Triết học không chuyên/6/Khái niệm phép biện chứng và khái quát lịch sử phát triển của phép biện chứng

From Wikiversity

Khái niệm phép biện chứng[edit]

Siêu hình và biện chứng[edit]

Trong lịch sử phát triển của triết học từ thời cổ đại đến nay, vấn đề tồn tại của các sự vật, hiện tượng luôn được quan tâm và cần làm sáng tỏ. Các sự vật, hiện tượng xung quanh ta và ngay cả bản thân chúng ta tồn tại trong mối liên hệ qua lại, quy định, chuyển hoá lẫn nhau hay tồn tại tách rời, biệt lập nhau? Các sự vật, hiện tượng luôn vận động, phát triển hay tồn tại trong trạng thái đứng im, không vận động? Có nhiều quan điểm khác nhau về vấn đề này, nhưng suy cho cùng đều quy về hai quan điểm chính đối lập nhau là siêu hình và biện chứng.

Thuật ngữ “Siêu hình” có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp metaphysique (với nghĩa là “sau vật lý”), là học thuyết triết học nghiên cứu những cái đầu tiên siêu nhiên và những nguyên tắc siêu nhiên của tồn tại. Trong lịch sử triết học, siêu hình thường được sử dụng đồng nghĩa với thuật ngữ “Triết học”. Từ khi khoa học tự nhiên thực sự phát triển, đem lại những thành quả vĩ đại nhờ đi sâu nghiên cứu từng bộ phận riêng lẻ, cố định của tự nhiên và nhất là khi Ph.Bêcơn (1561-1626) và G.Lốccơ (1632-1704) chuyển quan điểm nhận thức ấy từ khoa học tự nhiên sang triết học, thì siêu hình trở thành phương pháp chủ yếu trong nhận thức về sự tồn tại của sự vật, hiện tượng. Trong triết học Mác-Lênin, siêu hình được dùng theo nghĩa là phương pháp xem xét sự vật, hiện tượng và sự phản ánh chúng vào tư duy, tức là những khái niệm, tồn tại trong trạng thái biệt lập, nằm bên ngoài mối liên hệ với các sự vật, hiện tượng khác, vĩnh viễn không biến đổi. Đặc thù của phương pháp tư duy siêu hình là tính một chiều, tuyệt đối hoá mặt này hay mặt kia, coi thế giới thống nhất là bức tranh không vận động, không phát triển. Các nhà siêu hình chỉ dựa trên những phản đề tuyệt đối không thể dung hoà được; có là có, không là không; hoặc tồn tại hoặc không tồn tại; sự vật, hiện tượng không thể vừa là chính nó lại vừa là cái khác nó; cái khẳng định và cái phủ định tuyệt đối bài trừ lẫn nhau. Phương pháp tư duy siêu hình đối lập với phương pháp tư duy biện chứng.

Các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lênin cho rằng, nhiệm vụ của khoa học tự nhiên là phân chia giới tự nhiên thành những bộ phận riêng biệt; phân chia các sự vật, hiện tượng thành những loại nhất định để nghiên cứu, đã buộc phải tách chúng ra khỏi các mối liên hệ và nghiên cứu riêng từng chi tiết một v.v nhằm thu thập những tài liệu cần thiết. Và đó là những điều kiện cơ bản cho những tiến bộ trong lĩnh vực nhận thức giới tự nhiên và do vậy, “đối với việc ứng dụng hàng ngày và đối với sự trao đổi nhỏ trong khoa học thì những phạm trù siêu hình vẫn còn có tác dụng”[1]. Tuy nhiên, phương pháp tư duy siêu hình có ý nghĩa hạn chế, nếu vượt ra ngoài giới hạn đó, thì sẽ mắc sai lầm, sẽ trở thành phiến diện, chật hẹp, trừu tượng và sa vào những mâu thuẫn không thể nào giải quyết được. Ph.Ăngghen khẳng định, phương pháp tư duy siêu hình “chỉ nhìn thấy những sự vật riêng biệt mà không nhìn thấy mối liên hệ qua lại giữa những sự vật sự vật ấy, chỉ nhìn thấy sự tồn tại của những sự vật ấy mà không thấy sự phát sinh và sự tiêu vong của những sự vật ấy, chỉ nhìn thấy trạng thái tĩnh của những sự vật ấy mà quên mất sự vận động của những sự vật ấy, chỉ nhìn thấy cây mà không thấy rừng”[2]. Từ giữa thế kỷ XVIII, cùng với sự phát triển vượt bậc của khoa học tự nhiên và nhận thức của con người, việc nghiên cứu thế giới, từ giai đoạn sưu tầm, phân tích, thu thập tri thức về các sự vật, hiện tượng trong tình trạng tách rời, cô lập, khoa học đã chuyển sang giai đoạn tổng quát, nghiên cứu quá trình phát sinh, phát triển của sự vật, hiện tượng thì phương pháp tư duy siêu hình lâm vào tình trạng khủng hoảng, không còn đáp ứng được yêu cầu của nhận thức khoa học và bị phương pháp tư duy biện chứng phủ định.

