhận thức được thế giới, còn một số nhà triết học như Hium và Cantơ lại phủ nhận khả năng nhận thức của con người.

Trên tinh thần duy vật biện chứng, Ph.Ăngghen khẳng định động lực của sự phát triển tư duy là xuất phát từ điều kiện vật chất của lịch sử xã hội: "Từ Đềcáctơ đến Hêghen và từ Hốpxơ đến Phoiơbắc, điều thúc đẩy các nhà triết học tiến lên, hoàn toàn không phải chỉ là sức mạnh của tư duy thuần túy, như họ tưởng. Cái thật ra đã thúc đẩy họ tiến lên chủ yếu là bước tiến mạnh mẽ, ngày càng nhanh chóng và ngày càng mãnh liệt của khoa học tự nhiên và của công nghiệp".[94]

Có thể nói rằng, theo tinh thần của Ph.Ăngghen, thì sự phát triển của lịch sử triết học là cuộc đấu tranh giữa chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa duy tâm, trên cơ sở vấn đề cơ bản của triết học.

Đánh giá triết học Hêghen và Phoiơbắc.[edit]

Là người nghiên cứu rất sâu sắc về triết học Hêghen, Ph.Ăngghen đánh giá cao vai trò của phép biện chứng duy tâm mặc dù nó mâu thuẫn với hệ thống triết học đó. Tuy nhiên, Ph.Ăngghen cho rằng: "Hiển nhiên là do những nhu cầu của "hệ thống", ông thuờng phải dùng đến những kết cấu gượng gạo, và mãi đến nay bọn thù địch nhỏ mọn của ông vẫn còn la lối thật om sòm về những kết cấu ấy. Nhưng những kết cấu đó chỉ là cái khung, cái gian cho công trình của ông mà thôi. Nếu người ta đừng phí công đếng lại ở những kết cấu ấy mà đi sâu hơn nữa vào trong tòa nhà độ sộ, người ta sẽ thấy trong ấy có vô số những vật quý giá đến nay vẫn còn giữ được toàn bộ giá trị của chúng. Đối với tất cả các nhà triết học, hệ thống chính là cái tạm thời, vì nó nẩy sinh từ một nhu cầu không tạm thời của tinh thần con người, nhu cầu khắc phục tất cả mọi mâu thuẫn"[95].

Hạt nhân hợp lý của triết học Hêghen là phép biện chứng. Ph.Ăngghen viết: "Nhưng tất cả những điều đó không ngăn trở hệ thống Hêghen bao trùm một lĩnh vực hết sức rộng hơn bất cứ hệ thống nào trước kia, và phát triển, trong lĩnh vực đó, một sự phong phú về tư tưởng mà ngày nay người ta vẫn còn ngạc nhiên. Hiện tượng học tinh thần... lôgíc học, triết học tự nhiên, triết học tinh thần... triết học lịch sử, triết học pháp quyền, triết học tôn giáo, lịch sử triết học, mỹ học v.v…, trong từng lĩnh vực lịch sử khác nhau ấy, Hêghen cố gắng phát hiện ra và chỉ rõ sợi chỉ đỏ của sự phát triển xuyên suốt lĩnh vực ấy. Vì Hêghen không những chỉ là một thiên tài sáng tạo, mà còn là một nhà bác học có tri thức bách khoa, nên những phát biểu của ông tạo thành thời đại"[96].

Xuất phát từ mâu thuẫn trong triết học Hêghen mà hình thành các trường phái triết học khác nhau: "Toàn bộ học thuyết của Hêghen đã đến một khoảng rất rộng cho các quan điểm đảng phái thực tiễn hết sức khác nhau. Và trong giới lý luận Đức hồi ấy, trước hết có hai việc có ý nghĩa thực tiễn: tôn giáo và chính trị. Người nào chủ yếu coi trọng hệ thống của Hêghen thì người đó có thể là khá bảo thủ trong hai lĩnh vực đó; còn người nào chọn phương pháp biện chứng là chủ yếu thì người đó, về chính trị cũng như về tôn giáo, có thể thuộc vào phái đối lập cực đoan nhất"[97].

Dù xuất phát từ lập trường thế giới quan duy tâm, nhưng triết học của Hêghen, xét về phương pháp biện chứng, là có ý nghĩa cách mạng, thể hiện quá trình liên hệ, tác động, chuyển hóa và phát triển không ngừng của thế giới. Ph.Ăngghen khẳng dịnh: "Những ý nghĩa thực sự và tính chất cách mạng của triết học Hêghen... chính là ở chỗ nó đã vĩnh viễn kết liễu tính tối hậu của những kết quả của tư tưởng và của hành động con người"[98]. "Đối với triết học biện chứng đó thì không có gì là tối hậu, là tuyệt đối, là thiêng liêng cả. Nó chỉ ra - trên mọi sự vật và trong mọi sự vật - dấu ấn của sự suy tàn tất yếu, và đối với nó, không có gì tồn tại ngoài quá trình không ngừng

của sự hình thành và sự tiêu vong, của sự tiến triển vô cùng tận từ thấp lên cao"[99].

Về triết học Phoiơbắc, Ph.Ăngghen đánh giá cao thế giới quan duy vật nhân bản nhưng đồng thời cũng chỉ ra hạn chế của hệ thống triết học đó, bởi vì trong đó chứa đựng tính chất máy móc, siêu hình và duy tâm về mặt lịch sử.

Đóng góp của triết học Phoiơbắc, theo Ph.Ăngghen, là đã đưa "chủ nghĩa duy vật trở lại ngôi vua... Tất cả chúng tôi lập tức trở thành môn đồ của Phoiơbắc... Quan điểm mới đó dã ảnh hưởng mạnh mẽ đến Mác như thế nào, mặc dù Mác vẫn có những ý kiến bảo lưu có tính chất phê phán".[100] Song, do chưa vượt qua được hạn chế của thời đại mình, đồng thời, với phương pháp tư duy siêu hình, Phoiơbắc không chỉ phê phán thế giới quan duy tâm mà còn phủ định hạt nhân hợp lý là phép biện chứng trong triết học Hêghen. "Chỉ tuyên bố một hệ thống triết học nào đó là sai lầm thì chưa có nghĩa là thắng được nó... Nghĩa là phải tiêu diệt hình thức của nó bằng phê bình, nhưng cứu lấy nội dung mới mà nó đã đạt được"[101].

Ph.Ăngghen phê phán triết học của Phoiơbắc là biểu hiện của chủ nghĩa duy tâm về lịch sử.[edit]

Khi nói về tôn giáo theo quan niệm của Phoiơbắc, Ph.Ăngghen viết: "Lời khẳng định của Phoiơbắc cho rằng các thời đại của loài người chỉ khác nhau bởi những thay đổi về phương diện tôn giáo là hoàn toàn sai. Chỉ có thể nói đến những bước ngoặt lịch sử lớn có kèm theo những sự thay đổi về tôn giáo"[102].

Bàn đến vấn đề con người, Phoiơbắc lại trừu tượng hóa vấn đề con người. Ph.Ăngghen đã phê phán: "Về hình thức, ông là một người hiện thực chủ nghĩa, ông lấy con người làm xuất phát điểm, song ông hoàn toàn không nói đến thế giới trong đó con người ấy sống, vì vậy, con người mà ông nói, luôn luôn là con người trừu tượng"[103]. Về đạo đức con người, Phoiơbắc đồng nhất quan hệ đạo đức trong mọi giai đoạn lịch sử, mọi thời đại khác nhau. Ph.Ăngghen cho rằng: "Những vết tích cuối cùng của tính chất cách mạng trong triết học của ông đều biến mất hết và chỉ còn lại cái điệp khúc cũ kỹ: hãy yêu nhau đi, hãy ôm nhau đi, không cần phân biệt nam nữ và đẳng cấp. Thật là giấc mơ thiên hạ thuận hòa... Học thuyết của Phoiơbắc về đạo đức thì cũng giống như tất cả những học thuyết trước đó. Nó được gọt giũa cho thích hợp với mọi thời kỳ, mọi dân tộc, mọi hoàn

cảnh, và chính vì thế mà không bao giờ nó có thể đem áp dụng được ở đâu cả"[104].

Rõ ràng, dù xuất phát từ nền tảng thế giới quan duy vật, nhưng Phoiơbắc đã rơi vào duy tâm, siêu hình khi nhận thức về con người và lịch sử. Tuy nhiên, hạn chế, theo Ph.Ăngghen, "là lỗi tại những điều kiện thảm hại ở Đức hồi đó, những điều kiện đã khiến cho những ghế Giáo sư triết học đều do bọn chiết trung chủ nghĩa chuyên giết rệp chiếm đoạt hết, còn Phoiơbắc, người vuợt tất cả những bọn đó một trời một vực, lại buộc phải nông dân hóa và rầu rĩ trong một làng nhỏ. Nếu như Phoiơbắc vẫn không tiếp thu được quan điểm lịch sử về tự nhiên, từ nay trở thành có thể có được và trút bỏ được tất cả cái gì là phiến diện trong chủ nghĩa duy vật Pháp, thì đó không phải là lỗi tại ông".[105]

Về bước ngoặt cách mạng trong triết học.[edit]

Thực chất của việc phê phán triết học Hêghen và Phoiơbắc chính là để khẳng định những nguyên lý của triết học duy vật biện chứng. Bởi vậy, Ph.Ăngghen đánh giá các nhà triết học Đức trong lịch sử đều quan niệm triết học theo truyền thống: "Nhưng cái triết học bay lượn trên tất cả các khoa học riêng biệt và tổng hợp các khoa học ấy lại thành khoa học của các khoa học thì đối với Phoiơbắc vẫn là một hàng rào không thể vượt qua được, một vật thiêng liêng bất khả xâm phạm, mà với tư cách là nhà triết học, ông cũng dừng lại ở nửa đường, nửa dưới thì duy vật nhưng nửa trên thì duy tâm"[106].

Đối với Hêghen, Ph.Ăngghen nhận xét rằng: "... Khía cạnh cách mạng đã trình bày trên kia của triết học Hêghen, tức là phương pháp biện chứng, làm điểm xuất phát. Nhưng dưới hình thức kiểu Hêghen thì phương pháp ấy không dùng được. Ở Hêghen, biện chứng là sự tự phát triển của ý niệm"[107].

Cho nên, tính chất không triệt để về thế giới quan và phương pháp biện chứng là đặc điểm chung nhất mà các nhà triết học Đức từ Hêghen đến Phoiơbắc không thể vượt qua. Ph.Ăngghen cho rằng triết học duy vật biện chứng là kết quả của sự cải tạo một cách cơ bản chủ nghĩa duy vật nhân bản của Phoiơbắc và phép biện chứng duy tâm của Hêghen. Ph.Ăngghen viết: "Chúng tôi lại trở về với quan điểm duy vật và thấyrằng những ý niệm trong đầu óc của chúng ta là những phản ánh của sự vật hiện thực, chứ không xem những sự vật hiện thực là những phản ánh của giai đoạn này hay giai đoạn khác của ý niệm tuyệt đối. Do đó, phép biện chứng đuợc quy thành khoa học về các quy luật chung của sự vận động của thế giới bên ngoài cũng như của tư duy con người".[108] "Những quy luật đó tự mở cho mình một con đường đi, một cách vô ý thức, dưới hình thức tính tất yếu bên ngoài, giữa một loạt vô cùng tận những ngẫu nhiên bề ngoài. Nhưng như vậy thì bản thân biện chứng của ý niệm cũng chỉ đơn thuần là sự phản ánh có ý thức của sự vận động biện chứng của thế giới hiện thực; và làm như vậy, là phép biện chứng của Hêghen đã được đặt ngược lại, hay nói đúng hơn từ chỗ trước kia nó đứng bằng đầu, bây giờ nguời ta đặt nó đứng bằng chân... Nhưng như thế là mặt cách mạng của triết học Hêghen được khôi phục lại và đồng thời được giải thoát khỏi những đồ trang sức duy tâm chủ nghĩa".[109]

Ph.Ăngghen cũng chứng minh mối quan hệ thống nhất giữa những thành tựu của khoa học tự nhiên với những kết luận triết học. Khoa học tự nhiên, đặc biệt là ba phát minh vĩ đại: thuyết tế bào, định luật chuyển hóa năng lượng và thuyết tiến hóa đã đóng vai trò là tiền đề cho sự hình thành và phát triển của phương pháp biện chứng duy vật. Ph.Ăngghen viết: "Đặc biệt có ba phát hiện vĩ đại đã làm cho kiến thức của chúng ta về mối liên hệ của các quá trình tự nhiên tiến lên những bước khổng lồ... Nhờ ba phát hiện vĩ đại đó và nhờ những thành tựu lớn lao khác của khoa học tự nhiên mà ngày nay chúng ta có thể chứng minh những nét lớn của mối liên hệ giữa các quá trình của tự nhiên không những trong các lĩnh vực riêng biệt, mà cả mối liên hệ giữa các lĩnh vực ấy nói chung và có thể trình bày một bức tranh bao quát về mối liên hệ trong tự nhiên, dưới một hình thức gần như có hệ thống, bằng các sự kiện do chính khoa học tự nhiên thực nghiệm cung cấp"[110].

