Jump to content

Văn hóa và xã hội nước Tần

From Wikiversity

Cuộc sống thường nhật

[edit]

Mặc dù có những nỗ lực của chính quyền nhà Tần để cải cách giới quý tộc từ thời nhà Chu, đa số giới quý tộc vẫn có một cuộc sống xa hoa hơn rất nhiều so với dân thường. Những sự khác biệt này giữa các vùng ở địa phương được xem là trái với sự thống nhất mà chính quyền nhà Tần muốn hướng đến.

Dân thường và dân làng nông thôn, những người chiếm hơn 90% dân số rất hiếm khi rời khỏi các ngôi làng hoặc trang trại nơi họ sinh ra. Các hình thức việc làm phổ biến có sự khác biệt theo khu vực, nhưng phần lớn họ làm nông nghiệp. Nghề nghiệp là cha truyền con nối; thường công việc của một người cha được truyền lại cho con trai cả của ông sau khi ông qua đời.

Nông dân hiếm khi xuất hiện trong văn học nhà Tần. Nhiều học giả và những người có địa vị cao hơn ưa thích sự phồn vinh của các thành phố và sự lôi cuốn của chính trị. Một ngoại lệ đáng chú ý là Thần Nông, một vị thần huyền thoại trong lịch sử, người đã dạy rằng các hộ gia đình nên tự gieo trồng thực phẩm. "Một lần anh không cày, ai đó trên thế giới sẽ đói. Một lần chị không dệt, ai đó trên thế giới sẽ lạnh". Nhà Tần khuyến khích điều này; một nghi lễ được thực hiện vài năm một lần bao gồm các quan chức quan trọng trong chính quyền thay phiên nhau cày trên cánh đồng đặc biệt để tạo ra một mô phỏng về lợi ích và hoạt động của chính quyền trong nông nghiệp.

Kiến trúc

[edit]
nhỏ
nhỏ

Kiến trúc thời Chiến Quốc có một số khía cạnh nổi bật. Các bức tường thành, được sử dụng để phòng thủ, được xây dài hơn. Một số bức tường thứ cấp đôi khi cũng được xây dựng để tách các quận khác nhau. Những công trình có cấu trúc lớn được xây dựng để tạo ra cảm giác về quyền lực tuyệt đối. Nhiều ngôi nhà, tòa tháp, cổng trụ, cung điện lớn được xây dựng ở thời kỳ này.

Triết học và văn học

[edit]
nhỏ
nhỏ

Văn tự của Tần là chữ tượng hình, giống như văn tự của nhà Chu trước đó.Tuy vậy, văn tự ở các nước khác thời Chiến Quốc ít nhiều có những sự không tương đồng. Thừa tướng Lý Tư đã tiêu chuẩn hóa hệ thống chữ viết để có cách viết thống nhất trên toàn Trung Hoa. Đây là một trong những thành tựu lớn nhất trong cuộc đời của ông, đặt nền móng cho sự thống nhất trong văn hóa Trung Quốc trong hàng ngàn năm.

Trong thời Chiến Quốc, hàng trăm trường phái tư tưởng bao gồm nhiều triết lý khác nhau được tạo ra bởi các học giả Trung Quốc. Tuy nhiên, vào năm 221 TCN, Tần Thủy Hoàng đã chinh phục tất cả các quốc gia và cai trị với một triết lý duy nhất là Pháp gia. Ít nhất một trường phái tư tưởng là Mặc gia dần bị xóa bỏ. Mặc dù hệ tư tưởng của nhà Tần và Mặc gia có những điểm tương đồng về một số khía cạnh nhất định, có thể những người theo trường phái này đã bị quân đội của nhà nước tìm kiếm và giết chết bởi các hoạt động bán quân sự.

Trường phái tư tưởng của Khổng Tử, được gọi là Nho giáo, cũng có ảnh hưởng lớn trong thời Chiến Quốc, cũng như trong suốt phần lớn của nhà Chu. Trong thời nhà Tần, Nho giáo và các trường phái khác với Pháp gia như Đạo giáo bị Tần Thủy Hoàng đàn áp. Trường phái Pháp gia thời nhà Tần bài trừ chế độ phong kiến cũ ​​và khuyến khích các hình phạt nghiêm khắc, đặc biệt là khi không tuân lệnh hoàng đế. Quyền cá nhân bị gạt đi khi chúng mâu thuẫn với mong muốn của chính quyền, thương nhân và học giả không được coi trọng và thích hợp để loại bỏ.