Thuật ngữ “Biện chứng” có gốc từ tiếng Hy Lạp dialekticka (với nghĩa là nghệ thuật dẫn dắt thảo luận, tranh luận). Trong lịch sử triết học, biện chứng được dùng để chỉ nghệ thuật tranh luận nhằm tìm ra chân lý bằng cách phát hiện các mâu thuẫn trong lập luận của đối phương. Theo sự vận động, phát triển của thực tiễn cuộc sống và nhận thức của con người, phương pháp tư duy biện chứng càng ngày càng được bổ sung, phát triển với những nội dung mới, phong phú và sâu sắc hơn. Đặc biệt là hình thức và nội dung của phương pháp tư duy biện chứng được phát triển khá toàn diện trong phép biện chứng duy tâm của Ph.Hêghen, "lần đầu tiên đặt toàn bộ thế giới tự nhiên, thế giới lịch sử và thế giới tinh thần vào dạng quá trình, nghĩa là trong sự vận động, thay đổi, cải biến và phát triển không ngừng, và thử mở ra mối liên hệ bên trong sự vận động và phát triển đó"[3]. C.Mác và Ph.Ăngghen đã kế thừa và phát triển sáng tạo những hạt nhân hợp lý trong lịch sử tư tưởng triết học nhân loại, trước hết là cải tạo phép biện chứng duy tâm của Ph.Hêghen, chứng minh rằng những “ý niệm” trong đầu óc của chúng ta chẳng qua chỉ là sự phản ánh của các sự vật, hiện tượng tồn tại khách quan; bản thân biện chứng của “ý niệm” cũng chỉ là sự phản ánh biện chứng của thế giới hiện thực. Khẳng định các sự vật, hiện tượng tồn tại trong mối liên hệ qua lại, quy định, chuyển hoá lẫn nhau thì trong quá trình vận động và phát triển đó, phương pháp tư duy biện chứng không chỉ thấy những sự vật, hiện tượng cá biệt, mà còn thấy những các mối quan hệ lẫn nhau giữa chúng; không chỉ thấy sự tồn tại, mà còn thấy cả sự sinh thành và sự tiêu vong của sự vật, hiện tượng; không chỉ thấy trạng thái tĩnh, mà còn thấy cả trạng thái động của sự vật, hiện tượng; không chỉ thấy “cây”, mà còn thấy cả “rừng”. Ph.Ăngghen cho rằng, điều căn bản của phương pháp tư duy biện chứng là “xem xét những sự vật và những phản ánh của chúng trong tư tưởng, trong mối quan hệ qua lại lẫn nhau của chúng, trong sự ràng buộc, sự vận động, sự phát sinh và tiêu vong của chúng”[4]. Phương pháp tư duy biện chứng mềm dẻo, linh hoạt, nó thừa nhận trong những trường hợp cần thiết, bên cạnh cái “hoặc là ... hoặc là”, còn có cả cái “vừa là ... vừa là”. Phương pháp tư duy biện chứng là phương pháp thực sự khoa học, là bước nhảy mới về chất trong lĩnh vực nhận thức, khắc phục được những hạn chế của phép biện chứng cổ đại, đẩy lùi phương pháp tư duy siêu hình, cải tạo phép biện chứng duy tâm và trở thành phương pháp luận chung nhất của hoạt động nhận thức và hoạt động thực tiễn. Ngày nay, khi nền văn minh nhân loại càng vươn tới đỉnh cao thì phép biện chứng duy vật càng thực sự là một khoa học. Phép biện chứng đó, trước hết là phép biện chứng khách quan và tuân theo những quy luật của thế giới khách quan.

Biện chứng khách quan và biện chứng chủ quan[edit]

Biện chứng khách quan là phạm trù dùng để chỉ biện chứng của bản thân các sự vật, hiện tượng tồn tại độc lập ở bên ngoài ý thức con người, là biện chứng của bản thân thế giới vật chất tồn tại tuân theo những quy luật khách quan. Những vấn đề nền móng, bản chất của biện chứng khách quan là mâu thuẫn giữa các quá trình tự nhiên, là sự tự hình thành và tổ chức; là mối quan hệ qua lại về chất giữa các hình thức khác nhau của những sự thay đổi được quy định bằng những thay đổi về lượng; là các thứ bậc của các trình độ tổ chức vật chất; là các hình thức vận động và gắn với đó là sự phân chia khoa học nghiên cứu về tự nhiên; là sự hình thành cuộc sống và xuất hiện dạng vật chất biết tư duy, sự hình thành con người; sự chuyển hoá từ tự nhiên vào xã hội. Biện chứng khách quan được khoa học thể hiện trong quy luật bảo toàn và chuyển hoá năng lượng; thuyết tiến hoá; thuyết tế bào; hệ thống tuần hoàn các nguyên tố hoá học; thuyết tương đối; thuyết lượng tử; học thuyết về gien v.v. Trong xã hội, vấn đề quan trọng nhất của biện chứng khách quan là biện chứng giữa chủ thể với khách thể trong lịch sử; mối quan hệ qua lại giữa xã hội với tự nhiên; sự tác động qua lại giữa lực lượng sản xuất với quan hệ sản xuất; mối quan hệ giữa kiến trúc thượng tầng với các hình thái ý thức xã hội; chỉ ra mỗi một giai đoạn trong quá trình phát triển của xã hội đều mang tính kế thừa và là một quá trình lịch sử

tự nhiên. Bởi vậy, khi nghiên cứu thực tiễn và lý luận xã hội, phải phối hợp biện chứng các mặt khả quan, tích cực, sáng tạo với những mặt không khả quan, tiêu cực, trì trệ, đáng phê phán của xã hội.