Vận dụng triết học duy vật biện chứng vào việc nhận thức các quy luật của lịch sử xã hội là một vấn đề có ý nghĩa căn bản của triết học Mác, được Ph.Ăngghen khái quát trong tác phẩm này. Điều đó cũng biểu hiện tính chất duy vật triệt để của chủ nghĩa duy vật biện chứng trong lĩnh vực xã hội. Ph.Ăngghen viết: "Điều đã đúng với giới tự nhiên mà chúng ta coi là một quá trình phát triển lịch sử, thì cũng đúng với tất cả các bộ môn của lịch sử xã hội và cũng đúng với toàn bộ các khoa học như nghiên cứu những cái thuộc về con người... Cho nên ở đây, cũng hệt như trong lĩnh vực tự nhiên, cần phải loại bỏ những mối liên hệ nhân tạo ấy, bằng cách tìm ra những mối liên hệ hiện thực - một nhiệm vụ mà xét đến cùng, là phải phát hiện ra những quy luật vận động chung, những quy luật chi phối lịch sử của xã hội loài người".[111]

Ph.Ăngghen cũng chỉ ra sự khác nhau giữa tự nhiên và lịch sử. Quy luật tự nhiên tự nó diễn ra, còn quy luật của lịch sử thì phải thông qua hoạt động tự giác, có mục đích của con người. "Con người làm ra lịch sử của mình - vô luận là lịch sử này diễn ra như thế nào - bằng cách là mỗi người theo đuổi những mục đích riêng, mong muốn một cách có ý thức, và chính kết quả chung của vô số những ý muốn tác động theo nhiều hướng khác nhau đó và của những ảnh hưởng muôn vẻ của những ý muốn đó vào thế giới bên ngoài đã tạo nên lịch sử".[112]

Ph.Ăngghen khẳng định rằng, động lực thúc đẩy sự phát triển của lịch sử xã hội là cuộc đấu tranh giữa các giai cấp đối lập nhau, vì lợi ích của mình, mà trước hết là lợi ích kinh tế. Suy đến cùng, các quan hệ về chính trị, nhà nước, pháp quyền, tôn giáo đều xuất phát từ nguồn gốc sâu xa là quan hệ về kinh tế đóng vai trò quyết định. Ph.Ăngghen viết: "Trong cuộc đấu tranh giữa giai cấp chiếm hữu ruộng đất và giai cấp tư sản, cũng như trong cuộc đấu tranh giữa giai cấp tư sản và giai cấp vô sản, thì trước hết, vấn đề là ở những lợi ích kinh tế - để thỏa mãn những lợi ích kinh tế thì quyền lực chính trị chỉ được sử dụng làm một phương tiện đơn thuần".[113] Trong lịch sử hiện đại thì như vậy là ít nhất cũng đã chứng minh được rằng tất cả cuộc đấu tranh chính trị đều là đấu tranh giai cấp, và tất cả các cuộc đấu tranh giai cấp, dù hình thức chính trị tất yếu của chúng là thế nào đi nữa - vì bất cứ cuộc đấu tranh giai cấp nào cũng đều là đấu tranh chính trị - xét đến cùng, đều xoay quanh vấn đề giải phóng về kinh tế. Do đó, ít ra là ở đây, nhà nước, tức là chế độ chính trị, cũng là yếu tố tùy thuộc, còn xã hội công dân, tức là lĩnh vực của những quan hệ kinh tế, là yếu tố quyết định".[114] Chính vì vậy, quy luật của lịch sử chỉ được rút ra từ bản thân lịch sử, chứ không phải từ đầu óc chủ quan của con người: "Bằng chứng phải được rút ra từ bản thân lịch sử... Bây giờ thì bất cứ ở đâu, vấn đề không còn là tưởng tượng ra những mối liên hệ từ trong đầu nó, mà là phát hiện ra chúng từ những sự thật"[115].

Ph.Ăngghen đánh giá vai trò quyết định của C.Mác trong việc sáng tạo ra chủ nghĩa duy vật biện chứng, chủ nghĩa duy vật lịch sử và phép biện chứng duy vật, và nói chung là toàn bộ chủ nghĩa Mác. Ph.Ăngghen viết: "Phần đóng góp của tôi - không kể có thể ngoại trừ một vài lĩnh vực chuyên môn - thì không có tôi, Mác vẫn có thể làm được. Nhưng điều mà Mác đã làm thì tôi không thể làm được. Mác đứng cao hơn, nhìn xa hơn, rộng hơn và nhanh hơn tất cả chúng tôi. Mác là một thiên tài. Còn chúng tôi may lắm cũng chỉ là những tài năng thôi. Nếu không có Mác thì lý luận thật khó mà được như ngày nay. Vì vậy, lý luận đó mang tên của Mác là điều chính đáng".[116]

Tác phẩm "Lútvích Phoiơbắc và sự cáo chung của triết học cổ điển Đức" đã thể hiện những quan điểm cơ bản của chủ nghĩa duy vật biện chứng, chủ nghĩa duy vật lịch sử, phép biện chứng duy vật, trên cơ sở phê phán một cách khoa học triết học Hêghen và Phoiơbắc. Tác phẩm còn đóng vai trò là cơ sở lý luận cho phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân, là sự tổng kết những vấn đề triết học trên cơ sở những thành tựu của khoa học tự nhiên, là phương pháp luận nhận thức đối với thế giới khách quan. Vì vậy, nó đóng vai trò là một trong những tác phẩm quan trọng nhất ở giai đoạn hoàn chỉnh những tư tưởng cơ bản của triết học Mác.

V.I. Lênin (22/4/1870 - 21/1/1924) phát triển triết học Mác[edit]

Hoàn cảnh lịch sử[edit]

Cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, chủ nghĩa tư bản phát triển và chuyển sang giai đoạn chủ nghĩa đế quốc. Sự phát triển đó, một mặt làm tăng thêm khả năng kinh tế của các nước tư bản chủ nghĩa, nhưng mặt khác, lại làm cho bản chất bóc lột và thống trị của chủ nghĩa tư bản ngày càng biểu hiện rõ. Bởi vậy, những mâu thuẫn tất yếu trong lòng xã hội tư bản từng bước bộc lộ và ngày càng gay gắt, mà điển hình là mâu thuẫn giữa giai cấp tư sản và giai cấp vô sản. Theo quy luật, các cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc ở các nước thuộc địa ngày càng mạnh mẽ, tạo nên một phong trào thống nhất giữa cách mạng giải phóng dân tộc và cách mạng vô sản, giữa nhân dân các nước thuộc địa với giai cấp công nhân ở chính quốc để chống chủ nghĩa tư bản với các hình thức và mức độ khác nhau.

Trong giai đoạn nay, trung tâm của các cuộc đấu tranh cách mạng là nước Nga. Giai cấp vô sản và nhân dân lao động Nga, dưới sự lãnh đạo của Đảng Bônsêvích, Đảng vô sản kiểu mới của Lênin, đã trở thành ngọn cờ đầu của phong trào cách mạng vô sản thế giới. Các cuộc cách mạng của thời kỳ này ở nước Nga như cách mạng dân chủ tư sản 1905 - 1907, cách mạng tháng Hai 19l7 và phát triển trở thành cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa tháng Mười vĩ đại, lập nên nhà nước công nông đầu tiên trên thế giới, mở ra thời kỳ mới của lịch sử nhân loại, thời kỳ quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới.

Cùng với sự phát triển của nền công nghiệp tư bản chủ nghĩa, khoa học tự nhiên trong giai đoạn này đã đạt được những thành quả mới, đi sâu vào nghiên cứu thế giới vi mô, với những thành tựu trên nhiều lĩnh vực khoa học tự nhiên, đặc biệt là vật lý học. Xuất phát từ chỗ những nhà khoa học giỏi về năng lực nghiên cứu nhưng lại bấp bênh về thế giới quan và ph-ương pháp luận triết học nên đòi hỏi cần phải có sự khái quát về triết học duy vật biện chứng, làm cơ sở phương pháp luận cho sự phát triển của khoa học tự nhiên. Trong giai đoạn "khủng hoảng về vật lý học", Lênin đã viết một số tác phẩm triết học quan trọng, có ý nghĩa khái quát những thành tựu của khoa học tự nhiên, làm phát triển thêm tư tưởng thống nhất giữa triết học và khoa học tự nhiên mà C.Mác và Ph.Ăngghen đã đặt nền móng.

Thời kỳ này, nhiều khuynh hướng triết học đối lập xuất hiện, tấn công vào triết học Mác. Những trào lưu triết học như chủ nghĩa kinh nghiệm phê phán, chủ nghĩa thực dụng, chủ nghĩa xét lại, đội lốt đổi mới chủ nghĩa Mác, biểu hiện trường phái Mensêvích, những người Nga theo chủ nghĩa Makhơ, bọn xét lại trong Quốc tế 11, đều nhằm mục đích phủ nhận chủ nghĩa Mác, và thay vào đó là các hình thức của chủ nghĩa duy tâm, tôn giáo.

Như vậy thực tiễn lịch sử đặt ra vấn đề cần phải đấu tranh về mặt lý luận dể chống lại các khuynh hướng tư tưởng đối lập, bảo vệ và phát triển triết học Mác. Trong điều kiện đó, Lênin - Lãnh tụ vĩ đại của giai cấp công nhân và nhân dân thế giới - đã đảm nhận vai trò lịch sử đó. Lênin đã phát triển toàn diện chủ nghĩa Mác, đặc biệt là triết học, để hình thành giai đoạn Lênin, với những kết luận mới phù hợp với thực tiễn lịch sử và khoa học của thời kỳ này.

Nội dung cơ bản của quá trình Lênin phát triển triết học Mác[edit]

Thời kỳ Lênin phát triển triết học Mác được chia thành các giai đoạn sau đây:

Giai đoạn 1893 - 1907[edit]

Từ những năm 80 của thế kỷ XIX, chủ nghĩa Mác được truyền vào nuớc Nga. Nhóm "Giải phóng lao động" do Plêkhanốp đứng đầu đã dịch một số tác phẩm của C.Mác và. Ph.Ăngghen ra tiếng Nga như "Sự khốn cùng của triết học", "Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản", "Lútvích Phoiơbắc và sự cáo chung của triết học cổ điển Đức"... Plêkhanốp cũng viết nhiều tác phẩm chống lại phái dân túy như "Chủ nghĩa xã hội và đấu tranh chính trị", "Những sự bất đồng giữa chúng ta", "Khái luận về lịch sử của chủ nghĩa duy vật"... Tuy nhiên, Plêkhanốp lại không đứng trên lập trường của giai cấp vô sản để giải quyết những vấn đề cơ bản như không thấy được vai trò lịch sử của giai cấp công nhân và liên minh công - nông, xem giai cấp tư sản tự do chủ nghĩa là giai cấp cách mạng. Sai lầm này đã đưa Plêkhanốp xa rời lập trường mácxít và chuyển sang lập trường của nhóm cơ hội mensêvích.

Trước tình hình đó, Lênin đã viết nhiều tác phẩm quan trọng để đấu tranh chống lại phái dân túy, bảo vệ và phát triển chủ nghĩa Mác.

Tác phẩm "Những người bạn dân là thế nào và họ đấu tranh chống những người dân chủ - xã hội ra sao" (1894) là bản cương lĩnh của một chỉnh đảng mới ra đời ở nước Nga. Lênin vạch trần cơ sở triết học duy tâm chủ quan và phương pháp siêu hình của giai cấp tư sản tự do thể hiện trong cương lĩnh về kinh tế và chính trị của chúng. Lênin vạch rõ những mâu thuẫn trong xã hội Nga, đồng thời chỉ ra con đường phát triển tất yếu của lịch sử và vai trò giai cấp vô sản trong sự liên minh với giai cấp nông dân nhằm lật đổ chế độ Nga hoàng, thiết lập chế độ mới xã hội chủ nghĩa. Khẳng định vấn đề hình thái kinh tế - xã hội với những quy luật khách quan quyết định sự vận động của lịch sử xã hội, Lênin viết: "Chỉ có đem quy những quan hệ sản xuất vào trình độ của những lực lượng sản xuất thì người ta mới có được một cơ sở vững chắc để quan niệm sự phát triển của những hình thái xã hội là một quá trình lịch sử - tự nhiên. Và dĩ nhiên là không có một quan điểm như thế thì không thể có một khoa học xã hội được".[117]

Trong tác phẩm, Lênin đã vẫn dùng phương pháp biện chứng của triết học Mác để nhận thức những quy luật vận động, phát triển của lịch sử xã hội, để phương pháp biện chứng duy vật trở thành một khoa học chân chính. Lênin nói: "Không bao giờ có một người mácxít nào đã xây dựng những quan điểm dân chủ - xã hội của mình trên một cơ sở nào khác, ngoài cái cơ sở là sự phù hợp của những quan điểm ấy với hiện thực và với lịch sử những quan hệ kinh tế - xã hội nhất định... Vì về mặt lý luận thì sự đòi hỏi đó đã được chính bản thân Mác, người sáng lập ra "chủ nghĩa Mác", nêu lên một cách hoàn toàn rõ ràng và chính xác, và coi đó là cơ sở của toàn bộ học thuyết của mình".[118]

Tác phẩm trên của Lênin cũng đặt ra những vấn đề khác của triết học lịch sử như vai trò nhân tố chủ quan trong cách mạng xã hội, vai trò quần chúng nhân dân và cá nhân trong lịch sử... Tất cả những nội dung trên đều nhằm khẳng định một chân lý mà Lênin chỉ rõ: "Người ta không thể có một lý luận cách mạng nào ngoài chủ nghĩa Mác cả, họ càng mau chóng dồn hết tâm sức của mình ra để vận dụng lý luận đó vào nước Nga, cả về mặt lý luận lẫn về mặt thực tiễn, thì thắng lợi của công tác cách mạng sẽ càng chắc chắn và càng mau chóng".[119] Lênin nêu cao vai trò của học thuyết Mác. "Sức hấp dẫn không gì cưỡng nổi đã lôi cuốn những người xã hội chủ nghĩa của tất cả các nước đi theo lý luận đó, chính là ở chỗ nó kết hợp tính chất khoa học chặt chẽ và cao độ đó là đỉnh cao nhất của khoa học xã hội với tinh thần cách mạng... Một sự kết hợp nội tại và khăng khít".[120]

Tác phẩm "Làm gì ?" (1902), Lênin đã làm sáng tỏ những nguyên lý của chủ nghĩa duy vật lịch sử. Đó là vấn đề đấu tranh giai cấp của giai cấp vô sản trước khi giành chính quyền với các hình thức: đấu tranh kinh tế, đấu tranh tư tưởng, đấu tranh chính trị, trong đó, đấu tranh chính trị có ý nghĩa quyết định để lật đổ giai cấp thống trị, giành lấy chính quyền cách mạng. Lênin cũng nhấn mạnh vai trò của hệ tư tưởng lý luận trong cuộc đấu tranh cách mạng. Hệ tư tưởng của chủ nghĩa Mác không hình thành một cách tự phát trong phong trào công nhân, mà nó được truyền bá, giáo dục một cách tự giác trong phong trào đó. Vì vậy, tuyên truyền lý luận cách mạng là một nội dung quan trọng để hướng tới mục tiêu đấu tranh chính trị trong cách mạng vô sản.

Năm 1905, Lênin viết tác phẩm "Hai sách lược của đảng dân chủ - xã hội trong cách mạng dân chủ". Đây là một tác phẩm mẫu mực trong việc giải quyết những nội dung của cách mạng tư sản trong thời đại đế quốc chủ nghĩa. Lênin đã bác bỏ quan điểm của phái mensêvích và phái xét lại Tây Âu lúc bấy giờ, và chỉ rõ tính chất của cuộc cách mạng Nga lần thứ nhất là cuộc cách mạng dân chủ tư sản, nhưng do giai cấp vô sản lãnh đạo trong mối quan hệ liên minh với giai cấp nông dân. Vì vậy, cách mạng dân chủ tư sản sẽ chuyển thành cách mạng xã hội chủ nghĩa. Lênin cũng bác bỏ quan điểm của các lãnh tụ cơ hội trong Quốc tế 11, để khẳng định rằng thắng lợi của cách mạng dân chủ là tiền đề để tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa. Tác phẩm cũng nhấn mạnh vai trò quần chúng nhân dân, của nhân tố chủ quan, vai trò các đảng chính trị trong cuộc đấu tranh cách mạng để tiến tới thắng lợi.

