Công nghệ 8/Bản vẽ lắp

From Wikiversity

Nội dung của bản vẽ lắp[edit]

Bản vẽ lắp là tài liệu kĩ thuật chủ yếu dùng trong thiết kế, lắp ráp và sử dụng sản phẩm. Bản vẽ lắp diễn tả hình dạng, kết cấu của một sản phẩm và vị trí tương quan giữa các chi tiết máy của sản phẩm.[1]

Một bản vẽ lắp gồm:

  • Hình biểu diễn: gồm hình chiếu và hình cắt diễn tả hình dạng, kết cấu và vị trí các chi tiết máy của sản phẩm.
  • Kích thước: gồm kích thước chung của sản phẩm, kích thước lắp của các chi tiết.
  • Khung tên: gồm tên sản phẩm, tỉ lệ, kí hiệu bản vẽ, cơ sở thiết kế (sản xuất).[2]

Đọc bản vẽ lắp[edit]

Đọc bản vẽ lắp là thông qua các nội dung trình bày trên bản vẽ lắp để biết được hình dạng, kết cấu của sản phẩm và vị trí tương quan giữa các chi tiết của sản phẩm. Khi đọc, thường theo tình tự nhất định như bảng dưới:

Trình tự đọc bản vẽ lắp[3]
Trình tự đọc Nội dung cần hiểu
1. Khung tên
  • Tên gọi sản phẩm
  • Tỉ lệ bản vẽ
2. Bảng kê
  • Tên gọi chi tiết và số lượng chi tiết
3. Hình biểu diễn
  • Tên gọi hình chiếu, hình cắt
4. Kích thước
  • Kích thước chung
  • Kích thước lắp giữa các chi tiết
  • Kích thước xác định khoảng cách giữa các chi tiết
5. Phân tích chi tiết
  • Vị trí của các chi tiết
6. Tổng hợp
  • Trình tự tháo, lắp
  • Công dụng của sản phẩm
Chú ý:
  • Cho phép vẽ một phần hình cắt (hình cắt cục bộ) ở trên hình chiếu.
  • Kích thước chung: kích thước chiều dài, chiều cao và chiều rộng của sản phẩm.
  • Kích thước lắp: kích thước chung của hai chi tiết ghép với nhau (như đường kính của trục và lỗ, đường kính ren,...).
  • Vị trí của chi tiết: mỗi chi tiết được tô một màu để xác định vị trí của nó trên bản vẽ.
  • Trình tự tháo lắp: ghi số chi tiết theo trình tự tháo và lắp.[4]

Tham khảo[edit]

  1. SGK Công nghệ 8, NXB Giáo dục, tr. 41
  2. SGK Công nghệ 8, NXB Giáo dục, tr. 42
  3. SGK Công nghệ 8, NXB Giáo dục, tr. 42
  4. SGK Công nghệ 8, NXB Giáo dục, tr. 43