Biện chứng chủ quan là phạm trù dùng để chỉ tư duy biện chứng và biện chứng của chính quá trình phản ánh hiện thực khách quan vào não người. Biện chứng chủ quan một mặt phản ánh giới tự nhiên, mặt khác phản ánh những quy luật của tư duy biện chứng. Những quy luật của phép biện chứng duy vật là những quy luật chung nhất của bản thân thế giới khách quan mà “từ trong lịch sử của giới tự nhiên và lịch sử của xã hội loài người mà người ta rút ra được các quy luật của biện chứng”[5]. Dựa vào thế giới quan khoa học, phép biện chứng duy vật chỉ ra khả năng xây dựng bức tranh khoa học về thế giới. Trong nhận thức triết học, phép biện chứng duy vật "bao gồm ... nhận thức sự phủ định của nó, nhận thức tính diệt vong tất yếu của nó"[6]. Trong triết học Mác - Lênin, lôgíc (biện chứng), phép biện chứng, lý luận nhận thức thống nhất với nhau. Nguồn gốc của quan niệm này xuất phát từ sự khẳng định tư duy của con người và thế giới khách quan cùng phụ thuộc vào một loại quy luật, bởi vậy chúng không thể mâu thuẫn với nhau. Tuy vậy, sự thống nhất không có nghĩa là đồng nhất. Nếu như các mối liên hệ chung nhất và sự phát triển của sự vật, hiện tượng tồn tại bên ngoài và không phụ thuộc vào ý thức của con người, thì khi phản ánh các mối liên hệ và phát triển của sự vật, hiện tượng đó, các mối liên hệ và sự phát triển của nhận thức còn phụ thuộc vào những nguyên tắc của lý luận nhận thức và lôgíc, đặc thù nhận thức của con người. Biện chứng chủ quan, theo quan niệm trên, đối lập với biện chứng duy tâm của Ph.Hêghen, bởi toàn bộ phép biện chứng duy tâm mà Ph.Hêghen xây dựng, xét về bản chất, là sản phẩm thuần tuý của tư duy, là kết quả của quá trình tư duy tư biện được rút ra từ “ý niệm tuyệt đối”, phản ánh những quy luật vận động của ý niệm đó, tức của lực lượng thần bí, chứ không được rút ra từ giới tự nhiên.

Mối quan hệ giữa biện chứng khách quan với biện chứng chủ quan

Theo Ph.Ăngghen, “Biện chứng gọi là khách quan thì chi phối toàn bộ giới tự nhiên, còn biện chứng gọi là chủ quan, tức tư duy biện chứng, thì chỉ là phản ánh sự chi phối trong toàn bộ giới tự nhiên, của sự vận động thông qua những mặt đối lập, tức là những mặt, thông qua sự đấu tranh thường xuyên của chúng và sự chuyển hoá cuối cùng từ mặt đối lập này thành mặt đối lập kia, tương tự với những hình thức cao hơn, đã quy định sự sống của giới tự nhiên”[7]. Nói cách khác, biện chứng khách quan là biện chứng của thế giới vật chất, còn biện chứng chủ quan là cái phản ánh biện chứng khách quan, là tư duy biện chứng. Trong mối quan hệ này, biện chứng khách quan của đối tượng được phản ánh quy định biện chứng chủ quan, tức là bản thân sự vật, hiện tượng trong thế giới tồn tại biện chứng như thế nào thì tư duy, nhận thức của con người về sự vật, hiện tượng ấy cũng phải phản ánh chúng như thế ấy. Biện chứng khách quan và biện chứng chủ quan luôn thống nhất với nhau. Sự thống nhất giữa biện chứng khách quan với biện chứng chủ quan là cơ sở phương pháp luận chung của hoạt động cải tạo tự nhiên, cải tạo xã hội. V.I. Lênin viết, "Trong "Tư bản", Mác áp dụng lôgíc, phép biện chứng và lý luận nhận thức [không cần ba từ: đó là cùng một cái duy nhất] của chủ nghĩa duy vật vào một khoa học duy nhất; mà chủ nghĩa duy vật đã lấy ở Hêghen tất cả cái gì có giá trị và phát triển thêm lên"[8]. Mặt khác, biện chứng chủ quan có tính độc lập tương đối so với biện chứng khách quan, điều đó có nghĩa là trong thực tế, sự vật, hiện tượng được phản ánh và nhận thức của con người về sự vật, hiện tượng đó không trùng khít hoàn toàn với nhau, vì quá trình tư duy, nhận thức còn phải tuân theo những quy luật vốn có của mình. Trong Biện chứng của tự nhiên, Ph.Ăngghen chỉ rõ đòi hỏi đối với tư duy khoa học là phải vừa phân định rõ ràng, vừa phải thấy sự thống nhất về cơ bản giữa biện chứng khách quan với biện chứng chủ quan. “Phép biện chứng đã được coi là khoa học về những quy luật phổ biến nhất của mọi vận động. Điều đó có nghĩa là những quy luật ấy phải có hiệu lực đối với vận động trong giới tự nhiên và trong lịch sử loài người cũng như với vận động của tư duy. Một quy luật như thế có thể nhận thức trong hai lĩnh vực của ba lĩnh vực đó, hay thậm chí trong cả ba lĩnh vực”[9].

