Jump to content

Lịch sử 9/Phong trào cách mạng trong những năm 1930 – 1935

From Wikiversity

Việt Nam trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế thế giới (1929 – 1933)

[edit]

– Cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới (1929 – 1933) là cuộc khủng hoảng thừa từ các nước tư bản lan sang các nước thuộc địa.

+ Kinh tế: nền kinh tế Việt Nam, vốn đã phụ thuộc hoàn toàn vào kinh tế Pháp nên gánh thêm hậu quả nặng nề của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới (1929 – 1933), kinh tế suy sụp.

+ Xã hội: nhân dân lao động, trước tiên là công nhân và nông dân, chịu nhiều tai họa nhất. Số công nhân mất việc ngày càng tăng, số còn lại thì tiền lương giảm đáng kể, nông dân tiếp tục bần cùng hóa, bị mất đất đai, chịu sưu thuế ngày càng tăng, các tầng lớp khác cũng lâm vào tình cảnh điêu đứng.

+ Chính trị: nhất là từ sau khởi nghĩa Yên Bái thất bại, đế quốc Pháp đẩy mạnh chiến dịch đàn áp, khủng bố hòng dập tắt phong trào cách mạng của quần chúng.

– Tác động của khủng hoảng cùng với chính sách khủng bố trắng của đế quốc Pháp càng nung nấu lòng căm thù chúng, nâng cao tinh thần cách mạng của nhân dân ta.

– Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, kịp thời lãnh đạo giai cấp công nhân, nhân dân lao động cả nước đứng lên đấu tranh chống đế quốc Pháp và phong kiến tay sai giành độc lập tự do.

Phong trào cách mạng 1930 – 1931 với đỉnh cao là Xô viết Nghệ Tĩnh

[edit]

Phong trào trên toàn quốc

[edit]

– Sau khởi nghĩa Yên Bái của Việt Nam Quốc dân Đảng (9/2/1930) là phong trào đấu tranh của quần chúng, do Đảng Cộng Sản lãnh đạo, bùng lên mạnh mẽ khắp ba miền Bắc – Trung – Nam, nổi lên là phong trào của công nhân và nông dân.

– Tiêu biểu là ngày 1/5/1930, dưới sự lãnh đạo của Đảng, công nhân và nông dân cả nước đã tổ chức kỷ niệm ngày Quốc tế lao động dưới nhiều hình thức để biểu dương lực lượng và tỏ rõ sự đoàn kết với vô sản thế giới.

Phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh

[edit]

– Nghệ Tĩnh là nơi phong trào phát triển mạnh mẽ nhất. Mở đầu là cuộc đấu tranh ngày Quốc tế lao động 1/5/1930.

– Phong trào phát triển lên bước mới với cuộc tổng bãi công của toàn thể công nhân khu công nghiệp Vinh – Bến Thủy nhân ngày Quốc tế chống chiến tranh đế quốc 1/8/1930. Cuộc tổng bãi công đánh dấu “một thời kỳ mới, thời kỳ đấu tranh kịch liệt đã đến”.

– Từ sau ngày 1/5 đến tháng 9/1930, ở nhiều vùng nông thôn thuộc hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh nổ ra hàng loạt cuộc đấu tranh quy mô lớn của nông dân dưới hình thức biểu tình có vũ trang tự vệ.

– Phong trào phát triển tới đỉnh cao trong tháng 9/1930. Phong trào quần chúng tập hợp dưới khẩu hiệu chính trị kết hợp với khẩu hiệu kinh tế diễn ra dưới hình thức đấu tranh chính trị kết hợp với đấu tranh vũ trang tự vệ, tiến công vào cơ quan chính quyền địch ở địa phương.

– Ngày 12/9/1930: hai vạn nông dân ở Hưng Nguyên (Nghệ An) đã biểu tình phản đối chính sách khủng bố của Pháp và tay sai.

– Trong suốt hai tháng 9 và 10/1930, nông dân ở Nghệ – Tĩnh đã vũ trang khởi nghĩa, công nhân đã phối hợp với nông dân, phản đối chính sách khủng bố của địch. Hệ thống chính quyền của đế quốc, phong kiến ở nhiều nơi tan rã.

– Để thay thế chính quyền cũ, dưới sự lãnh đạo của cách chi bộ Đảng, các Ban Chấp hành nông hội xã đứng ra quản lý mọi mặt đời sống chính trị và xã hội ở nông thôn. Đây là một hình thức chính quyền nhân dân theo kiểu Xô Viết.

– Chính quyền Xô viết ở các làng xã đã thực hiện một số chính sách: Bãi bỏ sưu thuế, mở lớp học chữ Quốc ngữ, thành lập Nông hội, Công hội, hội Phụ nữ giải phóng. Mỗi làng có đội tự vệ vũ trang,…

– Xô viết Nghệ Tĩnh diễn ra được 4 – 5 tháng thì bị đế quốc phong kiến tay sai đàn áp. Từ giữa năm 1931, phong trào tạm thời lắng xuống.

Ý nghĩa của phong trào

[edit]

– Lần đầu tiên, liên minh công nông được thiết lập để chống đế quốc, phong kiến và giáng một đòn mạnh vào nền thống trị của đế quốc phong kiến.

– Chứng tỏ sức mạnh của công nhân và nông dân dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, có khả năng đánh đổ chính quyền của thực dân phong kiến, xây dựng xã hội mới.

– Đây là cuộc tổng diễn tập đầu tiên của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng để chuẩn bị cho Cách mạng Tháng Tám.

* Chính quyền Xô Viết Nghệ – Tĩnh là chính quyền cách mạng của quần chúng dưới sự lãnh đạo của Đảng

– Quản lý chính quyền: ban chấp hành nông hội xã do chi bộ Đảng lãnh đạo quản lý mọi mặt ở nông thôn.

– Hình thức chính quyền: theo kiểu Xô viết.

– Các chính sách của chính quyền Xô viết.

+ Kinh tế: chia lại ruộng đất công, giảm tô, xóa nợ, bãi bỏ thuế của đế quốc, phong kiến.

+ Xã hội: khuyến khích học chữ quốc ngữ, bài trừ mê tín dị đoan, giáo dục ý thức chính trị cho nhân dân .

+ Quân sự: tổ chức các đội tự vệ vũ trang.

+ Chính trị: thực hiện quyền tự do dân chủ, các tổ chức quần chúng phát triển mạng.

* Nhược điểm: chưa lập bộ máy chính quyền hoàn chỉnh , chưa triệt để giải quyết ruộng đất cho nông dân .

– Hoảng sợ trước phong trào đấu tranh của quần chúng, Pháp đã đàn áp đẫm máu cuộc biểu tình của nông dân Hưng Nguyên ngày 12-9-1930, bắt và giết nhiều đảng viên. Phong trào cách mạng bị Pháp dập tắt trong máu lửa.

– Tuy thất bại nhưng phong trào cách mạng 1930 – 1931 với đỉnh cao Xô viết Nghệ – Tĩnh có ý nghĩa to lớn, chứng tỏ tinh thần oanh liệt và năng lực cách mạng của nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Tham khảo

[edit]
  • SGK Lịch sử 9 – NXB Giáo dục Việt Nam, tái bản lần thứ mười lăm.