Giai đoạn 1907 đến cách mạng tháng Mười Nga 1917[edit]

Đây là thời kỳ mà chính phủ Nga hoàng đã thiết lập một chế độ khủng bố tàn bạo, ngự trị trong tất cả mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Lênin nhận định: "Có tình trạng thoái chí, mất tinh thần, phân liệt, chạy dài, từ bỏ lập trường, nói chuyện dâm bôn chứ không phải chính trị nữa. Xu hướng ngày càng ngả về triết học duy tâm, chủ nghĩa thần bí dùng để che đậy tinh thần phản cách mạng".[121] Trong khoa học, văn học, nghệ thuật in dấu tư tưởng thần bí, tôn giáo, đứng về thế lực phản cách mạng. Trong triết học, chủ nghĩa duy tâm phản động phủ định tính quy luật của sự phát triển của tự nhiên và xã hội. Hàng ngũ trí thức Nga xuất hiện trào lưu "tìm thần" và "tạo thần", vì nhân dân Nga đã "mất Chúa" nên phải "tìm lại Chúa". Đó thực chất là chủ nghĩa duy tâm tôn giáo. Sự xuất hiện của chủ nghĩa Makhơ nhằm đóng vai trò là triết học duy nhất khoa học, thực chất là chủ nghĩa duy tâm phản động.

Từ tình hình đó, nhiệm vụ đặt ra của Lênin là phải tuyên chiến với các tư tưởng đối lập, bảo vệ và phát triển triết học Mác, xác lập thế giới quan duy vật và phương pháp biện chứng cho giai cấp công nhân trong cuộc đấu tranh chống giai cấp tư sản.

Năm 1908, Lênin viết tác phẩm "Chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa kinh nghiệm phê phán", đuợc xuất bản năm 1909. Tác phẩm là biểu hiện của sự kết hợp sâu sắc giữa tính đảng và tính khoa học.

Trước hết, Lênin giải quyết vấn đề cơ bản của triết học trên lập trường thế giới quan duy vật biện chứng. Theo Makhơ, nhận thức của con người xuất phát từ những yếu tố trực tiếp, mang tính "kinh nghiệm", không phải là vật chất, cũng không phải là tinh thần, mà là yếu tố "trung gian". Và họ xem đó là một "phát minh vĩ đại". Lênin đã bác bỏ quan niệm trên và cho rằng thực chất của tư tưởng Makhơ là chủ nghĩa duy tâm chủ quan. Lênin viết: "Sự tồn tại của vật chất không phụ thuộc vào cảm giác. Vật chất là cái có trước; Cảm giác, tư tuởng, ý thức là sản phẩm cao nhất của vật chất được tổ chức theo một cách thức đặc biệt. Đó là quan điểm của chủ nghĩa duy vật, nói chung, và của Mác và Ăngghen, nói riêng. Makhơ và Avênariút đă lén lút du nhập chủ nghĩa duy vật bằng cách dùng chữ "yếu tố"... Thật là trẻ con nếu nghĩ rằng bịa ra một từ mới, là có thể tránh được những trào lưu triết học cơ bản... Thưa các ngài, triết học của các ngài chỉ là chủ nghĩa duy tâm đã uổng công che đậy sự trần trụi của chủ nghĩa duy ngã của mình bằng một thuật ngữ "khách quan" hơn. Hoặc giả "yếu tố" không phải là cảm giác, và như vậy từ "mới" của các ngài tuyệt đối không có một chút ý nghĩa gì cả, và các ngài chỉ làm ồn lên vô ích mà thôi".[122]

Trong tác phẩm, Lênin đã vạch rõ sai lầm của phái Makhơ và Avênariút, khi họ cho rằng nhiệm vụ của khoa học là mô tả tri thức có tính chất kinh nghiệm, không phải là thế giới khách quan. Thực chất, đó là biểu hiện của chủ nghĩa duy tâm trong triết học. Lênin phê phán tính đảng trong triết học Makhơ và Avênariút: "Bây giờ hãy đứng trên quan điểm đảng phái trong triết học để xét Makhơ, Avênariút cùng trường phái của họ. Chà, các ngài ấy tự hào về tính không đảng phái của mình, và nếu họ có một cực đối lập thì họ chỉ có một và chỉ có độc một... nhà duy vật mà thôi. Xuyên suốt tất cả những trước tác của hết thảy mọi người theo phái Makhơ là cái tham vọng ngu dại muốn vượt lên trên chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa duy tâm, muốn khắc phục sự đối lập "cũ kỹ" ấy, nhưng kỳ thật, thì cả đám người đó cứ mỗi lúc một sa vào chủ nghĩa duy tâm và kiên quyết tiến hành đến cùng một cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa duy vật".[123] Vì thế, bản chất của các học giả tư sản đó, theo Lênin: "Nói chung và về đại thể các giáo sư môn kinh tế đều chỉ là những học giả làm thuê cho giai cấp tư bản, còn các giáo sư triết học đều chỉ là bọn học giả làm thuê cho phái thần học thôi".[124]

Từ góc độ vấn dề cơ bản của triết học, Lênin cho rằng, những nhà sáng lập triết học mácxít không bao giờ rời bỏ lập trường tính đảng của mình. "Về mặt triết học, Mác và Ăngghen, thủy chung là những người có tính đảng"[125]. "Triết học hiện đại cũng có tính đảng như triết học hai nghìn năm về trước. Những đảng phái đang đấu tranh với nhau, về thực chất - mặc dù thực chất đó bị che dấu bằng những nhãn hiệu mới của thủ đoạn lang băm hoặc tính phi đảng ngu xuẩn - là chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa duy tâm".[126]

Một nội dung có ý nghĩa rất lớn trong tác phẩm là vấn đề nhận thức luận. Để làm rõ vấn đề trên, Lênin phê phán quan điểm của Phái Makhơ khi phủ nhận khả năng nhận thức của con người đối với thế giới khách quan. "Nếu về mặt nhận thức luận, Makhơ và Avênariút đã không phát triển chủ nghĩa duy tâm mà lại đem chồng chất thêm vào những sai lầm duy tâm cũ, một mớ thuật ngữ huyênh hoang, điên rồ"[127]. Bởi vậy, Lênin khẳng định: "Giả mạo chủ nghĩa Mác một cách ngày càng tinh vi, dùng các học thuyết phản duy vật để giả làm chủ nghĩa Mác một cách ngày càng tinh vi, đó là đặc điểm của chủ nghĩa xét lại hiện đại trong kinh tế chính trị học cũng như trong các vấn đề sách lược và triết học nói chung, trong nhận thức luận cũng như trong xã hội học".[128]

Lênin nêu lên những nguyên tắc của nhận thức thông qua ba kết luận cơ bản, biểu hiện quan điểm của chủ nghĩa duy vật biện chứng:

  1. Có những vật tồn tại độc lập đối với ý thức của chúng ta, độc lập đối với cảm giác của chúng ta, ở ngoài chúng ta...
  2. Dứt khoát là không có và không thể có bất kỳ sự khác nhau nào về nguyên tắc giữa hiện tượng và vật tự nó. Chỉ có sự khác nhau giữa cái đã được nhận thức và cái chưa được nhận thức...
  3. Trong lý luận nhận thức, cũng như trong tất cả những lĩnh vực khác của khọa học, cần suy luận một cách biện chứng, nghĩa là đừng giả định rằng nhận thức của chúng ta là bất di bất dịch và có sẵn, mà phải phân tích xem sự hiểu biết nẩy sinh từ sự không hiểu biết như thế nào, sự hiểu biết không đầy đủ và không chính xác trở thành đầy đủ hơn và chính xác hơn như thế nào".[129]

Lênin bàn đến vấn đề chân lý và tiêu chuẩn của chân lý đối với nhận thức. Tư duy con người biểu hiện mâu thuẫn giữa cái hữu hạn và cái vô hạn: "... Tư duy của con người vừa có tính tối cao vừa có tính không tối cao, và năng lực nhận thức của nó lại vừa là vô hạn vừa là có hạn. Tối cao và vô hạn do bản chất của nó... do sứ mệnh của nó, do khả năng của nó, do mục đích cuối cùng của nó trong lịch sử; nhưng không tối cao và có hạn trong sự thực hiện riêng biệt của nó và trong hiện thực diễn ra trong từng thời kỳ riêng biệt"[130]. Tư tưởng đó của Ph.Ăngghen đã đuợc Lênin nhấn mạnh để khẳng định năng lực tư duy trong tính lịch sử của con nguời. Theo Lênin, chân lý là sự phản ánh của thế giới khách quan vào đầu óc con người và đuợc kiểm nghiệm qua thực tiễn, là quá trình nhận thức từ thấp đến cao, từ chưa đầy đủ đến ngày càng đầy đủ hơn, trong những hoàn cảnh điều kiện lịch sử nhất định biểu hiện trọng chân lý tương đối và chân lý tuyệt đối. "Như vậy là theo bản chất của nó, tư duy của con người có thể cung cấp và đang cung cấp cho chúng ta chân lý tuyệt đối mà chân lý nay chỉ là tổng số những chân lý tương đối. Mỗi giai đoạn phát triển của khoa học lại đem thêm những hạt mới vào cái tổng số ấy của chân lý tuyệt đối, nhưng những giới hạn chân lý của mọi định lý khoa học đều là tương đối, khi thì mở rộng ra, khi thì thu hẹp lại, tùy theo sự tăng tiến của tri thức"[131]. “Đối với chủ nghĩa duy vật biện chứng thì giữa chân lý tương đối và chân lý tuyệt đối không có ranh giới không thể vượt qua"[132].

Vấn đề thực tiễn cũng được Lênin xem là cơ sở của quá trình nhận thức: "Quan điểm về đời sống, về thực tiễn, phải là quan điểm thứ nhất và cơ bản của lý luận về nhận thức".[133] Song, thực tiễn cần được xem trong mối quan hệ vừa tương đối, vừa tuyệt đôi với quá trình nhận thức chân lý: "Dĩ nhiên không nên quên rằng tiêu chuẩn thực tiễn, xét về thực chất, không bao giờ có thể xác nhận hoặc bác bỏ một cách hoàn toàn một biểu tượng nào đó của con người, dù biểu tượng ấy là thế nào chăng nữa. Tiêu chuẩn đó cũng khá "không xác định" để không cho phép các hiểu biết của con người trở thành một cái tuyệt đối".[134] Như vậy, thực tiễn đóng vai trò là tiêu chuẩn của nhận thức lý luận. Lênin viết: "Nếu cái mà thực tiễn của chúng ta xác nhận là chân lý khách quan, duy nhất, cuối cùng, thì như thế tức là con đường duy nhất dẫn đến chân lý đó là con đường của khoa học xây dựng trên quan điểm duy vật... Đi theo con đường mà lý luận của Mác vạch ra thì chúng ta ngày càng đi đến gần chân lý khách quan (tuy không bao giờ có thể nắm hết được); nếu đi theo bất cứ con đường nào khác, chúng ta chỉ có thể đi đến sự lẫn lộn và dối trá".[135]

Có thể nói, quan điểm về lý luận nhận thức của Lênin là sự biểu hiện nguyên tắc và bản chất của quá trình nhận thức trên nên tảng thế giới quan duy vật biện chứng.

Một nội dung được Lênin quan tâm đến trong tác phẩm là vấn đề phạm trù vật chất và các phương thức tồn tại của nó trong mối quan hệ với vật lý học. Đây là nội dung có ý nghĩa rất cơ bản nhằm bảo vệ và phát triển chủ nghĩa duy vật. Lênin viết: "Vật chất là một phạm trù triết học dùng để chỉ thực tại khách quan đuợc đem lại cho con người trong cảm giác, được cảm giác của chúng ta chép lại, chụp lại, phản ánh và tồn tại không lệ thuộc vào cảm giác"[136]. “Đương nhiên, sự đối lập giữa vật chất và ý thức chỉ có ý nghĩa tuyệt đối trong những phạm vi hết sức hạn chế: trong trường hợp này, chỉ giới hạn trong vấn đề nhận thức luận cơ bản là thừa nhận cái gì là cái có trước và cái gì là cái có sau? Ngoài giới hạn đó, thì không nghi ngờ gì nữa rằng sự đối lập đó là tương đối"[137]. Phạm trù vật chất thể hiện lập trường triết học duy vật biện chứng triệt để là cơ sở để phân biệt với các trường phái triết học đối lập, khắc phục sự khủng hoảng của các nhà vật lý học trong quá trình nhận thức thế giới vật chất. Quan niệm của Lênin càng chứng minh mối liên hệ thống nhất giữa triết học duy vật biện chứng với khoa học tự nhiên: "Vật lý học hiện đại đang nằm trên giường đẻ. Nó đang đẻ ra chủ nghĩa duy vật biện chứng... Toàn bộ chủ nghĩa duy tâm vật lý học, toàn bộ triết học kinh nghiệm phê phán, cũng như thuyết kinh nghiệm tượng trưng, thuyết kinh nghiệm nhất nguyên, v.v, đều thuộc những thứ cặn bã phải vứt bỏ đi"[138]. Lênin đã vạch rõ thực chất của cuộc khủng hoảng trong vật lý học là do các nhà vật lý không nắm đuợc phép biện chứng, đi chệch hướng sang chủ nghĩa duy tâm: "Thực chất của cuộc khủng hoảng của vật lý học hiện đại là ở sự đảo lộn của những quy luật cũ và những nguyên lý cơ bản, ở sự gạt bỏ thực tại khách quan ở bên ngoài ý thức, tức là ở sự thay thế chủ nghĩa duy vật bằng chủ nghĩa duy tâm và chủ nghĩa bất khả tri"[139]."Nhưng chủ nghĩa duy vật biện chứng kiên trì cho rằng bất kỳ lý luận khoa học nào về cấu trúc và đặc tính của vật chất cũng đều có tính chất gần đúng, tương đối; trong tự nhiên không hề có đường ranh giới nào tuyệt đối; vật chất đang vận động sẽ chuyển hóa từ một trạng thái này sang một trạng thái khác...Vật lý học mới sở dĩ đi chệch sang phía chủ nghĩa duy tâm, chủ yếu là vì các nhà vật lý học không hiểu đuợc phép biện chứng...Trong khi phủ nhận tính bất biến của những nguyên tố và cả những đặc tính của vật chất đã đuợc biết cho đến nay, họ đã rơi vào chỗ phủ nhận vật chất, nghĩa là phủ nhận tính thực tại khách quan của thế giới vật lý"[140]. Những kết luận của Lênin có ý nghĩa định hướng cho các nhà khoa học tự nhiên không ngừng đi sâu nghiên cứu thế giới vật chất trên nền tảng thế giới quan duy vật và phép biện chứng mácxít. Đồng thời, quan niệm của Lênin cũng là sự phủ nhận những tư tưởng duy tâm phản tiến bộ, giải thích một cách sai lầm những thành tựu về vật lý học của Makhơ, Avênariút, Ôxtơvanđơ, Bôgđanôp, Valentinốp, Badarốp... trong quá trình nhận thức thế giới vật chất. Thế giới vật chất là vô cùng vô tận, tồn tại độc lập với ý thức của con người, luôn luôn vận động và biến đổi. Tri thức con người phản ánh thế giới khách quan, vì vậy luôn luôn phát triển. Cũng vô cùng tận như thế giới vật chất, tri thức không bao giờ có giới hạn cuối cùng.