Khái quát lịch sử phát triển của phép biện chứng[edit]

Cũng như chủ nghĩa duy vật, phép biện chứng xuất hiện từ thời cổ đại và từ đó đến nay, lịch sử phát triển của nó, trải qua nhiều giai đoạn khác nhau, gắn liền với sự phát triển của khoa học và thực tiễn.

Phép biện chứng cổ đại[edit]

Phép biện chứng cổ đại thể hiện trong triết học ấn độ, Trung Quốc và rõ nhất là trong triết học Hy Lạp cổ đại. Về đại thể, phép biện chứng cổ đại coi thế giới là một chỉnh thể thống nhất; giữa các bộ phận của thế giới có mối liên hệ qua lại, thâm nhập, tác động và ảnh hưởng lẫn nhau; thế giới và các bộ phận của nó không ngừng vận động và phát triển.

Trong Đạo Phật Ấn Độ cổ đại, khi giải quyết những vấn đề thuộc nhân sinh quan, đã thể hiện những quan niệm duy vật và biện chứng nhất định, thể hiện rõ nét trong quan niệm về tính tự thân sinh thành, biến đổi của vạn vật tuân theo tính tất định và phổ biến của luật nhân - quả. Trong triết học Trung Quốc cổ, trung đại, những quan niệm biện chứng được thể hiện trong thuyết Âm - Dương. Âm và Dương là hai yếu tố đối lập nhau trong Thái cực, chúng tồn tại thống nhất và quy định lẫn nhau tạo ra sự thống nhất giữa cái bất biến với cái biến đổi; giữa cái duy nhất với cái nhiều, đa dạng, phong phú. Trong thuyết Ngũ hành, năm yếu tố Kim - Mộc

Thuỷ - Hoả - Thổ là những yếu tố khởi nguyên tạo nên vạn vật, tồn tại trong mối liên hệ tương sinh, tương khắc với nhau. Các yếu tố trên tác động, chuyển hoá lẫn nhau, ràng buộc, qui định lẫn nhau, tạo ra sự biến đổi trong vạn vật. Trong Đạo gia, từ quan niệm Đạo là yếu tố khởi nguyên của vạn vật, Lão Tử (khoảng thế kỷ VI tr.c.n) cho rằng vạn vật bị chi phối bởi hai luật phổ biến là luật quân bình và luật phản phục, trong đó luật quân bình luôn giữ cho sự vận động của vạn vật được cân bằng theo một trật tự điều hoà trong tự nhiên, không có gì thái quá, không có gì bất cập. Luật phản phục nói rằng, cái gì phát triển tột độ thì sẽ trở thành cái đối lập với nó. Trong Đạo Đức Kinh còn có những tư tưởng biện chứng trực quan, như bất kỳ sự vật, hiện tượng nào cũng đều là thể thống nhất của hai mặt đối lập vừa xung khắc nhau, vừa nương tựa vào nhau, vừa bao hàm lẫn nhau.

Các nhà “biện chứng bẩm sinh” tiêu biểu của Hy Lạp cổ đại là Hêraclít (540-480 tr.c.n), Xôcrát (470-399 tr.c.n), Platôn (427-347 tr.c.n), Arixtốt (384-322 tr.c.n) v.v. Theo Hêraclít, thế giới vật chất tồn tại trong sự hình thành, vận động vĩnh viễn trong sự thống nhất giữa các mặt đối lập. Ông cho rằng, phép biện chứng phản ánh sự vận động, biến đổi của thế giới vật chất nhờ phát hiện ra mâu thuẫn nội tại của sự vật, hiện tượng và coi sự vận động, biến đổi của thế giới vật chất cũng giống như sự chuyển động của một con sông mà ông đã xây dựng trong “Học thuyết về dòng chảy”, trong đó khẳng định mọi vật đều trôi đi, chảy đi. Với quan niệm biện chứng như vậy, Hêraclít đã xây dựng được một số phạm trù của phép biện chứng như lôgôs (gồm lôgôs chủ quan và lôgôs khách quan) để luận bàn về những quy luật khách quan của thế giới vật chất và coi đó là nội dung cơ bản của phép biện chứng. Sau Hêracơlít, phép biện chứng Hy Lạp cổ đại tiếp tục được Xôrcrát, Platôn và Arixtốt hoàn thiện, phát triển với nhiều nội dung phong phú. Theo Xôrcát, phép biện chứng là nghệ thuật dẫn dắt cuộc tranh luận, hướng các bên cùng quan tâm tới vấn đề đang tranh luận với mục đích đạt được chân lý của cuộc tranh luận đó bằng con đường đối lập các ý kiến của họ thông qua hình thức hỏi - đáp. Tư tưởng này đã được phát triển hơn trong phép biện chứng của Platôn khi ông cho rằng phép biện chứng là nghệ thuật tìm ra các khái niệm đúng dưới hình thức hỏi - đáp, là thao tác lôgíc phân chia và gắn kết các thành phần của khái niệm bằng công cụ hỏi - đáp để dẫn khái niệm đến định nghĩa đúng. Arixtốt đã đưa ra nhiều tư tưởng về phạm trù, quy luật và đã xây dựng các hình thức cơ bản của tư duy. Ph.Ăngghen khẳng định “Những nhà triết học cổ Hy Lạp đều là những nhà biện chứng bẩm sinh, tự phát, và Arixtốt, bộ óc bách khoa nhất trong các nhà triết học ấy cũng đã nghiên cứu những hình thức căn bản nhất của tư duy biện chứng”[10].

