Triết học không chuyên/5/Những nguyên tắc phương pháp luận của chủ nghĩa duy vật biện chứng và việc vận dụng nó vào sự nghiệp cách mạng ở Việt Nam giai đoạn hiện nay

From Wikiversity

Nếu chỉ có thế giới duy nhất và thống nhất là thế giới vật chất; trong thế giới vật chất, vật chất là nguồn gốc của ý thức, quyết định ý thức song ý thức có thể tác động trở lại vật chất thông qua hoạt động thực tiễn của con người thì trong cuộc sống, con người phải tôn trọng nguyên tắc khách quan và phát huy tính năng động chủ quan của mình.

Tôn trọng nguyên tắc khách quan[edit]

Tôn trọng nguyên tắc khách quan là tôn trọng vai trò quyết định của vật chất. Nguyên tắc này đòi hỏi trong nhận thức và hành động con người phải xuất phát từ thực tế khách quan, lấy khách quan làm cơ sở, phương tiện cho hành động của mình.

Một số biểu hiện của việc tôn trọng nguyên tắc khách quan là:

Mục đích, đường lối, chủ trương con người đặt ra không được xuất phát từ ý muốn chủ quan mà phải xuất phát từ hiện thực, phản ánh nhu cầu chín muồi và tính tất yếu củ đời sống vật chất trong từng giai đoạn cụ thể.

Chỉ có những mục đích, đường lối, chủ trương xuất phát từ hiện thực, phản ánh nhu cầu và tính tất yếu của hiện thực mới đúng và mới có khả năng trở thành hiện thực. Việt Nam, trong khoảng 10 năm sau khi thống nhất đất nước, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, chúng ta nôn nóng, tách rời hiện thực,

phạm nhiều quy luật khách quan trong đó quan trọng nhất là quy luật về sự phù hợp của quan hệ sản xuất với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất, nên đã phạm những sai lầm trong việc xác định mục tiêu, xác định các bước xây dựng cơ sở vật chất – kỹ thuật, cải tạo xã hội chủ nghĩa và quản lý kinh tế.

Tổng kết quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta đã rút ra kết luận mang tính định hướng là: “Mọi đường lối chủ trương của Đảng phải xuất phát từ thực tế, tôn trọng quy luật khách quan”[1].

Hiện nay, thực trạng trình độ lực lượng sản xuất ở nước ta còn thấp; cơ sở vật chất – kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội chưa đầy đủ, chưa vững chắc; đời sống của nhân dân chưa cao trong khi chúng ta có nhiều tiềm năng cả về tài nguyên thiên nhiên, con người cũng như các quan hệ trong và ngoài nước mà chúng ta chưa khai thác được một cách tốt nhất thì việc Đảng và Nhà nước chủ trương thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá; chủ trương thực hiện nhất quán, lâu dài chính sách phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là nhằm phát huy tối ưu tài lực, trí lực, nhân lực còn tiềm tàng ấy, nhằm tạo ra sự chuyển hoá về chất trong toàn bộ đời sống xã hội để đáp ứng nhu cầu mà thực tiễn cách mạng Việt Nam đang đặt ra[2].

Khi đã có mục đích, đường lối, chủ trương đúng rồi phải tổ chức được lực lượng vật chất để thực hiện nó.

Mục đích, đường lối, chủ trương thuộc lĩnh vực tư tưởng. Tự bản thân tư tưởng không thể trở thành hiện thực mà phải thông qua hoạt động của con người. Mặt khác, khi lịch sử đặt ra cho con người những nhiệm vụ phải giải quyết thì nó cũng đã sản sinh ra những điều kiện vật chất để giải quyết nhiệm vụ đó nên vấn đề trọng yếu trước tiên, quyết định con người thành công hay thất bại là con người có tìm ra, có huy động được, có tổ chức được những yếu tố vật chất thành lực lượng vật chất để thực hiện mục đích, đường lối, chủ trương của mình hay không.

Thời kỳ chiến tranh, chúng ta rất thành công trong việc huy động, tổ chức sức mạnh của mỗi người, mỗi vùng và sức mạnh của cả nước; sức mạnh trong và ngoài nước; sức mạnh của quá khứ, hiện tại, tương lai tạo nên một lực lượng vật chất khổng lồ của chiến tranh nhân dân, đánh bại những thế lực hơn chúng ta nhiều lần về tiềm lực kinh tế và tiềm lực quân sự để bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ.

Ngày nay, với quan điểm cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, chúng ta xác định: “Động lực chủ yếu để phát triển đất nước là đại đoàn kết toàn dân trên cơ sở liên minh giữa công nhân với nông dân và trí thức do Đảng lãnh đạo, kết hợp hài hoà các lợi ích cá nhân, tập thể và xã hội phát huy mọi tiềm năng và mọi nguồn lực của các thành phần kinh tế và của toàn xã hội”[3] cũng chính là tạo lực lượng vật chất để thực hiện nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới.

Phát huy tính năng động chủ quan[edit]

Phát huy tính năng động chủ quan là phát huy tính tích cực, năng động, sáng tạo của ý thức và phát huy vai trò nhân tố con người trong việc vật chất hoá những tính chất ấy.

Phát huy tính năng động chủ quan thể hiện rất phong phú, đa dạng, trong đó một số biểu hiện cơ bản của nó là:

Phải tôn trọng tri thức khoa học

Tri thức khoa học là tri thức chân thực về thế giới, được khái quá từ thực tiễn và được thực tiễn kiểm nghiệm. Tri thức khoa học giữ vị trí đặc biệt quan trọng trong cuộc sống của con người vì nó là một trong những động lực phát triển của xã hội. Mọi bước tiến trong lịch sử nhân loại đều gắn liền với những thành tựu mới của tri thức khoa học.

