Lịch sử 7/Các quốc gia phong kiến Đông Nam Á

From Wikiversity

Sự hình thành các vương quốc cổ ở Đông Nam Á[edit]

Đông Nam Á là một khu vực khá rộng, ngày nay gồm 11 nước: Việt Nam, Lào, Cam-pu-chia, Thái Lan, Mi-an-ma, Ma-lai-xi-a, Xin-ga-po, In-đô-nê-xi-a, Phi-lip-pin, Bru-nây và Đông Ti-mo. Các nước này cùng có một nét chung về điều kiện tự nhiên, đó là đều chịu ảnh hưởng chủ yếu của gió mùa, tạo nên hai mùa tương đối rõ rệt: mùa khô lạnh, mát và mùa mưa tương đối nóng. Gió mùa kèm theo mưa rất thích hợp cho sự phát triển của cây lúa nước. Vì thế, cư dân Đông Nam Á từ xa xưa đã biết trồng lúa và nhiều loại cây ăn củ, ăn quả khác.

Ngay từ thời đại đồ đá, người ta đã tìm thấy dấu vết cư trú của con người ở hầu khắp các nước Đông Nam Á. Đến những thế kỉ đầu Công nguyên, cư dân Đông Nam Á đã biết sử dụng rộng rãi đồ sắt. Cũng chính vào thời điểm này, các quốc gia đầu tiên ở Đông Nam Á bắt đầu xuất hiện.

Sự hình thành và phát triển các quốc gia phong kiến Đông Nam Á[edit]

Từ khoảng nửa sau thế kỉ X đến đầu thế kỉ XVIII là thời kì phát triển thịnh vượng của các quốc gia phong kiến ở Đông Nam Á.

Cũng trong thế kỉ XIII, do sự tấn công của người Mông cổ một bộ phận người Thái, vốn sinh sống ở thượng nguồn sông Mê Công, đã di cư ồ ạt xuống phía nam, định cư ở lưu vực sông Mê Nam và lập nên Vương quốc Su-khô-thay, tiền thân của nước Thái Lan sau này. Một bộ phận khác định cư ở vùng trung lưu sông Mê Công, lập nên Vương quốc Lan Xang (Lào) vào giữa thế kỉ XV.

Từ nửa sau thế kỉ XVIII, các quốc gia phong kiến Đông Nam Á bước vào thời kì suy yếu, mặc dù xã hội phong kiến vẫn tiếp tục tồn tại cho tới khi trở thành thuộc địa của chủ nghĩa tư bản phương Tây.

Vương quốc Cam-pu-chia[edit]

Cam-pu-chia là một trong những nước có lịch sử lâu đời và phát triển nhất ở Đông Nam Á thời cổ – trung đại.

Thời tiền sử, trên đất Cam-pu-chia ngày nay đã có một bộ phận cư dân cổ Đông Nam Á sinh sống. Tiếp đó, trong quá trình xuất hiện nhà nước, tộc người Khơ-me được hình thành. Người Khơ-me giỏi săn bắn, quen đào ao, đắp hồ trữ nước. Họ đã tiếp xúc với văn hoá Ấn Độ, biết khắc bia bằng chữ Phạn. Đến thế kỉ VI, vương quốc của người Khơ-me hình thành, được gọi là Chân Lạp.

Thời kì phát triển của Vương quốc Cam-pu-chia kéo dài từ thế kỉ IX đến thế kỉ XV, còn gọi là thời kì Ăng-co.

Sau thời kì Ăng-co, Cam-pu-chia bước vào giai đoạn suy yếu kéo dài tới khi thực dân Pháp xâm lược vào năm 1863.

Vương quốc Lào[edit]

Cũng như nhiều nước ở khu vực Đông Nam Á, con người đã sinh sống từ lâu trên đất Lào, mà chủ nhân đầu tiên là người Lào Thơng. Chính người Lào Thơng đã sáng tạo ra những chum đá khổng lồ hiện nay còn nằm rải rác trên cánh đồng Chum (Xiêng Khoảng).

Mãi đến thế kỉ XIII mới có một nhóm người Thái di cư đến đất Lào, gọi là người Lào Lùm. Lúc đầu, các bộ tộc người Lào sống trong các mường cổ, chủ yếu bằng trồng lúa nương, săn bắn và làm một số nghề thủ công. Năm 1353, một tộc trưởng người Lào là Pha Ngừm đã tập hợp và thống nhất các bộ lạc, lập nước riêng, gọi tên là Lan Xang (nghĩa là triệu voi).

Vương quốc Lan Xang bước vào giai đoạn thịnh vượng ở các thế kỉ XV – XVII.

Sang thế kỉ XVIII, Lan Xang suy yếu dần vì những cuộc tranh chấp ngôi vua trong hoàng tộc. Vương quốc Xiêm nhân cơ hội này đã xâm chiếm và cai trị nước Lào. Tình trạng đó kéo dài đến khi thực dân Pháp xâm lược và biến Lào thành thuộc địa (cuối thế kỉ XIX).

Tham khảo[edit]

  • SGK Lịch sử 7, NXB Giáo dục Việt Nam, 2019.