Đặc trưng cơ bản của phép biện chứng cổ đại là tính tự phát. Phép biện chứng thời kỳ đó mới chỉ dừng lại ở sự mô tả tính biện chứng của thế giới mà chưa đạt tới trình độ là hệ thống lý luận chặt chẽ, lôgíc. Mục đích nghiên cứu sự vận động, phát triển của sự vật, hiện tượng của các nhà triết học cổ đại chỉ nhằm vẽ được bức tranh chung, chỉnh thể về thế giới. Phép biện chứng cổ đại mới chỉ được tạo nên từ một số quan điểm biện chứng mộc mạc, thô sơ, mang tính suy luận, phỏng đoán trên cơ sở những kinh nghiệm trực giác mà chưa được minh chứng chắc chắn bằng các tri thức khoa học, chưa là hệ thống lý luận chung nhất với các nguyên lý, quy luật, phạm trù và do vậy, cũng chưa xác định rõ đối tượng, phạm vi nghiên cứu của phép biện chứng. Phép biện chứng cổ đại, tuy phần nào đã giúp chúng ta thấy được bức tranh chung trong tính chỉnh thể và tương đối chân thật về thế giới, nhưng chưa làm rõ được mối liên hệ cũng như chưa chỉ ra được những quy luật nội tại của sự vận động và phát triển của thế giới đó. Ph.Ăngghen khẳng định, “Hình thức thứ nhất là triết học Hy Lạp. Trong triết học này, tư duy biện chứng xuất hiện với tính chất thuần phác tự nhiên chưa bị khuấy động bởi những trở ngại đáng yêu”[11] và đánh giá phép biện chứng Hy Lạp cổ đại “nếu về chi tiết, chủ nghĩa siêu hình là đúng hơn so với những người Hy Lạp, thì về toàn thể những người Hy Lạp lại đúng hơn so với chủ nghĩa siêu hình” và cho dù còn nhiều hạn chế, song phép biện chứng cổ đại, ở chừng mực nhất định, đã trở thành phương pháp chung trong nhận thức của con người cổ đại về thế giới vật chất, trong quá trình vận dụng vào giải quyết các vấn đề của triết học, có tác dụng hướng dẫn con người trong hoạt động thực tiễn thời cổ đại. Những nội dung tư tưởng cơ bản của nó là cơ sở để phép biện chứng phát triển lên các hình thức cao hơn, triết học hiện đại chỉ tiếp tục cái công việc do Hêraclit và Arixtốt đã mở đầu mà thôi.

Phép biện chứng duy tâm trong triết học cổ điển Đức[edit]

Ra đời vào cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX, khởi đầu từ I.Cantơ (1724-1804), qua Phictơ (1762-1814), Sêlinh (1775-1854) và phát triển đến đỉnh cao ở Ph.Hêghen (1770-1831). Ph.Ăng ghen khẳng định đây là “Hình thức thứ hai của phép biện chứng, hình thức quen thuộc nhất với các nhà khoa học tự nhiên Đức, là triết học cổ điển Đức từ Cantơ đến Hêghen”[12].