Tác phẩm “Chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa kinh nghiệm phê phán” cũng biểu hiện những quan điểm cơ bản của triết học duy vật lịch sử. Lênin chỉ rõ vai trò quyết định của tồn tại xã hội đối với ý thức xã hội, phê phán phái Makhơ khi họ đồng nhất quy luật sinh học với quy luật xã hội. "Chủ nghĩa duy vật nói chung thừa nhận rằng tồn tại thực tại khách quan (vật chất) là không phụ thuộc vào ý thức, cảm giác, kinh nghiệm, v.v của loài người. Chủ nghĩa duy vật lịch sử thưà nhận rằng tồn tại xã hội không phụ thuộc vào ý thức của loài người. Trong hai trường hợp đó, ý thức chỉ là phản ánh của tồn tại, nhiều lắm thì cũng chỉ là một phản ánh gần đúng (ăn khớp, chính xác một cách lý tưởng). Trong cái triết học ấy của chủ nghĩa Mác, đúc bằng một khối thép duy nhất, người ta không thể vứt bỏ một tiền đề cơ bản nào, một phần chủ yếu nào, mà không xa rời chân lý khách quan, không rơi vào sự dối trá của giai cấp tư sản phản động".[141]

Với những nội dung mà Lênin đã trình bày, tác phẩm "Chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa kinh nghiệm phê phán" là sự phát ttiển những quan điểm của triết học duy vật biện chứng và duy vật lịch sử, trở thành một trong những tác phẩm quan trọng nhất của giai đoạn Lênin phát triển triết học Mác.

Năm 1913, Lênin viết tác phẩm "Ba nguồn gốc và ba bô phận cấu thành của chủ nghĩa Mác". Tác phẩm đã chỉ ra nguồn gốc, bản chất và kết cấu của chủ nghĩa Mác. Trên cơ sở kế thừa biện chứng tinh hoa văn hóa của nhân loại mà đặc biệt là triết học cổ điển Đức, kinh tế chính trị học Anh, chủ nghĩa xã hội Pháp, vận dụng vào điều kiện lịch sử mới, bằng thiên tài của mình, C.Mác và Ph.Ăngghen đã sáng tạo nên học thuyết khoa học có ý nghĩa vạch thời đại, trở thành lý luận khoa học cho quá trình nhận thức và cải tạo thế giới. Lênin cho rằng: "Toàn bộ thiên tài của Mác chính là ở chỗ ông đã giải đáp được những vấn đề mà tư tưởng tiên tiến của nhân loại đã nêu ra. Học thuyết của ông ra đời là sự thừa kế thẳng và trực tiếp những học thuyết của các đại biểu xuất sắc nhất trong triết học, trong kinh tế chính trị học và trong chủ nghĩa xã hội.

Học thuyết của Mác là một học thuyết vạn năng vì nó là một học thuyết chính xác. Nó là một học thuyết hoàn bị và chặt chẽ; nó cung cấp cho nguời ta một thế giới quan hoàn chỉnh, không thỏa hiệp với bất cứ một sự mê tín nào, một thế lực phản động nào, một hành vi nào bảo vệ sự áp bức của tư sản. Nó là người thừa kế chính đáng của tất cả những cái tốt đẹp nhất mà loài người đã tạo ra hồi thế kỷ XIX, đó là triết học Đức, kinh tế chính trị học Anh và chủ nghĩa xã hội Pháp"[142].

Từ 1915 đến 1916, Lênin viết tác phẩm "Bút ký triết học”. Đây là tập bút ký của Lênin nhận xét, đánh giá các nhà triết học trong lịch sử để từ đó phát triển những nội dung của triết học duy vật, đặc biệt là phép biện chứng mácxít.

Thứ nhất, đóng góp của Lênin trong tác phẩm là vấn đề phép biện chứng.

Trước hết, Lênin đánh giá về triết học duy vật và phép biện chứng trong lịch sử triết học, từ triết học Hy Lạp cổ đại đến triết học cổ điển Đức. Nói về tính chất hạn chế của triết học Phoiơbắc, Lênin viết: "Do đó thấy rằng giới tự nhiên bằng tất cả, trừ cái gì siêu tự nhiên. Phơbách sáng tỏ nhưng không sâu sắc. Ăngghen đã định nghĩa một cách sâu sắc hơn sự khác nhau giữa chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa duy tâm".[143] Nhận xét về triết học Hêghen, Lênin cho rằng, dưới hình thức thần bí, vẫn biểu hiện ra những quan hệ của thực tại. "Nói chung, tôi cố gắng đọc Hêghen theo quan điểm duy vật: Hêghen là chủ nghĩa duy vật lộn đầu xuống dưới (theo Ăngghen) - nghĩa là phần lớn, tôi loại bỏ Thượng đế, tuyệt đối ý niệm thuần túy".[144] Lênin vạch rõ, trong "khoa học lôgích", Hêghen xây dựng hệ thống phạm trù lôgích và đã tiến gần hơn đến chủ nghĩa duy vật biện chứng, còn trong triết học lịch sử, Hêghen lại đứng cách xa nhất chủ nghĩa duy vật ấy. "Nói chung, triết học của lịch sử mang lại rất ít, rất ít, điều đó cũng dễ hiểu, bởi vì chính ở đây, chính trong lĩnh vực này, trong khoa học này, Mác và Ăngghen đã tiến một bước lớn nhất. Ở đây, Hêghen đã tỏ ra già cỗi nhất, đã trở thành một đồ cổ"[145].

Phê phán Arixtốt, Lênin viết: "Ở Arixtốt, đâu đâu, lôgíc khách quan cũng lẫn lộn với lôgíc chủ quan, và lẫn lộn một cách khiến cho đâu đâu lôgíc khách quan cũng lộ ra. Không còn nghi ngờ gì tính khách quan của nhận thức nũa. Lòng tin chất phác vào sức mạnh của lý tính, vào sức mạnh, vào năng lực, vào tính chân lý khách quan của nhận thức. Và sự lẫn lộn chất phác, sự lẫn lộn bất lực và đáng thương trong phép biện chứng của cái chung và cái riêng - của khái niệm và tính thực tại do giác quan tri giác được của đối tượng cá biệt, của sự vật, của hiện tượng"[146]. Như vậy Lênin đánh giá cao tư tưởng biện chứng khách quan và niềm tin vào súc mạnh lý tính trong quá trình nhận thức của Arixtốt.

Vấn đề phép biện chứng là nội dung xuyên suốt trong "Bút ký triết học". Lênin cho rằng phép biện chứng là lý luận duy nhất đúng về sự phát triển; nó cho ta chìa khóa của sự vận động, của các quá trình tự nhiên, xã hội và tư duy. "Phép biện chứng với tính cách là nhận thức sinh động, nhiều mặt (số các mặt không ngừng tăng lên mãi mãi) bao hàm vô số khía cạnh trong cách tiếp cận, đi gần tới hiện thực (với một hệ thống triết học đi từ mỗi khía cạnh mà phát triển thanh một toàn thể) - đó là nội dung phong phú không lường được so với chủ nghĩa duy vật, siêu hình”[147].

Lênin so sánh hai quan niệm đối lập nhau về sự phát triển: quan niệm siêu hình và quan niệm biện chứng. "Hai quan niệm cơ bản... về sự phát triển (sự tiến hóa): sự phát triển coi như là giảm đi và tăng lên, như là lặp lại, và sự phát triển coi như là sự thống nhất của các mặt đối lập. Quan niệm thứ nhất là chết cứng, nghèo nàn, khô khan. Quan niệm thứ hai là sinh động. Chỉ có quan niệm thứ hai mới cho ta chìa khóa của "sự tự vận động", của tất thảy mọi cái đang tồn tại; chỉ có nó mới cho ta chìa khóa của những "bước nhảy vọt", của sự "gián đoạn của tính tiệm tiến", của sự "chuyển hoá thành mặt đối lập”, của sự tiêu diệt cái cũ và sự nảy sinh ra cái mới"[148].

Lênin khẳng định bản chất, nguồn gốc, động lực của sự phát triển là cuộc đấu tranh giữa hai mặt đối lập: "Sự phân đôi của cái thống nhất và sự nhận thức các bộ phận mâu thuẫn của nó... đó là thực chất... của phép biện chứng"[149]. “Sự phát triển là một cuộc "đấu tranh" giữa các mặt đối lập".[150] “Sự thống nhất (phù hợp, đồng nhất, tác dụng ngang nhau) của các mặt đối lập là có điều kiện, tạm thời, thoáng qua, tương đối. Sự đấu tranh của các mặt đối lập bài trừ lẫn nhau là tuyệt đối, cũng như sự phát triển, sự vận động là tuyệt đối"[151]. Lênin nêu lên sự chuyển hoá của các mặt đội lập: "Phép biện chứng là học thuyết vạch ra rằng những mặt đối lập làm thế nào mà có thể và thường là (trở thành) đồng nhất, - trong những điêu kiện nào chúng là đồng nhất, bằng cách chuyển hóa lẫn nhau, - tại sao lý trí con người không nên xem những mặt đối lập ấy là chết, cứng đờ, mà là sinh động, có điều kiện, năng động, chuyển hóa lẫn nhau"[152]. Lênin khái quát rằng, hạt nhân của phép biện chứng là quy luật thống nhất và đấu tranh của các mặt đối lập: "Có thể định nghĩa vắn tắt phép biện chứng là học thuyết về sự thống nhất của các mặt đối lập. Như thế là nắm được hạt nhân của phép biện chứng, nhưng điều đó đòi hỏi phải có những sự giải thích và một sự phát triển thêm"[153] .

Phép biện chứng cũng được Lênin trình bày từ góc độ quy luật chuyển hoá giữa lượng và chất: "Sự chuyển hóa lượng thành chất và vice versa"[154]. Quy luật phủ định "không phải la sự phủ định sạch trơn, không phải sự phủ định không suy nghĩ, không phải sự phủ định hoài nghi, không phải sự do dự, cũng không phải sự nghi ngờ là cái đặc trưng và cái bản chất trong phép biện chứng, - dĩ nhiên phép biện chứng bao hàm trong nó nhân tố phủ định, và thậm chí với tính cách là nhân tố quan trọng nhất của nó, - không, mà là sự phủ định coi như là vòng khâu của liên hệ, vòng khâu của sự phát triển, với sự duy trì cái khẳng định, tức là không có một sự do dự nào, không có một sự chiết trung nào"[155].

Trong tác phẩm, Lênin cùng nêu lên mối quan hệ giữa cái chung và cái riêng, giữa ngẫu nhiên và tất yếu, giữa bản chất và hiện tượng, thể hiện những mối liên hệ của các mặt, các thuộc tính của phép biện chứng duy vật.

Vấn đề thứ hai là sự thống nhất giữa phép biện chứng, lý luận nhận thức và lôgíc học. "Mác không để lại cho chúng ta “lôgíc học” (với chữ L viết hoa), nhưng đã để lại cho chúng ta lôgíc của "Tư bản", và cần phải tận dụng đầy đủ nhất lôgíc đó để giải quyết vấn đề mà chúng ta đang nghiên cứu. Trong "Tư bản”, Mác áp dụng lôgíc, phép biện chứng và lý luận nhận thức không cần ba từ đó cùng một cái duy nhất của chủ nghĩa duy vật vào một khoa học duy nhất"[156].

Trong ba yếu tố trên, lý luận nhận thức là khoa học về sự phản ánh của tư duy con người đối với khách thể, phép biện chứng là khoa học về sự phát triển, lôgíc học là khoa học về những hình thức và quy luật của tư duy. Vì vậy, lý luận nhận thức bao hàm phép biện chứng và lôgíc học. Phép biện chứng là hạt nhân của lý luận nhận thức và lôgíc học. Cả ba yếu tố trên, theo Lênin, là sự đồng nhất trong tính khác biệt.

Lênin quan niệm, nhận thức lý luận khoa học không thể tách khỏi thực tiễn. Do đó, tri thức con người được phản ánh vào tư duy thông qua những hình thức lôgíc như khái niệm, phán đoán, suy lý, phạm trù, quy luật. "Thực tiễn của con người lặp đi lặp lại hàng nghìn triệu lần được in vào ý thức của con người bằng những hình tượng lôgíc. Những hình tượng này có tính vững chắc của một thiên kiến, có một tính chất công lý chính vì (và chỉ vì) sự lặp đi lặp lại hàng nghìn triệu lần ấy"[157].

Trình bày sự thống nhất giữa lý luận nhận thức, lôgíc học và phép biện chứng, Lênin viết: "Lôgích là học thuyết về nhận thức. Là lý luận nhận thức. Nhận thức là sự phản ánh giới tự nhiên bởi con người. Nhưng đó không phải là một phản ánh đơn giản, trực tiếp, hoàn chỉnh, mà là một quá trình cả một chuỗi những sự trừu tượng, sự cấu thành, sự hình hành ra các khái niệm, quy luật này v.v. (tư duy khoa học = “ý niệm lôgíc”) bao quát một cách có điều kiện, gần đúng tính quy luật phổ biến của giới tự nhiên vĩnh viễn vận động và phát triển. Ở đây, thật sự và về khách quan có ba vế: l) giới tự nhiên, 2) nhận thức của con người, = bộ óc của người (với tư cách là sản phẩm cao nhất của giới tự nhiên đó) và 3) hình thức của sự phản ánh giới tự nhiên vào trong nhận thúc của con người; hình thức này chính là những khái niệm, những quy luật, những phạm trù. Con người không thể nắm được bằng phản ánh bằng miêu tả toàn bộ giới tự nhiên một cách đầy đủ, "tính chỉnh thể trực tiếp" của nó, con người chỉ có thể đi gần mãi đến đó, bằng cách tạo ra những trừu tượng, những khái niệm, những quy luật, một bức tranh khoa học về thế giới".[158]

Thực tiễn đóng vai trò là cơ sở, động lực, mục đích nhận thức và tiêu chuẩn của chân lý, có ý nghĩa quyết định đội với nhận thức, "vì nó có ưu điểm không những của tính phổ biến, mà cả của tính hiện thực trực tiếp"[159]. “Từ trực quan sinh động đến tư duy trừu tựợng, và từ tư duy trừu tượng đến thực tiễn - đó là con đường biện chứng của sự nhận thức chân lý, của sự nhận thức thực tại khách quan"[160]. Như vậy, thực tiễn là một vòng khâu trong quá trình nhận thức thế giới khách quan. Thông qua thực tiễn mà con người mới chứng minh được tính chân lý của nhận thức. Xuất phát từ thực tiễn, theo Lênin, quá trình nhận thức biểu hiện sự thống nhất giữa lịch sử và lôgích của tư duy: "Lôgíc không phải là học thuyết về những hình thức bên ngoài của tư duy, mà là học thuyết về những quy luật phát triển của "tất thảy mọi sự vật vật chất, tự nhiên và tinh thần", tức là học thuyết về những quy luật phát triển của toàn bộ nội dung cụ thể của thế giới và nhận thức thế giới, tức là sự tổng kết, tổngsố, kết luận của lịch sử nhận thức thế giới".[161]

