Lịch sử 9/Việt Nam trong những năm 1939 – 1945
Tình hình thế giới và Đông Dương
[edit]Hoàn cảnh lịch sử
[edit]– Cuộc chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ và ngày càng lan rộng, ngày 01/9/1939, phát xít Đức tấn công Ba Lan. Hai ngày sau, Anh, Pháp tuyên chiến với Đức. Tháng 6/1940, nước Pháp bị phát xít Đức chiếm đóng, Chính phủ phản động Pê-tanh lên cầm quyền. Tháng 6/1941, Đức tấn công Liên Xô, tính chất chiến tranh thay đổi. Ở châu Á – Thái Bình Dương, Nhật mở rộng xâm lược Trung Quốc, tiến sát biên giới Việt – Trung. Tháng 9/1940, Nhật vào Đông Dương.
– Ở Đông Dương, thế lực phản động thuộc địa ngóc đầu dậy, thủ tiêu các quyền tự do, dân chủ, thi hành chính sách “kinh tế chỉ huy”. Khi Nhật vào Đông Dương, Pháp đầu hàng Nhật và câu kết với Nhật để thống trị và bóc lột nhân dân Đông Dương, làm cho nhân dân Đông Dương phải chịu hai tầng áp bức.
Mâu thuẫn giữa toàn thể dân tộc Việt Nam với đế quốc xâm lược và tay sai phát triển vô cùng gay gắt. Nhiệm vụ giải phóng dân tộc được đặt ra cấp thiết.
Chủ trương của Đảng
[edit]– Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản tháng 11/1939:
+ Đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu; tạm gác khẩu hiệu cách mạng ruộng đất và đề ra khẩu hiệu tịch thu ruộng đất của đế quốc và địa chủ phản bội quyền lợi dân tộc; chống tô cao, lãi nặng; thay khẩu hiệu lập chính quyền Xô viết công – nông – binh bằng khẩu hiệu lập Chính phủ dân chủ cộng hòa.
+ Phương pháp đấu tranh: chuyển từ đấu tranh đòi dân sinh dân chủ sang đấu tranh trực tiếp đánh đổ chính quyền của đế quốc và tay sai; từ hoạt động hợp pháp, nửa hợp pháp sang hoạt động bí mật, bất hợp pháp.
+ Thành lập Mặt trận Thống nhất dân tộc Phản đế Đông Dương thay cho Mặt trận Dân chủ Đông Dương, nhằm tập hợp mọi lực lượng dân tộc chống đế quốc.
+ Ý nghĩa: đánh dấu sự chuyển hướng quan trọng, giương cao ngọn cờ giải phóng dân tộc, đưa nhân dân bước vào giai đoạn trực tiếp vận động cứu nước.
– Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (tháng 5/1941) do Nguyễn Ái Quốc chủ trì:
+ Giải quyết mối quan hệ giữa hai nhiệm vụ độc lập dân tộc và cách mạng ruộng đất, đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu và nhấn mạnh là nhiệm vụ “bức thiết nhất”; tiếp tục tạm gác khẩu hiệu cách mạng ruộng đất, chỉ thực hiện khẩu hiệu “giảm tô”, “giảm tức”, chia lại ruộng công.
+ Quyết định thành lập ở mỗi nước Đông Dương một mặt trận riêng. Việt Nam độc lập đồng minh (Việt Minh) là mặt trận đoàn kết dân tộc của Việt Nam, không phân biệt giai cấp, tầng lớp, dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng.
+ Đề ra chủ trương khởi nghĩa vũ trang, coi chuẩn bị khởi nghĩa là nhiệm vụ trung tâm của toàn Đảng, toàn dân; chỉ rõ một cuộc tổng khởi nghĩa bùng nổ và thắng lợi phải có đủ điều kiện chủ quan, kháng quan và phải nổ ra khi có thời cơ đến được đặc biệt coi trọng; đi từ khởi nghĩa từng phần lên tổng khởi nghĩa.
– Ý nghĩa:
+ Hoàn chỉnh chủ trương chiến lược giải phóng dân tộc được đề ra tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng tháng 11/1939.
+ Khẳng định lại đường lối cách mạng giải phóng dân tộc đúng đắn trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng, đồng thời khắc phục triệt để những hạn chế của Luận cương chính trị tháng 10/1930.
+ Là sự chuẩn bị về đường lối và phương pháp cách mạng cho thắng lợi của tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945.
Những cuộc nổi dậy đầu tiên
[edit]Khởi nghĩa Bắc Sơn (27-9-1940)
[edit]Nguyên nhân
– 23/9/1940: Nhật đánh Lạng Sơn, Pháp thua, chạy qua châu Bắc Sơn.
– Nhân cơ hội đó, nhân dân Bắc Sơn dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ địa phương đã nổi dậy.
Diễn biến
– 27/9/1940: Nhân dân Bắc Sơn dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ địa phương đã tước khí giới của quân Pháp.
– Quân khởi nghĩa tiến đánh Mỏ Nhài, Bình Gia giải tán chính quyền phản động, tổ chức bảo vệ an ninh, trật tự trong vùng, tiếp đó quân khởi nghĩa chiếm đánh Vũ Lăng.
– Nhật – Pháp thỏa hiệp, Pháp tập trung lực lượng đàn áp nhân dân Bắc Sơn rất dã man (dồn dân, bắt giết cán bộ, đốt phá nhà cửa).
Kết quả: do khởi nghĩa xuất hiện tại địa phương nên Pháp có điều kiện tập trung đàn áp. Tuy thất bại nhưng khởi nghĩa Bắc Sơn đã duy trì một phần lực lượng đó là đội du kích Bắc Sơn, trở thành lực lượng vũ trang nòng cốt của Đảng.
Khởi nghĩa Nam Kỳ (23-11-1940)
[edit]Nguyên nhân
– Binh lính người Việt Nam trong quân đội Pháp bất mãn vì bị Pháp điều đi biên giới Lào – Campuchia để chống Thái Lan – Phong trào phản kháng của binh lính lan rộng, nhân dân cũng sẵn sàng nổi dậy.
– Tình thế rất cấp bách, Đảng bộ Nam Kỳ quyết định khởi nghĩa tuy chưa có sự đồng ý của Trung ương Đảng.
* Diễn biến
– Trước ngày khởi nghĩa, kế hoạch bị lộ, thực dân Pháp tước vũ khí của binh lính người Việt, ra lệnh giới nghiêm và bủa lưới vây bắt các chiến sĩ cách mạng.
– Đêm 22 rạng 23/11/1940, khởi nghĩa vẫn bùng nổ khắp các tỉnh Nam Kỳ. Nhiều nơi lập được chính quyền cách mạng (Mỹ Tho, Vĩnh Long, Gia Định). Cờ đỏ sao vàng đã lần đầu tiên xuất hiện trong cuộc khởi nghĩa này.
– Pháp tập trung lực lượng, đàn áp dã man: ném bom, bắn phá nhiều làng mạc, đốt nhà, cướp của , tàn sát nhân dân, xử bắn nhiều Đảng viên: Nguyễn Văn Cừ, Nguyễn Thị Minh Khai,...
– Pháp dìm nhân dân ta trong biển máu. Đảng bị tổn thất nặng, một số cán bộ và nghĩa quân rút vào rừng chờ cơ hội hoạt động trở lại.
Tham khảo
[edit]- SGK Lịch sử 9, NXB Giáo dục Việt Nam, tái bản lần thứ mười lăm.