Trong triết học Ph.Hêghen, phép biện chứng duy tâm được phát triển đến đỉnh cao với một nội dung rất phong phú, đồ sộ. Ph.Hêghen chia nội dung phép biện chứng thành tồn tại, bản chất và khái niệm. Tồn tại là cái vỏ bên ngoài, trực tiếp, nông nhất mà con người có thể cảm giác và được cụ thể hoá trong các phạm trù chất, lượng và độ. Bản chất là tầng gián tiếp của thế giới, không thể nhận biết được bằng cảm giác, tồn tại trong mâu thuẫn đối lập với chính mình và được thể hiện trong các phạm trù “hiện tượng - bản chất”, “hình thức - nội dung”, “ngẫu nhiên - tất yếu”, “khả năng - hiện thức” v.v. Còn khái niệm (mà hiện thân của nó là giới hữu cơ, sự sống) là sự thống nhất giữa tồn tại với bản chất, là cái vừa trực tiếp (có thể cảm giác được), vừa gián tiếp (không cảm giác được) và được thể hiện trong các phạm trù “cái phổ quát”, “cái đặc thù”, “cái đơn nhất”. Phép biện chứng trong giai đoạn này là “sự phát triển”, nghĩa là sự chuyển hoá từ cái trừu tượng đến cái cụ thể, từ chất này sang chất khác được thực hiện nhờ giải quyết mâu thuẫn. Phát triển được coi là sự tự phát triển tịnh tiến của “ý niệm tuyệt đối”, từ tồn tại đến bản chất, từ bản chất đến khái niệm, trong đó khái niệm vừa là chủ thể, vừa là khách thể, đồng thời là “ý niệm tuyệt đối”. Ph.Hêghen coi phát triển là nguyên lý cơ bản nhất của phép biện chứng với phạm trù trung tâm là “tha hoá” và khẳng định “tha hoá” được diễn ra ở mọi nơi, mọi lúc trong cả tự nhiên, xã hội và tinh thần. Các nhà biện chứng cổ điển Đức, mà Ph.Hêghen là điển hình, đã xây dựng và áp dụng phép biện chứng vào nghiên cứu các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội. Qua đó, họ đã xây dựng được hệ thống phạm trù, quy luật chung, thống nhất, có lôgíc chặt chẽ của nhận thức tinh thần, và trong một ý nghĩa nào đó, là của cả hiện thực vật chất. Mặc dù có nhiều “hạt nhân hợp lý” và “lấp lánh mầm mống phôi thai của chủ nghĩa duy vật” nhưng phép biện chứng của các nhà triết học cổ điển Đức cũng mắc phải những hạn chế nhất định. Đó là biện chứng của “ý niệm tuyệt đối”, của cái phi vật chất, là biện chứng của khái niệm, của tư duy thuần tuý, phản ánh một lực lượng thần bí nào đó bên ngoài thế giới vật chất. Toàn bộ những phạm trù và quy luật mà các nhà biện chứng cổ điển Đức đưa ra, chỉ được luận giải trong các thuật ngữ lôgíc, do đó, những tư tưởng liên hệ, vận động và chuyển hoá chỉ là những khái niệm trừu tượng, trống rỗng và suy cho cùng thì họ cũng không hiểu thực chất của những khái niệm, phạm trù của phép biện chứng khách quan. Theo V.I.Lênin, những kết luận của các nhà biện chứng cổ điển Đức chỉ là những phỏng đoán tài tình về “biện chứng của sự vật trong biện chứng của khái niệm”[13]. Các nhà biện chứng cổ điển Đức đã hoàn thành cuộc cách mạng về phương pháp, nhưng cuộc cách mạng đó lại ở tận trên trời, chứ không phải ở dưới trần gian, trong cuộc sống hiện thực của loài người, và do vậy, phép biện chứng của họ cũng “không tránh khỏi tính chất gò ép, giả tạo, hư cấu và bị xuyên tạc”[14]. Nhìn chung, các nhà biện chứng cổ điển Đức đã đẩy phép biện chứng đến chỗ duy lý, trừu tượng, cực kỳ rối rắm, khó hiểu bởi điểm xuất phát của nó là biện chứng của khái niệm, của tư duy thuần tuý, phản ánh một lực lượng thần bí bên ngoài thế giới vật chất. Thí dụ, Ph.Hêghen cho rằng, ngoài tư duy của nhân loại ra thì còn có tư duy siêu nhân loại chẳng những không phụ thuộc vào vật chất mà thậm chí còn quy định cả quá trình vật chất nữa; do vậy, "học thuyết của Hêghen đã để một khoảng đất rộng cho các quan điểm thực tiễn có tính chất đảng phái và hết sức khác nhau. Người nào đặc biệt dựa vào hệ thống của Hêghen thì người đó có thể là khá bảo thủ, còn người nào cho phương pháp biện chứng là chủ yếu, thì người đó, về chính trị cũng như về tôn giáo, đều có thể thuộc vào phái phản đối cực đoan nhất”[15].

Theo V.I.Lênin, cống hiến lớn nhất của các nhà biện chứng cổ điển Đức, đặc biệt là Ph.Hêghen “đã trở lại phép biện chứng, coi nó như một phương pháp xem xét đối lập với phương pháp siêu hình thế kỷ XVII, XVIII”[16]. Nếu như phép biện chứng cổ đại chủ yếu được đúc rút từ kinh nghiệm cuộc sống hàng ngày, thì phép biện chứng cổ điển Đức đã trở thành một hệ thống lý luận tương đối hoàn chỉnh và trong một chừng mực nhất định, đã trở thành một phương pháp tư duy phổ biến của triết học. Với sự ra đời của triết học cổ điển Đức, lần đầu tiên phép biện chứng thể hiện với tư cách là lôgíc biện chứng, khắc phục một số hạn chế của lôgíc hình thức. V.I.Lênin còn cho rằng, phép biện chứng cổ điển Đức đã tạo ra bước quá độ chuyển biến về thế giới quan và lập trường từ chủ nghĩa duy vật siêu hình sang thế giới quan khoa học duy vật biện chứng. Cũng chính nhờ có hệ thống phạm trù, quy luật đó mà C.Mác và Ph.Ăngghen đã cải tạo và phát triển thành những phạm trù, quy luật của phép biện chứng duy vật. Tuy nhiên, với những hạn chế của phép biện chứng duy tâm trong triết học cổ điển Đức, khi khoa học tự nhiên phát triển sang giai đoạn tổng quát, nghiên cứu quá trình phát sinh, phát triển của sự vật, hiện tượng, thì tất yếu nó sẽ bị phủ định và thay thế bằng phép biện chứng duy vật của chủ nghĩa duy vật biện chứng.

