Trung dung

From Wikiversity

Trung là không lệch về phía nào, Dung là không thay đổi. Trung là đường chính trong thiên hạ, Dung là nhất định trong thiên hạ. Vậy, Trung Dung là không lệch về phía nào, luôn luôn giữ thái độ dung hòa, không thái quá, cũng không bật cập, trong quan hệ đối với người hay xử lý sự việc.

Trung dung trong Vũ trụ , vạn vật[edit]

Vũ trụ và vạn vật luôn luôn biến hóa theo lẽ điều hòa và tương đối, lưu hành mãi mãi không lúc nào ngừng nghỉ. Thiên đạo đã không cố định thì việc đời có gì là cố định? Vậy ta cứ tùy thời mà hành động, miễn sao giữ được sự điều hòa và trung chính. Làm việc gì cũng phải lấy Trung Dung làm căn bản, tức là không thái quá, cũng không bất cập, luôn luôn thích hợp với Đạo Trung hòa của Trời Đất.

Trung dung trong xử thế[edit]

Trung dung là lối cư xử trung hoà không quá thừa hay quá thiếu . Nho giáo nêu lên quan niệm về Trung dung . Trong mọi hoàn cảnh, con người cần kiềm chế cảm xúc, làm chủ bản thân. Sách Trung Dung viết

Khi tình cảm như vui mừng, hờn giận, đau thương, khoái lạc chưa biểu hiện ra thì gọi là trung; biểu hiện ra rồi nhưng phù hợp, đúng mức thì gọi là hòa. Trung là điều cơ bản lớn nhất trong thiên hạ. Hòa là chuẩn tắc phổ biến nhất trong thiên hạ. Trung hòa mà đạt đến tột cùng thì mọi cái trong trời đất đều ở vị trí thỏa đáng, vạn vật sẽ sinh sôi nảy nở.

Đạo trung dung trong quân tử và tiểu nhân

Lời nói và việc làm của người quân tử thì phù hợp với chuẩn tắc trung dung, còn kẻ tiểu nhân thì phản lại trung dung. Người quân tử luôn giữ trạng thái trung hòa, không thái quá hay bất cập. Kẻ tiểu nhân thì không hề lo sợ, nể nang hay e dè , nên cách nói năng của và hành động của kẻ tiểu nhân không thái quá thì cũng bất cập. Người quân tử phải giữ trọn đạo Trung dung trong bất cứ hoàn cảnh nào .

Khổng Tử nói

Người quân tử hòa hợp nhưng không cùng quan điểm.
Kẻ tiểu nhân cùng quan điểm nhưng không hòa hợp.
Quân tử hòa nhi bất đồng, tiểu nhân đồng nhi bất hòa.

Trung dung trong quân tử

Người quân tử vừa ra sức coi trọng đạo đức vốn có của mình, vừa ra sức chăm lo học tập; vừa phấn đấu đạt đến tầm rộng lớn của đạo, vừa nắm hết chỗ tinh vi tận cùng của đạo. Muốn có được đạo đức cao minh, phải thông hiểu đạo lý trung dung, ôn tập những kiến thức đã nắm chắc, từ đó mà thu hoạch thêm những kiến thức mới; trung hậu, chất phác, giản dị lại ham chuộng lễ nghi nghiêm túc. Khi ở ngôi cao thì không kiêu ngạo, khi làm kẻ dưới thì chẳng dám gây điều trái nghịch, bất chấp lễ nghĩa. Khi nước có đạo, người quân tử có thể ra giúp nước, nghĩ mưu kế để khiến nước nhà hưng thịnh. Khi nước không có đạo, người quân tử có thể dựa vào trí sáng suốt của mình, tránh cho mình khỏi bị tai ương họa hại.