Tác phẩm “Bút ký triết học” là mẫu mực của việc thể hiện lập trường tính đảng duy vật triệt để trong triết học. Lênin đã đấu tranh không khoan nhượng để chống lại các trường phái đối lập, bảo vệ và phát triển chủ nghĩa duy vật biện chứng, trên tinh thần khoa học và cách mạng. Phê phán Cantơ và Hêghen, Lênin cho rằng: "Cantơ hạ thấp tri thức để dọn sạch đường cho lòng tin; Hêghen đề cao tri thức, quả quyết rằng tri thức tức là tri thức về Thượng đế. Người duy vật đề cao tri thức về vật chất, giới tự nhiên, tống Thượng đế và những bọn triết học đê tiện bảo vệ Thượng đế vào hố rác"[162]. Nhận xét về chủ nghĩa duy tâm trên quan điểm của chủ nghĩa duy vật biện chứng, Lênin nhận xét: "Theo quan điểm của một chủ nghĩa duy vật thô lỗ, đơn giản, siêu hình, thì chủ nghĩa duy tâm triết học chỉ là một sự ngu xuẩn. Trái lại, theo quan điểm của chủ nghĩa duy vật biện chứng, thì chủ nghĩa duy tâm triết học là một sự phát triển (một sự thổi phồng, bơm to) phiến diện, thái quá... của một trong những đặc trưng, của một trong những mặt, của một trong những khía cạnh của nhận thức thành một cái tuyệt đối, tách rời khỏi vật chất, khỏi giới tự nhiên, thần thánh hóa. Chủ nghĩa duy tâm, đó là chủ nghĩa thầy tu. Đúng như vậy. Nhưng chủ nghĩa duy tâm triết học là... con đường dẫn đến chủ nghĩa thầy tu, qua một trong những sắc thái của nhận thức (biện chứng) vô cùng phức tạp của con người”[163]. Khẳng định con đường nhận thức của chủ nghĩa duy vật biện chứng đối lập với chủ nghĩa duy tâm, Lênin vạch rõ: "Nhận thức của con người không phải là... một đường thẳng, mà là một đường cong đi gần vô hạn đến một loạt những vòng tròn, đến một vòng xoáy ốc. Bất cứ đoạn nào, khúc nào, mảnh nào của đuờng cong ấy cũng có thể chuyển hóa (chuyển hóa một cách phiến diện) thành một đường thẳng độc lập, đầy đủ, đường thẳng này (nếu chỉ thấy cây không thấy rừng) sẽ dẫn đến vũng bùn, đến chủ nghĩa thầy tu (ở đây nó sẽ bị lợi ích giai cấp của các giai câp thống trị củng cố lại). Tính đường thẳng và tính phiến diện, sự chết cứng và cứng nhắc, chủ nghĩa chủ quan và sự mù quáng chủ quan đó là những nguồn gốc về nhận thức luận của chủ nghĩa duy tâm. Và chủ nghĩa thầy tu (bằng chủ nghĩa duy tâm triết học) đương nhiên có những nguồn gốc về nhận thức luận, nó không phải là không có cơ sở; không còn nghi ngờ gì nữa, đó là một đóa hoa không kết quả mọc trên cái cây sống của nhận thức sinh động, phong phú, chân thực, khỏe mạnh, toàn năng, khách quan, tuyệt đối của con người".[164]

Rõ ràng, những đánh giá của Lênin có ý nghĩa khoa học sâu sắc, dựa trên nền tảng thế giới quan duy vật và phương pháp luận biện chứng, để bảo vệ và phát triển triết học Mác. Đó là lập trường tính đảng khoa học và cách mạng trong "Bút triết học" của Lênin.

"Bút ký triết học" là một trong những tác phẩm quan trọng nhất của Lênin, mà nội dung cơ bản là tư tưởng về phép biện chứng, về lý luận nhận thức. Trên tinh thần tổng kết, đánh giá và kế thừa biện chứng các hệ thống triết học trong lịch sử, Lênin đã phát triển chủ nghĩa duy vật, phép biện chứng, lý luận nhận thức, lôgíc học... Bất kỳ nội dung nào, Lênin cũng thể hiện một mẫu mực tuyệt vời trong việc nghiên cứu hệ thống khái niệm, phạm trù, quy luật của triết học duy vật biện chứng. Đó là những đóng góp to lớn của Lênin trong lịch sử triết học Mác.

Từ tháng 1 đến tháng 6 năm 1916, Lênin viết tác phẩm "Chủ nghĩa đế quốc, giai đoạn tột cùng của chủ nghĩa tư bản". Trong tác phẩm, Lênin đã tổng kết sự phát triển của chủ nghĩa tư bản thế giới, phân tích một cách sâu sắc bản chất kinh tế và chính trị của chủ nghĩa đế quốc.Trong thời kỳ này, những mâu thuẫn vốn có trong xã hội tư bản ngày càng gay gắt, và một tất yếu lịch sử là phải thay thế chủ nghĩa tư bản bằng một chế độ xã hội mới - chủ nghĩa xã hội. Bản chất kinh tế trong thời kỳ chủ nghĩa đế quốc là sự thống trị của các tổ chức độc quyền và tư bản tài chính làm cho mâu thuẫn giữa tính chất xã hội của nền sản xuất và hình thức chiếm hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa ngày càng trở nên gay gắt. "Mọi người đều biết chủ nghĩa tư bản độc quyền đã làm cho hết thảy các mâu thuẫn của chủ nghĩa tư bản gay gắt đến chừng nào. Chỉ cần nêu lên tình trạng giá cả đắt đỏ và sự áp bức của Cácten, cũng đủ rõ. Tình trạng các mâu thuẫn trở nên gay gắt là động lực mạnh nhất của thời kỳ lịch sử quá độ, thời kỳ này bắt đầu từ lúc tư bản tài chính thế giới đạt được thắng lợi hoàn toàn"[165]. Chính vì vậy, việc lật đổ chủ nghĩa tư bản và quá độ tiến lên chủ nghĩa xã hội là một yêu cầu khách quan của lịch sử. Chủ nghĩa đế quốc là giai đoạn tột cùng của chủ nghĩa tư bản. "Chủ nghĩa đế quốc là đêm trước của cuộc cách mạng xã hội của giai cấp vô sản. Điều này đã được xác nhận từ năm 1917, trên quy mô toàn thế giới"[166].

Trong tác phẩm, Lênin đã chỉ ra những đặc điểm của chủ nghĩa tư bản độc quyền: sản xuất và lưu thông tập trung vào tay tư bản tài chính, các tổ chức độc quyền sở hữu phần lớn của cải xã hội, sự phản động về chính trị một cách toàn diện và xác lập sự thống trị đối với xã hội. Vì vậy tính chất ăn bám và thối nát ngày càng tăng đã tất yếu dẫn chủ nghĩa tư bản tới diệt vong và sự thắng lợi tất yếu của chủ nghĩa xã hội. Tác phẩm "Chủ nghĩa đế quốc, giai đoạn tột cùng của chủ nghĩa tư bản" của Lênin chính là định hướng về phương pháp luận, phương pháp tư tưởng hiện nay trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam cũng như trên thế giới.

Tác phẩm “Nhà nước và cách mạng" của Lênin viết vào tháng 8 - tháng 9 năm 1917 và xuất bản vào tháng 5 năm 1918. Lênin khẳng định vấn đề nhà nước luôn là vấn đề cơ bản của mọi cuộc cách mạng, làm rõ tính quy luật và tính tất yếu của cách mạng xã hội chủ nghĩa và chuyên chính vô sản. Vì vậy, tác phẩm của Lênin đã đáp ứng kịp thời yêu cầu cấp bách về lý luận và về thực tiễn lúc bấy giờ của phong trào cách mạng ở nước Nga và thế giới.

Làm rõ nguồn gốc lịch sử của nhà nước theo quan điểm của C.Mác và Ph.Ăngghen, Lênin viết: "Nhà nước là sản phẩm và biểu hiện của những mâu thuẫn giai cấp không thể điều hòa được. Bất cử ở đâu, hễ lúc nào và chừng nào mà, về mặt khách quan, những mâu thuẫn giai cấp không thể điều hòa được thì nhà nước xuất hiện. Và ngược lại: sự tồn tại của nhà nước chứng tỏ rằng những mâu thuẫn giai cấp là không thể điều hòa được"[167].

Về bản chất, nhà nước là công cụ thống trị của một giai cấp để áp đặt sự thống trị của mình lên các giai cấp khác và toàn xã hội. "... Nhà nước là một cơ quan thống trị giai cấp, là một cơ quan áp bức của một giai cấp này đối với một giai câp khác"[168]. “Nhà nước là một tổ chức quyền lực đặc biệt, nó là tổ chức bạo lực dùng để trấn áp một giai cấp nào đó"[169].

Con đường để giai cấp vô sản xác lập nhà nước chuyên chính vô sản không phải bằng điều hòa quan hệ giai cấp mà bằng bạo lực cách mạng. Thông qua bạo lực cách mạng của quần chúng nhân dân để xóa bỏ nhà nước tư sản, xác lập nhà nước của giai cấp vô sản. "Nhà nước tư sản bị thay thế bởi nhà nước vô sản (chuyên chính vô sản) không thể bằng con đường "tiêu vong" được, mà chỉ có thể, theo quy luật chung, bằng một cuộc cách mạng bạo lực thôi"[170]. “Không cỏ cách mạng bạo lực thì không thể thay nhà nước tư sản bằng nhà nước vô sản được"[171].

Lênin đã phân tích hai giai đoạn phát triển của xã hội tương lai, đó là giai đoạn thấp: xã hội chủ nghĩa, và giai đoạn cao: cộng sản chủ nghĩa. “Trong giai đoạn đầu, trong nấc thang thứ nhất, chủ nghĩa cộng sản chưa thể hoàn toàn trưởng thành về mặt kinh tế, chưa thể hoàn toàn thoát khỏi những tập tục hay những tàn dư của chủ nghĩa tư bản"[172]. Trong giai đoạn cao là chủ nghĩa cộng sản, "toàn thể xã hội sẽ chỉ còn là một phòng làm việc, một xưởng máy, với chế độ lao động ngang nhau và lĩnh lương ngang nhau... Lúc bấy giờ, cửa sẽ mở thật rộng khiến cho có thể bước được, từ giai đoạn đầu lên giai đoạn cao của xã hội cộng sản chủ nghĩa và do đó nhà nước sẽ tiêu vong hẳn”[173].

Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ của nhà nuớc chuyên chính vô sản trong cuộc đấu tranh chống áp bức bóc lột, một điều kiện tật yếu,theo Lênin, là vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản: "Chủ nghĩa Mác giáo dục đảng công nhân, là giáo dục đội tiên phong của giai cấp vô sản, đội tiên phong này đủ sức nắm chính quyền và dẫn dắt toàn dân tiến lên chủ nghĩa xã hội, đủ sức lãnh đạo và tồ chức một chế độ mới, đủ sức làm thầy làm người dẫn đường, làm lãnh tụ của tất cả những người lao động và những người bị bóc lột để giúp họ tổ chức đời sống xã hội của họ,mà không cần đến giai cấp tư sản và chống lại giai cấp tư sản"[174].

Vì vậy, với những nội dung trong tác phẩm "Nhà nước và cách mạng", Lênin đã kế thừa tư tưởng về nhà nước của C.Mác và Ph.Ănghen, đấu tranh không khoan nhượng chống chủ nghĩa cơ hội hữu khuynh, phát triển những quan điểm cơ bản về nhà nước chuyên chính vô sản và bạo lực cách mạng, về vai trò của Đảng Cộng sản và con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản trong hiện tại và tương lai. Đó là những định hướng chính trị về thế giới quan và phương pháp luận có ý nghĩa to lớn.

Giai đoạn sau cách mạng xã hội chủ nghĩa tháng Mười Nga 1917[edit]

Cách mạng tháng Mười Nga thành công mở ra một thời đại mới trong lịch sử nhân loại, thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới. Trong giai đoạn nay, Lênin tiếp tục phát triển chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử. Một số tác phẩm nổi bạt của giai đoạn này như "Sáng kiến vĩ đại", "Bệnh ấu trĩ tả khuynh" trong phong trào cộng sản, "Về chính sách kinh tế mới", "Về tác dụng của chủ nghĩa duy vật chiến đấu".

Tác phẩm "Sáng kiến vĩ đại" được Lênin viết năm 1919, đã phân tích toàn diện ý nghĩa của những ngày thứ bảy cộng sản, tổng kết kinh nghiệm của quần chúng lao động trong thời kỳ bắt đầu xây dụng chủ nghĩa xã hội. "Chủ nghĩa cộng sản bắt đầu ở nơi nào mà những công nhân bình thường tỏ ra quan tâm - với một tinh thần hy sinh quên mình,không ngại công việc nặng nhọc - đến việc nâng cao năng suất lao động, giữ gìn từng pút lúa mì, than đá, sắt và các sản phẩm khác"[175] . Năng suất lao động xã hội, theo Lênin, là yếu tố quyết định cho sự thắng lợi của xã hội mới: "Chủ nghĩa tư bản đã tạo ra một năng suất lao động chưa từng thấy dưới chế độ nông nô. Chủ nghĩa tư bản có thể bị đánh bại hẳn, và sẽ bị đánh bại hẳn, vì chủ nghĩa xã hội tạo ra một năng suất lao động mới, cao hơn nhiều"[176]. Lênin phân tích rằng giai cấp vô sản có hai nhiệm vụ, thứ nhất là đánh đổ giai cấp tư sản thiết lập chính quyên cách mạng, tức chuyên chính vô sản, và thứ hai là xây dụng xã hội mới. Nhiệm vự thứ hai là rất khó khăn: "Nhiệm vụ thứ hai này khó hơn nhiệm vụ thứ nhất, vì tuyệt nhiên không thể giải quyết được nhiệm vụ đó bằng một hành động anh hùng nhất thời, nhiệm vụ đó đòi hỏi phải có tinh thần dũng cảm lâu dài nhất, bền bỉ nhất, khó khăn nhất của công tác quần chúng hàng ngày"[177].

Trong tác phẩm này, Lênin đã nêu ra một định nghĩa nổi tiếng về giai cấp: "Người ta gọi là giai cấp, những tập đoàn to lớn gồm những người khác nhau về địa vị của họ trong một hệ thống sản xuất xã hội nhất định trong lịch sử, khác nhau về quan hệ của họ (thường thường thì những quan hệ này được pháp luật quy định và thừa nhận) đối với những tư liệu sản xuất, về vai trò của họ trong tổ chức lao động xã hội, và như vậy là khác nhau về cách thức hưởng thụ và về phần của cải xã hội ít hoặc nhiều mà họ được hưởng. Giai cấp là những tập đoàn người, mà tập đoàn này thì có thể chiếm đoạt lao động của tập đoàn khác, do chỗ các tập đoàn đó có địa vị khác nhau trong một chế độ kinh tế xã hội nhất định"[178].