Phép biện chứng duy vật[edit]

Ph.Ăngghen định nghĩa “phép biện chứng...là môn khoa học về những qui luật phổ biến của sự vận động và sự phát triển của tự nhiên, của xã hội loài người và của tư duy”[17]. V.I.Lênin viết “phép biện chứng, tức là học thuyết về sự phát triển, dưới hình thức hoàn bị nhất, sâu sắc nhất và không phiến diện, học thuyết về tính tương đối của nhận thức của con người phản ánh vật chất luôn luôn phát triển không ngừng”[18]. Hồ Chí Minh đánh giá “chủ nghĩa Mác có ưu điểm là phương pháp làm việc biện chứng”[19].

Khác với các phép biện chứng trước đó, sự ra đời của phép biện chứng duy vật gắn liền với những thành tựu phát triển rực rỡ của khoa học tự nhiên đã phản ánh “bản chất đích thực” của thế giới và thực tiễn cách mạng trong thế kỷ XIX, tạo cơ sở vững chắc để các nhà kinh điển triết học Mác khái quát và xây dựng phép biện chứng duy vật. Phép biện chứng duy vật là sự thống nhất hữu cơ giữa thế giới quan duy vật với phương pháp biện chứng. Mỗi nguyên lý của phép biện chứng duy vật đều được xây dựng trên lập trường duy vật, thừa nhận vật chất là cái có trước, sinh ra ý thức và quy định ý thức cả về nội dung lẫn phương thức thể hiện. ý thức là sự phản hiện thực khách quan vào não người, là hình ảnh chủ quan của thế giới khách quan. Mỗi luận điểm của phép biện chứng duy vật là kết quả cuối cùng của sự nghiên cứu, được rút ra trong giới tự nhiên và trong lịch sử xã hội loài người. Mỗi nguyên lý, quy luật, phạm trù của phép biện chứng đều được luận giải trên cơ sở khoa học và được chuẩn bị bằng toàn bộ sự phát triển của tự nhiên học trước đó. Khi cuộc cách mạng trong khoa học tự nhiên tiếp tục diễn ra mạnh mẽ, nhất là trong vật lý học, V.I.Lênin tiếp tục khái quát về mặt triết học các thành tựu mới của khoa học tự nhiên để bổ sung, phát triển và hoàn thiện phép biện chứng duy vật. Chính vì vậy, phép biện chứng duy vật đã hoàn toàn khắc phục được tính tự phát của phép biện chứng cổ đại, vượt qua được phép biện chứng duy tâm của triết học cổ điển Đức và đã đẩy lùi được phương pháp siêu hình, đưa phép biện chứng từ tự phát đến tự giác.

Sự ra đời phép biện chứng duy vật là một cuộc cách mạng trong phương pháp tư duy triết học, là phương pháp tư duy khoa học mới, khác về chất so với các phương pháp tư duy trước đó. Lần đầu tiên trong lịch sử triết học, phép biện chứng đã trở thành một phương pháp nhận thức khoa học, thực sự là một “phương pháp mà điều căn bản là nó xem xét những sự vật và những phản ánh của chúng trong tư tưởng, trong mối liên hệ qua lại lẫn nhau giữa chúng, trong sự ràng buộc, sự vận động, sự phát sinh và sự tiêu vong của chúng”[20]. Ph.Ăngghen cho rằng, C.Mác vẫn là người duy nhất có thể đảm đương được công việc rút từ lôgíc học của Hêghen ra các hạt nhân bao hàm những phát triển thực sự của Hêghen trong lĩnh vực này và khôi phục lại. Do vậy, phép biện chứng được giải phóng khỏi những cái vỏ bọc duy tâm của nó dưới dạng đơn giản trong đó nó trở thành một hình thái duy nhất đúng đắn của tư tưởng. Phép biện chứng duy vật là “linh hồn sống”, là “cái quyết định” của chủ nghĩa Mác-Lênin nói chung, của triết học Mác-Lênin nói riêng, bởi khi nghiên cứu những quy luật chung nhất, phổ biến nhất về sự vận động, phát triển của hiện thực khách quan và của nhận thức khoa học, nó thực hiện chức năng phương pháp luận chung nhất giúp con người đề ra những nguyên tắc tương ứng, định hướng hoạt động lý luận và thực tiễn.