Một trong những việc đàn áp nổi bật hồi đó là đốt sách chôn nho. Tần Thủy Hoàng ra lệnh đốt bỏ hết phần lớn các sách đương thời, chỉ giữ lại những cuốn sách bói toán, nông nghiệp, y học, thần thoại, và lịch sử nhà Tần. Kẻ nào không tuân lệnh mà lén lút giữ sách thì bị phạt nặng. Sử ký Tư Mã Thiên ghi lại, có 460 Nho sĩ bị chôn sống ở Hàm Dương vì sở hữu sách cấm vào năm 212 TCN.Tuy nhiên, một số nhà Hán học hiện đại cho rằng việc "chôn sống các học giả" không phải là nghĩa đen mà chỉ đơn giản là "giết chết họ"

Chính quyền và quân sự

[edit]

Chính quyền nhà Tần là một bộ máy quan liêu, được quản lý bởi một hệ thống cấp bậc của các quan chức, tất cả đều phục vụ Thủy Hoàng Đế. Nhà Tần áp dụng những lời dạy trong cuốn Hàn Phi Tử. Tất cả các khía cạnh của cuộc sống đã được chuẩn hóa, từ các phép đo lường và ngôn ngữ đến những chi tiết thực tế hơn, chẳng hạn như chiều dài của trục xe.

Những vùng lãnh thổ do hoàng đế được giao cho các quan lại thay vì giới quý tộc như hồi trước. Tần Thủy Hoàng và các cận thần của mình đưa ra nhiều luật lệ mới, thay đổi chế độ phong kiến ​​ở Trung Quốc bằng một chính quyền tập trung, quan liêu. Hình thức chính quyền này được các triều đại sau này sử dụng để tham khảo cho cấu trúc chính quyền của họ. Dưới hệ thống này, cả quân đội và chính quyền đều phát triển mạnh vì những cá nhân tài năng có thể được dễ dàng xác định hơn. Tuy nhiên, có những trường hợp lạm dụng hệ thống này. Một viên chỉ huy đã ra lệnh cho người của mình tấn công nông dân nhằm cố gắng tăng số lượng "kẻ cướp" mà anh ta đã giết; cấp trên của anh ta cho phép điều này vì cũng muốn thổi phồng số liệu của mình.

Tần Thủy Hoàng cũng giúp cải thiện quân đội mạnh mẽ hơn, mặc dù nó vốn đã trải qua những cải cách sâu rộng. Quân đội nhà Tần đã sử dụng những vũ khí tối tân nhất thời bấy giờ. Việc phát minh ra kiếm trong thời Chiến Quốc là một bước tiến lớn. Thời đầu kiếm chủ yếu được làm bằng đồng, nhưng đến thế kỷ III TCN, nước Tần đã sử dụng thanh kiếm sắt mạnh mẽ hơn. Nỏ được ra đời vào thế kỷ V TCN và cho thấy là có độ mạnh và chính xác hơn cung thông thường. Nhà Tần cũng sử dụng những chiến xa được phát minh bởi nước Triệu trước đó vào năm 307 TCN.

Ngoài ra, Tần Thủy Hoàng cho xây dựng và kết nối thành hệ thống những bức tường thành lớn ở phương bắc để chống người Hung Nô, đặt nền móng cho Vạn Lý Trường Thành sau này. Ông còn cho xây dựng đội quân đất nung để canh gác mình khỏi những linh hồn xấu xa trong khu lăng mộ đồ sộ của mình.

Tín ngưỡng

[edit]

Tín ngưỡng phổ biến thời nhà Tần, và suốt những triều đại khác của Trung Hoa, là sự tin tưởng vào thần linh và âm giới. Người Trung Quốc thực hiện những nghi thức hiến tế động vật trong nỗ lực liên lạc với một thế giới khác mà họ tin là tồn tại song song với thế giới mình đang sống. Người chết được hiểu là chuyển dịch từ thế giới này sang thế giới bên kia. Những nghi thức được tạo ra nhằm đảm bảo cho cuộc du hành sang thế giới bên kia của linh hồn người đã khuất và mong họ sẽ ban phước lành cho mình từ thế giới đó.

Các hoạt động tín ngưỡng thường được tổ chức tại các đền thờ địa phương và các khu vực linh thiêng, trong đó có các bàn thờ tế lễ. Trong một buổi tế lễ hoặc nghi lễ khác, những giác quan của tất cả những người tham gia sẽ bị làm mờ đi bởi khói, nhang và âm nhạc. Người chủ trì việc hiến tế sẽ nhịn ăn và thiền định trước một sự hy sinh để làm mờ đi các giác quan của mình và tăng khả năng nhận thức các hiện tượng của thế giới bên kia. Những người tham gia khác cũng được yêu cầu tương tự mặc dù không nghiêm ngặt.

Làm mờ các giác quan là một yếu tố trong việc làm cầu nối linh hồn. Những người này sẽ rơi vào trạng thái hôn mê hoặc thực hiện các điệu nhảy để phô diễn sức mạnh siêu nhiên. Nhà sử học người Hán Tư Mã Thiên đã khinh miệt những thực hành như vậy, coi chúng là những mánh khóe lừa đảo.

Bói toán cũng là một hình thức tín ngưỡng phổ biến. Một tập tục cổ xưa ở thời nhà Tần bẻ xương hoặc đập vỡ mai rùa để dự báo về tương lai. Có nhiều hình thức bói toán khác nhau ở thời kỳ đầu này, mặc dù phổ biến vẫn là cách quan sát các hiện tượng tự nhiên. Sao chổi, nhật thực, và hạn hán được coi là điềm báo về những điều sắp xảy ra.