Tri thức khoa học thể hiện trong các khoa học khác nhau phản ánh những lĩnh vực khác nhau của thế giới song bản thân các lĩnh vực khác nhau này không tồn tại cô lập, tách rời nhau nên tri thức khoa học phản ánh chúng cũng không cô lập, tách rời nhau. Việc phân chia thành khoa học tự nhiên, khoa học công nghệ, khoa học xã hội, khoa học nhân văn hay khoa học cơ bản, khoa học ứng dụng, v.v. chỉ có tính tương đối. Vì vậy, tôn trọng tri thức khoa học không chỉ là chống sự tuyệt đối hoá vai trò của kinh nghiệm, xem thường khoa học mà còn là không tuyệt đối hoá một loại khoa học nào trong hệ thống các khoa học. Đây là tiền đề giúp con người không chỉ hoạt động có hiệu quả trong ngành nghề của mình mà còn giúp con người thực hiện hoạt động ấy theo những giá trị nhân văn của xã hội.

Nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của khoa học trong bối cảnh phức tạp của thế giới hiện nay, đối với cách mạng Việt Nam, Đảng và Nhà nước ta khẳng định “giáo dục và đào tạo cùng với khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu”[4]; trong đó, “Nền giáo dục Việt Nam là nền giáo dục xã hội chủ nghĩa có tính nhân dân, dân tộc, khoa học, hiện đại, lấy chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng”[5] nhằm “đào tạo những con người toàn diện, có đạo đức, tri thức, sức khoẻ, thẩm mỹ và nghề nghiệp, trung thành với lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; hình thành và bồi dưỡng nhân cách, phẩm chất và năng lực của công dân, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”[6]. Đối với khoa học, Đảng và Nhà nước chủ trương “Thực hiện cơ chế kết hợp chặt chẽ giữa khoa học xã hội và nhân văn với khoa học tự nhiên, khoa học cônng nghệ,... Phát huy tính sáng tạo, tinh thần làm chủ trong hoạt động khoa học và công nghệ. Đổi mới chính sách đào tạo, sử dụng và đãi ngộ trí thức, trọng dụng và tôn vinh nhân tài, kể cả người Việt Nam ở ngoài nước. Khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho mở rộng giao lưu và hợp tác quốc tế về khoa học và công nghệ, thu hút chuyên gia giỏi của thế giới đóng góp vào sự phát triển đất nước bằng nhiều hình thức thích hợp”[7].

Phải làm chủ tri thức khoa học và truyền bá tri thức khoa học vào quần chúng để nó trở thành tri thức, niềm tin định hướng cho quần chúng hành động.

Từ tôn trọng tri thức khoa học đến làm chủ được tri thức khoa học là một quá trình. Việc vươn lên làm chủ tri thức khoa học không chỉ liên quan dến quan niệm của con người về khoa học mà còn liên quan đến năng lực, nghị lực, quyết tâm của con người và những điều kiện vật chất để thực hiện nó. Mặt khác, sức mạnh và hiệu quả của tri thức khoa học phụ thuộc vào mức độ thâm nhập của nó vào quần chúng nên sự thâm nhập này trở thành một trong những điều kiện trực tiếp để phát huy vai trò nhân tố con người trong hoạt động vật chất hoá tri thức.

Vươn lên làm chủ tri thức khoa học, truyền bá tri thức khoa học là hoạt động vừa mang tính cá nhân, vừa mang tính xã hội và liên quan đến tất cả các lĩnh vực của đời sống.

Ở nước ta hiện nay, việc “khơi dậy lòng yêu nước, ý chí quật cường, phát huy tài trí của người Việt Nam, quyết tâm đưa nước nhà ra khỏi nghèo nàn và lạc hậu”[8]; việc đầu tư có trọng điểm trong hệ thống giáo dục và nghiên cứu khoa học; việc chủ trương xã hội hoá giáo dục để “cả nước trở thành một xã hội học tập”[9], chủ trương sử dụng tối ưu những phương tiện thông tin đại chúng cũng như đa dạng hoá các hình thức tuyên truyền; việc động viên các nhà khoa học bám sát cơ sở sản xuất, hướng dẫn nhân dân nắm bắt và làm chủ những tri thức mới về khoa học và công nghệ, v.v...[10] mà Đảng, Nhà nước và toàn dân đang tiến hành là những hoạt động sống động về việc phát huy tính năng động chủ quan phù hợp với yêu cầu và điều kiện của xã hội hiện tại.

Tôn trọng nguyên tắc khách quan, phát huy tính năng động chủ quan vừa là những ý nghĩa phương pháp luận cơ bản, vừa là những yêu cầu có tính nguyên tắc trong hoạt động thực tiễn. Những yêu cầu này khác nhau nhưng thống nhất và quan hệ hữu cơ với nhau nên hoạt động của con người chỉ đạt hiệu quả tối ưu khi thực hiện chúng đồng bộ và chống lại những quan điểm, những biểu hiện đối lập với chúng.

Tham khảo[edit]

  1. Đảng Cộng sản Việt Nam: Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1991, tr.5.
  2. Xem Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr.86-90.
  3. Xem Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr.86.
  4. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr.35.
  5. Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam: Luật Giáo dục, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1998, tr.8.
  6. Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam: Luật Giáo dục, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1998, tr.8.
  7. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr.206-207.
  8. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tr.107.
  9. Xem Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr.111 và 119.
  10. Xem Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr.114.