Năm 1920, Lênin viết tác phẩm “Bệnh ấu trĩ tả khuynh” trong phong trào cộng sản. Tác phẩm nhằm mục đích tuyên truyền kinh nghiệm cho các đảng cộng sản trẻ tuổi trong phong trào cộng sản, vạch ra chiến lược và sách lược của các đảng vô sản trong điêu kiện lịch sử mới, nhằm tránh những sai lầm có tính chất bè phái, giáo điều trong cuộc đấu tranh cách mạng. Lênin vạch rõ đặc điểm của chủ nghĩa cơ hội "tả khuynh" là chủ nghĩa chủ quan trong đánh giá sự kiện, bỏ qua những giai đoạn của phong trào cách mạng, hành động phiêu lưu, vô chính phủ. "Cái đầu óc gần giống như chủ nghĩa vô chính phủ hay đã có một số nét nào đó mượn của chủ nghĩa vô chính phủ và trong tất cả những vấn đề cơ bản, đều xa rời những điêu kiện và những yêu cầu tất yếu của cuộc đấu tranh giai cấp triệt để của giai cấp vô sản"[179].

Bàn về nhiệm vụ phức tạp trong thời kỳ xây dựng xã hội mới, Lênin viết: "Chuyên chính vô sản là một cuộc đấu tranh kiên trì, đổ máu và không đổ máu, bạo lực và hòa bình, bằng quân sự và bằng kinh tế, bằng giáo dục và bằng hành chính, chống những thế lực và những tập tục của xã hội cũ. Sức mạnh của tập quán ở hàng triệu và hàng chục triệu người là một sức mạnh ghê gớm nhất"[180].

Trong cuộc đấu tranh thời kỳ chuyên chính vô sản, vai trò của Đảng Cộng sản có ý nghĩa quyết định: "Không có một đảng sắt thép được tôi luyện trong đấu tranh, không có một đảng được sự tín nhiệm của tất cả những phần tử trung thực trong giai cấp nói trên, không có một đảng biết nhận xét tâm trạng quần chúng và biết tác động vào tâm trạng đó thì không thể tiến hành thắng lợi cuộc đấu tranh ấy được"[181].

Năm 192 l, Lênin viết nhiều tác phẩm bàn về chính sách kinh tế mới. đó là đường lối kinh tế của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội với các hình thức và bước đi thích hợp nhằm bảo đảm cho sự thắng lợi của chủ nghĩa xã hội. "Công tác kinh tế phải là sự nghiệp chung của tất cả mọi nguời... là hoạt động chính trị có ý nghĩa nhất"[182]. Lênin khăng định rằng: "Cơ sở vật chất duy nhất của chủ nghĩa xã hội chỉ có thể là nền đại công nghiệp cơ khí có khả năng cải tạo cả nông nghiệp"[183].

Năm 1922, Lênin viết bài báo nổi tiếng "Về tác dụng của chủ nghĩa duy vật chiến đấu". Trong tác phẩm này, Lênin đặt ra nhiệm vụ phát triển triết học duy vật biện chứng trên cơ sở tổng kết lịch sử hiện đại củng cố liên minh thống nhất giữa triết học và khoa học tự nhiên, phê phán chủ nghĩa duy tâm, tôn giáo trên tinh thần khoa học. "... Chúng ta cần hiểu rằng nếu không có một cơ sở triết học vững vàng thì tuyệt nhiên không có khoa học tự nhiên nào hay chủ nghĩa duy vật nào có thể tiến hành đấu tranh chống được sự lấn bước của những tư tưởng tư sản và sự phục hồi của thế giới quan tư sản. Muốn tiến hành được cuộc đấu tranh ấy và đưa nó đến thành công hoàn toàn, nhà khoa học tự nhiên phải là một nhà duy vật hiện đại, một đồ đệ tự giác của chủ nghĩa duy vật mà Mác là người đại diện. Nghĩa là nhà khoa học tự nhiên ấy phải là một nhà duy vật biện chứng"[184]. “Không đặt ra và không thực hiện nhiệm vụ ấy một cách có hệ thống, thì chủ nghĩa duy vật không thể là một chủ nghĩa duy vật chiến đấu được...

Nếu không làm thế, các nhà khoa học tự nhiên lớn cũng lại vẫn sẽ luôn luôn bất lực trong những kết luận và khái quát triết học của họ trước kia. Vì khoa học tự nhiên đang tiến bộ nhanh, đang trải qua một thời kỳ đảo lộn cách mạng sâu sắc trong tất cả mọi lĩnh vực, đến nỗi nó tuyệt đối không thể không cần đến những kếtluận triết học"[185].

Tác phẩm "Về chủ nghĩa duy vật chiến đấu" còn chứa đựng ý nghĩa phương pháp luận sâu sắc, vạch ra vai trò của công tác tuyên truyền triết học vô thần, và đó cũng là nhiệm vụ quan trọng của Đảng Cộng sản trong cuộc đấu tranh gian khổ, khó khăn để xây dựng xã hội mới. Lênin nói: "Ăngghen nhắc nhở những người lãnh đạo của giai cấp vô sản đương thời là phải dịch các trước tác chiến đấu vô thần chủ nghĩa cuối thế kỷ XVIII, để truyền bá ra thật nhiều trong nhân dân. Đáng xấu hổ cho chúng ta là mãi đến nay chúng ta vẫn không làm được việc đó (đây là một trong nhiêu bằng chứng nói lên rằng: cướp lấy chính quyền trong một thời kỳ cách mạng thì dễ hơn rất nhiều so với việc biết sử dụng đúng đắn chính quyền ấy)"[186]. “Sai lầm lớn nhất và tệ hại nhất mà một người mácxít có thể mắc phải, là tưởng rằng quần chúng nhân dân đông hàng bao nhiêu triệu con người (và nhất là quần chúng nông dân và thợ thủ công), bị cái xã hội hiện đại đẩy vào vòng tối tăm, dốt nát và thiên kiến chỉ có thể thoát ra khỏi vòng tối tăm ấy bằng con đường trực tiếp của một nền giáo dục thuần túy mácxít"[187]. Rõ ràng, những luận điểm triết học có ý nghĩa phương pháp luận sâu sắc đó vẫn còn hết sức cần thiết đối với chúng ta.

Trong những năm từ sau cách mạng tháng Mười Nga đến lúc từ trần (ngày 2l/0l/1924) Lênin đã không ngừng phát triển triết học Mác, làm phong phú và sâu sắc thêm những quan điểm triết học mácxít, để triết học thật sự trở thành vũ khí tinh thần cho giai cấp vô sản trong cuộc đấu tranh lâu dài, khó khăn để xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Thực chất của cuộc cách mạng trong triết học do C.Mác và Ph.Ăngghen thực hiện, Lênin phát triển[edit]

Triết học Mác ra đời là một bước ngoặt có ý nghĩa cách mạng trong lịch sử triết học nhân loại. Toàn bộ hệ thống triết học do C.Mác và Ph.Ăngghen thực hiện, V.I. Lênin kế thừa và phát triển đã chứng minh một cách bản chất và sinh động giá trị lý luận và thục tiễn lớn lao của học thuyết Mác.

Sự thống nhất giữa chủ nghĩa duy vật và phép biện chứng[edit]

Trong lịch sử triết học trước C.Mác, chủ nghĩa duy vật và phép biện chứng tách rời nhau. Các nhà triết học duy vật, dù đã thể hiện những tư tưởng biện chứng, nhưng suy đến cùng, do hạn chế bởi điều kiện lịch sử xã hội và khoa học cho nên họ vẫn bị sự chi phối của phương pháp tư duy siêu hình. Tư tưởng biện chứng đã đạt được những thành tựu lớn lao trong triết học cổ điển Đức, đặc biệt là trong triết học Hêghen, nhưng nó lại phát triển trong hệ thống triết học duy tâm, thần bí. Do đó, nhìn chung, lịch sử triết học trước C.Mác thể hiện thế giới quan duy vật trong mối quan hệ với phương pháp nhận thức siêu hình, hoặc là thế giới quan duy tâm trong mối quan hệ với phương pháp nhận thức biện chứng.

Triết học Mác ra đời đã chứng minh tính thống nhất giữa thế giới quan và phương pháp luận: thế giới quan duy vật biện chứng trong sự thống nhất hữu cơ với phương pháp biện chứng duy vật. Kế thừa chủ nghĩa duy vật và phép biện chứng trong triết học cổ điển Đức, C.Mác đă xây dựng nên chủ nghĩa duy vật biện chứng, hình thức phát triển cao nhất của chủ nghĩa duy vật trong lịch sử triết học và phép biện chứng duy vật với tính cách 1à khoa học về sự phát triển của thế giới tự nhiên, lịch sử xã hội loài người và tư duy. Chủ nghĩa duy vật và phép biện chứng trong triết học C. Mác và Ph.Ăngghen được Lênin kế thừa và phát triển, tạo nên giai đoạn Lênin trong triết học Mác, hình thành nên hệ thống triết học vĩ đại nhất trong lịch sử: triết học Mác - Lênin. Đánh giá về tính chất triệt để trong triết học Mác, Lênin viết: "Triết học của Mác là một chủ nghĩa duy vật triết học hoàn bị, nó cung cấp cho loài người và nhất là cho giai cấp công nhân những công cụ nhận thức vĩ đại"[188].

Sáng tạo ra chủ nghĩ duy vật lịch sử[edit]

Một đặc điểm có ý nghĩa to lớn của cuộc cách mạng trong triết học là mở rộng chủ nghĩa duy vật sang lĩnh vực lịch sử xã hội loài người, hình thành nên chủ nghĩa duy vật lịch sử. Lênin đánh giá rằng: "Trong khi nghiên cứu sâu và phát triển chủ nghĩa duy vật triết học, Mác đã đưa học thuyết đó tới chỗ hoàn bị và mở rộng học thuyêt ấy từ chỗ nhận thức giới tự nhiên đến chỗ nhận thức xă hội loài người. Chủ nghĩa duy vật lịch sử của Mác là thành tựu vĩ đại nhất của tư tưởng khoa học. Một lý luận khoa học hết sức hoàn chỉnh và chặt chẽ đã thay cho sự lộn xộn và sự tùy tiện, vẫn ngự trị từ truớc đến nay trong các quan niệm về lịch sử và chính trị... "[189].

Chủ nghĩa duy vật lịch sử của triết học Mác đã chỉ ra quy luật vận động của lịch sử xă hội loài người, sự thay thế của các hình thái kinh tế xã hội là một quá trình lịch sử - tự nhiên. Trong các quy luật của lịch sử xã hội, quy luật biện chứng giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất có vai trò quyêt định. Các quan hệ về kinh tế quyết định các quan hệ về kiến trúc thượng tầng. Triết học lịch sử cũng phát hiện ra vai trò sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân là người "đào huyệt chôn chủ nghĩa tư bản”, thực hiện cách mạng xã hội chủ nghĩa, hướng đến mục tiêu giải phóng con nguời. Với bản chất duy vật triệt để trong lĩnh vực xã hội, triết học Mác - Lênin trở thành công cụ vĩ đại để nhận thức và cải tạo thế giới, tạo ra bước phát triển mới về chất, một sự nhảy vọt so với các hệ thống triết học khác trong lịch sử.

Thống nhất giữa lý luận với thực tiễn[edit]

Triết học Mác - Lênin không chỉ là lý luận khoa học phản ánh bản chất, quy luật của sự vận động và phát triển của thế giới, mà quan trọng hơn, đó là học thuyết nhằm mục đích cải tạo thế giới. Vì vậy, sự thống nhất biện chứng giữa lý luận và thực tiễn là một nguyên tắc căn bản của triết học Mác - Lênin.

Trong lịch sử, các hệ thống triết học trước C.Mác, kể cả các hệ thống triết học tiến bộ, đều chưa thấy vai trò thực tiễn là cơ sở, động lực, mục đích của nhận thức và tiêu chuẩn của chân lý, chưa nhận thức hết ý nghĩa thực tiễn cao nhất của triết học là hướng đến phát triển xã hội và giải phóng con người. Vì vậy, tách rời giữa lý luận và thực tiễn là đặc điểm vốn có trong lịch sử triết học trước C.Mác.

Chỉ khi triết học Mác ra đời, vai trò thực tiễn và sự thống nhất giữa lý luận và thực tiễn mới được xem là một nguyên tắc căn bản của triết học Mác - Lênin.

C.Mác viết: "Khuyết điểm chủ yếu của toàn bộ chủ nghĩa duy vật từ trước đến nay - kể cả chủ nghĩa duy vật của Phoiơbắc - là sự vật, hiện thực, cái cảm giác đựợc, chỉ được nhận thức dưới hình thức khách thể hay hình thức trực quan, chứ không được nhận thức la hoạt động cảm giác của con người, là thức tiễn, không được nhận thức về mặt chủ quan"[190]. “Vấn đề tìm hiểu xem tư duy của con người có thể đạt tới chân lý khách quan không, hoàn toàn không phải là một vấn đề lý luận mà là một vấn đề thực tiễn. Chính trong thực tiễn mà con người phải chứng minh chân lý, nghĩa là chứng minh tính hiện thực và sức mạnh, tính trần tục của tư duy của mình. Sự tranh cãi về tính hiện thực hay tính không hiện thực của tư duy tách rời thực tiễn, là một vấn đề kinh viện thuần túy"[191]. “Các nhà triết học đã chỉ giải thích thế giới bằng nhiều cách khác nhau, song vấn đề là cải tạo thế giới"[192]. Đó là biểu hiện của tính hiện thực, tính thực tiễn vô cùng sâu sắc trong triết học Mác - Lênin.

Thống nhất giữa tính khoa học với tính cách mạng[edit]

Bản chất khoa học của triết học Mác - Lênin đã bao hàm tính cách mạng. Tính khoa học càng sâu sắc, càng phản ánh đúng quy luật của sự phát triển thế giới thì tính cách mạng càng cao, càng triệt để.

Triết học Mác - Lênin biểu hiện tính cách mạng ở trong bản chất khoa học của học thuyết, trong mục đích cải tạo thế giới, trong vai trò và sứ mệnh lịch sử của giai cấp vô sản. Triết học Mác đã chứng minh, bằng sức mạnh của phương pháp biện chứng, sự thay thế chủ nghĩa tư bản bằng chế độ xã hội chủ nghĩa là một tất yếu lịch sử. "Chỉ có chủ nghĩa duy vật triết học của Mác là đã chỉ cho giai cấp vô sản con đường phải theo để thoát khỏi chế độ nô lệ về tinh thần, trong đó tất cả các giai cấp bị áp bức đã sống lay lắt từ trước tới nay"[193]. Triết học Mác là vũ khí tinh thần của giai cấp vô sản, còn giai cấp vô sản là vũ khí vật chất của triết học Mác trong cuộc đấu tranh vì xã hội tương lai.

