Lịch sử 7/Ấn Độ thời phong kiến

From Wikiversity

Những trang sử đầu tiên[edit]

Tên gọi đất nước Ấn Độ bắt nguồn từ tên một dòng sông, phát nguyên từ Tây Tạng, vượt qua dãy Hi-ma-lay-a rồi đổ ra biển A Ráp – đó là dòng sông Ấn.

Dọc theo hai bờ của sông Ấn, khoảng 2500 năm TCN, đã xuất hiện những thành thị của người Ấn, rồi sau đó, khoảng 1500 năm TCN, một số thành thị khác mới được hình thành trên lưu vực sông Hằng ở miền Đông Bắc Ân. Những thành thị – tiểu vương quốc này dần dần liên kết với nhau thành một nhà nước rộng lớn – nước Ma-ga-đa ở vùng hạ lưu sông Hằng. Sự ra đời và truyền bá của đạo Phật vào thế kỉ VI TCN đã có một vai trò quan trọng trong quá trình thống nhất đó.

Đến cuối thế kỉ III TCN, A-sô-ca – một ông vua kiệt xuất sùng đạo Phật, đã mở mang bờ cõi xuống Nam Ấn và đưa đất nước Ma-ga-đa trở nên hùng mạnh.

Nhưng từ sau thế kỉ in TCN trở đi, Ấn Độ lại bị chia thành nhiều quốc gia nhỏ. Tình trạng phân tán, loạn lạc đó kéo dài cho tới đầu thế kỉ IV, khi Ấn Độ được thống nhất lại dưới Vương triều Gúp-ta.

Ấn Độ thời phong kiến[edit]

Thời kì Vương triều Gúp-ta là thời kì thống nhất, phục hưng và phát triển của miền Bắc Ấn Độ cả về mặt kinh tế – xã hội và văn hoá. Vào thời gian này, người Ấn Độ đã biết sử dụng rộng rãi công cụ bằng sắt.

Nhưng thời kì hưng thịnh của Vương triều Gúp-ta chỉ kéo dài đến giữa thế kỉ V và đến đầu thế kỉ VI thì bị diệt vong. Từ đó, Ấn Độ luôn bị người nước ngoài xâm lược và thống trị.

Đến thế kỉ XII, người Thổ Nhĩ Kì theo đạo Hồi đã thôn tính miền Bắc Ấn và lập nên Vương triều Hồi giáo Đê-li (thế kỉ XII – XVI). Các quý tộc Hồi giáo vừa ra sức chiếm đoạt ruộng đất của người Ấn, vừa thi hành việc cấm đoán nghiệt ngã đạo Hin-đu, làm cho mâu thuẫn dân tộc trở nên căng thẳng.

Đầu thế kỉ XVI, người Mông cổ đã tấn công Ấn Độ, lật đổ Vương triều Hồi giáo và lập nên Vương triều Ấn Độ Mô-gôn. Ông vua kiệt xuất của triều Mô-gôn là A-cơ-ba (1556 – 1605) đã thực thi nhiều biện pháp nhằm xóa bỏ sự kì thị tôn giáo, thủ tiêu đặc quyền Hồi giáo, khôi phục kinh tế và phát triển văn hoá Ấn Độ.

Vương triều Mô-gôn tồn tại đến giữa thế kỉ XIX thì bị thực dân Anh đến xâm lược, lật đổ. Từ đó, Ấn Độ trở thành thuộc địa của nước Anh.

Văn hoá Ấn Độ thời phong kiến[edit]

Ấn Độ là nước có nền văn hoá lâu đời và là một trong những trung tâm văn minh lớn của loài người.

Người Ấn Độ đã có chữ viết riêng của mình từ rất sớm, phổ biến nhất là chữ Phạn. Chữ Phạn đã trở thành ngôn ngữ-văn tự để sáng tác các tác phẩm văn học, thơ ca, các bộ kinh "khổng lồ", đồng thời là nguồn gốc của ngôn ngữ và chữ viết Hin-đu thông dụng hiện nay ở Ân Độ.

Kinh Vê-đa được viết bằng chữ Phạn là bộ kinh cầu nguyện xưa nhất của đạo Bà La Môn và đạo Hin-đu – một tôn giáo phổ biến ở Ấn Độ hiện nay.

Gắn liền với đạo Hin-đu, nền văn học Hin-đu với các giáo lí, chính luận, luật pháp, sử thi, kịch thơ,... đã có ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống xã hội Ấn Độ.

Nghệ thuật kiến trúc Ấn Độ cũng chịu ảnh hưởng sâu sắc của các tôn giáo. Kiến trúc Hin-đu với những đền thờ hình tháp nhọn nhiều tầng, được trang trí tỉ mỉ bằng các phù điêu; kiến trúc Phật giáo với những ngôi chùa xây bằng đá hoặc khoét sâu vào vách núi, những tháp có mái tròn như chiếc bát úp. Những công trình kiến trúc độc đáo như thế đến nay vẫn còn được lưu giữ không chỉ ở Ấn Độ mà cả ở nhiều nước Đông Nam Á.

Tham khảo[edit]

  • SGK Lịch sử 7, NXB Giáo dục Việt Nam, 2019.