Phép biện chứng duy vật có vai trò vô cùng to lớn và quan trọng đối với hoạt động nhận thức và hoạt động thực tiễn. Sự thống nhất giữa chủ nghĩa duy vật với phép biện chứng đã làm cho phép biện chứng duy vật không chỉ dừng lại ở phương pháp giải thích thế giới mà đã trở thành phương pháp cải tạo thế giới, thực sự là công cụ thế giới quan, phương pháp luận chung nhất, đúng đắn và khoa học nhất của giai cấp vô sản trong quá trình đấu tranh cách mạng, cải tạo xã hội cũ, xây dựng xã hội mới. V.I.Lênin chỉ rõ, phép biện chứng duy vật “cung cấp cho loài người những công cụ nhận thức vĩ đại”. Điều này được thể hiện ở một số khía cạnh cơ bản, mà trước hết là khía cạnh cơ sở lý luận duy nhất đúng để giải quyết những vấn đề triết học nảy sinh trong quá trình nghiên cứu khoa học, nghĩa là phép biện chứng duy vật thực hiện vai trò định hướng việc nghiên cứu. Trước khi nghiên cứu sự vật, hiện tượng nhà nghiên cứu bao giờ cũng phải đứng trên lập trường duy vật biện chứng, thấy trước được phương hướng vận động chung của sự vật, hiện tượng, xác định sơ bộ được các giai đoạn cơ bản mà việc nghiên cứu phải trải qua; đề xuất những tiền đề cơ bản, vận dụng những phương pháp đặc thù, phương pháp riêng và phương pháp chung vào việc nghiên cứu; khi giải thích những kết quả đã đạt được, vai trò triết học duy vật biện chứng nổi lên hàng đầu cho phép nhà nghiên cứu vận dụng để giải thích về mặt lý luận bản chất các kết quả đã đạt được trong nghiên cứu. Khía cạnh phương pháp của phép biện chứng duy vật được thể hiện ở các nguyên tắc phương pháp luận cơ bản của phép biện chứng duy vật như nguyên tắc khách quan, nguyên tắc thống nhất giữa lý luận với thực tiễn, nguyên tắc toàn diện, nguyên tắc lịch sử - cụ thể và nguyên tắc phát triển v.v. giúp nhà nghiên cứu xác định phương pháp cho hoạt động nhận thức và hoạt động thực tiễn. Phép biện chứng duy vật là khoa học duy nhất đúng của tư duy lý luận về nghệ thuật vận dụng các khái niệm, bởi thực nghiệm khoa học tuy có vai trò vô cùng quan trọng nhưng các tri thức thu nhận được từ thực nghiệm chỉ mới là dữ liệu ban đầu. Muốn từ những dữ liệu đó phát hiện ra các quy luật, thâm nhập sâu vào bản chất của sự vật, hiện tượng, phải trải qua quá trình khái quát hoá, trừu tượng hoá, từ những sự kiện đơn lẻ đến những khái niệm chung, bao quát v.v. Muốn vậy, phải sử dụng những khái niệm, phạm trù với phương pháp tư duy khoa học nhất, phù hợp với sự vận động và phát triển của sự vật, hiện tượng. Đồng thời những khái niệm, phạm trù cũng phải được mài sắc, gọt dũa, mềm dẻo, năng động, liên hệ với nhau, thống nhất với nhau trong sự đối lập và coi mối liên hệ giữa những khái niệm, phạm trù là những nấc thang của quá trình nhận thức.

Tham khảo[edit]

  1. C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội. 1994. t.20. tr.696.
  2. C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội. 19944. t.20. tr. 37.
  3. C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1994. t.20. tr.23.
  4. C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia. Hà Nội, 1994. t.20. tr. 696.
  5. C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội. 1994. t.20. tr.696.
  6. C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội. 1994. t.22. tr.22.
  7. C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia. Hà Nội. 1994. t.20. tr.694.
  8. V.I.Lênin: Toàn tập, Nxb.Tiến bộ, Mátxcơva, 1981, t.29, tr.359-360.
  9. C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004, t.20,  tr.766-768.
  10. C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập. Nxb. Chính trị quốc gia. Hà Nội, 2004, t.20, tr. 34
  11. C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập. Nxb. Chính trị quốc gia. Hà Nội, 2004, t.20, tr. 491.
  12. C. Mác và Ph. Ăngghen: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia. Hà Nội, 2004, t.20. tr. 492.
  13. V.I.Lênin: Toàn tập, Nxb. Tiến bộ, Mátxcơva. 1981. t.29. tr.209.
  14. C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia. Hà Nội. 1994. t.21. tr.41.
  15. C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia. Hà Nội. 1994. t.21. tr.420.
  16. V.I.Lênin: Toàn tập, Nxb, Tiến bộ, Mátxcơva, 1981, t.29, tr.160.
  17. C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia. Hà Nội. 1994. t.20. tr.200.
  18. V.I.Lênin: Toàn tập, Nxb. Tiến bộ, Mátxcơva. 1980. t.23. tr.53.
  19. Tư tưởng Hồ Chí Minh và con đường cách mạng Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia. Hà Nội. 1997. tr.43.
  20. V.I.Lênin: Toàn tập, Nxb. Tiến bộ, Mátxcơva. 1981. t.29. tr.155.