Tính cách mạng trong triết học Mác – Lênin biểu hiện ở bản chất khoa học và cách mạng của phép biện chứng. C.Mác cho rằng: "Duới dạng hợp lý của nó, phép biện chứng chỉ đem lại sự giận dữ và kinh hoàng cho giai cấp tư sản và bọn tư tưởng gia giáo điều của chúng mà thôi, vì trong quan niệm tích cực về cái hiện đang tồn tại, phép biện chứng động thời cũng bao hàm cả quan niệm về sự phủ định cái hiện đang tồn tại đó, về sự diệt vong tất yếu của nó; vì mỗi hình thái đã hình thành đều đuợc phép biện chứng xét ở trợng sự vận động, tức là xét cả mặt nhất thời của hình thái đó; vì phép biện chứng không khuất phục trước một cái gì cả, và về thực chất thì nó có tính chất phê phán và cách mạng"[194].

Xác định đúng mối quan hệ giữa triết học với các khoa học cụ thể[edit]

Quan niệm truyền thống trong lịch sử triết học trước C.Mác coi "triết học là khoa học của mọi khoa học”. Triết học Mác ra đời đã chấm dứt quan niệm đó, đồng thời, xác định đúng đối tượng của triết học là nghiên cứu những quy luật chung nhất của tự nhiên, xã hội và tư duy. Vì vậy, không những không tách rời, mà trái lại, triết học Mác - Lênin càng có mối liên hệ thống nhất và độc lập với các khoa học chuyên ngành. Sự phát triển của các lĩnh vực khoa học khác nhau trong việc nghiên cứu thế giới tự nhiên và xã hội đặt cơ sở cho những khái quát mang tính phổ biến của triết học. Mặt khác, những kết luận của triết học trở thành thế giới quan khoa học và phuơng pháp luận chung nhất cho sự phát triển của các lĩnh vực khoa học. Thực tiễn khoa học đã chứng minh rằng, những thành tựu nghiên cứu của các khoa học về tự nhiên và xã hội là tiền đề cho hệ thống phạm trù, quy luật triết học ngày càng vận động, phát triển, đồng thời, ngược lại, hệ thống phạm trù, quy luật triết học định hướng cho sự phát triển hợp quy luật của các lĩnh vực khoa học khác nhau. Không có triết học duy vật biện chứng, khoa học hiện đại không thể tiến lên. Ph.Ăngghen viết: "Hóa học, tính có thể phân chia trừu tuợng của cái vật lý... thuyết nguyên tử, sinh lý học - tế bào (quá trình phát triển hữu cơ của một cá thể riêng lẻ cũng như của các loài, giống bằng con đường phân hóa là chứng cớ hiển nhiên nhất của phép biện chứng hợp lý) và cuối cùng, sự đồng nhất giữa những lực của tự nhiên và sự chuyển hóa lẫn nhau giữa chúng đã chấm dứt tính cố định của các phạm trù... phép biện chứng trở thành một sự cần thiết tuyệt đối cho... khoa học tự nhiên..."[195]. Sự phát triển của khoa học hiện đại ngày nay càng chứng minh cho mối liên hệ thống nhất giữa khoa học với triết học Mác - Lênin trên con đường nhận thức và cải tạo thê giới.

Triết học Mác - Lênin trong thời đại hiện nay[edit]

Những biến đổi của thời đại[edit]

Thời đại ngay nay được xác định từ cách mạng tháng Mười Nga 1917 đến những năm đầu của thế kỷ XXI. Trong toàn bộ quá trình lịch sử đó, thế giới diễn ra những thay đổi lớn lao trên tất cả mọi mặt: kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội.

Sự xuất hiện hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa sau chiến tranh thế giới lần thứ hai do Liên Xô đứng đầu với các nước như Việt Nam,Trung Quốc, Cộng hòa dân chủ Đức, Ba Lan, Tiệp Khắc, Rumani, Bungari, Hunggari, Cu Ba, Triều Tiên, Mông Cổ, Lào, đã tạo ra một quá trình phát triển của hai hệ thống đối lập cơ bản trong lịch sử xã hội loài người: hệ thống xã hội chủ nghĩa và hệ thống tư bản chủ nghĩa. Phải thừa nhận rằng, trong một thời gian lịch sử khá dài, chủ nghĩa xã hội hiện thực đã trở thành mục tiêu lý tưởng tốt đẹp nhất của nhân loại tiến bộ. Sự lớn mạnh của hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa là hậu phương vững chắc cho công cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa tư bản, đấu tranh giải phóng dân tộc, vì mục tiêu độc lập dân tộc, hòa bình, tự do, dân chủ và tiến bộ xã hội của nhân dân thế giới.

Tuy nhiên, do nhiêu nguyên nhân chủ quan và khách qum, từ những năm 90 thế kỷ XX, hệ thống xã hội chủ nghĩa rơi vào khủng hoảng và sụp đổ. Song, mục tiêu, lý tưởng và bản chất tốt dẹp của chủ nghĩa xã hội vẫn là phương hướng phát triển của lịch sử xã hội loài người. Các quốc gia như Việt Nam, Trung Quốc, Cu Ba... vẫn kiên định mục tiêu và giương cao ngọn cờ tiến lên chủ nghĩa xã hội. Đó là một tất yếu lịch sử.

Mặc dù, bản chất của chủ nghĩa tư bản là bóc lột, thống trị, nhưng với sự điều chỉnh về kinh tế, về chính sách xã hội, về lợi ích... mà các nước tư bản đã giữ được sự ổn định và phát triển, nhất là phát triển kinh tế và khoa học kỹ thuật. Điều đó, đã tạo ra một sự ngộ nhận và giao động khi cho rằng chủ nghĩa tư bản là tương lai của loài người. Trong mối quan hệ đó, cuộc đấu tranh "ai thắng ai” giữa chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản càng gay go, phức tạp.

Cuối thế kỷ XX đầu thế kỷ XXI, thế giới nổi lên các vấn đề liên quan đến toàn cầu như xung đột dân tộc, tôn giáo, vấn đề môi truờng sinh thái, vấn đề dịch bệnh liên quan đến súc khỏe con người. Đặc biệt là các cuộc chiến tranh cục bộ giữa các nước, biểu hiện cho tham vọng bá chủ toàn cầu của Mỹ, đã tạo nên tính không ổn định của môi trường chính trị trong từng khu vực và trên thế giới. Suy đến cùng, đó là biểu hiện tất yếu của những mâu thuẫn vốn có trong lòng xã hội tư bản chủ nghĩa.

Thời đại ngày nay cũng được đánh dấu bằng sự phát triển như vũ bão của cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật và công nghệ trên thế giới. Cách mạng khoa học - kỹ thuật và công nghệ đã tạo nên sự phát triển thần kỳ về mọi mặt trong đời sống xã hội của nhiều quốc gia, dẫn đến xu hướng phát triển tất yếu của nền kinh tế tri thức và toàn cầu hóa trên thế giới. Xu hướng phát triển đó, một mặt, làm cho mối liên hệ giữa các quốc gia, dân tộc ngay càng chặt chẽ, có tính toàn cầu, nhưng măt khác, làm cho mâu thuẫn giữa các nước giàu và các nước nghèo, chậm phát triển ngày càng gay gắt, không chỉ trên phương diện kinh tế mả còn trên các mặt như chính trị, văn hóa và xã hội.

Đảng Cộng sản Việt Nam đã nhận định về thời đại ngày nay: "Thế kỷ XXI sẽ tiếp tục có nhiều biến đổi. Khoa học và công nghệ sẽ có bước tiến nhảy vọt. Kinh tế tri thức có vai trò ngày càng nổi bật trong quá trình phát triển lực lượng sản xuất. Toàn cầu hóa kinh tế là một xu thế khách quan, lôi cuốn ngày cang nhiều nuớc tham gia, vừa có mặt tích cực, vừa có mặt tiêu cực, vừa có hợp tác, vừa có đấu tranh. Các mâu thuẫn cơ bản trên thế giới biểu hiện dưới những hình thức và múc độ khác nhau vẫn tồn tại và phát triển, có mặt sâu sắc hơn. Đấu tranh dân tộc và đấu tranh giai cấp tiếp tục diễn ra gay gắt. Thế giới đứng trước nhiều vấn đề toàn cầu mà không một quốc gia riêng lẻ nào có thể tự giải quyết nếu không có sự hợp tác đa phương. Chủ nghĩa tư bản hiện đại đang nắm ưu thế về vốn, khoa học và công nghệ, thị trường, song không thể khắc phục nổi những mâu thuẫn vốn có. Các quốc gia độc lập ngày càng tăng cường cuộc đấu tranh để tự lựa chọn và quyết định con đường phát triển của mình. Chủ nghĩa xã hội trên thế giới, từ những bài học thành công và thất bại cũng như từ khát vọng và sự thức tỉnh của các dân tộc, có điều kiện và khả năng tạo ra bước phát triển mới. Theo quy luật tiến hóa của lịch sử, loài người nhất định sẽ tiến tới chủ nghĩa xã hội"[196].

Như vậy, thời đại ngày nay đang chứng kiến những sự đổi thay vô cùng to lớn trên nền tảng của sự phát triển lực lượng sản xuất trong xã hội ngày càng cao.

Sự tác động của hai quá trình cách mạng về xã hội và về khoa học kỹ thuật, công nghệ đã tạo nên sự biên đổi nhanh chóng và phức tạp trên mọi mặt của đời sống xã hội. Đó cũng là một thách thức đặt ra đối với sự phát triển của chủ nghĩa Mác - Lênin nói chung, triết học Mác - Lênin nói riêng, nhằm chứng minh vai trò của lý luận khoa học và cách mạng trong điều kiện lịch sử - xã hội mới.

Vai trò thế giới quan và phương pháp luận của triết học Mác - Lênin trong thời đại hiện nay[edit]

Từ khi ra đời đến nay, triết học Mác - Lênin luôn phát triển trong cuộc đấu tranh với các trường phái triết học đối lập. Các học giả tư sản, trong giai đoạn hiện nay, muốn bác bỏ, phủ nhận những nguyên lý cơ bản của triết học Mác - Lênin. Họ cho rằng triết học Mác đã lỗi thời, dẫn đến sự thất bại của chủ nghĩa xã hội trên thực tế.

Sau chiến tranh thế giới lần thứ hai, các trường phái triết học phi mácxít hiện đại ở phương Tây ra đời và phát triển. Một số học thuyết như "Thuyết hội tụ" mà tác giả tiêu biểu là Buckinham, "Xã hội công nghiệp thống nhất" của R.Arông, "Xã hội hậu công nghiệp" của D.Ben, "Nhà nước công nghiêp mới" của Gi.Ganbrai...Từ nhùng năm 70 của thế kỷ XX, nhà tương lai học A.Toffler và H.Toffler với các tác phẩm như “Cú sốc tương lai", "Làn sóng thứ ba", " Thăng trầm quyền lực", "Chiến tranh và chống chiến tranh – sự sống còn của loài người ở buổi bình minh của thế kỷ XXI", “Tạo dựng một nền văn minh mới". Ở miền Nam Việt Nam trước 1975 xuất hiện những tư tưởng như "Chủ nghĩa duy linh nhân vị", "Cách mạng không cộng sản"...

Có thể nhận xét rằng, bên cạnh một số học thuyết muốn tiếp cận với triết học Mác - Lênin, thì một số học thuyết đã thổi phồng vai trò của nền văn minh công nghiệp, phủ nhận cách mạng xã hội, xóa nhòa ranh giới giữa chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản.

Ngày nay, hơn bao giờ hết, cần phải khẳng định rằng, vai trò triết học Mác - Lênin càng tăng lên cùng với sự phát triển của lịch sử - xã hội loài người. Vì vậy, việc nghiên cứu và phát triển triết học Mác - Lênin là một yêu cầu cấp thiết. Thực tế đã chứng minh rằng, các Đảng Cộng sản trong các nuớc xã hội chủ nghĩa đã không ngùng phát triển và vận dụng lý luận triết học Mác - Lênin, để triết học Mác - Lênin đóng vai trò là thế giới quan khoa học và phuơng pháp luận cách mạng trong thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đó cũng là biểu hiện của giá trị khoa học cách mạng, của giá trị văn hóa và vai trò ngày càng tăng về nội dung lý luận cũng như phương pháp luận của triết học Mác - Lênin trong đời sống xã hội hiện đại. Tất nhiên, trong điều kíện lịch sử mới, cần phải bổ sung và phát triển triết học Mác - Lênin, vận dụng sáng tạo những nguyên lý phổ biến đó một cách phù hợp vợi thời đại ngày nay. Điều đó đòi hỏi phải nắm vững bản chất những nguyên lý về thế giới quan và phương pháp luận của triết học mácxít, không rơi vào tả khuynh hoặc hữu khuynh, khắc phục bệnh giáo điều, chủ quan duy ý chí, chủ nghĩa xét lại, nhằm vận dụng sáng tạo lý luận triết học Mác - Lênin vào thực tiễn. Đồng thời, để đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong thời đại ngày nay, đòi hỏi các Đảng Cộng sản phải nắm vững phép biện chứng duy vật, bổ sung và phát triển lý luận triết học Mác - Lênin. Đó là yêu cầu cấp thiết của sự phát triển lý luận triết học mácxít hiện nay.

Vai trò triết học Mác - Lênin thể hiện trong định hướng nhận thức và thực tiễn mục tiêu của lịch sử xã hội loài người. Dù chủ nghĩa tư bản đã tự điều chỉnh để tồn tại và phát triển, nhưng những mâu thuẫn trong lòng xã hội tư bản vẫn không thể nào giải quyết được lý tưởng của nhân loại chỉ có thể là con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội trong tương lai.

Vận dụng sáng tạo nội dung lý luận, thế giới quan và phương pháp luận triết học mácxít là cơ sở để giải quyết đúng quy luật những vấn đề đặt ra của thời đại hiện nay như quan hệ giữa các quốc gia, dân tộc, những nội dung có tính toàn cầu về các mặt kinh tế, chính trị, văn hóa, khoa học kỹ thuật và con người. Chỉ có thể dựa trên những nguyên lý cơ bản của triết học Mác - Lênin, mới giải quyết đúng những vấn đề căn bản nhất của thời đại ngày nay, thúc đẩy lịch sử xã hội loài người phát triển theo xu thế tiến bộ, hợp quy luật.

Đảng Cộng sản Việt Nam đã và đang từng bước vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào công cuộc đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Đảng ta yêu cầu: "Khẳng dịnh lấy chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nên tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động là bước phát triển quan trọng trong nhận thức và tư duy lý luận của Đảng ta"[197]. “Làm cho chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh giữ vai trò chủ đạo trong đời sống tinh thần của nhân dân”[198]. Cơ sở lý luận đó là điều kiện cơ bản nhất có ý nghĩa quyết định để Đảng và nhân dân ta thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, là sự chứng minh hùng hồn cho những chân lý phổ biến của chủ nghĩa Mác – Lênin trong thời đại ngày nay.

Tham khảo[edit]

  1. C.Mác và Ph.Ăng ghen: Toàn tập, NXB. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995, tập 1, tr. 580.
  2. Sđd, tập 1, tr. 589.
  3. Sđd, tập 1, tr. 570.
  4. 4.0 4.1 C.Mác và Ph.Ăng ghen: Toàn tập, NXB. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2004, tập 42, tr. 89-90.
  5. 5.0 5.1 C.Mác và Ph.Ăng ghen: Toàn tập, NXB. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1994, tập 42, tr. 196.
  6. Sđd, tập 42, tr. 133.
  7. C.Mác và Ph.Ăng ghen: Toàn tập, NXB. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995, tập 3, tr. 9.
  8. C.Mác và Ph.Ăng ghen: Toàn tập, NXB. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995, tập 3, tr. 11.
  9. C.Mác và Ph.Ăng ghen: Toàn tập, NXB. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995, tập 3, tr. 39-40.
  10. Sđd, tập 3, tr. 40.
  11. Sđd, tập 3, tr. 37.
  12. Sđd, tập 3, tr. 38.
  13. C.Mác và Ph.Ănghen: Toàn tập, NXB. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995, tập 3, tr. 43.
  14. Sđd, tập 3, tr. 90.
  15. Sđd, tập 3, tr. 66.
  16. Sđd, tập 3, tr. 51.
  17. Sđd, tập 3, tr. 98
  18. C.Mác và Ph.Ăng ghen: Toàn tập, NXB. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995, tập 4, tr. 613.
  19. C.Mác và Ph.Ănghen: Toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995, tập 4, tr. 614-615.
  20. C.Mác và Ph.Ănghen: Toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995, tập 3, tr. 628.
  21. C.Mác và Ph.Ăng ghen: Toàn tập, NXB. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995, tập 3, tr. 646.
  22. C.Mác và Ph.Ăng ghen: Toàn tập, NXB. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2004, tập 5, tr. 147-148.
  23. C.Mác và Ph.Ăng ghen: Toàn tập, NXB. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2004, tập 23, tr. 21.
  24. C.Mác và Ph.Ăng ghen: Toàn tập, NXB. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2004, tập 23, tr. 266.
  25. Sđd, tập 23, tr. 272.
  26. C.Mác và Ph.Ăng ghen: Toàn tập, NXB. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1993, tập 23, tr. 268.
  27. C.Mác và Ph.Ăng ghen: Toàn tập, NXB. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1993, tập 23, tr. 267.
  28. C.Mác và Ph.Ăng ghen: Toàn tập, NXB. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1998, tập 46 (phần I), tr. 61
  29. C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2004, tập 23, tr. 1059.
  30. C.Mác và Ph.Ăng ghen: Toàn tập, NXB. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2004, tập 13, tr. 16.
  31. C.Mác và Ph.Ăng ghen: Toàn tập, NXB. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2004, tập 23, tr. 21.
  32. C.Mác và Ph.Ăng ghen: Toàn tập, NXB. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2004, tập 13, tr. 14-15.
  33. C.Mác và Ph.Ăng ghen: Toàn tập, NXB. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1998, tập 46 (phần 1), tr. 728.
  34. C.Mác và Ph.Ăng ghen: Toàn tập, NXB. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1998, tập 46 (phần 1), tr. 63.
  35. V. I. Lênin: Toàn tập, NXB. Tiến bộ, Matxcơva, 1981, tập 29, tr. 359-360.
  36. C.Mác và Ph.Ăng ghen: Toàn tập, NXB. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2004, tập 23, tr. 35.
  37. C.Mác và Ph.Ăng ghen: Toàn tập, NXB. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2004, tập 19, tr. 47
  38. C.Mác và Ph.Ăng ghen: Toàn tập, NXb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2004, tập 19, tr. 33
  39. V. I. Lênin: Toàn tập, NXB. Tiến bộ, Matxcơva, 1978, tập 2, tr. 11.
  40. C.Mác và Ph.Ăng ghen: Toàn tập, NXB. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1994, tập 20, tr. 54.
  41. Sđd. tập 20, tr. 54.
  42. C.Mác và Ph.Ăng ghen: Toàn tập, NXB. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1994, tập 20, tr. 66.
  43. Sđd. tập 20, tr. 67.
  44. C.Mác và Ph.Ăng ghen: Toàn tập, NXB. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1994, tập 20, tr. 89.
  45. C. Mác và Ph. Ăng ghen: Toàn tập, NXB. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1994, tập 20, tr. 66, 38-39
  46. Sđd, tập 20, tr. 201.
  47. C.Mác và Ph.Ăng ghen: Toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1994, tập 20, tr. 36.
  48. Sđd, tập 20, tr. 22.
  49. Sđd, tập 20, tr. 25.
  50. Sđd, tập 20, tr. 171-172.
  51. Sđd, tập 20, tr. 22, 173-174.
  52. C.Mác và Ph.Ăng ghen: Toàn tập, NXB. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1994, tập 20, tr. 181.
  53. Sđd, tập 20, tr. 200.
  54. Sđd, tập 20, tr. 201.
  55. C.Mác và Ph.Ăng ghen: Toàn tập, NXB. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1994, tập 20, tr. 201.
  56. Sđd, tập 20, tr. 127.
  57. Sđd, tập 20, tr. 132.
  58. C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1994, tập 20, tr. 135.
  59. Sđd, tập 20, tr. 358.
  60. Sđd, tập 20, tr. 358.
  61. C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1994, tập 20, tr. 163-164.
  62. C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1994, tập 20, tr. 197.
  63. C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1994, tập 20, tr. 511.
  64. Sđd, tập 20, tr. 520.
  65. Sđd, tập 20, tr. 751.
  66. Sđd, tập .20, tr. 519.
  67. C.Mác và PhĂngghen: Toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1994, tập 20, tr. 519.
  68. Sđd, tập 20, tr. 530.
  69. Sđd, tập 20, tr. 465.
  70. Sđd, tập 20, tr. 479.
  71. Sđd, tập 20, tr. 478-488.
  72. Sđd, tập 20, tr. 494.
  73. Sđd, tập 20, tr. 510.
  74. Sđd, tập 20, tr. 510-511.
  75. Sđd, tập 20, tr. 694.
  76. Sđd, tập 20, tr. 471
  77. Sđd, tập 20, tr. 482-483.
  78. Sđd, tập 20, tr. 489-490.
  79. Sđd, tập 20, tr. 508.
  80. Sđd, tập 20, tr. 692-693.
  81. Sđd, tập 20, tr. 799.
  82. Sđd, tập 20, tr. 474-475.
  83. Sđd, tập 20, tr. 475.
  84. Sđd, tập 20, tr. 641.
  85. Sđd, tập 20, tr. 644.
  86. Sđd, tập 20, tr. 645.
  87. Sđd, tập 20, tr. 646.
  88. Sđd, tập 20, tr. 650-651.
  89. C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1994, tập 21, tr. 403.
  90. Sđd, tập 21, tr. 403.
  91. Sđd, tập 21, tr. 404.
  92. Sđd, tập 21, tr. 404-405.
  93. Sđd, tập 21, tr. 405.
  94. C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1994, tập 21, tr. 407.
  95. Sđd, tập 21, tr. 397-398.
  96. Sđd, tập 21, tr. 397.
  97. Sđd, tập 21, tr. 399.
  98. Sđd, tập 21, tr. 394.
  99. Sđd, tập 21, tr. 395.
  100. Sđd, tập 21, tr. 401.
  101. Sđd, tập 21, tr. 402.
  102. Sđd, tập 21, tr. 418.
  103. Sđd, tập 21, tr. 420.
  104. Sđd, tập 21, tr. 425.
  105. Sđd, tập 21, tr. 412.
  106. Sđd, tập 21, tr. 427.
  107. Sđd, tập 21, tr. 428-429.
  108. Sđd, tập 21, tr. 429.
  109. Sđd, tập 21, tr. 430.
  110. Sđd, tập 21, tr. 432-433.
  111. Sđd, tập 21, tr. 434-435.
  112. Sđd, tập 21, tr. 436.
  113. Sđd, tập 21, tr. 439.
  114. Sđd, tập 21, tr. 441.
  115. Sđd, tập 21, tr. 449.
  116. Sđd, tập 21, tr. 428.
  117. V. I. Lênin: Toàn tập, Nxb.Tiến Bộ, Mátxcơva, 1978, tập 1, tr163.
  118. Sđd, tập 1, tr. 236-237.
  119. Sđd, tập 1, tr. 423.
  120. Sđd, tập 1, tr. 421.
  121. V. I. Lênin: Toàn tập, NXB Tiến Bộ, Mátxcơva, 1978, tập 41, tr. 11-12.
  122. V. I. Lênin: Toàn tập, NXB Tiến Bộ, Mátxcơva, 1980, tập 18, tr. 56.
  123. V. I. Lênin: Toàn tập, NXB Tiến Bộ, Mátxcơva, 1980, tập 18, tr. 423.
  124. Sđd, tập 18, tr. 425.
  125. Sđd, tập 18, tr. 420.
  126. Sđd, tập 18, tr. 445.
  127. Sđd, tập 18, tr. 408.
  128. Sđd, tập 18, tr. 409..
  129. V. I. Lênin: Toàn tập, Nxb.Tiến Bộ, Mátxcơva, 1980, tập 18, tr. 117.
  130. Sđd, tập 18, tr. 156.
  131. Sđd, tập 18, tr. 158.
  132. Sđd, tập 18, tr. 159.
  133. Sđd, tập 18, tr. 167.
  134. V. I. Lênin: Toàn tập, NXB Tiến Bộ, Mát xcơva, 1980, tập 18, tr. 167-168.
  135. Sđd, tập 18, tr. 168.
  136. Sđd, tập 18, tr. 151
  137. Sđd, tập 18, tr. 173.
  138. V. I. Lênin: Toàn tập, Nxb.Tiến Bộ, Mát xcơva, 1980, tập 18, tr. 388.
  139. Sđd, tập 18, tr. 318.
  140. Sđd, tập 18, tr. 322-323.
  141. V. I. Lênin: Toàn tập, Nxb.Tiến Bộ, Mát xcơva, 1980, tập 18, tr. 404.
  142. V. I. Lênin: Toàn tập, Nxb.Tiến Bộ, Mát xcơva, 1980, tập 18, tr. 49-50.
  143. V. I. Lênin: Toàn tập, Nxb.Tiến Bộ, Mát xcơva, 1981, tập 29, tr. 54.
  144. Sđd, 1980, tập 29, tr. 111.
  145. Sđd, 1980, tập 29, tr. 345.
  146. Sđd, 1980, tập 29, tr. 390.
  147. V. I. Lênin: Toàn tập, Nxb.Tiến Bộ, Mátxcơva , 1981, tập 29, tr. 382.
  148. Sđd, 1980, tập 29, tr. 379.
  149. Sđd, 1980, tập 29, tr. 378.
  150. Sđd, 1980, tập 29, tr. 379.
  151. Sđd, 1980, tập 29, tr. 379-380..
  152. Sđd, 1980, tập 29, tr. 116-117.
  153. Sđd, 1980, tập 29, tr. 240.
  154. V. I. Lênin: Toàn tập, NXB Tiến Bộ, Mát xcơva, 1981, tập 29, tr. 20.
  155. Sđd, 1980, tập 29, tr. 245.
  156. Sđd, 1980, tập 29, tr. 360.
  157. Sđd, 1980, tập 29, tr. 234.
  158. V. I. Lênin: Toàn tập, NXB Tiến Bộ, Mátxcơva, 1981, tập 29, tr. 192-193.
  159. Sđd, 1980, tập 29, tr. 230.
  160. Sđd, 1980, tập 29, tr. 179.
  161. Sđd, 1980, tập 29, tr. 101.
  162. V. I. Lênin: Toàn tập, NXB Tiến Bộ, Mátxcơva, 1981, tập 29, tr. 192-193.
  163. V. I. Lênin: Toàn tập, NXB Tiến Bộ, Mátxcơva, 1981, tập 29, tr. 385.
  164. V. I. Lênin: Toàn tập, NXB Tiến Bộ, Mátxcơva, 1981, tập 29, tr. 385-386.
  165. V. I. Lênin: Toàn tập, NXB Tiến Bộ, Mátxcơva, 1980, tập 27, tr. 535.
  166. V. I. Lênin: Toàn tập, NXB Tiến Bộ, Mátxcơva, 1980, tập 27, tr. 394.
  167. V. I. Lênin: Toàn tập, NXB Tiến Bộ, Mátxcơva, 1976, tập 33, tr. 9.
  168. Sđd, 1981, tập 33, tr. 10.
  169. Sđd, 1981, tập 33, tr. 30.
  170. Sđd, 1981, tập 33, tr. 27.
  171. Sđd, 1981, tập 33, tr. 28.
  172. Sđd, 1981, tập 33, tr. 121.
  173. Sđd, 1981, tập 33, tr. 125-126.
  174. Sđd, 1981, tập 33, tr. 33.
  175. V. I. Lênin: Toàn tập, NXB Tiến Bộ, Mátxcơva, 1977, tập 39, tr. 25.
  176. Sđd, tập 39, tr. 25.
  177. Sđd, tập 39, tr. 20.
  178. Sđd, tập 39, tr. 17-18..
  179. V. I. Lênin: Toàn tập, NXB Tiến Bộ, Mátxcơva, 1978, tập 41, tr. 34.
  180. Sđd, tập 41, tr. 34.
  181. Sđd, tập 41, tr. 34.
  182. V. I. Lênin: Toàn tập, NXB Tiến Bộ, Mátxcơva, 1978, tập 43, tr. 396-397.
  183. V. I. Lênin: Toàn tập, NXB Tiến Bộ, Mátxcơva, 1978, tập 44, tr. 11.
  184. V. I. Lênin: Toàn tập, NXB Tiến Bộ, Mátxcơva, 1978, tập 45, tr. 35.
  185. Sđd, tập 45, tr. 37.
  186. Sđd, tập 45, tr. 31.
  187. Sđd, tập 45, tr. 31.
  188. V. I. Lênin: Toàn tập, NXB Tiến Bộ, Mát xcơva, 1980, tập 23, tr. 54
  189. V. I. Lênin: Toàn tập, NXB Tiến Bộ, Mátxcơva, 1980, tập 23, tr. 53.
  190. C. Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tập 3, tr. 9.
  191. Sđd, tập 3, tr. 9-10.
  192. Sđd, tập 3, tr. 12.
  193. V. I. Lênin: Toàn tập, NXB Tiến Bộ, Mátxcơva, 1980, tập 23, tr. 58.
  194. C. Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004, tập 23, tr. 35-36.
  195. C. Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1994, tập 20, tr. 685.
  196. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ IX. NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr. 13-14.
  197. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ IX. NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr. 84.
  198. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ IX. NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr. 88.